Đấu thầu thuốc và trang thiết bị, vật tư y tế: Hành lang pháp lý phải có cả tính an toàn
Đông Hải
(KTSG Online) – Sau hai năm chiến đấu với dịch bệnh, nhiều bệnh viện tại TPHCM đang đối mặt với tình trạng dự trù thuốc theo kế hoạch không đáp ứng đủ nhu cầu, trang thiết bị của nhiều bệnh viện đã hoạt động hết công suất, bị hư hỏng. Thực tế thiếu thuốc và trang thiết bị, vật tư y tế đã trở thành vấn đề nóng trên diễn đàn kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV và kỳ họp của Chính phủ vừa qua. Nút thắt được chỉ đích danh nằm ở khâu đấu thầu! Tại sao các cơ sở y tế chậm chạp mua sắm vật tư y tế, thậm chí có nơi “nằm im” sợ không dám triển khai đấu thầu?!
Thực tế thiếu thuốc và trang thiết bị, vật tư y tế đã trở thành vấn đề nóng trên diễn đàn kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV và kỳ họp của Chính phủ vừa qua. Ảnh minh họa bác sĩ đang tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh: Quang Huy
Mong manh ranh giới đúng-sai
Một đại diện của Bệnh viện Nguyễn Trãi (TPHCM) đã chia sẻ thực trạng rằng đa số các y, bác sĩ giỏi chuyên môn nhưng khá lúng túng trong công tác quản lý đầu tư công, nhất là khâu tổ chức mua sắm thuốc và trang thiết bị, vật tư y tế (T&TBVTYT).
Dù các bệnh viện hiện nay đã được trao cơ chế tự chủ trong mua sắm thuốc và trang thiết bị, vật tư y tế nhưng cụ thể khi vào việc thì phần lớn nhân sự cũng “sợ” bị ép phải tham gia công tác này, bởi đa số thiếu kiến thức trong việc nắm bắt thông tin, vận hành cơ sở pháp lý trong đấu thầu, đâu là phạm vi được phép, đâu là ranh giới vi phạm pháp luật.
Mỗi năm thanh tra của Sở Y tế, liên ngành thành phố, Bộ Y tế đều thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra. Do đó, để giữ cho không có sai phạm, đối với đội ngũ những người mặc áo blouse trắng, còn gian nan hơn việc chữa bệnh cứu người.
Đơn cử, để có cơ sở lập kế hoạch mua sắm trang thiết bị y tế trong 5 năm, các bệnh viện thường lập dự toán gói thầu trên cơ sở áp dụng báo giá của nhiều đơn vị cung cấp, sau đó tính trung bình cộng các báo giá này để xác định đơn giá cho từng mặt hàng, nó có biên độ biến động chấp nhận được, nhất là với tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, nguồn hàng khan hiếm.
Tuy nhiên, việc dự toán như nêu trên có thể khi bị thanh tra hoặc kiểm tra, sẽ là chưa đúng với quy định tại Thông tư số 58 của Bộ Tài chính khi lập và xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Hiện nay, quy định chọn thầu, báo giá phải thấp nhất, và là cơ sở dữ liệu trong kế hoạch mua sắm nhiều năm tới của cơ sở y tế.
Bác sĩ D.B.T – cán bộ Phòng Hành chính Quản trị Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cho biết: “Trong nhiều trường hợp cấp bách cần phải có thuốc đặc trị cấp cứu bệnh nhân hóa trị hoặc vật tư thay thế cho nhiều máy móc đã hoạt động quá tải, không đủ thời gian tổ chức đấu thầu, chọn thầu, thường chúng tôi chọn đàm phán với những đối tác đã, đang hợp tác để mua sắm gấp”.
Theo bác sĩ T., đương nhiên những đối tác đủ năng lực thì ít và thường độc quyền trong cung cấp một số thuốc, trang thiết bị chuyên dụng. Vấn đề xảy ra khi thanh tra, kiểm tra, bệnh viện vẫn bị coi là sai phạm trong việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu vật tư y tế, thiếu sót về trình tự thủ tục khi không ban hành quyết định thành lập bên mời thầu, thực hiện các gói thầu mua sắm vật tư và hóa chất không thông qua đấu thầu rộng rãi mà mua sắm trực tiếp…
Cũng theo bác sĩ T., thực tế này từng xảy ra với các bệnh viện Nhân dân Gia Định, Chợ Rẫy… với những thiếu sót: không yêu cầu đơn vị dự thầu bổ sung hồ sơ đề xuất kỹ thuật, không đăng tải thông tin mua sắm trực tiếp trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Theo sggp.org.vn, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, ông Tăng Chí Thượng, tại buổi làm việc với Giám đốc và Trưởng khoa Dược của tất cả bệnh viện và trung tâm y tế trực thuộc sở vào ngày 20-6 vừa qua đã thông tin rằng, nhiều loại thuốc đặc trị như Dopamin, dung dịch cao phân tử Dextran, hướng thần như Diazepam, Phenobarbital dạng tiêm, Midazolam… đều là thuốc hiếm, không có nhà cung ứng hoặc nhà sản xuất trong nước gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu, các công ty trên thế giới đã ngừng sản xuất, gián đoạn do ảnh hưởng xung đột Nga-Ukraine, vậy đấu thầu như thế nào khi chỉ có 1-2 nhà cung ứng?!
Một nguyên nhân khác làm chậm triển khai đấu thầu còn bởi các bệnh viện lúng túng trong phân loại danh mục thuốc đàm phán giá và đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Nếu chờ kết quả của Trung tâm Mua sắm Tập trung Thuốc Quốc gia, quá trình mua sắm, đấu thầu T&TBVTYT thường bị kéo dài 4-6 tháng. Nếu chủ động đấu thầu thì nguy cơ cao là khó khăn trong thanh toán khi Trung tâm Mua sắm Tập trung Thuốc Quốc gia thường có giá đấu thầu thấp hơn giá mua của các bệnh viện, và tất nhiên sẽ là sai phạm khi được thanh tra, kiểm tra…
Tại cuộc tọa đàm “Rà soát – Kiến nghị các quy định pháp luật, thủ tục hành chính liên quan đến nhập khẩu, mua sắm và đấu thầu trang thiết bị y tế và thuốc tân dược” do VCCI tổ chức tại TPHCM đầu tháng 7 này, đại diện Hội Thiết bị Y tế TPHCM, ông Hứa Phú Doãn đã chỉ rõ một số bất cập trong công tác đấu thầu khiến việc mua sắm trang thiết bị y tế bị hạn chế tính cạnh tranh, không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Theo ghi nhận, đa số các hồ sơ mời thầu đều đòi hỏi các nhà thầu phải có ít nhất từ 2-3 hợp đồng tương tự với những ràng buộc rất chi tiết, đúng chủng loại với thiết bị mời thầu. Ví dụ, nếu nhà thầu chỉ có một hợp đồng tương tự về máy siêu âm hay các thiết bị chuẩn đoán hình ảnh khác thì đều không đáp ứng được hồ sơ mời thầu. Về vật tư tiêu hao cũng phải đúng chủng loại đó mới đáp ứng được hồ sơ mời thầu, trong khi hợp đồng tương tự về tính năng kỹ thuật mỗi nơi áp dụng một kiểu. Từ đó dẫn đến, những đơn vị nào đã trúng thầu máy X.Quang thì sẽ tiếp tục trúng thầu máy X.Quang, trúng thầu máy siêu âm sẽ tiếp tục trúng thầu máy siêu âm.
Giá trị các gói thầu tư vấn thường dưới 500 triệu đồng, song lại quyết định sự thành bại của các gói thầu rất lớn lên đến hàng trăm tỉ đồng, sợ sai sót, nên thường các chủ đầu tư áp dụng chỉ định thầu, ưu tiên lựa chọn những nhà thầu tư vấn thân quen để hình thành ê-kíp trong công tác mua sắm.
Một bất cập khác là các hồ sơ mời thầu đều đòi hỏi giá trị của các hợp đồng tương tự lớn hơn 2/3 giá trị trong hồ sơ mời thầu, điều này đã hạn chế số nhà thầu tham dự trong khi lợi ích đem lại cho chủ đầu tư không đáng kể; chưa kể chủ đầu tư có thể “bắt tay” với đối tác và công ty thẩm định giá nâng giá trị hợp đồng để loại bỏ các nhà thầu khác. Hay, yêu cầu về giấy ủy quyền được xem như ưu tiến số 1 để tham gia vào quá trình đấu thầu. Nếu nhà thầu nào không có giấy ủy quyền của hãng hoặc đại diện hãng thì không thể tham dự thầu vào vòng trong được, dẫn đến hạn chế tính cạnh tranh, dễ đẩy giá thầu lên cao và dễ phát sinh tiêu cực.
VNExpress cũng dẫn nguồn thông tin từ PGS. Phạm Khánh Phong Lan, Phó chủ tịch Hội Dược học Việt Nam, cho biết nguyên nhân tâm lý ngán ngại, lúng túng, sợ sai sót của nhân viên y tế trước những sự cố gần đây liên quan đến thanh tra, điều tra về đấu thầu, mua sắm T&TBVTYT là có thật. Bởi quy trình đấu thầu hiện nay của các bệnh viện đều căn cứ vào số lượng tiêu thụ, danh mục thuốc hàng năm để lên kế hoạch mua sắm. Sau đó, mặt hàng giá rẻ nhất sẽ trúng thầu. Chính giá trúng thầu đó lại trở thành giá kế hoạch cho năm sau. Trong khi đó, nguyên lý của đấu thầu là giá trúng thầu không được cao hơn giá kế hoạch, dẫn đến một lúc nào đó những công ty thuốc chất lượng tốt, giá cao sẽ không thể tham gia cuộc đua.
Chưa kể, đấu thầu xong có thuốc rồi, vài tháng sau địa phương khác trúng thầu rẻ hơn, có khi BHYT lại áp theo giá rẻ hơn khiến các bệnh viện rất bị động. Hiện, việc đấu thầu thuốc được chia thành 5 nhóm để đấu thầu, vật tư y tế chưa được chia nhóm cụ thể, chưa tính yếu tố uy tín, chất lượng của hãng sản xuất, sẽ có giá khác nhau… nhưng loay hoay một hồi cuối cùng trong từng nhóm cũng chọn thuốc rẻ nhất.
Cùng một hoạt chất, thuốc của châu Âu, Mỹ giá sẽ cao hơn, chất lượng tốt hơn nên không thể cạnh tranh, trúng thầu với thuốc giá rẻ do các nước Trung Quốc, Ấn Độ sản xuất. Đó chưa tính đến các vấn đề dự báo kế hoạch sử dụng thuốc, vật tư y tế (số lượng, chủng loại…) của cơ sở y tế có thể không sát thực tế. Vì thế, khi không có thuốc tốt, thuốc giá thấp sẽ tập trung cho người bệnh sử dụng BHYT, thuốc chất lượng, giá cả hợp lý hơn thì hiện diện ngoài thị trường và người dân phải tự mua…
Một trong những bất cập trong công tác đấu thầu mua sắm thuốc và thiết bị y tế là cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập về thẩm quyền quyết định mua sắm từ các nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ về tài chính chưa thống nhất. Ảnh minh họa: TTXVN
Tạo hành lang pháp lý đủ và an toàn như thế nào?
Bộ Y tế đã chỉ ra nguyên nhân việc hiểu và thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21-6-2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập về thẩm quyền quyết định mua sắm từ các nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ về tài chính chưa thống nhất. Điều này dẫn đến việc đấu thầu, mua sắm của các đơn vị sự nghiệp công lập bị chững lại, chưa tổ chức thực hiện việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản, hàng hóa, dịch vụ kể từ khi nghị định này có hiệu lực.
Tiếp đó là tình trạng hết hạn số đăng ký của một số loại thuốc dẫn tới chậm thầu so với dự kiến đề ra. Nên dù Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị; một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung như trước, nhưng các đơn vị vẫn lúng túng, e ngại trong tổ chức thực hiện. Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp nơm nớp lo âu trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công bởi các yếu tố giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn… có thể dẫn đến họ “ôm” hàng mà đấu thầu vẫn… trượt.
Với những bất cập như vậy, nhiều ý kiến cho rằng, nên loại bỏ hình thức đấu thầu trong mua sắm thuốc và trang thiết bị, vật tư y tế, để đảm bảo nguồn cung ứng liên tục, công khai, minh bạch, đáp ứng đủ và cấp thiết công tác chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Phát biểu tại phiên họp Quốc hội, PGS. Phạm Khánh Phong Lan nêu quan điểm đã đến lúc không thể chỉ dừng ở việc rà soát, sửa đổi quy định. Liệu chúng ta có nên mạnh dạn đặt ra vấn đề tại sao phải đấu thầu? Bởi các bệnh viện tư nhân đâu có tổ chức đấu thầu; các nước trên thế giới cũng không xé lẻ ra đấu thầu khắp nơi như vậy… Việc đấu thầu hiện nay đang khiến tiêu cực nhiều hơn, chọn giá thấp không biết tiết kiệm được bao nhiêu tiền nhưng thay vào đó tốn nhân lực bác sĩ, nhân viên y tế, thay vì lo nâng cao chuyên môn thì họ phải kiêm nhiệm loay hoay mua sắm, chưa kể mua sắm sai thì vướng ngay vòng lao lý… Lẽ đó, đấu thầu không phải biện pháp duy nhất, cũng không là biện pháp tối ưu.
Theo đại biểu Quốc hội này, điều quan trọng, mục tiêu cuối cùng hướng đến là làm sao phục vụ người bệnh tốt nhất, lựa chọn những thuốc chất lượng nhất với giá cả hợp lý nhất. Trước mắt, chúng ta cần nghiêm túc bàn bạc và phân loại cụ thể những loại thuốc nào không cần đấu thầu, giao quyền tự chủ cho các bệnh viện mua sắm trực tiếp và tập trung đàm phán giá; cần thiết quy mô ở tầm vĩ mô, Chính phủ, Bộ Y tế có thể đứng ra đàm phán, thương lượng để có giá thuốc tốt nhất, có lợi nhất cho người bệnh.
Luật sư Phạm Minh Trí, một chuyên gia tư vấn cho các công ty xuất nhập khẩu dược phẩm tại TPHCM, trong cuộc trao đổi với KTSG Online, cho biết kẽ hở của công tác đấu thầu thường do một nhóm lợi ích liên quan đến các công ty xuất nhập khẩu dược phẩm và thiết bị y tế. Đã có tình trạng “quân xanh, quân đỏ” tham gia đấu thầu, thẩm định giá, quan hệ thân thiết với một số quan chức ngành y tế. Họ sẽ bỏ thầu giá thấp, và khi trúng thầu, sẽ thông đồng với một số nhân viên Trung tâm đấu thầu quốc gia bao che việc nhập hoạt chất, các lô thuốc cận date có giá trị thấp, lập lờ các lô hàng từ các nước đang phát triển, giá sẽ rẻ hơn nhập từ châu Âu – Mỹ; rồi thuốc cùng hàm lượng hoạt chất song phương thức đóng gói vận chuyển tiêu chuẩn sẽ khác bao gói lô bằng bao tải, bằng thùng nhựa trước khi xuất khẩu… Lợi nhuận đem lại từ các hành vi này là vô cùng lớn.
Đây cũng là một trong nhiều lý do, TPHCM năm 2017 đã tạm ngưng hoạt động của Trung tâm mua sắm T&TBVTYT vì hoạt động không hiệu quả, dễ phát sinh tiêu cực.
Bên cạnh đó, theo LS. Phạm Minh Trí, vướng mắc trong đấu thầu thường liên quan đến bệnh viện công và chi bảo hiểm y tế (BHYT), nên chăng bỏ đấu thầu, mỗi bệnh viện công sẽ tính định suất dựa trên số lượng bệnh nhân mỗi nơi, hàng năm trung bình dùng bao nhiêu thuốc. BHYT sẽ dùng các kỹ thuật tính toán với nguồn quỹ, giao cho mỗi bệnh viện một mức kinh phí để đơn vị chủ động mua các loại thuốc phù hợp nhu cầu, phát huy được tính chủ động sáng tạo, Nhà nước vẫn đảm bảo cân đối nguồn chi, kiểm soát được ngân sách. Việc này giúp tiết kiệm nhân lực, tài lực tham gia đấu thầu, các bác sĩ, nhân viên y tế bớt áp lực, đỡ phải ngồi xem thuốc nào giá rẻ nhất để chọn; sẽ có nhiều loại thuốc đúng nhu cầu để kê đơn cho bệnh nhân, thay vì chỉ được bắt buộc sử dụng các thuốc giá rẻ đã trúng thầu.
Ở lập luận phản biện lại ý kiến nên bỏ đấu thầu thuốc và trang thiết bị, vật tư y tế, một số chuyên gia lo ngại sẽ phát sinh sự thả nổi giá, Nhà nước sẽ khó kiểm soát nguồn chi, không khống chế được thị trường, đặc biệt kinh doanh thuốc và vật tư y tế là loại hình kinh doanh có điều kiện, sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho rằng cần thiết duy trì công tác đấu thầu trong đầu tư công của ngành y tế. Để giải quyết các tồn tại, Bộ Y tế cần có đánh giá tổng thể về thực trạng công tác đấu thầu trong đó có sự phân biệt khác nhau giữa đấu thầu thuốc, vật tư tiêu hao và trang thiết bị y tế để từ đó phân loại cụ thể những loại thuốc, vật tư nào không cần tham gia đấu thầu, qua đó giao quyền chủ động cho cơ sở. Những hạng mục nào cần quản lý thống nhất và nhất định phải đấu thầu thì vướng mắc ở đâu, nếu quy định vướng ở các luật thuộc thẩm quyền của bộ, liên ngành Y tế – Tài chính – Lao động, Thương binh và Xã hội hoặc liên quan đến Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công… thì phải trình Quốc hội để ra nghị quyết giải quyết, giúp xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, an toàn, đâu là “lằn ranh đỏ” để cán bộ tham gia quá trình đấu thầu không thể, không dám vượt qua.
Trao đổi với KTSG Online, LS. Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty Luật TNHH Cường & Cộng sự, cho rằng vẫn cần phải thực hiện công tác đấu thầu trong mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, quy định pháp luật về đấu thầu hiện chưa thật sự đầy đủ, rõ ràng và chưa bao quát hết các tình huống của đời sống, đã vậy lại tản mát, thiếu tính hệ thống và hiệu lực pháp lý không cao.
Quy định chính về vấn đề này, hiện chỉ có Nghị định số 60/2021/NĐ-CP do Chính phủ ban hành, không phải là nghị quyết, pháp lệnh hay luật do Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội ban hành. Ngoài Nghị định 60/NĐ-CP, còn có luật về đấu thầu, mua sắm từ ngân sách nhà nước… hiểu thế nào là nhà thầu, nhà cung cấp có yếu tố nước ngoài, để hồ sơ dự thầu hợp lệ, rất khó cho cán bộ thi hành trong việc nắm vững và áp dụng sao cho đúng tinh thần pháp luật; nếu có phát sinh tình huống khác không có trong quy định, thì không biết cách để vận dụng.
LS. Nguyễn Văn Cường đề xuất, để hạn chế một đơn vị trúng thầu với khối lượng thuốc, vật tư lớn, khi xảy ra sự cố đứt gãy chuỗi cung ứng, cần chủ động, linh hoạt luân chuyển các đơn vị tư vấn, các đơn vị cung cấp đối với một chủ đầu tư hoặc tổ chức đấu thầu tư vấn, hoặc nếu có chỉ định thầu tư vấn thì nên để tổ chức thứ ba thực hiện việc chỉ định, không nên để chủ đầu tư chỉ định các đơn vị tư vấn.
Bên cạnh đó, cần sớm hiện thực hóa Đề án xây dựng Khu công nghệ Y – Dược kỹ thuật cao để hạn chế việc lệ thuộc nhập khẩu một số thuốc, vật tư y tế trong cấp cứu và điều trị chuyên sâu như hiện nay.
TPHCM cũng cần mở lại Trung tâm mua sắm tập trung, giá cả sẽ thống nhất, dễ dàng thanh toán, hạn chế được tình trạng đấu thầu riêng lẻ từng gây tình trạng lộn xộn về giá, đặc biệt cởi bỏ được áp lực kiêm nhiệm, bắt buộc phải tham gia công tác đấu thầu của các y, bác sĩ, cấp quản lý các bệnh viện, giúp ngành y tế có cơ chế pháp lý công khai, minh bạch, đồng thời tạo ra thể chế quản lý cũng như bảo vệ các đơn vị tham gia đấu thầu.
Sau cùng, nên loại bỏ trách nhiệm hình sự đối với cán bộ công chức trong trường hợp lỗi vô ý, để cán bộ y tế yên tâm làm việc, mà không phải nơm nớp lo sợ có ngày phải vào tù.
Cuộc họp mới đây giữa Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội nhằm tháo gỡ chính sách cho công tác mua sắm T&TBVTYT, Bộ Y tế nhấn mạnh, đã ban hành công văn số 2206/BYT-BH đôn đốc mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế đáp ứng việc khám, chữa bệnh BHYT. Cục Quản lý Dược đã ban hành Công văn số 4781/QLD-ĐK công bố đợt 1 danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc được gia hạn hiệu lực số đăng ký theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 29/2022/NĐ-CP, dự kiến đợt 2 công bố trước ngày 15-7. Bộ Tài chính cũng ban hành văn bản số 6301/BTC-HCSN ngày 1/7/2022 đề nghị Bộ Y tế rà soát tổng thể các quy định hiện hành liên quan đến hoạt động mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư sinh phẩm y tế và thuốc chữa bệnh, đề xuất kiến nghị giải pháp thực hiện và các nội dung cần sửa đổi liên quan đến trách nhiệm của Bộ Tài chính và gửi Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đ.H.
Nguồn: Thesaigontimes
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét