Chuyện tôi làm trái ngành, trái nghề
18-7-2022
Tôi có thể khẳng định ngay rằng: Phàm đã là lãnh đạo thì ở nhiều mức độ khác nhau sẽ phải làm trái ngành, trái nghề, nói chính xác hơn là phải làm những việc mà mình chưa được đào tạo trong trường, lãnh đạo càng cao càng như vậy.
Tôi vốn học đào tạo tại Học viện An ninh nhân dân (ANND), chuyên ngành phản gián. Ra trường, ở lại trường, nghiên cứu và giảng dạy đúng chuyên ngành đó. Về địa phương, cho đến khi làm phó phòng tham mưu an ninh, thì vẫn có thể nói là làm đúng ngành, đúng nghề, mặc dù đã có những công việc mình chưa hề được học. Khi lên làm trưởng phòng tham mưu, thì phần mình đã học chỉ chiếm khoảng 1/4 những thứ mình phải làm, vì mình phải lãnh đạo và trực tiếp tham mưu cả những vấn đề của lực lượng cảnh sát, rồi hậu cần, xây dựng lực lượng, thậm chí cả các lĩnh vực có hàm lượng khoa học kĩ thuật cao, như viễn thông, cơ yếu, công nghệ thông tin… Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ là trong ngành công an, trái nghề thì có thể, nhưng trái ngành thì có lẽ chưa.
Nhưng, đến 2001, tôi được luân chuyển vào chức Phó bí thư thường trực Thành ủy Vinh, thì rõ ràng công việc đòi hỏi phải có kiến thức toàn diện hơn, đến mức cái bằng đại học hầu như chỉ là một “chứng cứ” là mình có học đại học mà thôi. Mặc dù trước đó đã có phông kiến thức không đến nỗi, nhưng vẫn phải học rất nhiều.
Tôi nhớ việc đầu tiên trên cương vị mới của mình là phải phát biểu trong một cuộc họp tổng kết về công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tất nhiên là đơn vị chuyên môn như thường lệ đã gửi báo cáo và một dự thảo phát biểu cho lãnh đạo. Tôi đọc báo cáo và xem qua dự thảo bài phát biểu. Nếu mình đến dự, chẳng cần suy nghĩ chi nhiều, đến lượt thì cầm bài có sẵn đó lên đọc cho… suôn thì cũng chẳng sao, đặc biệt rất chi là… an toàn. Tôi đã không làm thế, mà tham khảo thêm một số tài liệu về tâm lý học giáo dục, các văn bản pháp luật về công tác liên quan, gọi điện trao đổi thêm với một số người có kinh nghiệm… Đến cuộc họp, tôi chú ý lắng nghe và từ diễn biến cuộc họp, tự soạn cho mình một đề cương, mang những thông tin và hơi thở của chính cuộc họp đó, để phát biểu.
Rồi đến một hội nghị của Ngân hàng Nông nghiệp. Nhận được báo cáo, sau khi đọc kĩ, tôi đã mời một ông bạn vong niên là phó GĐ ngân hàng Công thương đến nhà nói chuyện một buổi tối, trong đó có bình luận về bản báo cáo đó, cũng như những vấn đề khác của ngành ngân hàng và ngân hàng nông nghiệp. Với sự chuẩn bị như vậy tôi khá tự tin khi phải “phát biểu chỉ đạo” ở những diễn đàn như vậy.
Thế nhưng, có những lĩnh vực mà then chốt không phải nằm ở văn bản, giấy tờ, mà đòi hỏi mình phải xâm nhập và trải nghiệm. Hồi mới về Thành ủy Vinh, nghe nói, rồi họp bàn rất nhiều về những khó khăn trong quản lý giết mổ gia súc (lợn, trâu, bò) tập trung tại các lò mổ. Thấy rằng cứ họp thế này cũng chẳng giải quyết được, tôi đã cùng trưởng phòng kinh tế mấy hôm liền, cứ 3-4 giờ sáng thì mò đến các lò giết mổ ở Nghi Phú, Vinh Tân, Bến Thủy để “vi hành”. Tất nhiên, mình đến đó không phải để học chọc tiết, cạo lông, hay làm lòng: “Làm lợn, lấm láp là lúc làm lông/ Lâu la là lúc làm lòng/ Lân la liếm láp là lục luộc”. Đến đó qua quan sát, hỏi chuyện sẽ thấy ra những vấn đề về quản lý, để điều chỉnh về mục tiêu, về quy trình quản lý, về nhu cầu đầu tư và khả năng “xã hội hóa” đầu tư vào lĩnh vực này.
Cứ vậy, cứ vậy, theo phương châm vừa bồi bổ phông kiến thức nền, vừa “đụng đâu học đấy”, bản thân mình sẽ không ngại khi đụng đến những lĩnh vực mới.
Cũng trong thời gian ở Thành ủy Vinh, tôi cũng có nhiều cơ hội làm việc và hiểu công việc của ngành Y tế và các bệnh viện, vì tổ chức đảng của các cơ sở y tế đóng trên địa bàn thành phố, khi đó đều thuộc phạm vi quản lý của Thành ủy Vinh. Thời kì này, tôi đã “sát cánh” với Giám đốc Sở Y tế, để cùng xử lý các “điểm nóng” trong ngành.
Một lần, khi bàn mãi về phương án nhân sự cho một bệnh viện mà chưa ổn, vì đưa ai lên cũng sợ “anh em khoa khác không phục”, tôi nửa đùa, nửa thật: “Hay là chị đưa tôi về làm giám đốc bệnh viện này đi?”. Giám đốc sở cười: “Anh thì có chuyên môn chi về y mà làm giám đốc bệnh viện?”. “Ơ, thế chị không thấy mấy bệnh viện tư có bệnh viện mô có bác sỹ làm giám đốc đâu? Chính vì không có chuyên môn, cho nên sẽ không ai chê tôi chuyên môn kém cả. Và, vì không có chuyên môn nên tôi sẽ chuyên tâm lo quản lý, ko lo chi chuyện kê đơn, bốc thuốc, đỡ đẻ hay mổ xẻ cả”.
Tất nhiên là không ai đưa tôi về làm giám đốc bệnh viện, nhưng nếu điều đó xẩy ra, thì chắc chắn là tôi cũng sẽ phải vừa làm, vừa học. Tôi sẽ không học để bắt mạch, kê đơn, mổ xẻ được, vì cũng không thể, nhưng tôi sẽ học theo kiểu học “giết mổ gia súc” đã nói ở trên.
Nghe nói Quyền Bộ trưởng Y tế cũng có ý tiếc là trước không học ngành y, đồng thời hình như cũng nói là sẽ đi học. Tôi chân thành khuyên bà rằng, có đi học thì cũng nên học theo kiểu “giết mổ gia súc” của tôi, đừng học như một sinh viên y khoa thực thụ. Khi mỗi bộ phận trên cơ thể con người gần như là một ngành khoa học, thì để học hiểu thôi, chưa nói thành thạo về chuyên môn, mỗi người cũng cần đến khoảng hai… trăm năm. Khi đó thì bộ trưởng bộ Y đừng mơ đến chuyện thành thạo hết mọi chuyên khoa. Bà hãy quản lý ngành theo kiểu người ta cầm một chùm nho. Cứ nắm lấy cái cuống mà nhấc nó lên, đừng nắm từng quả.
Chuyện trái ngành trái nghề của tôi còn tiếp tục mấy tập nữa, khi chuyển sang Sở Khoa học và Công nghệ và nay về hưu, lại tiếp tục chuyển sang lĩnh vực nghiên cứu lịch sử. Nhưng, có thể nói như thế này: Nếu có một tư chất khá và một phông kiến thức nền không đến nỗi, lại chịu khó học bằng nhiều cách, thì chuyện làm việc trái ngành, trái nghề cũng không phải là bất khả thi, nhất là đối với lãnh đạo.
Tuy nhiên, những điều tôi nói trên đây là để “LÀM ĐƯỢC” lãnh đạo, còn cái quan trọng hơn ở ta là làm thế nào để “ĐƯỢC LÀM” lãnh đạo thì tôi… chịu! (Cái này bà Quyền Bộ trưởng chắc chắn đã rất giỏi rồi!)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét