Nhớ lần gặp cụ Đĩnh (Phần 2)
23-5-2022
Tiếp theo Phần 1
Như đã biên và kể, lứa chúng tôi được thày bu sinh ra giữa thập niên 50 lúc đầu biết đến tên tuổi, danh tiếng Trần Đĩnh qua kênh chính thống, cụ thể là sách giáo khoa và báo mậu dịch. Cũng chỉ tới mức biết đó là một nhà báo, một người chấp bút hồi ký có tài. Vậy thôi. Bao nhiêu năm, cái tên ấy bị chìm khuất giữa cả rừng yếu nhân chính trị và văn nghệ nổi tiếng hơn, thậm chí dần dà người ta không nhớ không nhắc tới nữa.
Nghĩ vậy mà không phải vậy. Tới đầu thập niên 70, chúng tôi lại được nghe cái tên Trần Đĩnh, nhưng không phải qua kênh “chính thống” mà từ những cuộc nhỏ to, lén lút, thì thầm, xì xào. Cuộc nội chiến Bắc Nam đang rất ác liệt cuốn hút tất cả mọi thứ, dường như khiến người ta quên đi biết bao điều ghê gớm đã và đang diễn ra. Chúng tôi nghe trong những cuộc rỉ tai về chuyện thanh trừng nội bộ đảng và chính quyền, nghe những cái tên Hoàng Minh Chính, Lê Liêm, Nguyễn Minh Cần, Vũ Đình Huỳnh (cha) – Vũ Thư Hiên (con), Đặng Kim Giang, Nguyễn Kiến Giang, Ung Văn Khiêm, Bùi Ngọc Tấn, và cả Trần Đĩnh nữa.
Cái người từng ghi dấu ấn đỏ chói cho thể loại hồi ký với cuốn “Bất khuất”, nay cũng bị lôi ra đấu tố. Không một ai dám can, dám bênh vực người bị hàm oan. Đến cụ Vũ Đình Huỳnh đấng bậc mà còn bị ‘làm cho cho hại cho tàn cho cân, đã đày vào kiếp phong trần, sao cho sỉ nhục một lần mới thôi”, người tri kỷ của cụ còn làm ngơ ngoảnh mặt, thì Trần Đĩnh đã là “thá” gì. Chỉ may mắn hơn, ở chỗ cụ Đĩnh không bị bắt, không bị giam như những đàn anh Chính, Huỳnh, Kim Giang, Kiến Giang, hoặc ông anh ruột Trần Châu. Năm 1973, khi mới vào đại học, một hôm tôi được ông anh đồng môn là bộ đội đi học, anh Bùi Trọng Cường kể mới đi ngang qua trụ sở tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, thấy công an đông nghẹt, nghe nói xét xử kết án ông “Hoàng Minh Chính và đồng bọn”. Giờ thì lịch sử đã phán xét họ vô tội, bị hàm oan, nhưng oan khuất cứ lặng lẽ trôi qua, không một quan chức cầm đầu nào thay mặt cho cái chính thể này lên tiếng nhận lỗi, xin lỗi họ. Cũng như những vụ cải cách ruộng đất, vụ nhân văn giai phẩm, vụ đánh tư sản… vậy.
Nhớ hồi anh Nguyễn Quốc Tuấn (con cụ Nguyễn Kiến Giang) còn tại thế, anh vào Sài Gòn, tôi có dịp gặp, tò mò hỏi rằng họ có bao giờ xin lỗi cụ thân sinh và gia đình không, anh Tuấn khoát tay bảo không bao giờ. Chả riêng gì với cụ Kiến Giang mà ai cũng bị đối xử như vậy. Nhân chứng hiện chẳng còn bao nhiêu, cứ rơi rụng dần, như cụ Đĩnh vừa rồi. Nếu ai không biết hoặc không tin có chuyện này, vẫn còn bác Vũ Thư Hiên con cụ Huỳnh thư ký trợ lý thân cận của cụ Hồ kia, là người trong cuộc, bác ấy còn khỏe, còn minh mẫn, sẽ kể cho mà nghe.
Cụ Trần Đĩnh sau cái đận tai bay vạ gió ấy gần như vắng bặt trong đời sống tinh thần, văn hóa văn nghệ xứ này. Tưởng mất hút như bao số phận hẩm hiu, thế rồi đùng một cái, lừng lẫy với cuốn “Đèn cù” năm 2014. Trước đó người ta đã truyền tai nhau về “Đèn cù”, cũng như có thời khi gặp nhau nhấm nháy hỏi nhau đã coi “Làm người là khó” (của Đoàn Duy Thành), “Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh”, “Đêm giữa ban ngày” (Vũ Thư Hiên), “Bên thắng cuộc” (Huy Đức)… chưa.
Cuốn sách (Đèn cù) khá dày, 600 trang đúng, của người trong cuộc, nói như các cụ xưa “không ở trong chăn sao biết chăn có rận”, độ đúng sai, chân thực thế nào còn tùy góc độ của người đánh giá, nhưng Trần Đĩnh, cũng như Đoàn Duy Thành, Trần Độ, Nguyễn Đăng Mạnh, Bùi Ngọc Tấn, Vũ Thư Hiên… đã giúp thế nhân lần vào được những góc khuất mà nhà cai trị cố tình bưng bít, giấu diếm.
Tôi nhẩn nha kể vậy, còn cái đoạn gặp cụ Đĩnh xương thịt thế nào, xin được khất lại phần sau.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét