Đằng sau dự thảo về tiền công đức: Khi chính quyền làm “trùm” kinh doanh tâm linh Phật giáo
Du lịch tâm linh đem lại lợi ích cho ai, và ai phải trả giá?
12/05/2022
Văn Tâm
Minh họa: Luật Khoa.
Cuối tháng 3/2022, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo lần thứ ba của thông tư quy định việc quản lý tiền công đức tại các di tích. [1] Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngay lập tức phản đối dự thảo này. Giáo hội đề nghị nhà nước đưa tiền công đức của nhà chùa ra khỏi dự thảo. [2]
Đề nghị trên của giáo hội sẽ khó thành hiện thực khi các di tích giờ đây đã trở thành “mỏ vàng” của chính quyền.
Tại tỉnh Quảng Ninh, doanh thu du lịch chỉ trong dịp Tết năm 2022 đã đạt khoảng 1.000 tỷ đồng, trong đó phần lớn là từ các hoạt động du lịch tâm linh. [3] Tỉnh Tuyên Quang tuyên bố sẽ trở thành “trung tâm của du lịch tâm linh vùng Trung du và miền núi phía Bắc”. [4] Tỉnh Hưng Yên sẽ tạo đột phá với du lịch tâm linh. [5] Còn Côn Đảo sẽ trở thành khu du lịch văn hóa – lịch sử – tâm linh tầm cỡ khu vực và quốc tế. [6]
Vào dịp lễ 30/4/2022, Khu du lịch Cổng trời Đông Giang, tỉnh Quảng Nam đã mở cửa đón khách với 200 phòng khách sạn bên cạnh một ngôi đền được xây dựng mới ở giữa rừng nguyên sinh. Chưa hết, chủ đầu tư đã đổ bê tông từ cửa hang Gợp vào tận bên trong hang để làm lối đi, thắp đèn sáng trưng để phục vụ du khách tham quan. [7]
u lịch tâm linh là một thuật ngữ nghe chừng mới mẻ, nhưng giờ đây đang lấn át tất cả các loại hình du lịch ở Việt Nam.
Từ tàn phá đền đài đến du lịch tâm linh
Ở miền Nam, từ sau khi Sài Gòn rơi vào tay chính quyền miền Bắc, các đền đài hoang tàn, chùa chiền chìm trong bóng tối do chế độ mới xem những cơ sở này là mê tín dị đoan, là công cụ cai trị của chế độ phong kiến. Đây là điều đã xảy ra ở miền Bắc từ năm 1954. [8]
Năm 1986, một bài viết trên Tạp chí Cộng sản cho rằng niềm tin vào sức mạnh của thần linh chỉ là ảo tưởng, khiến người ta trở nên bất lực và tin vào định mệnh không thể thay đổi. [9]
Theo giáo sư Philip Taylor, sau Đổi Mới, các nhà nghiên cứu đã thuyết phục chính quyền nên xem tín ngưỡng, tôn giáo là một phần của bản sắc dân tộc và lịch sử của đất nước. Khi đó, các đền đài, chùa chiền ở hai miền mới dần được phục hoạt, và được công nhận là các di tích. [10]
Từ những năm 2000, việc đầu tư lớn vào du lịch tâm linh mới nảy sinh ở một số các tỉnh, thành. Ví dụ như tỉnh Vĩnh Phúc tìm cách phát triển du lịch tâm linh trên Tam Đảo, Đà Nẵng dựng Phật đài lộ thiên tại khu du lịch Bà Nà, Ninh Bình xây dựng chùa Bái Đính khổng lồ vào năm 2003. [11] [12]
Đến năm 2013, “du lịch tâm linh” mới chính thức được nhắc đến trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nắm bắt xu thế này. [13]
Giáo hội dấn thân kinh doanh
Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) có hàng chục ngôi chùa được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt, và khoảng 500 ngôi chùa là di tích cấp quốc gia. [14]
Mặt khác, giáo hội cũng xây mới các ngôi chùa tại những nơi được công nhận là di tích nổi tiếng, hòng chia sẻ lượt khách tham quan với di tích đó.
Năm 2004, sau khi núi Thần Đinh, tỉnh Quảng Bình được công nhận là di tích danh thắng, số người đến tham quan ngày một đông. Tận dụng sự linh thiêng của một tàn tích Phật giáo lâu đời trên ngọn núi này, Tổ đình Vĩnh Nghiêm đã xây mới một ngôi chùa tại chân núi nhằm thu hút người dân các tỉnh đến lễ bái. [15]
Trong báo cáo hoạt động nhiệm kỳ 2012 – 2017, giáo hội cho biết đã tham gia tổ chức thành công nhiều lễ hội – thứ vốn chưa bao giờ là một thực hành của Phật giáo – nhằm thu hút khách du lịch. Trong số đó, có thể kể đến Lễ hội Yên Tử, Lễ hội chùa Bái Đính, Lễ hội Xuân Ngọa Vân-Đông Triều, Lễ hội Mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc, v.v. Giáo hội cũng bắt đầu quan tâm đến các kỷ lục về chùa chiền, tượng Phật. [16]
ễ hội Hoa Cúc do chùa Ba Vàng tổ chức vào năm 2020. Ảnh: Pháp luật và Thời đại.
Các di tích Phật giáo nổi tiếng được chính quyền đầu tư lớn đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan.
Tổng cục Du lịch cho biết có đến 34,85 triệu lượt khách tham quan các điểm du lịch tâm linh vào năm 2019. Tổng cục cho biết các di tích thu về số tiền công đức khá lớn. Du khách cũng chi tiêu cho việc đi lại, ăn uống, mua sắm tại các di tích. [17]
Đến nay, GHPGVN chưa công khai số tiền công đức từ các ngôi chùa của mình. Tuy nhiên, có thể hình dung một phần nào đó về độ lớn của tiền công đức qua các con số khác. GHPGVN cho biết đã chi 6.838 tỷ đồng để làm từ thiện từ năm 2012 đến năm 2017. [18] Hay vụ việc Đại đức Thích Thanh Toàn, trụ trì chùa Nga Hoàng ở huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, xin nhận tài sản 200 – 300 tỷ đồng để hoàn tục sau khi bị tố cáo sàm sỡ phóng viên. [19]
Gần đây, GHPGVN phản đối dự thảo thông tư của Bộ Tài chính về quản lý tiền công đức tại các di tích, trong đó có các ngôi chùa ăn nên làm ra của giáo hội. Trên thực tế, chính quyền mới chính là bên làm ra tiền ở những di tích này.
Khi tâm linh thành hàng hóa: Cuộc chơi của chính quyền
Hiện nay, tâm linh đã trở thành yếu tố không thể không có trong quy hoạch du lịch của các tỉnh, thành, bất chấp hoạt động tâm linh đó có phù hợp với truyền thống tín ngưỡng, tôn giáo của địa phương nơi đó hay không.
Năm 2014, Lễ hội Hoa Ban lần đầu được chính quyền tỉnh Điện Biên tổ chức. Đây là lễ hội truyền thống của dân tộc Thái. [20] Một năm sau, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại tỉnh này bắt đầu tổ chức“Lễ hội Phật giáo mùa Hoa Ban”. [21] Sự kiện này được tổ chức hàng năm, với mục đích là giới thiệu văn hóa Phật giáo và quảng bá du lịch. [22] Theo thống kê của nhà nước vào năm 2009, tỉnh Điện Biên chỉ có 73 người theo Phật giáo. [23]
Tại tỉnh Quảng Nam, một đền thờ Mẫu Thượng Ngàn (Lâm Cung Thánh Mẫu) đã được dựng lên trong khu vực 120 ha đất rừng thuộc Khu du lịch Cổng trời Đông Giang, giữa núi rừng của người Cơ Tu. Trong khi đó, việc thờ cúng này vốn là hoạt động tâm linh của người dân miền Bắc. [24]
Một góc Khu du lịch Cổng trời Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Báo Người Lao Động.
Một góc cảnh quang ở Khu du lịch Cổng trời Đông Giang trước và sau khi xây dựng thành khu du lịch. Ảnh: Báo Lao Động.
Trong 13 tỉnh thuộc khu vực Tây Nam Bộ, các thiền viện Trúc Lâm, một pháp môn tu thiền do vua Trần Nhân Tông sáng lập, đã được xây dựng ở 10 tỉnh với sự hỗ trợ trực tiếp của chính quyền các địa phương (Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, và Cà Mau). [xem chú thích 25-34]
Các thiền viện Trúc Lâm ở các tỉnh Tây Nam Bộ được cho là phục vụ cho du lịch tâm linh hơn là tu học Phật giáo. [35] Ngoài lối kiến trúc miền Bắc khác lạ, pháp môn này cũng khá xa lạ với miền Nam, nơi người dân có truyền thống Tịnh Độ Tông, hoặc Phật giáo Nam Tông của người Khmer.
Ngược ra phía Bắc, trong số 28 tỉnh, thành từ Hà Giang đến Hà Tĩnh, tất cả đều đặt mục tiêu phát triển du lịch tâm linh, và đều cho rằng mình có thế mạnh với loại hình này.
Năm 2016, tỉnh Bắc Giang bắt đầu xây dựng Khu du lịch tâm linh Tây Yên Tử để cạnh tranh với Khu du lịch Yên Tử của tỉnh Quảng Ninh. [36] Năm 2021, chính quyền tỉnh Bắc Kạn đã làm việc với nhà đầu tư về dự án Khu du lịch tâm linh Ba Bể với tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng trên 1.720 ha đất, dự kiến đặt tượng lớn nhất châu Á làm điểm nhấn. [37] Đến năm 2022, tỉnh Hải Dương đã phê duyệt xây dựng Khu du lịch tâm linh, sinh thái hồ Thanh Long. [38]
Đồ họa: Luật Khoa.
Có thể thấy, chính quyền hiện nay đang đóng vai trò rất lớn trong việc kích thích nhu cầu du lịch tâm linh. Xu hướng này có thể đưa đến những hậu quả nào?
Kích thích nhu cầu du lịch tâm linh: Lợi và hại
Du lịch tâm linh hiện nay phổ biến ở ba loại hình: (1) Tưởng nhớ các liệt sĩ cách mạng; (2) cúng bái, cầu xin thần linh ở các đền đài, ví dụ như các đền thờ Mẫu hay đền thờ các anh hùng của đất nước được phong thần như Trần Hưng Đạo; và (3) tham quan, cầu xin ở các di tích tôn giáo, nhất là Phật giáo.
Trong đó, loại hình (2) và (3) thu hút đông đảo người dân. Vào năm 2008, theo một thống kê, chỉ riêng ở Hà Nội đã có khoảng 500 điện thờ tư nhân. Nhà nghiên cứu Đỗ Quang Hưng khi đó cho rằng việc bùng nổ nhu cầu tâm linh dù có thực nhưng đang bị kinh tế thị trường và các vấn đề tâm lý xã hội làm cho méo mó, dẫn đến sự xuất hiện của các hoạt động “gọi hồn, tìm mộ”. [39]
Hơn 10 năm sau, vấn đề mà nhà nghiên cứu Đỗ Quang Hưng đề cập đã được nâng lên tầm cao mới qua việc bùng nổ các khu du lịch tâm linh, trong đó có bàn tay thúc đẩy của chính quyền.
Ở tỉnh Sóc Trăng, một công ty làm bánh pía nhiều năm qua đã thu hút khách du lịch bằng các công trình, sự kiện Phật giáo. Ví dụ như năm 2017, cơ sở này đã giành được việc tổ chức triển lãm tượng Phật ngọc hòa bình thế giới tại trụ sở của mình thay vì ở các ngôi chùa khác trong tỉnh. [40] Gần đây, chính quyền tỉnh đã cho phép công ty trên dựng tượng Phật Dược sư bằng đồng cao 6,8 mét, nặng 19 tấn và sẽ được dát 88 lượng vàng, dù cơ sở này không có bất kỳ nhà sư nào. [41] Trong khi đó, Tịnh thất Bồng Lai từng bị chính quyền và cả giáo hội chỉ trích là không phải cơ sở tôn giáo nhưng lại đặt tượng phật để tu hành. [42]
Năm 2013, Tiến sĩ xã hội học tôn giáo Nguyễn Đức Truyến nói với đài BBC rằng khi tôn giáo bị biến thành một dịch vụ xã hội thì tính chất tôn giáo của nó đã bị biến đổi và không còn thuần khiết nữa. [43]
Với hàng loạt các ngôi chùa khổng lồ, lễ hội hào nhoáng hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang vận hành một nền Phật giáo ngày càng xa rời bản chất của việc tu học tôn giáo này.
Một nhà sư làm lễ trong Lễ hội Phật giáo mùa Hoa Ban năm 2015 ở tỉnh Điện Biên. Ảnh: Chu Quốc Hùng/ Thông tấn xã Việt Nam.
Hòa thượng Thích Quảng Độ, Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nhà sư bị chính quyền Việt Nam giam giữ tại gia cho đến lúc qua đời, từng lên án việc tổ chức các lễ hội tôn giáo để thu hút khách du lịch. Ông cho rằng việc này sẽ gây mê tín dị đoan cho công chúng và suy thoái đạo đức xã hội. [44]
Phật giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện ngày một gần với các tín ngưỡng dân gian của Việt Nam, vốn dễ thu hút đông đảo người dân nhờ vào thực hành “cầu xin” vật chất và “trả lễ” cho các vị thần nếu mong muốn thành hiện thực. Đây là một thực hành không được chấp nhận trong Phật giáo nguyên thủy.
Mặt khác, để thúc đẩy du lịch tâm linh, chính quyền đang cấp phép cho doanh nghiệp tác động đến sinh thái. Các khu du lịch tâm linh thường được đặt tại các vị trí được cho là linh thiêng, hùng vĩ, rộng lớn, đa số là các khu vực núi rừng. Tỉnh Bắc Giang đang dự định xây một con đường dài 100 km đi qua ba huyện, trong đó huyện Sơn Động với nhiều núi rừng, để tái hiện sự kiện vua Trần Nhân Tông lập nên thiền phái Trúc Lâm. [45] Tỉnh Lai Châu đang đề xuất xây dựng Khu du lịch hang động Pu Sam Cáp gắn với du lịch tâm linh. [46]
Các tài liệu về đánh giá tác động môi trường của các khu du lịch tâm linh hiện nay hiếm khi được công bố đầy đủ trước khi xây dựng.
Năm 2021, giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc quy hoạch công trình tôn giáo theo pháp luật phải dựa trên nhu cầu của người dân địa phương, không phải tùy thuộc vào doanh nghiệp. Tuy nhiên, các địa phương hiện nay đang làm ngược lại. [47]
Du lịch tâm linh thực sự mang lại nguồn lợi lớn về kinh tế cho các địa phương, nhưng nó cũng có cái giá không thể lường trước được mà xã hội sẽ phải gánh lấy.
Chú thích
1. Bộ Tài chính. (2022, March 30). Dự thảo Thông tư quy định quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/cd/du-thao-van-ban/dtvb-chi-tiet-gop-y-du-thao?id=9962
2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (2022, April 24). Trung ương GHPGVN góp ý về Dự thảo Thông tư (lần 3) của Bộ Tài chính liên quan đến quản lý tiền Công đức. https://web.archive.org/web/20220425075806/https%3A%2F%2Fphatgiao.org.vn%2Ftrung-uong-ghpgvn-gop-y-ve-du-thao-thong-tu-lan-3-cua-bo-tai-chinh-lien-quan-den-quan-ly-tien-cong-duc-d52641.html
3. Tổng cục Du lịch. (2022, February 16). Quảng Ninh đón trên 837.000 lượt du khách. https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/39506
4. UBND tỉnh Tuyên Quang. (2019, November 13). Quyết định 384/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Đề án phát triển du lịch tâm linh giai đoạn 2019–2025 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Quyet-dinh-384-QD-UBND-2019-phe-duyet-De-an-phat-trien-du-lich-tam-linh-tinh-Tuyen-Quang-428588.aspx
5. Tỉnh ủy Hưng Yên. (2017, May 25). Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW . . . phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Hưng Yên. Wayback Machine. https://web.archive.org/web/20220510025923/http://sovhttdl.hungyen.gov.vn/portal/VanBan/2017-08/1d3d3ffb7a7cedddK%E1%BA%BF%20ho%E1%BA%A1ch%20s%E1%BB%91%2060%20c%E1%BB%A7a%20T%E1%BB%89nh%20%E1%BB%A7y%20th%E1%BB%B1c%20hi%E1%BB%87n%20Ngh%E1%BB%8B%20quy%E1%BA%BFt%20s%E1%BB%91%2008.pdf
6. Chính phủ. (2022, April 1). Quyết định số 417/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2045. https://chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=205556
7. Người Lao Động. (2022, April 26). Ngắm Cổng Trời Đông Giang – Khu du lịch 2.600 tỉ đồng chuẩn bị mở cửa đón khách. https://web.archive.org/web/20220426095507/https://nld.com.vn/du-lich-xanh/ngam-cong-troi-dong-giang-khu-du-lich-2600-ti-dong-chuan-bi-mo-cua-don-khach-20220426140234884.htm
8. Luật Khoa. (2020, April 19). Miền Nam sau 30/4/1975: Tàn phá các đền miếu, biến danh nhân thành tội nhân. https://www.luatkhoa.org/2020/04/mien-nam-sau-30-4-1975-tan-pha-cac-den-mieu-bien-danh-nhan-thanh-toi-nhan/
9. Xem [8].
10. Xem [8].
11. Cổng thông tin giao tiếp – điện tử tỉnh Vĩnh Phúc. (2006). Mở hướng phát triển trong du lịch Tam Đảo. Wayback Machine. https://web.archive.org/web/20220510030728/https://vinhphuc.gov.vn/ct/cms/thongtingioithieu/Lists/DuLichVinhPhuc/View_Detail.aspx?ItemID=39
12. Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (2012, March 23). Báo cáo tổng kết hoạt động Phật sự nhiệm kỳ V (2002–2007) của GHPGVN. Wayback Machine. https://web.archive.org/web/20220510031739/https://phatgiao.org.vn/bao-cao-tong-ket-hoat-dong-phat-su-nhiem-ky-v-2002-2007-cua-ghpgvn-d10056.html
13. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch. (2019). Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. http://itdr.org.vn/an_pham/quy-hoach-tong-the-phat-trien-du-lich-viet-nam-den-nam-2020-tam-nhin-den-nam-2030/
14. VietNamNet News. (2021, November 17). Gần 500 ngôi chùa được xếp hạng di tích quốc gia. https://web.archive.org/web/20220512082333/https://vietnamnet.vn/gan-500-ngoi-chua-duoc-xep-hang-di-tich-quoc-gia-795249.html
15. Báo Quảng Bình. (2011). Núi Thần Đinh một tiềm năng du lịch. Wayback Machine. https://web.archive.org/web/20220510032252/https://www.baoquangbinh.vn/dat-va-nguoi-quang-binh/201107/bai-du-thi-gioi-thieu-tai-nguyen-du-lich-quang-binh-nui-than-dinh-mot-tiem-nang-du-lich-2080195/
16. Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (n.d.). báo cáo tổng kết hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VII. . . Wayback Machine. https://web.archive.org/web/20220428024853/https%3A%2F%2Fghpgvn.vn%2Fbao-cao-tong-ket-hoat-dong-phat-su-nhiem-ky-vii-chuong-trinh-hoat-dong-phat-su-nhiem-ky-viii%2F
17. Tạp chí Công Thương. (2021, November 22). Du lịch tâm linh thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Wayback Machine. https://web.archive.org/web/20220510033430/https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/du-lich-tam-linh-thuc-day-kinh-te-dia-phuong-phat-trien-85366.htm
18. Xem [16].
19. Báo Lao Động. (2019, October 11). Dòng tiền “công đức” vào đền, chùa: Cần cơ chế kiểm soát và kiểm toán. https://web.archive.org/web/20191011063106/https://laodong.vn/xa-hoi/dong-tien-cong-duc-vao-den-chua-can-co-che-kiem-soat-va-kiem-toan-759297.ldo
20. Báo Lao Động. (2022, March 8). Lễ hội Hoa Ban Điện Biên từ góc nhìn văn hóa dân tộc Thái. https://laodong.vn/van-hoa/le-hoi-hoa-ban-dien-bien-tu-goc-nhin-van-hoa-dan-toc-thai-1021358.ldo
21. Bế mạc Lễ hội Phật giáo mùa Hoa Ban và chương trình. (2015). Điện Biên TV. https://web.archive.org/web/20151022042932/https://dienbientv.vn/tin-tuc-su-kien/van-hoa/201503/be-mac-le-hoi-phat-giao-mua-hoa-ban-va-chuong-trinh-thap-nen-cau-nguyen-quoc-thai-dan-an-2378283/
22. VOV. (2017, March 18). Hàng nghìn Phật tử dự Lễ hội Phật giáo mùa hoa Ban 2017. Wayback Machine. https://web.archive.org/web/20220512015104/https://vov.vn/xa-hoi/hang-nghin-phat-tu-du-le-hoi-phat-giao-mua-hoa-ban-2017-604176.vov
23. Tổng cục Thống kê. (2010, June). Kết quả toàn bộ: Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009. https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2019/03/KQ-toan-bo.pdf
24. VnEconomy. (2022, April 28). Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang mở cửa đón khách. https://vneconomy.vn/khu-du-lich-sinh-thai-cong-troi-dong-giang-mo-cua-don-khach.htm
25. VnTrip. (2019, October). Ghé thăm thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác – thiền viện lớn nhất Tiền Giang. https://www.vntrip.vn/cam-nang/thien-vien-truc-lam-chanh-giac-tien-giang-79887
26. Tổng cục Du lịch. (2018). Về Tây Đô ghé thăm Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam. https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/27403
27. Trung tâm Xúc tiến Du lịch Hậu Giang. (2021, April). Thiền viện Trúc Lâm Hậu Giang. http://haugiangtourism.vn/thien-vien-truc-lam-hau-giang-1
28. Vietnam+. (2022, February). Nét đẹp Thiền viện thuộc Thiền phái Trúc Lâm duy nhất ở Trà Vinh. https://www.vietnamplus.vn/net-dep-thien-vien-thuoc-thien-phai-truc-lam-duy-nhat-o-tra-vinh/773151.vnp
29. Đại Đoàn Kết. (2017, November). Lễ đặt đá xây dựng Thiền viện Trúc Lâm An Giang. http://daidoanket.vn/le-dat-da-xay-dung-thien-vien-truc-lam-an-giang-385571.html
30. Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (2019, December). Thiền Viện Trúc Lâm Hộ Quốc: Cảnh đẹp giữa khơi xa. https://phatgiao.org.vn/thien-vien-truc-lam-ho-quoc-canh-dep-giua-khoi-xa-d38422.html
31. Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Đồng Tháp. (2020). Khởi công xây dựng Đại Bảo tháp và Thiền viện Trúc lâm Tháp Mười. https://bqlkdtgt.dongthap.gov.vn/thi%E1%BB%81n-vi%E1%BB%87n-tr%C3%BAc-l%C3%A2m-th%C3%A1p-m%C6%B0%E1%BB%9Di
32. Báo Sóc Trăng. (2020). Khánh thành Thiền viện Trúc Lâm Sóc Trăng. https://www.baosoctrang.org.vn/trong-tinh/khanh-thanh-thien-vien-truc-lam-soc-trang-33997.html
33. Dân Trí. (2019, February). Khám phá Thiền viện Trúc Lâm đang được xây dựng tại Bạc Liêu. https://dantri.com.vn/du-lich/kham-pha-thien-vien-truc-lam-dang-duoc-xay-dung-tai-bac-lieu-20190211153449787.htm
34. Giác Ngộ. (2015). Lễ khởi công xây dựng thiền viện Trúc Lâm Cà Mau. https://giacngo.vn/le-khoi-cong-xay-dung-thien-vien-truc-lam-ca-mau-post32955.html
35. Xem [29].
36. Báo Bắc Giang. (2018). Công trường khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử: Sôi động những ngày cuối năm. http://baobacgiang.com.vn/bg/dulichbg/268810/cong-truong-khu-du-lich-tam-linh-sinh-thai-tay-yen-tu-soi-dong-nhung-ngay-cuoi-nam.html
37. Báo Xây dựng. (2021, November 25). Bắc Kạn: Đề xuất 6.000 tỷ đồng làm chuỗi dự án Khu du lịch sinh thái – văn hoá – tâm linh Ba Bể. https://baoxaydung.com.vn/bac-kan-de-xuat-6000-ty-dong-lam-chuoi-du-an-khu-du-lich-sinh-thai-van-hoa-tam-linh-ba-be-320519.html
38. Báo Giao Thông. (2022, April). Sắp triển khai siêu dự án du lịch tâm linh tại Hải Dương. https://www.baogiaothong.vn/sap-trien-khai-sieu-du-an-du-lich-tam-linh-tai-hai-duong-d550021.html
39. Tạp chí Di sản văn hóa. (2009). Vấn đề tâm linh và văn hóa tâm linh hiện nay. http://dsvh.gov.vn/Upload/files/Tap%20chi%20DSVH/So%2026/2609_Van%20de%20tam%20linh%20va%20van%20hoa%20tam%20linh%20hien%20nay.pdf
40. Tân Huê Viên. (2019, January 17). Tượng Phật ngọc hòa bình thế giới được cung nghinh triển lãm tại Sóc Trăng. https://web.archive.org/web/20220512021754/https://banhpiatanhuevien.vn/tin-tuc-su-kien/tuong-phat-ngoc-hoa-binh-the-gioi-duoc-cung-nghinh-trien-lam-tai-soc-trang-n138.html
41. Tân Huê Viên. (2021, April 26). Tân Huê Viên trang nghiêm tổ chức lễ an vị Tượng phật Dược sư. https://web.archive.org/web/20220510042232/https://banhpiatanhuevien.vn/tin-tuc-su-kien/tan-hue-vien-trang-nghiem-to-chuc-le-an-vi-tuong-phat-duoc-su-n211.html
42. Thanh, T. (2021, December 9). Tôn giáo tháng 11/2021: Giáo xứ An Hòa khiếu nại vì đất của giáo xứ trước 1975 bị phân lô bán nền. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/12/ton-giao-thang-11-2021-giao-xu-an-hoa-khieu-nai-vi-dat-cua-giao-xu-truoc-1975-bi-phan-lo-ban-nen/
43. BBC News Tiếng Việt. (2013, April). Việt Nam: chùa chiền và tiền bạc. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2013/04/130415_vn_religious_profits
44. Luật Khoa. (2021, September). 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Hơn 20 năm xẻ núi xây chùa. https://www.luatkhoa.org/2021/09/40-nam-thanh-lap-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-hon-20-nam-xe-nui-xay-chua/
45. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. (2021, September). Bắc Giang quan tâm phát triển du lịch văn hóa – tâm linh. https://web.archive.org/web/20220512091846/https://bvhttdl.gov.vn/bac-giang-quan-tam-phat-trien-du-lich-van-hoa-tam-linh-20210923145500482.htm
46. UBND tỉnh Lai Châu. (2022, May). Địa điểm để CTCP Tập đoàn FLC khảo sát, nghiên cứu, đầu tư các dự án trên địa bàn Lai Châu. https://web.archive.org/web/20220510043430/http://vpubnd.laichau.gov.vn/detailNews.aspx?id=18317&lang=vi&Cate=3
47. Báo Giao Thông. (2021). Hoà Bình: Phạm luật trong chủ trương đầu tư Khu du lịch tâm linh Lạc Thuỷ. https://www.baogiaothong.vn/hoa-binh-pham-luat-trong-chu-truong-dau-tu-khu-du-lich-tam-linh-lac-thuy-d491813.html
V.T.
Nguồn: Luật Khoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét