Điện thoại Trung Quốc tự động gởi thông tin người dùng về Bắc Kinh
Chuyện này đã được cả thế giới cảnh báo từ lâu. Theo đó, từ các mẫu smartphone bình dân giá rẻ cho đến các mẫu cao cấp, điện thoại Trung Quốc có truyền thống lấy dữ liệu người dùng trên khắp thế giới để gửi về cho nhà sản xuất ở Trung Quốc.
Như thường lệ, chính quyền Việt Nam chọn cách im lặng trước những “tin đồn” có căn cứ xác đáng này. Tuy nhiên, sáng ngày 3 Tháng Ba, công an TP.HCM đã làm một chuyện ngoại lệ trong buổi họp kinh tế – xã hội của thành phố.
Trong buổi họp này, Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM cho biết cơ quan chức năng vừa phát hiện điện thoại thông minh từ các thương hiệu sản xuất của Trung Quốc tự động gửi thông tin cá nhân người dùng cho các nhà mạng tại Trung Quốc.
Thông tin này ngay lập tức gây xôn xao dư luận. Trên mạng xã hội, người ta bàn về chuyện phải từ bỏ ngay những chiếc điện thoại “rẻ tiền nhưng chụp hình đẹp” mang các nhãn hiệu của Trung quốc như Xiaomi, Huawei, Tecno, hay ZTE… nếu không muốn “rước giặc vào nhà”.
Một độc giả cảnh báo “bà con cẩn thận, lộ hết dữ liệu cá nhân, kể cả tài khoản ngân hàng là coi như hết đời. Ít tiền thì cũng chỉ nên dùng Samsung, iPhone đời cũ, rẻ tiền nhưng dùng vẫn rất tốt. Đừng mê tính năng chụp hình ảo của các điện thoại Trung Quốc mà dính bẫy”.
Ngoài việc cảnh báo về điện thoại có xuất xứ từ Trung Quốc, dư luận còn cảnh báo người dùng không nên sử dụng các thiết bị điện tử, ứng dụng khác “có nguồn gốc Tàu cộng”, kể cả Zalo (mạng xã hội của Trung Quốc có rất nhiều người dùng tại Việt Nam), vì “cực kỳ nguy hiểm”.
Vài năm trước, tờ New York Times đưa tin chỉ với một chiếc điện thoại ‘made in China’ giá $50, tất cả tin nhắn của người dùng sẽ được gửi về Trung Quốc sau mỗi 72 tiếng đồng hồ. Một nhà sản xuất của Mỹ cho biết, có hơn 120,000 chiếc điện thoại của khách hàng đã bị ảnh hưởng, và phải tiến hành cập nhật nhu liệu để loại bỏ tính năng ‘ẩn’ đó. Các điện thoại thu thập thông tin người dùng này có cả Huawei và ZTE
Thời gian sau, nhà cung cấp dịch vụ bảo mật Secure-D lại phát hiện ra một trường hợp khác nghiêm trọng hơn. Theo Secure-D, những chiếc smartphone của hãng Tecno ở Thâm Quyến (Trung Quốc) đã cài sẵn ứng dụng gián điệp lên máy (pre-install).
Ngoài điện thoại, các ứng dụng (app) Trung Quốc cũng có nhiều tai tiếng trong việc thu thập dữ liệu người dùng, mà nổi cộm trong số đó là các ứng dụng của Cheetah Mobile ở Bắc Kinh (Trung Quốc) phát triển với hơn 1 tỷ lượt tải về trên Google Play Store.
Do đó, người dùng cần hết sức thận trọng khi sử dụng điện thoại Trung Quốc và đồng ý cấp quyền truy cập cho các ứng dụng của Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét