Trách nhiệm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM ở đâu trong việc đe dọa xóa sổ chùa Nghệ sĩ?
Hoài Nguyễn
(VNTB) – Sau khi báo chí đưa tin việc xóa sổ chùa Nghệ sĩ, thì bất ngờ đến chiều 20-6, “ai đó” đã trả lại bảng tên cho chùa này…
Hôm 18/6, bảng tên chùa Nghệ sĩ được gỡ bỏ, thay bằng tấm bảng mới với dòng chữ Nghĩa trang Nghệ sĩ, kèm theo tên Hội Sân khấu TP.HCM.
Bà Trịnh Kim Chi – Phó chủ tịch Hội Sân khấu – cho biết quyết định được đưa ra sau khi Hội họp ban chấp hành, do đơn vị không có chức năng quản lý chùa.
Ban Ái hữu Nghệ sĩ (trực thuộc Hội) cũng tiến hành mời các sư tại chùa dọn ra ngoài, các hoạt động tại chùa ngừng lại. Phần nghĩa trang dành cho nghệ sĩ – bao gồm các chỗ chôn cất và thờ tro cốt – được giữ nguyên.
Chùa Nghệ sĩ, hay còn gọi là Nhựt Quang Tự, hoặc Phật Quang Tự nằm ở địa chỉ 116/6 Thống Nhất, phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM. Theo một số tư liệu, năm 1958, nghệ sĩ Phùng Há được Hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế tài trợ mua đất làm nơi yên nghỉ cho nghệ sĩ cải lương.
Sau khi bà Phùng Há mua mảnh đất 6.080 m2, gần 10 năm, chùa chưa được xây vì thiếu kinh phí. Năm 1969, bầu Năm Công (Lê Minh Công) xin nghệ sĩ Phùng Há cho dựng am để tu hành. Năm 1970, sau khi am hoàn thành, bầu Năm Công quyết định bán vì không còn tiền trả nợ. Bầu Xuân (gánh Dạ Lý Hương) mua lại am với giá gần 100 cây vàng, sau đó xây thành chùa, một phần diện tích làm nơi mai táng của nhiều nghệ sĩ và thân nhân.
Hơn nửa thế kỷ, đây là nơi an nghỉ của nhiều tên tuổi nổi tiếng như soạn giả cải lương Hà Triều – Hoa Phượng, Thu An, nghệ sĩ Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Út Trà Ôn, Thanh Nga, Hoàng Giang, Trường Xuân, Bảy Cao, Minh Phụng, Lương Tuấn, Lê Vũ Cầu, Lê Công Tuấn Anh… Tính đến năm 2008, khuôn viên nghĩa trang của chùa có 600 ngôi mộ, hơn 500 lọ cốt.
Cho đến khi vụ việc đổi tên ở trên được báo chí đăng tải thì người ta mới biết đây là ngôi chùa không thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM, và dường như cũng nằm ngoài chuyện quản lý về mặt hành chính của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM lẫn quận Gò Vấp.
Nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết nói rằng: “Chùa Nghệ sĩ không nên dẹp mà nên giao cho Giáo hội quản lý. Giáo hội Phật giáo sẽ bổ nhiệm các sư để hướng dẫn cho các anh chị em nghệ sĩ khi về già có chỗ nghỉ ngơi. Với lại đó là truyền thống không nước nào có được. Đây là công của má Bảy (tức nghệ sĩ Phùng Há) và ba Năm Châu (nghệ sĩ Năm Châu). Các nước khác người ta quý trọng di sản đó lắm. Tôi nghĩ nước mình cũng sẽ có cách làm cho tốt đẹp”, nghệ sĩ Bạch Tuyết nói.
Một số vấn đề pháp lý đặt ra trong chuyện dường như Hội Sân khấu TP.HCM đang toan tính “xóa chùa”, đó là lâu nay đất đai nơi đây được chính quyền địa phương quản lý hành chính với nghĩa vụ thuế là “đất tôn giáo”, hay “đất tư nhân”?
Nếu không phải là “đất tôn giáo”, về nguyên tắc, quyền đại diện sử dụng ở đây phải chăng là Hội Sân khấu, hay thuộc về Hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế thành lập từ năm 1948 và vẫn hoạt động đến tận ngày nay? Dù là của ai quản lý, thì trong chuyện nhang đèn, huyệt mộ ở nghĩa trang của chùa, cũng như phần nhà cốt cùng những phận sự về Phật pháp của các nhà sư nơi đây, tất cả có nằm trong phần báo cáo sổ sách thu – chi hàng năm của Hội Sân khấu TP.HCM, hay của Hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế?
Hơn hết, ai chịu trách nhiệm về hoạt động tôn giáo suốt mấy mươi năm qua ở chùa Nghệ sĩ, tức Nhựt Quang tự?
Rõ ràng ở đây có phần trách nhiệm không thể thoái thác từ chính quyền địa phương cũng như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng với Đảng - Đoàn ở Hội Sân khấu TP.HCM.
Và có lẽ không nên dừng lại ở việc “trả lại bảng tên chùa” là đủ để xếp lại những ẩn tình đàng sau đó.
H.N.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét