Điểm phim “Honecker và ông mục sư” (Phần 2): Ảo tưởng và hiện thực
28-7-2022
Tiếp theo Phần 1: Số phận
Honecker không phải là kẻ độc tài (dictator) như Stalin, Putin, Tập Cận Bình hay Ceaucescu. Những kẻ này đòi cầm quyền suốt đời và sẵn sàng xé cả hiến pháp, sắn sàng tắm máu để giữ quyền lực. Liên Xô đã vật vã sau cái chết của Stalin, cuộc đời của Ceaucescu kết thúc một cách đẫm máu. Cái kết của Putin và Tập Cận Bình có thể sẽ không êm đẹp hơn của mọi độc tài khác.
Honecker là nhà chuyên chế (autocrat) nên vẫn bị hạ bệ bởi tập thể bộ chính trị. Làn sóng phẫn nộ của người dân những tuần đầu tháng 10.1089, nhân kỷ niệm 40 năm quốc khánh CHDC Đức đã khiến bộ chính trị SED lo sợ một sự đổ vỡ đẫm máu. Họ nhìn thấy ở Honecker một vật cản cho quan hệ với Liên Xô, vì Honecker luôn phê phán chính sách Perestroika, Glasnost của Gorbachev. Một âm mưu lật đổ được chuẩn bị bởi người kế tục của Honecker là Egon Krenz và trùm STASI Erik Mielke. Ngày 17.10.1989, tại phiên họp bất thường của bộ chính trị, Honecker bị ép phải đồng ý từ chức, như ông đã làm với Ulbricht, người thầy của mình 18 năm trước.
Ba tuần sau, ngày 9.11.89 bức tường Berlin bị xóa bỏ.
Sau ngày đó, tuy đảng SED vẫn cầm quyền ở CHDC Đức, nhưng vai trò kiểm soát của nhân dân trong quốc hội đã tăng lên đáng kể. Cơ quan “Cục An ninh Quốc gia” (Amt für Nationale Sicherheit AfNS) được lập ra để thay thế Bộ An ninh Quốc gia (STASI). Những thay đổi này đã cho phép viện viện kiểm sát CHDC Đức tố cáo nhiều quan chức cao cấp của đảng SED, trong đó có ông bà Honecker, về tội tham nhũng và lạm quyền.
Làng Wandlitz ở quận Bernau, bắc Berlin, từng được coi như khu cấm thành. Đây là nơi ở dành riêng cho bộ chính trị đảng SED, không con muỗi nào chui lọt qua. Trong này có tất cả, từ bể bơi nước nóng đến cửa hàng Intershop chuyên bán các hàng hóa cao cấp nhập từ phương tây mà dân thường chỉ biết mơ. Một số đầu bếp và vệ sỹ cũ đã viết hồi ký về cuộc sống vương giả ở đây.
Ông Honecke là một thợ săn giỏi nên ông còn dành cả khu rừng quốc gia Schorfheide, cách Wandlitz 30km làm nơi săn bắn riêng. Thú rừng trong đó có lẽ cũng thuộc “tài sản của văn phòng Trung ương”, chỉ để hàng năm ông và các đồng chí về đó săn bắn.
Những điều này không còn là bí mật quốc gia sau khi bức tường đổ. Báo chí “mất kiểm duyệt” bắt đầu lên tiếng về “Chủ nghĩa Cộng sản trước kẻng” của các nhà lãnh đạo. Dân chúng nổi giận, buộc thủ tướng Modrow [1] phải giải thể khu Wandlitz vào cuối tháng 11.1989. Gia đình Honecker và các cựu ủy viên bộ chính trị khác bỗng trở thành “dân oan”. Nhưng họ không oan vì chẳng ai có sổ đỏ các tòa biệt thự trong đó cả. Họ toàn ở “chùa”.
Cả hai tin sét đánh: bị mất nhà và bị truy tố hình sự về tội tham nhũng, lạm quyền đến tai bà Honecker bên giường bệnh của chồng trong nhà thương. Ông Honecker lúc đó đang phải mổ ung thư thận. Bà luôn miệng kêu khổ “Chúng tôi nay là vô gia cư, không biết sẽ sống ở đâu”.
Vết mổ vừa lành chỉ thì ngày 28.1.1990 một toán công an nhân dân VOPO của ông trước kia đến bắt hai vợ chồng, đưa thẳng từ giường bệnh về trạm xá của nhà lao Berlin -Rummelsburg.
Khi kể về anh bạn Michael Verleih của tôi trong sách “Hai Quê Hương”, tôi có nói về ông luật sư Đông Đức Wolfgang Vogel. Tuy ông là công dân CHDC Đức, nhưng cả giới luật và giới chính trị phương tây đều kính nể ông. Từ năm 1962 ông đã môi giới thành công vụ đổi phi công lái máy bay U2 của Mỹ Gary Power lấy đại tá tình báo Liên Xô Rudolf Abel. Từ đó cho đến hết “chiến tranh lạnh”, văn phòng luật của ông đã giúp chính phủ Tây Đức “mua tự do” cho gần 34.000 tù chính trị Đông Đức. Hay nói cách khác là ông đã giúp chính phủ Đông Đức “bán” được 3,4 tỷ DM tiền “tù chính trị”.
Còn gia đình các tù nhân chính trị thì coi ông như cứu tinh, bao nhiêu tiền họ không quan tâm.
Khi ông Honecker lâm nạn, ông Vogel nhảy vào cứu, lo về pháp lý. Còn ông Arafat, chủ tịch PLO thì bảo trợ về tài chính thông qua phái đoàn đại diện ở Berlin.
Ông Honecker lúc đó đã 89 tuổi, lại bị ung thư nên ngày hôm sau 29.01, ông Vogel đã buộc được tòa phải chấp nhận thả “vì tình trạng sức khỏe”. Nhưng thả ông bà về đâu? Khu biệt thự Wandlitz đã giải thể.
Ông Vogel nhờ giáo hội tin lành (giáo hội lớn nhất ở Đông Đức) tìm chỗ trú thân, mà trong tiếng Đức cũng gọi là chỗ tỵ nạn (Asyl) cho cặp vợ chồng già.
Duy nhất có một ông mục sư cũng ở quận Bernau, gần nhà cũ của gia đình Honecke nhận lời thỉnh cầu của Vogel. Đó là mục sư Uwe Holmer, người trông coi xóm đạo Lobetal. Trung tâm nuôi dưỡng những người thiểu năng trí não Lobetal cũng là đứa con đẻ của ông Holmer, một người suốt đời tận tụy với các hoạt động nhân đạo.
Quyết định của ông Holmer vấp phải sự phản đối của dân làng, của gia đình, bạn bè và cả của các hàng giáo phẩm trên ông.
Ông không thể bỏ rơi một đồng bào trong cảnh màn trời chiếu đất.
Trả lời câu hỏi: Sao ông lại có thể giúp đỡ một kẻ đã đàn áp và lợi dụng tôn giáo của chúng ta từ hàng chục năm qua, bất cứ lúc nào gã có thể? Ông Holmer nói:
– Khi chúng ta cầu nguyện cho tình thương, thì chúng ta cũng phải sống vì nó!
Bà Ingrid Holmer trong bụng không đồng ý. Nhưng bà đành theo ông, như xưa nay.
Sáng ngày 30.1.1990, ông Vogel đưa cặp vợ chồng Honecker đến nhà ông bà Holmer. Cuộc sống trong gia đình nhỏ này bỗng trở nên nặng nề.
Ông bà Holmer ở với hai cậu con trai út, Traugott 18 tuổi và Cornelius 14 tuổi. Hai cậu phải dồn ở chung với nhau để dành một phòng trống cho cặp vợ chồng tỵ nạn. Cornelius còn nhỏ nên chỉ phiền vì ông Honecker hay bật TV to, khiến cậu khó ngủ. Giờ đây, chính Cornelius, đã 45 tuổi trở thành người dẫn chuyện cho bộ phim 90 phút.
Người anh Traugott không được vào học trường trung học mở rộng[2] chỉ vì là con ông mục sư, nên cậu rất ghét bà Margot Honecker. Cậu từ chối không giúp bà khi bà nhờ cậu chạy ra phố mua hộ chút tạp phẩm. Cậu nói thẳng là cậu không ưa bà.
Ông bà Honecker cũng không dễ thở hơn. Bên cạnh cái cảm giác thất thế, sự tụt hẫng từ đỉnh cao quyền lực, họ phải làm quen với cuộc sống của giáo dân. Lãnh tụ một chế độ vô thần nhưng trước mỗi bữa ăn đều phải ngồi chờ chủ nhà cầu kinh xong mới chúc ăn ngon.
Sự khác biệt về quan điểm sống của hai gia đình thể hiện rõ nét qua các đối thoại hàng ngày. Ví dụ một bên coi việc giúp người khi hoạn nạn là nghĩa vụ của lương tâm, như lời chúa dạy, còn bên kia coi đó là tình đoàn kết. Cuộc đối thoại chấm dứt ở câu hỏi: Vậy tình đoàn kết của các đồng chí của ông đâu rồi?
Ông Honecker ít nói, nhưng bà thì luôn bảo chế độ cũ, luôn khẳng định tính cần thiết của “trừng phạt” để giữ xã hội ổn định. Khi được hỏi về hệ thống STASI luôn theo dõi công dân, bà nói: “Nếu ai không có gì phải giấu diếm thì việc gì phải sợ điều đó”.
Còn nhiều cuộc đối thoại khác khiến ông bà Holmer không còn tin vào sự hối cải có thể có ở hai vị khách giáo điều, cuồng tín.
Bất chấp mọi khó chịu, vợ chồng mục sư Holmer vẫn trung thành với quyết định ban đầu và họ càng quyết tâm bảo vệ khách trước sự phẫn nộ của dân làng. Có đêm, những giáo dân đã bị áp bức suốt 40 năm qua tập trung đốt đuốc trước của nhà mục sư, đòi được trừng phạt vợ chồng Honecker. Cả nhà ông Holmer phải dàn hàng ngang ra, không cho dân chúng tràn vào phá cổng.
Sự hy sinh chân tình của ông bà Holmer đã phần nào giúp cho ông bà Honecker quay lại được với cuộc sống đời thường. Ông Honecker không biết hát thánh ca, nhưng đáp lại bằng bài hát đồng quê thời trẻ thơ. Bà Honecker luôn vui lòng được giúp bà Holmer trong các công việc nhà. Rồi bà tự đi lau cầu thang cho cả ngôi nhà.
Khi sống lại tuổi trẻ khó khăn của những người chống phát xít từng bị Hitler truy bức, cả hai vị lãnh đạo lạnh lùng đáng sợ này bỗng lộ ra cái chất con người trong họ. Sau khi biết mọi hành động tốt đẹp của chủ nhà đều bắt nguồn từ lời dạy của chúa, cuối cùng bà Honecker đã nhận cuốn kinh thánh từ bà Holmer và hứa sẽ đọc.
Một ngày nọ, công an quận Bernau nhận được một thông báo nặc danh là 12 giờ trưa hôm nay, nhà của mục sư Holmer sẽ bị nổ mìn.
Ông cảnh sát trưởng Uwe Westen vội phóng xe đến nhà mục sư Holmer ngay để bắt mọi người di tản. Không khí kinh hoàng trùm. Ông Holmer đuổi vợ con ra khỏi nhà, rồi ông lên gác báo tin cho vợ chồng Honecker. Cả hai người không ai bảo ai, đều đòi ở lại, chịu số phận của cuộc đời. Trước sự sững sờ của ông Holmer, hai vợ chồng điềm tĩnh mặc quần áo nghiêm chỉnh rồi ngồi vào đi văng chờ đợi.
Vài phút trước giờ bom nổ, viên cảnh sát Westen không thấy ba người già ra khỏi nhà. Anh ta liều vào nhà, leo lên gác và nhìn thấy ông bà Honecker ăn mặc nghiêm chỉnh, ngồi chờ bom nổ. Ông Honecker nói một câu rất Đức:
– Chúng tôi quyết ở lại và chịu trách nhiệm về việc này! Có cần văn bản không?
Ông Holmer thấy vậy nói với Westen: Thôi anh xuống đi, tôi cũng ở lại đây. Tôi không bao giờ bỏ khách ở lại như vậy.
Westen xuống nhà đuổi mấy nhân viên cứu hỏa ra rồi anh cũng ngồi lại, nhìn vào kim đồng hồ trên tường.
Cuối cùng thì đó chỉ là lời đe dọa suông.
Trong một phim tài liệu khác đi kèm phim truyện “Honecker và ông mục sư” [3] , đài ZDF đã phỏng vấn nhiều nhân chứng khác nhau. Vụ “dọa đánh bom” này được xác định là có thật như trong phim. Anh cảnh sát Westen ngày nào nay đã già, vẫn còn nhớ từng chi tiết.
Thái độ của ông bà Honecker và của ông Holmer là biểu hiện của những người già có đức tin. Một người tin vào chúa, hai người kia vào lý tưởng.
Anh cảnh sát trẻ Westen thì khác. Anh còn cả cuộc đời trước mắt và không bị bắt buộc phải hy sinh cho chế độ đang tan rã. Là cảnh sát trưởng, rất có thể anh phải là đảng viên cộng sản. Nhưng trước khi là người cộng sản, anh là một người Đức với nếp sống kỷ luật và tinh thần trách nhiệm đã ngấm vào máu.
Tháng 4.1990 ông bà Honecker được chuyển đến doanh trại của hồng quân Liên-Xô ở Beelitz, gần Berlin và tỵ nạn ở đó cho đến tháng 3.1991, khi ông được Gorbachev mời sang Liên Xô chữa bệnh.
Ông Honecker mất ở Santiago de Chile ngày 29.05.1994, mang theo cả niềm tin vào chủ nghĩa xã hội.
Niềm tin của Honecker có thể là một ảo tưởng. Nhưng chắc chắn niềm tin của mục sư Holmer vào lòng nhân ái là một hiện thực từ ngàn đời nay.
_____
[1] Hans Modrow từng là bí thư tỉnh ủy Dresden, là một nhà lãnh đạo có tinh thần cải cách. Ông là thủ tướng cộng sản cuối cùng của nước CHDC Đức từ 13.11.89 đến 12.04.90.
[2] Ở CHDC Đức học sinh phải ít nhất học hết lớp 10. Từ cuối lớp 8, những em có học lực tốt được tuyển chọn sang học các lớp 9-10-11-12 ở trường trung cấp mở rộng. Hết lớp 12 là kỳ thi lấy bằng tú tai, chìa khóa để vào đại học. Những em học lực bình thường thì cứ tiếp tục học đến hết lớp 10 ở trung học rồi đi học nghề. Bà Honecker có chỉ thị ngầm, không cho các em “lý lịch có vấn đề” vào học trường trung học mở rộng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét