Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2022

Vài suy nghĩ về phim Trung Quốc trên khung giờ vàng của VTV và công tác tuyên giáo cho thanh niên

 

Vài suy nghĩ về phim Trung Quốc trên khung giờ vàng của VTV và công tác tuyên giáo cho thanh niên

Nguyễn Ngọc Chu

26-5-2022

Dân ta phải biết sử ta…

TRUYỀN HÌNH VÀ HỌC SỬ

Học sử qua phim ảnh trên truyền hình là phương thức hữu hiệu thuộc hàng bậc nhất. Lo lắng thay, phim dã sử nước ngoài đang thống trị trong các khung giờ vàng của truyền hình nước ta.

Nhân dư luận đang quan tâm đến vấn đề học sử, xin đăng bức thư dưới đây để rõ thêm vai trò của truyền hình trong dạy và học sử. Bức thư được gửi đi ngày 15/10/2021 và đã nhận được phản hồi tích cực. Nhưng tiếc thay, chưa ghi nhận được sự thay đổi nào trên thực tế. Phim dã sử nước ngoài vẫn tiếp tục thống trị trong các khung giờ vàng của truyền hình nước ta.

Thuốc kháng sinh thừa không được cố uống hết, vì càng thêm có hại. Không có phim tốt để chiếu thì không chiếu. Còn hơn chiếu các phim mang lại độc hại hay bất lợi cho quốc gia.

***

Hà Nội, ngày 15/10/2021

Kính gửi:

– Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương;

– Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ Nhiệm Uỷ Ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội.

Trong sứ mệnh tuyên truyền và giáo dục, truyền hình giữ một vai trò cực kỳ quan trọng, ít có phương tiện nào sánh kịp. Bởi thế, mỗi chương trình phát trên Đài Truyền hình Nhà nước Việt Nam sẽ tác động đến nhận thức của toàn thể gần 100 triệu người dân, trong đó có hàng chục triệu học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên và nhi đồng – là lực lượng quyết định sự thịnh vượng của Việt Nam trong tương lai.

Mấy năm gần đây, không hiểu vì những lý do gì mà có sự thay đổi lớn về thời lượng chiếu phim nước ngoài vào khung giờ vàng trên các kênh của Đài Truyên hình Việt Nam (VTV). Trong số đó là ghi nhận sự xuất hiện áp đảo, có lúc gần như tuyệt đối, của phim Trung Quốc. Chẳng hạn suốt gần 2 năm, từ 25/02/2020 cho đến hiện tại (15/10/2021), trên khung giờ vàng 19h45 – 20h15 của kênh Khoa Giáo VTV2 chỉ chiếu phim kiếm hiệp, dã sử, và tâm lý xã hội của Trung Quốc. Trong các khung giờ vàng khác như 12h-14h, 18h-19h45 thì phim Trung Quốc cũng chiếm vị trí số 1 với thời lượng áp đảo trên các kênh của VTV, sau đó là Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và các nước khác. Sự thay đổi này, cụ thể như trên kênh Khoa Giáo VTV2, không phù hợp với mục đích Khoa Giáo. Hơn thế nữa, còn có những tác động tiêu cực lên thanh niên, học sinh và sinh viên Việt Nam.

Bởi thế, tôi xin gửi tới Ông Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và Ông Chủ Nhiệm Uỷ Ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội những ý kiến và đề xuất sau đây.

VÀI SUY NGHĨ VỀ PHIM TRUNG QUỐC TRÊN KHUNG GIỜ VÀNG CỦA VTV VÀ CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO CHO THANH NIÊN

1. KHUNG GIỜ VÀNG KHÔNG DÀNH CHO CHƯƠNG TRÌNH KHOA GIÁO

Kênh VTV2 là kênh truyền hình Nhà nước dành cho Khoa Giáo. Các khung giờ vàng, đặc biệt là khung giờ từ 19h – 20h15 phải dành cho những chương trình đặc sắc của Khoa Giáo. Nhưng suốt mấy năm gần đây, khung giờ vàng 19h – 20h15 của kênh Khoa Giáo VTV2 lại ưu tiên dành cho quảng bá phim Trung Quốc là chủ yếu. Để dẫn chứng, xin điểm lại thực tiễn của chương trình VTV2 và VTV3 trong mấy tháng qua.

VTV2, khung giờ 19h-19h45:

1/. Độc thân không phải ế (TQ), 24 tập. Chiếu từ 29/6/2021-22/7/2021.

2/. Dương lăng truyện (TQ), 40 tập. Chiếu từ 23/7/2021- 31/8/2021.

3/. Thuỷ hử (TQ), 86 tập. Chiếu từ 01/9/2021 – 25/11/2021 (dự báo).

VTV2, khung giờ 19h45-20h15:

1/. Ỷ thiên đồ long ký (TQ), 86 tập. Chiếu từ 25/2/2020 -20/5/2020.

2/. Địch Nhân Kiệt (TQ), 79 tập. Chiếu từ 21/5/2020-08/8/2020.

3/. Truyền thuyết phi đao (TQ), 69 tập. Chiếu từ 09/8/2020-21/10/2020.

4/. Phượng hoàng vô song (TQ), 92 tập. Chiếu từ ngày 22/10/2020-31/01/2021.

5/. Hoa mẫu thiên, 108 tập (TQ). Chiếu từ 01/02/2021-23/5/2021.

6/. Liệt như ca (TQ), 85 tập. Chiếu từ 24/5/2021- 17/8/2021.

7/. Phượng hoàng truyện (TQ), 88 tập. Chiếu từ 18/8/2021 – 13/11/2021 (dự báo).

VTV3, khung giờ 18h10-19h:

1/. Bí mật lứa đôi (HQ), 92 tập. Chiếu từ 23/4/2021-23/7/2021.

2/. Tô mạt như truyền kỳ (TQ), 40 tập. Chiếu từ 24/7/2021-01/9/2021.

3/. Nha môn bí ẩn (TQ), 28 tập. Chiếu từ 02/9/2021-29/9/2021.

4/. Nắm tay nhau trọn đời (TQ), 60 tập. Chiếu từ 30/9/2021- 28/11/2021 (dự báo).

Không đủ kiên nhẫn để liệt kê hết toàn bộ chương trình của các kênh của VTV trong hai năm gần đây. Nhưng những gì đã nêu ra ở trên cũng đủ để kết luận. Khung giờ vàng từ 19h45-20h15 của VTV2 trong suốt gần 2 năm 2020-2021 chỉ dành riêng để chiếu phim Trung Quốc. Khung giờ vàng 19h-19h45 của VTV2 cũng tuyệt đại đa số là phim Trung Quốc.

Các khung giờ vàng của VTV3 từ 12h – 13h và từ 18h10 -19h cũng đa phần là phim Trung Quốc. Kênh VTV1 khung giờ vàng 13h 10 – 14h phim Trung Quốc cũng chiếm ưu thế so với phim của các nước khác. Các phim đã được chọn chiếu trên VTV1, VTV2, VTV3 phần lớn được chiếu lại trên các kênh khác của VTV như VTV4, VTV6, VTV7, VTV9…Tóm lại, phim Trung Quốc áp đảo tuyệt đối trên các kênh của VTV và các kênh truyền hình địa phương.

2. CẠNH TRANH KHÁN GIẢ CỦA CHƯƠNG TRÌNH THỜI SỰ VTV1

Chương trình thời sự chính trong ngày của VTV1 nằm trong khung giờ 19h-20h. Đây là chương trình thời sự đưa tin về đường lối chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước, cũng như các hoạt động của lãnh đạo quốc gia, cùng các sự kiện quốc tế quan trong. Chương trình thời sự lúc 19h của VTV1 quan trọng đến mức, cả chương trình VTV3 và tất cả các đài địa phương đều phải dành khung giờ này để truyền sóng bản tin thời sự lúc 19h hàng ngày của VTV1.

Việc VTV2 vào khung giờ bản tin thời sự 19h của VTV1, thay vì đưa chương trình về Khoa Giáo, lại chiếu các phim kiếm hiệp, phim dã sử và phim tình cảm xã hội đang ăn khách của Trung Quốc, chắc chắn sẽ lấy đi một lượng không nhỏ khán giả của VTV1, trong số đó có thanh niên, học sinh, sinh viên. Trong tình trạng “nhạt Đảng khô Đoàn” như TBT Nguyễn Phú Trọng đang lo lắng, thì việc làm một bộ phận thanh niên không tiếp cận với các chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước là điều bất lợi, gây thêm khó khăn cho công tác Tuyên giáo trong học sinh, sinh viên và thanh niên.

3. MANG NHIỀU NỘI DUNG CÓ TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC

Về nội dung, một cách tổng thể, các phim chiếu trong khung giờ 19h – 20h15 hàng ngày của VTV2 không ủng hộ cho mục đích Khoa Giáo.

3.1. Vô tình quảng bá cho bạo lực

Mảng nội dung chủ đạo thứ nhất của các phim chiếu trong khung giờ 19h – 20h15 của VTV2, một cách vô tình, đang quảng bá cho bạo lực. Phía sau những màn võ thuật đẹp, được hư cấu và dàn dựng, là điệp trùng nội dung bạo lực, đẫm máu.

Chẳng hạn như phim “Thuỷ hử”. “Thuỷ hử” là một trong 4 kiệt tác văn học được ưa thích của Trung Quốc (cùng với “Tam quốc diễn nghĩa”, “Tây du ký”, “Hồng lâu mộng”), nhưng khi được đưa lên màn ảnh, khác với trong truyện chữ, thì ngập tràn các hình ảnh bạo lực, giết người cướp của. Những nhân vật trong “Thuỷ hử”, đôi khi được Thi Nại Am khoác cho chiếc áo “hảo hán”, nhưng thực chất là các tội phạm giết người cướp của, lẩn trốn pháp luật. Dù được Thi Nại Am bào chữa bằng cách phóng tác ra các hoàn cảnh éo le dẫn đến phạm tội, thì Lương Sơn bạc vẫn là nơi tụ tập của những kẻ giết người cướp của.

Lương Sơn bạc là tụ hợp các thảo khấu. Hành động của thảo khấu Lương Sơn bạc xa lạ với đẳng cấp của Spartacus khởi nghĩa để tiêu diệt chế độ nô lệ, càng không thể bén mảng đến nghĩa cử cao đẹp của Tụ nghĩa Lam Sơn – đánh đuổi giặc ngoại xâm cứu nước. Trong mọi hoàn cảnh, thảo khấu Lương Sơn bạc không thể là hình mẫu để cho học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên và nhi đồng Việt Nam học tập.

Thế mà, “Thuỷ hử” (71 tập) đã được trình chiếu bởi VTV vào khoảng năm 2000. Tưởng thế là đủ, nhưng không ngờ phiên bản mới (2010) gồm 86 tập được VTV chiếu vào giai đoạn tháng 10/2018. Còn ngạc nhiên hơn, chỉ mới 3 năm, VTV lại chiếu lại “Thuỷ hử”. Một cách vô tình, đã không ngừng quảng bá cho bộ phim sặc mùi giết người cướp của.

Mới gần đây (14/9/2021), theo lời ông Chủ nhiệm Uỷ ban An ninh và Quốc phòng của Quốc Hội là thiếu tướng Lê Tấn Tới, sau khi VTV1 chiếu phim phim “Người phán xử” của Việt Nam, thì “tội phạm xã hội đen xảy ra nhiều”. Mức độ bạo lực của “Người phán xử” không thể nào so sánh được với “Thuỷ hử”. Vậy sau nhiều lần chiếu “Thuỷ hử” và hàng loạt phim kiếm hiệp và dã sử của Trung Quốc trong liên tục nhiều năm thì “tội phạm xã hội đen” ở Việt Nam tăng ở mức nào?

3.2. Lôi kéo thanh niên, học sinh, sinh viên xa rời mục đích chính

Mảng nội dung thứ 2 liên quan đến các câu chuyện tình éo le, li kỳ, với những hoạt cảnh hấp dẫn. Đây là nội dung có sức hút ma lực đối với lớp khán giả bước vào tuổi vị thành niên và ở độ tuổi thanh niên. Đó cũng là giai đoạn tương ứng với tuổi học sinh THPT và sinh viên đại học.

Nếu chỉ xem một vài phim với thời gian cách quãng thì không sao, nhưng xem liên tục hết ngày này qua tháng khác trong nhiều năm – như trong khung giờ vàng của VTV đã trình chiếu – thì vô cùng độc hại. Một cách nhẹ nhàng ‘mưa dầm thấm lâu’ mà trở thành “thuốc nghiện”, mảng nội dung này đã làm cho một bộ phận học sinh và sinh viên để tâm quá mức cần thiết cho yêu đương, mà sao nhãng mục tiêu học tập, làm nguội lạnh đam mê hiến dâng cho khoa học, công nghệ, và sự nghiệp.

3.3. Truyền bá tiểu xảo, làm lu mờ khát vọng về phát kiến lớn

Mảng bội dung tiêu cực thứ 3 liên quan đến các mưu mô thủ đoạn. Đây là mảng nội dung luôn chiếm phần nổi trội trong phim Trung Quốc. Mảng nội dung này gắn liền với những tình huống bất ngờ không thể đoán trước, có sức hút lớn vì thức tỉnh sự ngac nhiên và khêu gợi sự tò mò của người xem. Mảng nội dung này thể hiện tài năng và trí tuệ không đoán trước của những nhà viết văn, viết kịch và đạo diễn Trung Quốc. Đó là con dao hai lưỡi. Nó cho thấy mưu mô khó đoán định của những người đã làm nên phim. Nhưng nó cũng ảnh hưởng lên người xem về tiểu kỹ, mưu hèn kế bẩn, và những cuộc chơi không sòng phẳng. Và như vậy, nó làm vơi đi trong người xem, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên – tình nhân ái, lòng đại lượng, và tính sòng phẳng. Nó không cổ vũ cho lớp trẻ tập trung trí tuệ cho những phát minh lớn, mà lại co cụm trí tuệ vào những tiểu xảo. “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”.

3.4. Tạo nên hội chứng thần tượng với lợi ích thiết thực thấp

Mảng tác động tiêu cực thứ 4 là bỗng dưng biến một bộ phận đông đảo thanh niên Việt Nam thành người hâm mộ cho các ngôi sao điện ảnh Trung Quốc, Hàn Quốc; đưa đến tình thế dễ dãi trong lựa chọn thần tượng nước ngoài. Hơn nữa, khiến cho nhiều thanh niên lâm vào trạng thái cuồng mộ thần tượng. Ở mặt khác, là sự lựa chọn thần tượng ít mang lại lợi ích thiết thực, xa vời cho tiến bộ xã hội.

Cụ thể, chỉ sau 1 bộ phim dài tập, các diễn viên điện ảnh Trung Quốc và Hàn Quốc bỗng dưng có hàng vạn thanh niên Việt Nam hâm mộ, có khi đến mất ăn, mất ngủ. Hâm mộ các thần tượng là điều bình thường. Nhưng hâm mộ đến mất ăn mất ngủ chỉ vì một hành động nhỏ nào đó của thần tượng, là điều có hại. Chọn thần tượng dễ dãi thì niềm tin vào thần tượng cũng chóng đổ vỡ.

Ở đây động chạm đến một vấn đề rất quan trọng là công tác Tuyên giáo trong thanh niên. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (TNCS HCM) rất không dễ dàng khi xây dựng được một điển hình. Trong nhiều trường hợp, tuy mang danh điển hình nhưng không có mấy người học tập. Đó là thực tế.

Trong khi đó thì các diễn viên điện ảnh Trung Quốc và Hàn Quốc chỉ sau 1 vai diễn trong 1 bộ phim truyền hình dài tập được công chiếu bởi VTV đã có hàng chục ngàn thanh niên Việt Nam hâm mộ. Một cách không chủ ý, VTV đã vô tình giúp cho các diễn viên Trung Quốc và Hàn Quốc nhanh chóng có một đội ngũ đông đảo thanh niên Việt Nam là các fan hâm mộ chỉ sau vài tháng, điều mà VTV khó giúp được cho Đoàn TNCS HCM sau nhiều năm. Đó là vấn đề mà Ban Tuyên giáo Đoàn TNCS HCM phải tìm ra lời giải.

Còn có mặt tiêu cực khác nữa. Nó được tạo ra từ các câu hỏi: Hâm mộ ai? Và việc hâm mộ đưa lại ích lợi gì?

Chiếu nhiều phim ảnh Trung Quốc thì các ngôi sao điện ảnh Trung Quốc càng có cơ hội lớn để trở thành thần tượng. Vì thời gian và tâm trí dành cho thần tượng của mỗi người có hạn, nên đã hâm mộ người này đồng nghĩa với đánh mất cơ hội hâm mộ người khác. Chẳng hạn như diễn viên Triệu Vy có 10 vạn thanh niên Việt Nam hâm mộ, thì điều đó cũng đồng nghĩa với hầu hết 10 vạn thanh niên này mất đi cơ hội hâm mộ người khác, thí dụ là tỷ phú Elon Musk, hay như nữ bác học vật lý Canada Donna Strickland được trao giải Nobel năm 2018 vì những phát minh đột phá trong lĩnh vực laser. Nói một cách tương đối, nếu các ngôi sao điện ảnh Trung Quốc có được 1 triệu thanh nhiên Việt Nam hâm mộ, thì các thần tượng ở các lĩnh vực khác, chẳng hạn các nhà tỷ phú công nghệ, hay các nhà khoa học được giải thưởng Nobel, sẽ mất đi khả năng lôi kéo 1 triệu thanh niên Việt Nam này trở thành người hâm mộ.

Rõ ràng, 1 triệu thanh niên Việt Nam hâm mộ các ngôi sao điện ảnh Trung Quốc, 1 triệu thanh niên Việt Nam hâm mộ các nhà tỷ phú công nghệ Mỹ, 1 triệu thanh niên Việt Nam hâm mộ các nhà khoa học đạt giải Nobel – sẽ có tác động rất khác nhau lên tiến bộ xã hội Việt Nam. Trong số 1 triệu thanh niên Việt Nam hâm mộ các ngôi sao điện ảnh Trung Quốc, có mấy người trở thành ngôi sao điện ảnh và phần còn lại thu được lợi gì cho “sự nghiệp hâm mộ các ngôi sao điện ảnh Trung Quốc”? Tương tự như vậy, trong số 1 triệu thanh niên Việt Nam hâm mộ các tỷ phú công nghệ Mỹ, có bao nhiêu người trở thành tỷ phú công nghệ và phần còn lại thu được lợi gì cho “sự nghiệp hâm mộ các tỷ phú công nghệ Mỹ”? Và trong số 1 triệu thanh niên Việt Nam hâm mộ các nhà khoa học đạt giải Nobel, ai sẽ đạt giải Nobel trong tương lai, bao nhiêu người trở thành các nhà khoa học danh tiếng, có bao nhiêu phát minh sáng chế, và phần còn lại thu được lợi gì cho “sự nghiệp hâm mộ các nhà khoa học đạt giải Nobel”?

Cho nên, Ban Tuyên giáo Trung ương, Uỷ Ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Đoàn TNCS HCM, Đài Truyền hình Trung ương VTV – không thể không tìm cách giúp cho thanh niên thiếu niên và nhi đồng Việt Nam nên hâm mộ ai và hâm mộ theo cách nào.

Các ngôi sao trong làng giải trí dễ dàng có được hàng triệu thanh niên Việt Nam hâm mộ, nhưng các nhà tỷ phú công nghệ, các nhà khoa học nổi tiếng không dễ gì để mỗi người có được vài chục ngàn thanh niên Việt Nam chọn làm thần tượng. Đó là bài toán cần câu trả lời từ nhiều phía, trong đó rất quan trọng là từ những người chịu trách nhiệm về công tác Tuyên giáo cho thanh niên, học sinh và sinh viên.

Lấy một trường hợp thực tiễn để thêm sáng tỏ. Cho đến thời điểm hiện tại, trong lịch sử 76 năm kể từ khi nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà ra đời ngày 2/9/1945, rất ít khi có Chủ tịch Hội Toán học Quốc tế đến thăm Việt Nam. Chẳng hạn như chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Hội Toán học Quốc tế vào năm 2009. Đó là nhà toán học Hungary nổi tiếng László Lovász. Nhưng ở Việt Nam chỉ có vài trăm người biết đến chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Hội Toán học Quốc tế László Lovász. Không có người hâm mộ tụ tập chờ đón Ông tại phi trường, ngoài những người có trách nhiệm.

Trong chiều hướng ngược lại, tối ngày 10/1/2020 hàng ngàn thanh niên Việt Nam đã xếp hàng dài nhiều giờ tại sân bay Nội Bài để chào đón thần tượng là 2 ca sĩ Hàn Quốc thuộc nhóm EXO đến Hà Nội. Trước đó không lâu, vào ngày 10/9/2019 hàng ngàn người hâm mộ là giới trẻ cũng đã tập trung nhiều giờ tại sân bay Tân Sơn Nhất để đón chào thần tượng là ngôi sao điện ảnh Hàn Quốc Ji Chang Wook. Điều gây sốc hơn là ngày 11/9/2019, nhiều ngàn người hâm mộ chờ đón đến mức khiến Ji Chang Wook sợ hãi, huỷ bỏ sự kiện và trở về Hàn Quốc ngay trong đêm.

Sự đối nghịch của các thí dụ vừa dẫn trên không thể không đặt ra những vấn đề nghiêm túc về công tác Tuyên giáo cho thanh niên. Trong đó có công tác Tuyên giáo bằng phương tiện truyền hình mà VTV giữ vai trò rất quan trọng.

3.5. Tiêu phí một lượng lớn thời gian quý giá cho một lợi ích thực tế nhỏ

Không bàn về tính giải trí và nghệ thuật dàn dựng của các phim Trung Quốc nhiều tập, được công chiếu lại nhiều lần trên truyền hình Việt Nam. Muốn đề cập thêm đến một tác động không tích cực khác. Đó là hiệu quả vận dụng thực tế thấp.

Các phim võ thuật của Trung Quốc, với những màn võ thuật bịa đặt được dàn dựng ma mị, đã đưa các võ sư Trung Quốc, đặc biệt là Thiếu Lâm lên hàng vô đối. Biết là hư cấu, hư cấu để giải trí, nhưng bốc phét lên tận mây xanh. Trên thực tế, các cao thủ của Thiếu Lâm đã gục ngã nhanh chóng dưới chân của các võ sĩ MMA và Muay Thái trong các trận thách đấu trên võ đài quốc tế qua mấy năm gần đây. Võ thuật trong phim Trung Quốc là sự thổi phồng đến mức hoang tưởng, với hiệu quả vận dụng thực tế không nhiều.

Cũng như vậy là về các câu chuyện tình éo le li kỳ dài tập, cuộc sống cung đình hàng thế kỷ xa xưa? Từ chúng, vận dụng được gì tích cực cho cuộc sống thời internet toàn cầu mà phải mất thời gian theo dõi liên tục nhiều ngày nhiều tháng, nhiều năm?

Sẽ có người nói rằng, không thích thì đừng xem, chuyển sang kênh khác. Nhưng chuyển sang kênh nào vào giờ vàng, đa số đều dính phim Trung Quốc. Có bao nhiêu người phạm tội về ma tuý và cưỡng dâm là vì sự mời chào? Tại sao nói phim bạo lực thúc đẩy tội phạm? Tại sao phê phán phim khiêu dâm? Nếu không trưng bày thì không có để xem. Nhưng đã có trưng bày, trưng bày nhiều ngày liên tục trước mắt vào thời điểm thích hợp thì kẻ nào cũng phải liếc nhìn. Cho nên, thà không có còn hơn có mà nguy hại.

Cuối cùng, những người tinh thông sẽ ngẫm ra bài học sâu sắc. Rằng tiêu phí nhiều thời gian cho phim Trung Quốc, chỉ với mục tiêu giải trí, thì sẽ nhanh chóng bị ngấm các tác động tiêu cực nguy hiểm, còn lợi ích thực tế cho đời sống hiện tại thì vô cùng ít ỏi.

Nêu vấn đề này ra là vì lợi ích thanh niên, học sinh, sinh viên Việt Nam. Năm tháng qua đi rất nhanh. Thời gian không lấy lại. Thanh niên, học sinh, sinh viên phải dành thời gian quý báu cho các công việc hữu ích, giúp mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho sự nghiệp và cuộc sống, mà không lãng phí nhiều thời gian cho sự giải trí vô bổ.

Trên đây chỉ là một số khía cạnh tiêu cực mà các phim kiếm hiệp, dã sử, tâm lý xã hội của Trung Quốc đang chiếu trên các kênh truyền hình Việt Nam có thể ảnh hưởng đến một bộ phận học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên và nhi đồng Việt Nam. Còn những khía cạnh tiêu cực khác nữa chưa thể trình bày ở đây do hạn chế về dung lượng bài viết.

Nhưng chỉ từ những điều trên cũng đã đủ cấp bách để đi tìm lời giải cho bài toán: Đài Truyền hình Việt Nam, là phương tiện Tuyên giáo lợi hại, phải chiếu phim gì, phải có những chương trình gì vào khung giờ vàng để phục vụ cho học sinh, sinh viên, thanh niên?

4. THANH THIẾU NIÊN VÀ NHI ĐỒNG VIỆT NAM CÓ BỊ THIỆT THÒI KHI KHÔNG XEM CÁC PHIM TRUNG QUỐC ĐANG CHIẾU TRÊN KHUNG GIỜ VÀNG CỦA VTV2?

Mỗi dân tộc có nền văn hoá riêng của mình. Thanh thiếu niên và nhi đồng các nước Âu Mỹ không biết đến “Thuỷ hử”, “Tam quốc diễn nghĩa”, “Tây du ký”, “Hồng lâu mộng”, cũng như các phim kiếm hiệp và các chuyện tình của Trung Quốc. Nhưng họ có nhiều giải thưởng Nobel về khoa học. Họ chế tạo ra bom nguyên tử và tên lửa đạn đạo trước khi người Trung Quốc học theo. Điều đó khẳng định rằng – thiếu các phim ảnh của Trung Quốc đang chiếu trên khung giờ vàng của VTV2 không hề làm giảm khả năng sáng tạo của họ. Cũng như vậy, không xem các phim Trung Quốc đang chiếu trong khung giờ vàng của VTV2 không làm giảm khả năng sáng tạo của thanh thiếu niên và nhi đồng Việt Nam.

Nói như thế không có nghĩa là phản đối trao đổi phim ảnh. Mà muốn nói đến cách thức trao đổi phim ảnh.

5. BIẾT SỬ TÀU NHIỀU HƠN SỬ TA

Việc VTV và các đài truyền hình địa phương triền miên chiếu phim kiếm hiệp, dã sử và phim tâm lý xã hội của Trung Quốc vào khung giờ vàng hết ngày này qua tháng khác, hết năm này sang năm khác – đã dẫn đến một thực tế chua xót, là một bộ phận lớn thanh thiếu niên Việt Nam biết sử tàu nhiều hơn sử Việt Nam.

Tất cả các triều đại của Trung Quốc, từ Nghiêu Thuấn, Hạ, Thương, Chu, qua Thời Xuân Thu – Chiến Quốc, đến Tần, Hán, Tấn, Nam –Bắc Triều, rồi Tuỳ, Đường, Tống Nguyên, Minh, Thanh – không sót một triều đại nào – tất cả đều xuất hiện nhiều lần trên các kênh của VTV. Có quá nhiều vua chúa và quan tướng Trung Quốc được các kênh của VTV chiếu đi chiếu lại nhiều lần vào các khung giờ vàng. Ai cũng biết, trình chiếu trong khung giờ vàng có lượng người xem nhiều lần đông hơn các khung giờ khác. Thế mới gọi là giờ vàng.

Mỗi giờ VTV chiếu phim các vua chúa Trung Quốc, phim dã sử Trung Quốc, phim kiếm hiệp Trung Quốc, phim hình sự Trung Quốc, phim tâm lý xã hội Trung Quốc… là mỗi giờ “giảng dạy” về lịch sử Trung Quốc, về địa lý Trung Quốc, về văn hoá Trung Quốc.

Ngày này qua ngày khác, quanh năm suốt tháng VTV2 và các kênh khác của VTV chiếu phim Trung Quốc thì đó chính là quanh năm suốt tháng đài truyền hình “giảng dạy” về lịch sử, địa lý, văn hoá của Trung Quốc.

Bởi chính vì thế mà thanh thiếu niên Việt Nam thuộc sử tàu hơn sử ta.

6. ĐÂU RỒI HÀO KHÍ VIỆT NAM?

Cuộc trốn chạy pháp luật của những kẻ giết người cướp của trong “Thuỷ hử”- được nguỵ trang bởi những màn võ thuật khoác lác bịa đặt, cũng như sự nghiệp các hoàng đế Trung Quốc nhiều lần mang quân xâm chiếm nước ta – lại được Truyền hình Việt Nam chiếu đi chiếu lại nhiều lần ở khung giờ vàng!

Đâu rồi điệp trùng các cuộc hội tụ của các anh hùng hào kiệt Việt Nam vì mục đích thiêng liêng chống giặc ngoại xâm cứu nước – như Hai Bà Trưng, Triệu Thị Trinh, Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế, Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn, Hoàng Hoa Thám…? Đâu rồi những truyền thuyết li kỳ về các tài năng cầm quân xuất chúng của Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lý Thường Kiệt, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ…? Đâu rồi các tướng tài lừng lẫy, các bậc quân sư thông tuệ, các sứ thần vang danh Lý Ông Trọng, Lê Chân, Phùng Hưng, Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Biểu, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Đăng Đạo, Hồ Phi Tích, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm…? Sao các câu chuyện về những bậc hào kiệt của Việt Nam không xuất hiện trên khung giờ vàng của VTV từ 18h-20h15?

Lịch sử Việt Nam không thiếu gì các câu chuyện kỳ thú về các vị vua, các tướng tài “cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh hùng cứ một phương” cho VTV khai thác vào các khung giờ vàng. Qua truyền hình, vào khung giờ vàng, phải truyền cho thanh thiếu niên và nhi đồng Việt Nam hào khí của cha ông, lịch sử oai hùng của dân tộc, chứ không phải quảng bá cho lịch sử và văn hoá Trung Quốc. Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn của lãnh đạo VTV.

7. BÌNH ĐẲNG TRONG TRAO ĐỔI PHIM ẢNH TRUYỀN HÌNH

Hàng ngày ở Việt Nam có hàng chục kênh truyền hình chiếu phim Trung Quốc. Trong khi đó, 1 năm ở Trung Quốc, rất khó tìm được 1 lần ở 1 kênh truyền hình nào đó của Trung Quốc chiếu 1 phim Việt Nam.

Không có nước nào có phim được chiếu ở Việt Nam nhiều như Trung Quốc, và cũng không có nước nào chiếu nhiều phim Trung Quốc như Việt Nam. Đó là một thực tế cần suy nghĩ.

Quan hệ quốc tế là bình đẳng. Tiếp cận phim và trao đổi phim cũng bình đẳng. Không vì nước bé, nước yếu, nước nghèo mà phải chiếu nhiều phim của nước lớn, nước mạnh, nước giàu.

Chiếu phim của nước nào là quảng bá cho nước đó. Chiếu phim của nước nào là chịu ảnh hưởng có mức độ của nước đó. Phim ảnh là một phương tiện “xâm lược mềm”. Cho nên không thể dễ dãi trong chiếu phim ảnh của nước ngoài. Có trường hợp cho không cũng không chiếu. Có trường hợp biếu thêm tiền cũng không chiếu. Đó là những điều sơ đẳng hiển nhiên.

Nói những điều trên không phải chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực mà không biết đến các ưu điểm đã tạo nên lực hút khán giả của “Thuỷ hử” và các phim khác của của Trung Quốc được chiếu trong khung giờ vàng của VTV.

Đơn giản, bởi vì nội dung các phim đó, về cơ bản, không đi chung đường với mục đích Khoa Giáo. Chúng cổ vũ cho bạo lực qua những màn võ thuật bịa đặt. Chúng lưu vào trí nhớ thanh thiếu niên Việt Nam những “hảo hán” bịa đặt thổi phồng của Trung Quốc, rồi quên đi các hào kiệt Việt Nam. Chúng lôi kéo một bộ phận thanh thiếu niên Việt Nam sa lâỳ vào những chuyện tình hư cấu. Chúng làm lạc hướng sự nghiệp của một bộ phận thanh thiếu niên Việt Nam, làm xa rời mục tiêu học tập và nghiên cứu khoa học, làm nhạt đi khát vọng dấn thân cho thành tựu công nghệ mang lại tiến bộ cho dân tộc và nhân loại.

Đó là những nguy hại to lớn không nhận biết của loạt phim Trung Quốc hết tháng này qua năm khác đang “ngự trị” trên khung giờ vàng VTV2 và các kênh khác của truyền hình Nhà nước Việt Nam.

Không bài trừ, không tẩy chay, không ngăn cấm phim Trung Quốc. Những người yêu thích phim Trung Quốc có thể dễ dàng xem được trên internet, mà Nhà nước Việt Nam không phải mất tiền bạc và dành khung giờ vàng của truyền hình để quảng bá cho họ.

Cũng nhân tiện nói về bình đẳng trong quan hệ quốc tế, xin lưu ý rằng mấy năm gần đây có sự hợp tác giữ Đài THVN và Đài PTTH Quảng Tây, Trung Quốc. Trong khi Đài THVN là cấp quốc gia thì Đài PTTH Quảng Tây là cấp tỉnh. Để hợp tác với Đài PTTH Quảng Tây thì chọn Đài Truyền hình của một tỉnh Việt Nam có biên giới với Quảng Tây, chẳng hạn Đài Truyền hình Lạng Sơn, là phù hợp. Hợp tác là điều cần thiết. Nhưng hợp tác đối ngoại cần phải bình đẳng, đồng cấp.

8. TẠI SAO?

Tại sao phim Trung Quốc lại áp đảo trên các khung giờ vàng của Truyền hình Việt Nam?

Có phải VTV2 dành khung giờ vàng 19h-20h15 chiếu phim kiếm hiệp, phim dã sử và phim tình cảm xã hội của Trung Quốc liên tục là vì mục đích thu hút khán giả nhằm tăng nguồn thu quảng cáo để tồn tại?

Nếu quả đúng như vậy thì nên có chính sách điều phối tài chính để VTV2 chuyên tâm phục vụ mục tiêu Khoa Giáo, đồng thời từng bước sản xuất được các chương trình Khoa Giáo đặc sắc, hay mua bản quyền một số chương trình Khoa Giáo tốt của nước ngoài, để có thể thu hút được khán giả cùng quảng cáo.

Trong trường hợp khác, vì thiếu các chương trình có sức hấp dẫn để chiếu cho khán giả, thì hoặc cắt giảm chương trình, hoặc giảm bớt các kênh truyền hình.

Thực tế phim Trung Quốc “ngự trị” trong khung giờ vàng 19h45-20h15 của VTV2 trong suốt gần 2 năm ( 25/2/2020-13/11/2021) mà không phim nước nào lọt vào được, kể cả phim Hàn Quốc – là một hiện tượng bất thường. Hiện tượng bất thường này khó giải thích được bằng những nguyên do bình thường.

Có hay không các nhóm lợi ích trong thúc đẩy chiếu phim Trung Quốc? Lợi ích ở đây hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm lợi ích kinh tế, lợi ích quyền lực, lợi ích chính trị.

Truyền hình Việt Nam, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có 131 kênh do nguồn đầu tư từ Nhà nước. Ngoại trừ Trung Quốc, không có nước nào, kể cả các cường quốc dẫn đầu như Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức, Nhật – có nhiều kênh truyền hình như Việt Nam. Nhiều quốc gia thậm chí không có Truyền hình Nhà nước. Nguồn kinh phí Nhà nước Việt Nam hàng năm để nuôi 131 kênh truyền hình này là con số không hề nhỏ.

Nêu ra các điều trên, không phải để làm tổn hại VTV, mà là để ủng hộ VTV phát triển mạnh mẽ đúng hướng. Nêu ra những điều trên là để VTV mỗi ngày có thêm nhiều chương trình hay, bổ ích, do chính VTV tự sản xuất, bớt đi sự phụ thuộc vào phim ảnh và chương trình của nước ngoài. Là người Việt Nam, ai cũng mong có một Đài Truyền hình Quốc gia danh giá.

9. ĐỀ XUẤT

Từ những điều nêu trên, xin đề xuất một số điểm sau đây nhằm nâng cao hiệu quả công tác Tuyên giáo trên VTV phục vụ cho học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên và nhi đồng Việt Nam.

9.1. Trả lại khung giờ vàng của VTV2 từ 19h-20h15 cho các chương trình Khoa Giáo đặc sắc. Có chính sách điều phối tài chính để VTV2 tồn tại, sản xuất được và sở hữu các chương trình Khoa Giáo đặc sắc.

9.2. Đưa thời lượng phim các nước chiếu trên các kênh của VTV về tỷ lệ bình đẳng. Thời lượng dành cho phim nước ngoài phải hợp lý. Cắt giảm mạnh mẽ lượng phim Trung Quốc trên các kênh của VTV, đặc biệt là khung giờ vàng. Không đủ chương trình thì cắt giảm chương trình, giảm bớt các kênh.

9.3. Đẩy mạnh quảng bá văn hoá Việt Nam. Nuôi dưỡng thanh thiếu niên và nhi đồng Việt Nam bằng văn hoá Việt Nam, chứ không phải bằng văn hoá nước ngoài. Không để văn hoá nước ngoài thông qua các chương trình và phim ảnh trên truyền hình xâm nhập vào trí não các thế hệ trẻ Việt Nam đến mức áp đảo cả văn hoá Việt Nam, đến nỗi học sinh Việt Nam biết sử nước ngoài giỏi hơn biết sử Việt Nam.

9.4. Chọn lọc các phim và xây dựng các chương trình phát trên VTV nhằm khuyến khích học sinh, sinh viên, thanh niên dâng hiến cho các mục tiêu tốt đẹp làm đất nước giàu mạnh, trong đó có khát vọng làm giàu bằng sản xuất, bằng phát minh khoa học và sáng chế công nghệ.

9.5. Thúc đẩy sự hợp tác giữa Đoàn TNCS HCM và Đài TNVN xây dựng các chương trình hay, bổ ích, phục vụ công tác Tuyên giáo cho thanh niên, học sinh và sinh viên.

9.6. Thúc đẩy Đài THVN mạnh dạn đầu tư tự lực xây dựng các chương trình hấp dẫn, bổ ích cho khán giả trong nước, bớt phụ thuộc vào phim ảnh nước ngoài. Cắt giảm dần các chương trình phải mua đắt tiền của nước ngoài. Phát huy trí tuệ người Việt trong sản xuất chương trình cho Truyền hình Việt Nam.

10. CHIA SẺ

Những người lớn tuổi, đã nhiều năm làm việc liên quan đến Khoa học và Giáo dục, đều mong muốn các thế hệ trẻ Việt Nam được sống trong một môi trường Khoa Giáo lành mạnh, không bị chi phối bởi các nhân tố tiêu cực, để toàn tâm toàn lực dâng hiến cho sự nghiệp cá nhân, cho sự cường thịnh của đất nước. Nhưng hiện có quá nhiều nhân tố tiêu cực, trong đó là tác động của phim ảnh nước ngoài – đang làm giảm sút ham muốn học tập, làm nguội dần đam mê khoa học và công nghệ của một bộ phận học sinh, sinh viên, thanh niên Việt Nam. Chúng ta cần tạo ra một môi trường lành mạnh nuôi dưỡng thanh niên Việt Nam không ngừng dấn thân cho sản xuất, cho đam mê khoa học và công nghệ – giúp cho đất nước nhanh chóng giàu mạnh, tiến kịp cùng các cường quốc hàng đầu; hơn là để họ bị ảnh hưởng bởi các phim ảnh nước ngoài cổ suý cho bạo lực, cho những tình yêu uỷ mị, cho các thú vui hưởng lạc cung đình.

Phim ảnh là phương tiện “xâm lược mềm”. Tinh lực sáng tạo của quốc gia đang bị tê liệt dần – ngày qua ngày – từ những hoạt cảnh hấp dẫn trên màn hình mà nhiều khi chúng ta không hề nhận thấy.

Những điều viết ra trên đây là suy nghĩ cá nhân, không tránh được tính chủ quan, còn có khiếm khuyết, chưa thấu đáo mọi bề, nên không áp đặt quan điểm và không cạnh tranh về tính đúng đắn. Nhưng tôi tin rằng, không phải tất cả thì ít ra trong số đó sẽ có vài điều mà ở đó Ông Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và Ông Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ tìm được tiếng nói đồng thuận với cách nhìn của tôi.

Bởi thế, tôi mạo muội đề nghị Ông Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và Ông Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, trong quyền hạn và trách nhiệm của mình, có những quyết định phù hợp vì lợi ích của học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên và nhi đồng Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét