Thi “MU” mà cũng học thuộc lòng văn mẫu
26-6-2022
Tuy thích ngắm người đẹp, nhưng tôi không bao giờ xem thi hoa hậu Viêt Nam, vì nó nhảm! Sáng nay, thấy nhiều Facebooker cười cuộc thi hoa hậu hoàn vũ mà logo viết tắt “MU VN”, Nguyễn Thị Bích Hậu viết có 3 thí sinh nói Anh ngữ dở quá, tôi tò mò coi, thấy mắc cười!
Nhưng tôi không cười các cháu, mà tôi thù nền giáo dục nhồi sọ! Cây đa cây đề tiếng Việt là GS Nguyễn Đăng Mạnh viết sách “217 ĐỀ VÀ BÀI VĂN” cho lớp 10, 11,12 để học tủ đi thi là diệt kỹ năng diễn đạt tiếng Việt, làm dốt tiếng mẹ đẻ của học sinh!
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo viết “MỘT BÀI VĂN MẪU LÀM GƯƠNG XẤU” đã phê bình bài văn mẫu của GS Mạnh “Hãy phân tích “Vẻ đẹp của hình tượng cây Xà Nu” trong truyện “Rừng Xà Nu” của Nguyễn Trung Thành”, tôi đọc mới biết Nguyễn Đăng Mạnh chưa đáng học trò của Trần Mạnh Hảo!
Một đoạn văn 76 chữ Nguyễn Đăng Mạnh viết lủng củng, rườm rà, trùng lặp, Trần Mạnh Hảo bỏ đi 25 chữ, thêm một dấu phảy, một dấu chấm câu là trở nên khúc chiết (precise)! GS mà viết thừa 1/3 số chữ, nên học sinh nói tiếng Việt không nhảm sao được?
Trở lại cuôc thi MU, theo trend các cuộc thi hoa hậu thế giới, thí sinh phải đẹp vẹn toàn cả MU lẫn MIỆNG, tức đẹp người và tri thức (thông qua lời nói). Thí sinh hoa hậu nước ngoài (thậm chí cầu thủ) được rèn luyện kỹ năng diễn đạt từ nhỏ, nên ứng xử hay, biểu cảm tốt. Thí sinh VN phải nói có định hướng, nên phải học thuộc lòng, mục ứng xử trở thành buổi trả bài căng thẳng.
Mỗi thí sinh được nói bằng tiếng Việt hoặc song ngữ Việt – Anh trong một phút (về bản lĩnh phụ nữ VN). Lẽ ra, ai dở tiếng Anh thì nói tiếng Việt, thậm chí có thí sinh sanh ở Đức không nói tiếng Anh, chỉ nói tiếng Việt lơ lớ nghe rất thật lòng. Trong khi, có thí sinh sanh ở VN, nói tiếng Việt còn vấp, còn quên, do không thuộc bài (không từ đáy lòng). Do trả bài nên mất biểu cảm, tiếng Việt thiếu âm điệu, trong khi tiếng Anh có intonation, accent do tập dượt nhiều hơn.
Có thí sinh vấp, quên, nói lại cả song ngữ, có thí sinh nói tiếng Anh không trôi chảy, drop ending sounds. Nhưng đáng trách là hầu hết thí sinh dùng nhiều từ hoa mỹ mà sáo rỗng, nói dài mà ít hàm lượng thông tin, không hàm ý, khái quát cao.
Muốn con ăn nói dịu dàng dễ nghe, người mẹ phải dạy con từ trong bụng. Khi mang thai, mẹ phải đi đứng nhẹ nhàng, nói năng từ tốn, thao tác khoan thai, không giận dữ, quát to, nghe nhạc êm dịu. Khi con biết nói, phải sửa câu nói trổng (thiếu chủ ngữ), câu cụt (thiếu vị ngữ); dạy nói lễ phép, cám ơn, xin lỗi; tránh nói các từ miệt thị: đui (không thấy đường), què (có tật chân), cùi (có tật tay), biết nói lời trân trọng với người tật nguyền…
Con mới biết nói, mà mẹ hỏi: “Biết bố mày là ai không?”, lớn lên học thuộc 217 bài văn mẫu, thì xin lỗi BỎ MẸ TIẾNG VIỆT!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét