Trung Quốc là một đồng minh lâu đời của chế độ Hồ Chí Minh, đã từng giúp Việt Minh trong Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất chống Pháp. Trung Quốc đã từng gửi vũ khí, thực phẩm và cố vấn cho Đảng Cộng sản Việt Nam và có toàn quyền để chia sẻ với họ thắng lợi Điện Biên Phủ năm 1954.
Sau Cuộc kháng chiến chống người Pháp kết thúc, Trung Quốc cung cấp cho nhà nước Cộng sản non trẻ ở Bắc Việt Nam sự giúp đỡ cần thiết để củng cố chính quyền của mình và tích lũy các phương tiện cần thiết để chống lại chế độ Sài Gòn (và người ủng hộ là Mỹ).
Đầu năm 1960, chính Trung Quốc đã cung cấp khối lượng viện trợ lớn, kể cả vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chứ không phải Liên Xô. Vào cuối năm 1964, Trung Quốc đã cung cấp cho đồng minh Bắc Việt Nam 457 triệu đôla trị giá hàng viện trợ (48%), trong khi Liên Xô là 370 triệu đôla hay 40%.
Khi Cuộc chiến tranh bắt đầu leo thang năm 1965, Trung Quốc tiếp tục là nước dẫn đầu về viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Theo đánh giá của Liên Xô, từ năm 1955 đến 1965 Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã cung cấp cho Việt Nam 511,8 triệu rúp viện trợ kinh tế (khoảng 569 triệu đôla). Trong tổng số này, 302,5 triệu rúp (336 triệu đôla) được cung cấp dưới dạng các khoản viện trợ.
Mặc dù năm 1968 Trung Quốc để mất vị trí đứng đầu trong việc viện trợ, nhưng họ tiếp tục cung cấp một khối lượng lớn viện trợ cho Bắc Việt Nam. Chẳng hạn, Bắc Kinh là nguồn cung cấp chủ yếu ngoại tệ mạnh cho Mặt trận Giải phóng Dân tộc. Năm 1966, Trung Quốc gửi cho Việt cộng 20 triệu đôla, năm 1967 khoản viện trợ này lên đến 30 triệu đôla. Và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tiếp tục cung cấp thực phẩm và vũ khí cho Bắc Việt Nam.
Không kém phần quan trọng, là việc Trung Quốc tiếp tục duy trì sự có mặt quân sự trên lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Các đơn vị quân đội Trung Quốc được triển khai ở một số tỉnh Bắc Việt Nam theo một hiệp định được bí mật kí giữa hai nước vào năm 1965. Quy mô lực lượng này được đánh giá ở mức từ 60.000 đến 100.000 người vào giữa năm 1967. Phần lớn lực lượng này là các đơn vị “kỹ sư đường sắt”hay các đơn vị “kỹ sư thông thường”cũng như các đơn vị hỗ trợ quân sự. Nhưng cũng có một số quân chính quy chịu trách nhiệm về phòng không của các tỉnh phía Bắc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngoài ra, Trung Quốc còn phân ba trung đoàn máy bay chiến đấu MiG-17 bảo vệ lãnh thổ Bắc Việt Nam chống lại sự xâm nhập có thể xảy ra của máy bay Mỹ. Những trung đoàn đầu tiên của Trung Quốc được đưa tới Bắc Việt Nam năm 1965. Việc triển khai quân đội Trung Quốc này đã cho phép Bắc Việt Nam, sau khi Mỹ đưa quân đến miền Nam Việt Nam, tập trung quân chiến đấu tại miền Nam Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong khi đó các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam hiểu rõ rằng sự có mặt của quân đội Trung Quốc chứa đựng nguy cơ về sự phụ thuộc lớn vào Bắc Kinh, đặc biệt là vì số lượng quân Trung Quốc và quân Việt Nam tại các tỉnh Bắc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gần như tương đương. Hà Nội phản đối những lời đề nghị của Trung Quốc gửi thêm quân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tới lãnh thổ Việt Nam.
Những nhân tố khác xác định vị thế mạnh mẽ của Trung Quốc tại Bắc Việt Nam: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phụ thuộc vào sự cộng tác của Trung Quốc để có sự viện trợ từ các nước khác, kể cả Liên Xô. Bởi vì khối lượng lớn viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa khác phải đi qua lãnh thổ Trung Quốc (theo một nguồn tin Trung Quốc, mỗi tháng từ 8 tới 9 ngàn tấn hàng hóa được chuyển tới Việt Nam Dân chủ Cộng hòa qua ga đường sắt ở Pinhxiang. Hà Nội phải thận trọng để không bị cắt đứt kênh phân phối này bằng cách không làm hỏng mối quan hệ với “người láng giềng khổng lồ phương Bắc”. Và chắc chắn sự gần gũi về mặt địa lý đã đóng một vai trò quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước, vì Trung Quốc là người hàng xóm bên cạnh của Bắc Việt Nam.
Tuy nhiên sự gần gũi về mặt địa lý và sự viện trợ của Trung Quốc hẳn đã không thể có tầm quan trọng như vậy đối với các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam, trừ phi cũng có sự liên hệ gần gũi về ý thức hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội. Các nhà cộng sản Việt Nam chia sẻ với những người đương nhiệm Trung Quốc quan điểm về cuộc xung đột ở Đông Nam Á và về tình hình quốc tế, về vai trò của Phong trào cộng sản trên thế giới và về những Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, về việc giảm tình trạng căng thẳng và về những triển vọng của sự chung sống hòa bình giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Thái độ ủng hộ Trung Quốc mạnh mẽ phổ biến trong các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong khi các chính trị gia, những người thông cảm với Liên Xô đã bị cách chức trong giai đoạn bất hòa giữa Mátxcơva và Hà Nội vào đầu những năm 60, thì những nhà lãnh đạo có xu hướng ủng hộ Trung Quốc đã đủ mạnh để vượt qua thiên hướng của một số Ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam về cách tiếp cận được chia sẻ đồng đều hơn đối với hai đồng minh. Xu hướng này đã được thể hiện trong sự tuyên truyền tương đối phong phú của Trung Quốc ở Bắc Việt Nam.
Trong khi đó việc tuyên truyền của Liên Xô chỉ giới hạn ở những cuộc triển lãm và những bộ phim được chiếu trong dịp những ngày lễ lớn. Những chiến sĩ chống Liên Xô của Trung Quốc vẫn tiếp tục, mặc dù có những phản đối mạnh mẽ của Đại sứ quán Liên Xô ở Hà Nội. Các nhà ngoại giao và các quan chức khác của Trung Quốc được hưởng nhiều tự do hơn so với các đồng nghiệp Xô Viết.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã liên tục đến Bắc Kinh để xin ý kiến Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai về những vấn đề quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhìn chung, theo một kết luận không lấy gì làm dễ chịu của Đại sứ quán Liên Xô ở Hà Nội: ở miền Bắc Việt Nam hiện nay có nhiều sự thông cảm đối với Trung Quốc hơn là đối với Liên Xô.
Những người Xô Viết theo kịp với những diễn biến trong các mối quan hệ Bắc Việt Nam-Trung Quốc. Họ để ý đến mọi dấu hiệu của sự bất hòa đó cho những lợi ích riêng của họ. Mátxcơva đầu tiên nhận được những dấu hiệu như vậy từ năm 1965 qua báo cáo của các nhân viên ngoại giao và các nhà báo về sự phật ý đang tăng lên ở Hà Nội với chính sách của cộng sản Trung Quốc. Theo báo cáo này, các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam đã bắt đầu nghi ngờ về những mục đích đầu tiên của Bắc Kinh ở Đông Nam Á.
Sự thay đổi thái độ của các nhà lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thể giải thích bằng những diễn biến mới trong các mối quan hệ giữa Liên Xô và Bắc Việt Nam. Hợp tác với Mátxcơva sẽ tạo cho Hà Nội một cơ hội để thoát khỏi sự bảo trợ quá đáng của Trung Quốc và có một vị trí độc lập hơn trong quan hệ giữa Bắc Việt Nam và Bắc Kinh. Mặc dù sự chuyển hướng này trong chính sách của Bắc Việt Nam không hứa hẹn một thành công ngay lập tức với các nhà lãnh đạo Xô Viết, nhưng Liên Xô đã sẵn sàng chiếm lấy điều đó. (1)
Riêng giai đoạn 1965-1968 TQ gửi 320 000 người gồm binh lính, công nhân và kỹ thuật viên tới VN để xây dựng đường xá, hỗ trợ hậu cần, và cố vấn quân sự. TQ cũng hỗ trợ 30 000 xe vận tải để chuyên chở 10 000 tấn vũ khí dọc đường mòn HCM. Ngoài ra còn có các chuyên gia, cố vấn của Liên Xô, Bắc Triều Tiên và các nước XHCN khác. (2)
Trong khi đó lượng quân Mỹ với số lượng đỉnh điểm ở miền Nam vào năm 1969 là khoảng 550 000 người. Đến trước khi ký HĐ Paris, tháng 1- 1973, thì quân Mỹ ở VN chỉ còn gần 25 000, tức là khoảng 5% so với lúc đỉnh điểm và không còn tham chiến trực tiếp.
Ghi chú:
(1) trích từ ‘Liên bang Xô Viết và chiến tranh VN’, NXB CAND
(2) trích từ ‘Phán xét’ của Nguyễn Văn Hưởng, NXB CAND
Bài viết trên BBC khá gây xôn xao nhưng không bất ngờ, khi một cuốn sách nói là “xét lại vai trò của tướng Giáp” được viết bởi “con gái Lê Đức Thọ” và được đưa lên “trang nhà Lê Đức Anh”.
Lê Đức Thọ đã làm những việc này từ năm 1967 và Lê Đức Anh thì mãi tới năm 1991 vẫn còn dựng lên vụ “Năm Châu, Sáu Sứ” để hại tướng Giáp. Nếu lúc ấy, TBT Nguyễn Văn Linh đưa ra Bộ Chính trị bản “Báo cáo của trung tướng Võ Viết Thanh” thì số phận chính trị của Lê Đức Anh đã kết thúc.
Ngay sau ngày 30-4-1975, khi xương cốt của những người lính trận chưa kịp khô, Văn Tiến Dũng đã viết sách coi như không có vai trò tướng Giáp. Năm 1994, trong một cuộc phóng vấn riêng, tôi hỏi tướng Giáp: “Thưa Đại tướng, ở thời điểm Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra, Đại tướng đang là Bí thư Quân ủy TƯ, Tổng tư lệnh các LLVT, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, sao trong cuốn Đại Thắng Mùa Xuân lại nhắc rất ít đến vai trò của Đại tướng?”
Tướng Giáp nghiêm mặt lại, chỉ sang tướng Lê Phi Long, Cục phó Cục Tác chiến, nói: “Long, cậu biết, Nhật ký Tổng hành dinh ghi rõ, tôi lệnh gì, anh Ba lệnh gì. Các nhà báo, các nhà sử học muốn tìm hiểu sự thật phải đọc Nhật ký Tổng hành dinh chứ không nên căn cứ vào tuyên bố của một ai đó”.
Năm 2005, suốt tuần lễ trước 30-4, báo Quân Đội Nhân Dân đăng loạt bài của Tướng Lê Hữu Đức. Tướng Lê Hữu Đức, còn gọi là Đức Cụt, là một trong những chỉ huy đầu tiên đánh Mỹ trên mặt trận Tây Nguyên. Ông là một trong 4 người thuộc “Tổ Trung Tâm” được lập ra bởi Tướng Giáp, bí mật suốt hai năm liền nghiên cứu kế hoạch “giải phóng miền Nam”. Việc chọn Buôn Mê Thuột để đánh trận mở đầu là việc được tính rất kỹ của Tổ Trung tâm, trước khi trình ra Bộ Chính trị chứ chẳng phải ý kiến của ông Thọ hay ông Duẩn.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tướng Lê Hữu Đức là Cục trưởng cục Tác chiến. Loạt bài của ông, công bố rất nhiều tư liệu lấy từ Nhật Ký Tổng Hành dinh, cho biết, tướng Giáp phải mất bốn cuộc họp để thuyết phục Bộ Chính trị lựa chọn cách đánh như đã diễn ra thay vì cách đánh mà Lê Duẩn muốn (tương tự hồi Mậu Thân).
Cho đến giờ này ít ai biết là ngay chiều 30-4-1975, đã có những loạt súng giận dỗi trong khuôn viên Dinh của những người lính thuộc đơn vị được Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ chọn “cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập”. Cũng trong chiều hôm đấy, Lữ 203 của trung tá Bùi Văn Tùng phải rút về Long Thành, nhường Dinh Độc lập cho Sư 7.
Lữ 203 thuộc Quân đoàn II, nằm trong đội hình của “Cánh quân phía Đông” dưới quyền tướng Lê Trong Tấn, vị chỉ huy trung thành với tướng Giáp.
Tấm huân chương nào cũng có hai mặt. Việc rồi đây sẽ có thêm sách vở nói về mặt còn lại của những người như tướng Giáp và cả Hồ Chí Minh là điều chắc chắn xảy ra. Tuy nhiên, lịch sử chỉ có chỗ cho những những nghiên cứu khách quan, khoa học.
PS: Trong khu tưởng niệm Lê Đức Thọ ở Nam Định quê ông, gần như chỉ trưng bày cuốn Đường Thời Đại của Đặng Đình Loan, cuốn sách đã bị ném vào sọt rác từ lâu. Loan là một trong những “dư luận viên” đầu tiên được sử dụng để đánh vào tướng Giáp.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), kết thúc vào đầu tháng 2/2021, đã dẫn đến một số sắp xếp nhân sự bất ngờ. Một trong số đó là việc bầu Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) kiêm Thứ trưởng Quốc phòng, và Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN, vào Bộ Chính trị.
Đây là lần đầu tiên sau 20 năm hai đại diện của Quân đội cùng được bầu vào Bộ Chính trị. Ngoài ra, số lượng đại biểu quân đội trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng tăng từ 20 lên 23, củng cố thêm vị trí khối bỏ phiếu lớn nhất trong Trung ương Đảng của các đại biểu quân đội.
Điều gì giải thích cho việc Quân đội tăng cường đại diện trong các cấp lãnh đạo hàng đầu của ĐCSVN và theo đó là ảnh hưởng ngày càng tăng của Quân đội? Xu hướng này có ý nghĩa như thế nào đối với triển vọng chính trị, kinh tế và chính sách đối ngoại của Việt Nam?
Bài viết này tìm hiểu những vấn đề trên. Bài viết bắt đầu bằng việc điểm lại vai trò truyền thống của Quân đội trong chính trị Việt Nam trước khi phân tích các yếu tố dẫn đến ảnh hưởng ngày càng tăng của Quân đội trong thập niên qua. Cuối cùng, bài viết đánh giá các tác động của xu hướng này đối với Việt Nam.
Đảng kiểm soát Quân đội
Năm 1938, nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông từng nói một câu nổi tiếng “Mọi người cộng sản phải nắm được chân lý, ‘Quyền lực chính trị nảy sinh từ họng súng.’ Nguyên tắc của chúng ta là Đảng chỉ huy quân đội, và quân đội không bao giờ được phép chỉ huy Đảng.” ĐCSVN cũng tuân theo nguyên tắc đó và luôn đặt QĐNDVN dưới sự kiểm soát chặt chẽ của mình. Các quan chức và các nhà tư tưởng của Đảng thường xuyên chỉ trích ý tưởng phi chính trị hóa quân đội và hình thành một “quân đội quốc gia” độc lập với ĐCSVN, điều họ coi là một âm mưu của “các thế lực thù địch” nhằm phá hoại sự lãnh đạo của Đảng.
Điều lệ của ĐCSVN quy định rằng Đảng lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt”. Đảng thực hiện điều này thông qua các cơ chế khác nhau, trong đó quan trọng nhất là Quân ủy Trung ương (QUTƯ) do chính Tổng bí thư đứng đầu. QUTƯ giám sát công tác đảng trong Quân đội và do Tổng cục Chính trị QĐNDVN làm đại diện ở cấp trung ương. Tất cả các đơn vị của QĐNDVN từ trên xuống tới cấp đại đội đều chịu sự kiểm soát của Đảng, một cơ chế được thực hiện thông qua một hệ thống các chính ủy và chính trị viên.
Đảng cần duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với Quân đội vì Quân đội đóng một vai trò thiết yếu không về quốc phòng mà còn về an ninh chế độ. Mặc dù Đảng chưa bao giờ phải đối mặt với mức độ đe dọa như những gì ĐCS Trung Quốc gặp phải vào năm 1989 khi họ phải huy động binh lính và xe tăng để dẹp tan các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn, nhưng ĐCSVN luôn coi Quân đội như là một công cụ quan trọng giúp Đảng đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh chế độ.
Hơn nữa, Quân đội cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ngoài việc điều hành hơn 20 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn, Quân đội còn quản lý 28 khu kinh tế – quốc phòng nằm ở các khu vực biên giới. Các khu này do các đoàn kinh tế – quốc phòng phụ trách, là một phần quan trọng trong chiến lược của Đảng nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở những khu vực kém phát triển này.
Tầm quan trọng của Quân đội đối với đất nước và ĐCSVN được thể hiện qua số lượng đại diện mạnh mẽ của Quân đội trong các cơ quan nhà nước và các cơ quan đảng. Quân đội được phân bổ một lượng lớn ghế trong Quốc hội cũng như Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị của ĐCSVN, biến Quân đội thành một chủ thể có ảnh hưởng trong nền chính trị quốc gia. Mức độ đại diện của Quân đội trong các cơ quan này thường đặc biệt cao trong các thời kỳ chiến tranh hoặc có căng thẳng an ninh quốc gia.
Ví dụ, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng năm 1951, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Bộ trưởng Quốc phòng) và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) cùng được bầu vào Bộ Chính trị, lúc đó chỉ gồm 7 người. Họ tiếp tục được bầu vào Bộ Chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ ba năm 1960. Ngoài ra, Đại tướng Văn Tiến Dũng (Tổng Tham mưu trưởng) cũng được bầu làm Ủy viên dự khuyết trước khi được bầu làm ủy viên chính thức vào năm 1972, thay cho tướng Nguyễn Chí Thanh, người đã qua đời năm 1967.
Đại hội lần thứ tư của ĐCSVN vào năm 1976, được tổ chức một năm sau khi đất nước thống nhất, chứng kiến ảnh hưởng ngày càng tăng của Quân đội với 3 trong số 14 ủy viên Bộ Chính trị là đại diện quân đội, bao gồm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Bộ trưởng Quốc phòng), Đại tướng Văn Tiến Dũng (Tổng Tham mưu trưởng) và Đại tướng Chu Huy Mân (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị). Quân đội tiếp tục duy trì ảnh hưởng mạnh mẽ tại Đại hội Đảng lần thứ V tổ chức năm 1982.
Cụ thể, Đại tướng Văn Tiến Dũng (Bộ trưởng Quốc phòng), Đại tướng Chu Huy Mân (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) và Thượng tướng Lê Đức Anh (Thứ trưởng Quốc phòng) đã được bầu làm ủy viên chính thức Bộ Chính trị mới. Ngoài ra, ông Đồng Sỹ Nguyên, nguyên là trung tướng, thứ trưởng quốc phòng, cũng được bầu làm ủy viên dự khuyết. Mức độ đại diện mạnh mẽ của Quân đội có thể được giải thích bởi việc từ năm 1979, Việt Nam đã bị cuốn vào các xung đột vũ trang kéo dài dọc biên giới với Trung Quốc và tại Campuchia, khiến vấn đề quốc phòng một lần nữa trở thành ưu tiên hàng đầu của đất nước.
Sau khi thực hiện cải cách kinh tế theo chính sách Đổi mới năm 1986, rút khỏi Campuchia năm 1989 và bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc năm 1991, Việt Nam bước vào một giai đoạn hòa bình và phát triển. Phát triển kinh tế trở thành ưu tiên hàng đầu của đất nước và quốc phòng ít được quan tâm hơn. Điều này dần dần dẫn đến việc vai trò của Quân đội trong nền chính trị quốc gia ngày càng giảm, thể hiện qua việc giảm số đại biểu Quân đội trong Bộ Chính trị. Tại Đại hội Đảng lần thứ 9 năm 2001, Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà là đại biểu quân đội duy nhất được bầu vào Bộ Chính trị, hình thành một thông lệ mới kéo dài suốt 20 năm tiếp theo.
Tái gia tăng ảnh hưởng
Tại Đại hội Đảng lần thứ 13, thông lệ chỉ bầu một đại biểu Quân đội vào Bộ Chính trị đã bị phá vỡ khi cả Thượng tướng Phan Văn Giang và Đại tướng Lương Cường đều được bầu làm ủy viên Bộ Chính trị. Ngoài ra, số đại biểu Quân đội trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng tăng đều đặn trong 10 năm qua. Năm 2011, 18 trong số 175 ủy viên chính thức của Ban chấp hành trung ương (tỉ lệ 10,3%) là đại biểu quân đội. Năm 2016, khi số lượng ủy viên chính thức của Ban chấp hành Trung ương tăng lên 180 người, số lượng đại biểu của Quân đội cũng tăng lên 20 người (11,1%).
Tại Đại hội 13, tổng cộng 23 đại biểu quân đội được bầu vào Ban chấp hành Trung ương, chiếm 12,8% tổng số ủy viên trung ương chính thức. Do đó, Quân đội hiện đang là khối đại biểu lớn nhất trong Ban Chấp hành Trung ương, cơ quan điều hành tối cao của Đảng giữa hai kỳ đại hội. Hai yếu tố chính có thể giải thích cho xu hướng này.
Thứ nhất, căng thẳng gia tăng ở Biển Đông có xu hướng nâng cao vị thế ảnh hưởng của Quân đội. Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia luôn là nền tảng quan trọng cho tính chính danh của Đảng, có nghĩa là Quân đội thường có tiếng nói lớn hơn mỗi khi an ninh và chủ quyền của đất nước bị đe dọa. Như đã thảo luận trong phần trước, mẫu hình này đã được quan sát rõ trong quá khứ khi Quân đội có nhiều ảnh hưởng hơn trong các thời kỳ chiến tranh và trong những năm 1980 khi đất nước phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh nghiêm trọng từ Trung Quốc và Khmer Đỏ.
Sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông trong thập niên qua đã làm sâu sắc thêm các lo ngại an ninh của Đảng, cho phép Quân đội không chỉ gia tăng đòn bẩy trong các cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đảng mà còn có thêm nguồn ngân sách. Ví dụ, từ năm 2010 đến năm 2018, chi tiêu quốc phòng của Việt Nam trung bình tương đương 2,62% GDP. Năm 2018, Việt Nam là quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ 35 trên thế giới với tổng ngân sách quốc phòng khoảng 5,5 tỷ đô la Mỹ.
Thứ hai, vị thế chính trị của Quân đội dường như cũng được hưởng lợi từ vai trò kinh tế ngày càng mở rộng của lực lượng này. Ngoài việc giúp phát triển kinh tế địa phương ở các vùng sâu vùng xa, vai trò kinh tế của Quân đội còn mở rộng ra nhiều hoạt động khác, bao gồm sản xuất – chế tạo, viễn thông, công nghệ thông tin, ngân hàng, giao thông vận tải và xây dựng. Có hai nhóm doanh nghiệp chính do quân đội điều hành.
Thứ nhất là các công ty quốc phòng chủ yếu sản xuất vũ khí và trang thiết bị, vật tư quốc phòng cho Quân đội do Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý. Nhóm thứ hai bao gồm các doanh nghiệp phục vụ cả Quân đội và khách hàng dân sự. Sách trắng Quốc phòng năm 2009 của Việt Nam đã liệt kê mười doanh nghiệp lớn trong nhóm này, trong đó đáng chú ý nhất có Viettel, một tập đoàn viễn thông và công nghiệp; Ngân hàng Quân đội; và Tân Cảng Sài Gòn, nhà vận hành cảng container lớn nhất Việt Nam.
Trong những năm gần đây, thành công thương mại của các công ty này và sự đóng góp ngày càng tăng của họ vào sự phát triển kinh tế quốc gia đã giúp nâng cao uy tín và ảnh hưởng của Quân đội. Ví dụ, Viettel được coi là doanh nghiệp dẫn đầu quốc gia trong việc phát triển công nghiệp quốc phòng và nâng cao năng lực công nghệ cao của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực 5G. Năm 2016, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, khi đó là Tổng giám đốc Viettel và hiện là Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, đã được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, là lần đầu tiên một lãnh đạo doanh nghiệp quân đội được nhận vinh dự này. Tại Đại hội 13, Trung tướng Trần Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, cũng đã được bầu làm ủy viên Trung ương Đảng.
Ngoài ra, sự cạnh tranh nội bộ giữa tướng Lương Cường và tướng Phan Văn Giang cho vị trí Ủy viên Bộ Chính trị và Bộ trưởng Quốc phòng cũng là một yếu tố quan trọng khác dẫn đến việc cả hai ông được bầu vào Bộ Chính trị. Ban đầu, tướng Cường có lợi thế hơn tướng Giang vì ông giữ hàm cao hơn và đã được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng năm 2016, trong khi tướng Giang chỉ là Ủy viên Trung ương. Hơn nữa, tướng Giang, sinh tháng 10 năm 1960, đã quá tuổi và ban đầu không đủ điều kiện ứng cử vào Bộ Chính trị lần đầu.
Như vậy, tướng Cường có lợi thế hơn để trở thành Ủy viên Bộ Chính trị duy nhất đại diện cho Quân đội, điều đáng lẽ đã mở đường cho ông trở thành tân Bộ trưởng Quốc phòng. Tuy nhiên, trong ban lãnh đạo Quân đội ngày càng có sự nhất trí cho rằng nên giao vị trí Bộ trưởng cho tổng tham mưu trưởng thay vì chủ nhiệm tổng cục chính trị, đặc biệt là khi bộ trưởng sắp mãn nhiệm Ngô Xuân Lịch cũng từng là chủ nhiệm tổng cục chính trị. Theo đó, đã diễn ra một cuộc đua giữa tướng Giang và tướng Cường trước thềm Đại hội 13. Cuối cùng, để dần xếp cho cả hai bên, Đảng đã quyết định coi tướng Giang là một trường hợp đặc biệt, mở đường cho ông trở thành Ủy viên Bộ Chính trị và sau đó là Bộ trưởng Quốc phòng. Trong khi đó, tướng Cường vẫn giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Năm 2016 cũng từng diễn ra cuộc đua giữa Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, và Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng, cho vị trí Ủy viên Bộ Chính trị và Bộ trưởng Quốc phòng. Tuy nhiên, cuối cùng chỉ có tướng Lịch được bầu vào Bộ Chính trị. Do đó việc lần này Đảng quyết định trao ghế ủy viên Bộ Chính trị cho cả tướng Cường và tướng Giang có thể coi là một dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng và uy tín của Quân đội ngày càng tăng.
Tác động
Vẫn còn phải chờ xem liệu việc bầu hại đại biểu quân đội vào Bộ Chính trị có phải là một diễn biến đặc biệt chỉ diễn ra một lần hay là một thông lệ mới sẽ được lặp lại trong các kỳ đại hội đảng tiếp theo. Tương tự, vẫn chưa rõ liệu Quân đội có thể duy trì sự hiện diện mạnh mẽ chưa từng có trong các Ban Chấp hành Trung ương Đảng tương lai hay không. Tuy nhiên, nếu tranh chấp Biển Đông gia tăng và các doanh nghiệp do quân đội quản lý tiếp tục đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam, thì các tướng lĩnh Quân đội nhiều khả năng sẽ có thể sẽ tiếp tục duy trì được mức độ ảnh hưởng hiện tại của mình.
Có rất ít bằng chứng cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của Quân đội sẽ dẫn đến những thay đổi lớn trong các chính sách chính trị, kinh tế và đối ngoại của Việt Nam. Tuy nhiên, có thể có những thay đổi nhỏ hoặc từ từ. Về mặt chính trị, mặc dù có ảnh hưởng ngày càng tăng, Quân đội vẫn sẽ chịu sự kiểm soát toàn diện của Đảng. Tuy nhiên, thường được coi là có xu hướng “bảo thủ” và nặng về tư duy an ninh, các tướng lĩnh Quân đội, với tiếng nói lớn hơn trong cả Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, sẽ có xu hướng tán thành các cách tiếp cận thận trọng đối với các vấn đề chính trị, điều có thể làm chậm lại một số cải cách, đặc biệt là những cải cách theo hướng thúc đẩy tự do chính trị.
Về mặt kinh tế, có những dấu hiệu cho thấy việc “an ninh hóa” một số chính sách kinh tế có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Ví dụ, Luật Đầu tư năm 2020 đã đề cập đến từ “quốc phòng” 12 lần so với sáu lần trong Luật Đầu tư năm 2014. Đặc biệt, Luật Đầu tư năm 2020 đưa ra các quy định mới, quy định một số dự án đầu tư hay việc mua lại cổ phần, đặc biệt là bởi các nhà đầu tư nước ngoài, sẽ phải được Bộ Quốc phòng thông qua.
Do đó, đã xuất hiện phàn nàn từ một số nhà đầu tư về sự chậm trễ trong quá trình cấp phép. Nếu chính phủ Việt Nam không ban hành các văn bản pháp luật kịp thời để cung cấp hướng dẫn rõ ràng hơn và đơn giản hóa quy trình phê duyệt, các quy định đó có thể sẽ làm xấu đi môi trường kinh doanh của Việt Nam và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế về lâu dài. Đồng thời, trong khi các doanh nghiệp quân đội đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của Việt Nam, thì sự tăng trưởng của chúng có thể gây “chèn ép” các nhà đầu tư tư nhân trong một số lĩnh vực nhất định và dẫn đến một sân chơi không bình đẳng.
Điều này là do các công ty quốc phòng, thông qua mối quan hệ chặt chẽ với quân đội và chính quyền, thường được hưởng lợi thế lớn trong việc tiếp cận vốn, đất đai và các ưu đãi chính sách khác.
Cuối cùng, ảnh hưởng của Quân đội đối với chính sách đối ngoại tổng thể của Việt Nam vẫn sẽ rất lớn, nhưng vị thế gia tăng của Quân độ ở trong nước khó có thể dẫn đến những thay đổi lớn trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Tiếng nói mạnh mẽ hơn của Quân đội trong các cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của Đảng có thể khiến Việt Nam có lập trường cứng rắn hơn về vấn đề Biển Đông, nhưng điều này không nhất thiết có nghĩa là Việt Nam sẽ có một cách tiếp cận phiêu lưu hơn đối với tranh chấp.
Mặc dù Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nhưng các lãnh đạo Quân đội, những người đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh tốn kém trong quá khứ, có xu hướng ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp và tránh xung đột vũ trang nếu có thể. Điều này nhất quán với ưu tiên của Việt Nam là phát triển kinh tế trong nước, điều phụ thuộc vào khả năng duy trì hòa bình và ổn định của Việt Nam.
Do đó, mặc dù Việt Nam quyết liệt phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của mình hồi năm 2014, điều Việt Nam coi là một hành vi xâm phạm nghiêm trọng đối với chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, nhưng sau đó Việt Nam đã áp dụng một cách tiếp cận kiềm chế hơn đối với các hành động khiêu khích quy mô nhỏ hơn của Trung Quốc trong các vùng biển của mình.
Tóm lại, ảnh hưởng ngày càng tăng của Quân đội đối với các cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của ĐCSVN có thể có một số tác động đến triển vọng chính trị, kinh tế và chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tuy nhiên, các tác động đó sẽ chỉ ở mức ôn hòa và hạn chế. Với việc Đảng tiếp tục kiểm soát Quân đội, ảnh hưởng của Quân đội dù ngày càng tăng trong những năm gần đây vẫn sẽ nằm trong các ranh giới do Đảng đặt ra. Trong tương lai, ảnh hưởng của các tướng lĩnh có thể giảm trở lại nếu tranh chấp Biển Đông hạ nhiệt hoặc nếu các lãnh đạo cao nhất của Đảng nhận thấy các vấn đề tiềm ẩn phát sinh từ ảnh hưởng ngày càng tăng của Quân đội.
Tiến sĩ Albert Bourla chính là CEO của hãng dược Pfizer của Mỹ. Hãng này đi đầu sản xuất Vacxin hợp tác với BioNtech có hiệu quả cao nhất thế giới hiện nay.
Hôm nay các hãng tin lớn trên thế giới công bố việc Pfizer chuẩn bị cho ra đời loại thuốc trị dịch này làm bằng công nghệ mới và đã cho thử nghiệm. Mà nếu thành công và nhận phê duyệt từ FDA thì sẽ được tung ra thị trường vào cuối năm nay. Nó được kỳ vọng là một bước tiến vượt bậc để cứu nhân loại và chấm dứt dịch bệnh.
Albert Bourla là người cực kỳ thông minh và có công trong việc đưa ra vacxin. Khi nhận thấy bệnh dịch tai hại, ông đã cho họp các nhóm làm việc tại Pfizer để tìm cách làm ra chế phẩm này ngay từ tháng 3/2020. Tuy nhiên khi bộ phận nghiên cứu trả lời nhanh cũng phải cuối 2021 mới làm ra nó, thì ông không chấp nhận. 1 tháng sau đó, ông cho ký HĐ tài trợ 563 tr usd cho BioNtech tại Đức vì kỳ vọng vào công nghệ mRNA non trẻ mà hãng này sở hữu dù khi đó còn quá mới và chưa có gì chắc chắn.
Cùng với đó, ông đã dành 1 tỷ USD cung cấp cho quá trình điều chế vacxin cho Pfizer. Ông cho rằng với nguồn lực dồi dào của Pfizer cùng những ý tưởng táo bạo của BioNTech chắc chắc sẽ thành công cả 2 sẽ có thể nghiên cứu và tạo ra vaccine ngừa Covid hiệu quả hàng đầu thế giới.
Cái giỏi của Bourla là ông cho thúc đẩy nhanh quá trình thử nghiệm lâm sàng. Và sau 3 giai đoạn đã cho nhân loại một thành tựu rực rỡ. Vì nước sôi lửa bỏng, ông yêu cầu các nhà khoa học điều chế cùng lúc 4 loại vacxin khác nhau thay vì chỉ 1. Cả 4 loại này đều sẽ được thử nghiệm trên tất cả các tình nguyện viên, nếu có biến chứng hay phản ứng nào sẽ ngay lập tức dừng thử nghiệm và tiếp tục cải tiến các loại còn lại cho đến khi đạt được hiệu quả cuối cùng.
Điều đáng nói là Albert Bourla không phải là một người xuất thân tinh hoa ghê gớm gì, cũng không hề học trường đại học nào nổi danh thế giới. Đứng đầu hãng dược lớn nhất thế giới nhưng ông chỉ là bác sĩ thú y. Ông không phải người gốc Mỹ mà là người Hy Lạp gốc Do Thái, có cha trốn thoát khỏi trại tập trung Auschwitz còn mẹ thì tí nữa bị xử bắn, may là được chuộc về từ tay phát xít Đức.
Bourla lấy bằng tiến sĩ về công nghệ sinh học sinh sản tại Khoa Thú y của Đại học Thessaloniki thuộc Đại học Aristotle vào năm 1985. Kể từ 1993, ông vào làm cho Pfizer tại nhiều chi nhánh trên thế giới. Tuy nhiên vì quá thông minh và giỏi giang, ông đã lên chức vụ cao nhất là CEO của hãng này.
Hy vọng với sự dẫn dắt của ông, nhân loại sẽ mau chóng có thuốc trị bệnh dịch. Ông như một nhân tài sinh vào thời điểm mà rất cần có những người như vậy để cứu nhân độ thế.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền: Israel phạm tội ác chống lại loài người
Mai Vũ Phạm
28-4-2021
Trong bản báo cáo toàn diện nhất từ trước đến nay về cách hành xử của Israel đối với người Palestine, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm thứ Ba đã cáo buộc Israel phạm “tội ác chống lại loài người” và cho biết Mỹ và cộng đồng quốc tế đã “nhắm mắt làm ngơ”. Tổ chức HRW kêu gọi một ủy ban điều tra và trừng phạt quốc tế, bao gồm cả lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản, đối với “các quan chức và những cá nhân có liên quan.”
Báo cáo dài 213 trang của HRW lần đầu tiên cáo buộc Israel về “chế độ phân biệt chủng tộc và đàn áp”, theo định nghĩa của các công ước quốc tế và Quy chế Rome của Tòa án Hình sự Quốc tế. Tổ chức này tuyên bố chính phủ Israel tiếp tục áp bức để “duy trì sự thống trị của người Israel gốc Do Thái đối với người Palestine” ở cả Israel và lãnh thổ Palestine, nơi mà ngày nay cả hai nhóm người này có tỉ lệ tương đương nhau.
Người phát ngôn của Tổng thống Palestine, Nabil Abu Rudeineh, gọi báo cáo này là “một minh chứng hùng hồn cho cuộc đấu tranh của người dân Palestine dưới sự chiếm đóng quân sự hiếu chiến của Israel cũng như các chính sách thuộc địa và áp bức của nước này.”
Những người Israeli ủng hộ nhân quyền cho người Palestine đã hoan nghênh báo cáo này. Gần đây, họ cũng chấp nhận cáo buộc phân biệt chủng tộc, từng là điều cấm kỵ đối với những người Israel tiến bộ vì so sánh Israel với Nam Phi theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
Tại Mỹ, một số thành viên đảng Dân chủ của Quốc hội gần đây đã kêu gọi điều chỉnh hoặc hạn chế hỗ trợ quân sự cho Israel – nước nhận viện trợ tích lũy lớn nhất kể từ Thế chiến Thứ hai – để đảm bảo rằng các khoản tiền của Mỹ không được sử dụng để làm cơ sở cho việc Israel chiếm đóng Bờ Tây.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói rằng, mặc dù Israel có những lo ngại chính đáng về an ninh, nhưng những lo ngại đó không biện minh cho hành động của họ trong việc từ chối cấp phép xây dựng của người Palestine ở nhiều khu vực, thu hồi quyền cư trú của người Palestine và chiếm đoạt đất đai thuộc sở hữu tư nhân của người Palestine. HRW nói rằng các chính sách khác của Israel “sử dụng an ninh như một cái cớ để thúc đẩy các mục tiêu nhân khẩu học” là ưu tiên người Do Thái Israel hơn người Palestine, nghiêm trọng nhất là ở Bờ Tây và Gaza.
Báo cáo nói rằng, Hoa Kỳ đã “gần như không thành công” trong việc buộc Israel phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền đối với người Palestine. Các quốc gia châu Âu và các quốc gia khác đã ưu tiên quá mức cho một tiến trình hòa bình bị đình trệ từ lâu nhằm chấm dứt sự chiếm đóng quân sự của Israel đối với lãnh thổ Palestine và thành lập một nhà nước Palestine.
Lào, Thái Lan, Campuchia đang thất thủ trước Covid-19. Người Việt ly hương trên nước bạn dáo dác tìm cách về nước dù phải trả giá cao cho những chuyến vượt biên đầy mạo hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tiền mất tật mang.
Vào những giây phút sống chết “ngàn cân treo sợi tóc”, tôi khẩn thiết cầu xin Chính phủ hãy mở cửa đón đồng bào trở về. Những con chim rời xa tổ trong cơn bão giông trắc trở muốn quay trở về, nỡ lòng nào quê hương đẩy đuổi họ hay sao?
Chúng ta có thể đón từng đoàn chuyên gia nước ngoài nhiễm COVID-19 vào VN, cách li điều trị, tại sao không thể làm như vậy với đồng bào? Phải chăng vì đồng bào ít học và không có giá trị kinh tế bằng chuyên gia?
Bàn tay có ngón dài ngón ngắn đều chung một bàn tay, con có đứa giàu đứa nghèo đều chung nhau một mẹ. Dân có xấu tốt vẫn chung nhau một Tổ quốc, vẫn gọi nhau hai tiếng đồng bào, thân thuộc hơn thì gọi nhau là bà con.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, 2h30p sáng ngày 26/4/2021, tổ công tác của Trạm cửa khẩu Đồn Biên phòng quốc tế Vĩnh Xương đã thành công đẩy đuổi 2 vỏ lãi của 1 hộ gia đình gồm 8 người. Trong đó, có 4 trẻ em.
Họ có phải người Việt hay không chúng ta không biết, khi bài báo không đưa thông tin chính xác. Nhưng rõ ràng, qua câu chuyện của họ, ta có thể mường tượng ra những đứa trẻ người Việt cùng cha mẹ tha hương cầu thực đang trôi dạt lênh đênh giữa sông lớn nước dữ tìm đường về nước. Chúng đã, đang và sẽ ra sao khi bị quê hương từ chối?
Chúng ta có thể vay Ngân hàng Thế giới những khoản vay “ứ hự” cho những dự án thất bại. Tại sao chúng ta không thể vì đồng bào vác túi đi vay? Tôi mong rằng Chính phủ hỗ trợ thêm nguồn tiền cho những khu cách ly giáp biên giới để họ đủ sức gồng gánh trách nhiệm khó khăn trong thời kỳ này.
Chúng ta có những màn bắn pháo hoa tẻ nhạt năm nào cũng vài kiểu cũ như nhau, tại sao không đem tiền bắn pháo hoa dồn vào lo cho đồng bào trở về? Đó mới chính là pháo hoa may mắn khi lòng người nở ra những giá trị nhân văn yêu thương bền chặt.
Hơn bất kỳ lý lẽ nào, tôi tin đồng bào sẽ không bỏ rơi đồng bào.
Một lần nữa, cá nhân tôi khẩn thiết mong Chính phủ mở trại cách ly tập trung, đề ra Chính sách chào đón đồng bào Việt Nam về nước từ các tỉnh vùng giáp biên giới.
Thứ nhất là tính nhân đạo, tinh thần yêu thương như Chính phủ từng đề ra “không để ai lại sau lưng”.
Thứ hai là có thể kiểm soát và cách ly người về ngay từ bước đầu tránh để dịch lan vào cộng đồng.
Thứ ba: Đồng bào không phải mang cái tiền án vượt biên trái phép giữa thời bình.
Có ai từng nghĩ, nếu 4 đứa trẻ kia là người Việt, nếu chúng chết do con nước dữ trên chiếc vỏ lãi chông chênh giữa sông lớn. Chúng ta sẽ ra sao? Chúng không là người Việt, chúng ta đau lòng xót xa nhưng nếu chúng là người Việt thì chính người Việt có lương tâm sẽ căm phẫn hay không?
30/4 sắp tới, có ai còn nhớ nỗi đau Thuyền nhân của đồng bào?
Người bỏ quê hương, có bao giờ quê hương bỏ người?
Cô bé Bùi Thị Mỹ Dung (lớp 10A2 trường THPT Hương Khê, Hà Tĩnh) nhặt được vàng, tiền trên đường với tổng giá trị gần 500 triệu đồng. Dung nhẫn nại đi tìm người mất và trả lại.
Mẹ của Dung, một người mẹ khổ cực lam lũ nói: “May mắn số tiền lớn đó đã đến với người đánh rơi. Từ nhỏ gia đình đã dạy các con không nên dùng tiền không phải của mình làm ra, người ta mất đau lòng, khó nhọc mới làm được từng đó“.
***
Trên đường đến trường, em Nguyễn Thanh Hải học sinh lớp 10A5, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận gặp tai nạn chấn thương vùng ngực. Thầy giáo Võ Văn Cư nhìn thấy và lập tức chở em đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Nam Bình Thuận để cấp cứu.
Bác sĩ chuyên khoa 2, Phó giám đốc bệnh viện, Hồ Ngọc Sơn chẩn đoán: “Em Hải bị vỡ gan, phải mổ để sơ cứu và cần có ngay từ 4 đến 6 đơn vị máu tươi. Nếu chuyển viện, bệnh nhân có thể tử vong trên đường đi“.
Ngay lúc đó, thầy nhắn thông tin cần cứu giúp lên group giáo viên và báo cáo sự việc cho thầy Nguyễn Tấn Nha, Hiệu trưởng. Thông tin được phát đến tất cả thầy cô và học sinh. Thầy cô và học sinh có nhóm máu O, B theo yêu cầu đã tự nguyện lên xe nhà trường thẳng tiến bệnh viện để cứu bạn.
Bác sĩ, Hồ Ngọc Sơn và kíp mổ đã hoàn tất ca mổ sau gần 2 giờ. Sáng nay, 27/4, em Hải đã vượt qua cửa tử và hồi tỉnh.
***
Những bản tin khiến lòng chúng ta mát rượi. Tôi tự hỏi có phải là do chúng ta đói khát niềm tin hay do xã hội khô hạn điều tốt mà mỗi lần đọc những bản tin như thế này, như thể chúng ta đang vuốt ve một ký ức trắng thơm. Cho dù thế nào chúng ta cũng nên nâng niu nó, như nâng niu hạt mầm hướng thượng trong mỗi người.
Thật tuyệt vời vì những bông hoa phẩm hạnh xoè nở trong môi trường giáo dục. Lòng trắc ẩn, sự can đảm của lòng nhân bật ra một cách tự nhiên như một phản xạ. Nó không vướng bận hoàn cảnh nghèo khổ, không đắn đo được mất phía tương lai, chỉ có bản ngã diệu kỳ thôi thúc con người.
Đây chính là “nhân bản” mà bộ trưởng giáo dục mơ ước. Nó chính là con người, con người rất thực đời, toàn mỹ, thoát thai những con số khô khan, những tín điều trói buộc. Những con người nhỏ bé bình thường đang sống, không phải những hình tượng cao xa, cường điệu.
Đây chính là cuộc sống, một kho tàng quý giá và vô tận của giáo dục. Hãy nâng niu nó, không phải bằng cách đổ xô khen thưởng hoặc hình tượng hoá. Hãy đưa những bài học này vào bảng phấn và để những đứa trẻ nói lên suy nghĩ của mình. Để chúng có một phẩm giá cường tráng và suy nghĩ đa dạng.
Khi giáo dục có “nhân bản”, dân tộc sẽ có phẩm cách!
Như dự báo từ rất sớm (thậm chí từ giữa tháng 1/2021), hồi đầu tháng 4/2021, bộ máy lãnh đạo chế độ đương thời được thay đổi đúng y xì các hãng thông tấn vỉa hè cơ cấu sắp xếp. Nói chính xác thì quốc hội chỉ làm cho đủ thủ tục nhiêu khê, chứ chả nhẽ lại không làm gì. Ngôi vị thủ tướng đã được bàn giao từ ông Nguyễn Xuân Phúc sang ông Phạm Minh Chính, từ một ông hay trích dẫn văn thơ sang một ông khi nói hàm răng cứ xin xít, xin xít.
Mà quái lạ, báo mậu dịch hôm nay 27/4 đưa tin, tháng 7 tới, quốc hội khóa mới lại bầu nữa, cũng vẫn những ông bà ấy. Chỉ có thể nói: Quá rảnh.
Tôi chỉ quan tâm tới chức thủ tướng, bởi đó là người đứng đầu cơ quan hành pháp. Hành nghĩa là làm. Có làm thì mới có ăn. Chứ những chức khác, nhất là chuyên nghề chỉ tay 5 ngón, lý luận lý liếc, chả ai rỗi hơi để ý.
Mà sao xứ ta lắm chức tước thế, lắm ông to bà nhớn thế. Cơm không ngon, nhà đông con cũng hết. Nuôi chừng ấy ông bà lãnh đạo, gạo tám thơm ST25 lấy đâu cho đủ. Chả nước nào lắm phó thủ tướng như nước ta. Chả nơi nào đặt ra chức phó chủ tịch nước chủ yếu chỉ để làm long trọng viên, siêu lễ tân, đi trao bằng khen huân chương mệt nghỉ. Chả nơi nào chồng chéo bộ máy song trùng, tam trùng tứ trùng, đã có bộ trưởng thứ trưởng đủ mọi bề lại vẫn bắt dân cõng thêm trưởng ban phó ban vẫn làm cùng công việc ấy… Nói túm lại, quan nhiều hơn dân, lãnh đạo nhiều hơn đám lưng còng.
Tôi cứ giả dụ, bỏ quách chức phó chủ tịch nước, dẹp bớt mấy ông bà trưởng phó ban, thử hỏi xứ này được gì mất gì. Mất thì chưa biết, nhưng được là cái chắc. Bỏ cái bộ máy song trùng kia, cho nó nhất thể hóa gọn nhẹ, chẳng những đỡ tốn bao nhiêu tiền ngân sách nuôi các ông bà đoàn thể râu ria, mà còn thu lại cho quốc gia không biết bao nhiêu nhà cửa, công sở, đất đai, những toà nhà của ủy này ủy nọ. Nói thế thôi, chứ đời nào các ông bà ấy chịu nhả. Ăn trên ngồi trốc không mất tiền quen rồi.
Lâu nay có cái lệ, như một thứ hủ tục: cứ ông bà mới nào được đẩy lên, ngồi vào ghế nóng, là cả bộ máy hệ thống chính trị, truyền thông báo chí ca tụng ngất trời, đặt vào cả tỉ tỉ hy vọng, khen đẹp thứ này, khen tốt thứ kia. Lại còn lôi cả thời thò lò mũi ra khen, nào chăm chỉ, có hiếu, thầy yêu bạn mến, vượt lên chính mình, bắt đom đóm lấy ánh sáng học bài (còn quá cả cụ Đặng Trần Côn khi xưa) để bồi đắp cho hình tượng con người mới. Có cảm giác xã hội vừa xuất hiện thánh chứ không phải người.
Thế rồi ngày lại ngày, tháng qua tháng, năm lại năm, hết nhiệm kỳ, nhiều thánh chả khác gì bụt đất, gặp cơn nước lớn rã hết. Nhiều thánh để lại cho dân cho nước bao nhiêu là hậu quả khốn nạn. Cứ coi cuộc chống tham nhũng dai dẳng thì đủ biết, tinh những thánh ra vành móng ngựa, nghỉ mát trong đề lao. Có những thánh ngồi hết ghế trọng này tới ghế trọng khác, mà các vị ấy gọi là “luân chuyển cán bộ”, cuối cùng chỉ gặt được sự bỉ bôi chê cười của người đời. Người xưa dạy “không thành công cũng thành nhân”, các thánh bây giờ, công chẳng ra gì, còn nhân như bóng ma vật vờ.
Các thánh qua những nhiệm kỳ của mình còn nợ dân nhiều lắm. Thánh bự nợ lớn, thánh to nợ to, thánh vừa nợ vừa, cứ đùn đẩy cho kẻ kế tiếp trả. Để từ từ nhà cháu kể cho mà nghe.
Mối liên hệ giữa giáo dục XHCN là tuyên truyền dối trá
Giáo dục nhồi sọ và tuyên truyền dối trá là chiến lược lớn của đảng để tạo ra cái gọi là ‘con người mới XHCN’. Mục tiêu của đảng là làm sao mỗi một con người lớn lên dưới nền giáo dục XHCN thì phải thành con người phục tùng những gì đảng làm, biết sùng bái lãnh tụ.
Phục tùng đảng và sùng bái lãnh tụ được ví như hai dây cương thít vào mũi của dân tộc này, mục đích là để đảng điều khiển dân tộc đi theo những gì đảng đã vạch ra. Đảng và dân tộc như là kị sĩ và con ngựa, đảng muốn cỡi lên con ngựa thuần chứ không muốn ngồi lên “con ngựa chứng”, đó là lí do mà đảng xây dựng nên giáo dục XHCN và tuyên giáo.
Mục tiêu của nền giáo dục XHCN là “vì tổ quốc XHCN, vì lí tưởng bác Hồ vĩ đại hãy sẵn sàng”, là “sống chiến đấu lao động và học tập theo gương bác Hồ vĩ đại”, chứ hoàn toàn không phải trở thành con người sáng tạo và có đạo đức.
Một nền giáo dục như vậy nó không khác gì ngành tuyên giáo. Ngành giáo dục và ngành tuyên giáo chia nhau ra làm công tác tẩy não. Trong môi trường giáo dục thì Bộ Giáo dục tẩy não học trò, trong môi trường xã hội thì Ban Tuyên giáo sẽ hằng ngày làm công tác tẩy đi tẩy lại bộ não con người để đảm bảo rằng nó không thể nhiễm những gì đảng không muốn.
Mỗi một con người lớn lên và hình thành nhân cách, họ chịu tác động 3 môi trường: Thứ nhất là gia đình; thứ nhì là môi trường giáo dục; và thứ ba là môi trường xã hội. Trong 3 môi trường đó đảng nắm hết 2, đó là giáo dục và xã hội, còn gia đình thì khi người cha, người mẹ cũng là người lớn lên dưới mái trường XHCN thì môi trường gia đình đó cũng nằm trong tầm ảnh hưởng của chiến lược tẩy não của đảng rồi.
Hôm nay trên các trang báo CS có thông báo ông cựu Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục – Phùng Xuân Nhạ được phân về là Phó ban Tuyên giáo Trung ương. Đây là sự khẳng định rằng, định hướng giáo dục của CS là tẩy não. Nền giáo dục này lấy mục tiêu tẩy não làm nòng cốt chứ không phải mục tiêu mang lại tri thức và đạo đức cho mỗi con người, cho nên với bao sự thối nát của ngành giáo dục, đảng sẽ không có thiện chí sửa đổi.
Hiện tượng đạo văn, trò mua bán điểm, trò mua bán bằng, bạo lực học đường, giáo viên làm công tác của gái tiếp viên nhà hàng v.v… những cái xấu như thế cứ nhan nhản, nhưng điều đó không quan trọng, quan trọng là nền giáo dục này đã hướng tuổi trẻ vào tệ nạn sùng bái.
Nếu giới trẻ không sùng bái bác Hồ thì nền giáo dục XHCN cũng hướng chúng đến việc sùng bái Khá Bảnh, mê sao Hàn v.v… miễn sao không để giới trẻ tìm đến những giá trị tiến bộ mang tính phổ quát như tự do, dân chủ, nhân quyền v.v… là đảng thành công rồi.
Giáo dục nhồi sọ và tuyên truyền dối trá là 2 mũi giáp công của một chiến dịch. Đấy là chiến dịch tẩy não dân tộc này để đảng trục lợi, vì vậy việc một ông bộ trưởng bộ giáo dục được chuyển sang làm tuyên giáo không có gì là bất ngờ.
Thuyền trưởng Joe Biden, người ra khơi giữa cơn bão
Nhã Duy
28-4-2021
Cột mốc 100 ngày của tân nội các tổng thống Joe Biden quả khó làm mỗi người xác định chính xác về ý niệm thời gian. Một mặt nó tạo phản xạ thói quen rằng, 100 ngày có vẻ như đến quá nhanh. Nhưng đồng thời nó cũng cho người ta một cảm giác ngỡ như ông đã nhậm chức từ rất lâu, khi nhìn vào biết bao nghị trình, cải đổi liên tục được đưa ra, cùng các công việc đã làm. Suy nghĩ và cảm xúc thế nào trong mỗi cá nhân, thì vâng, đã tròn 100 ngày nhậm chức của tổng thống Joe Biden để nhìn lại vài điều.
Khi tổng thống Joe Biden bất ngờ qua mặt các ứng viên đảng Dân Chủ trong vòng bầu cử sơ bộ để trở thành ứng viên tổng thống đối đầu cùng Donald Trump, có lẽ không ít cử tri Dân Chủ đã cảm thấy phân vân và nghi ngờ về khả năng của ông, đặc biệt nơi giới trẻ và những người cấp tiến đang ủng hộ các ứng viên khác. Một nhóm cử tri khác thì ủng hộ ông chỉ vì họ muốn truất phế Trump, bất kể ai được đề cử.
Có thể tổng thống Joe Biden không phải là ứng viên sáng giá nhất của những thế hệ như tổng thống John F. Kennedy, Bill Clinton hay Barack Obama, những chính khách trẻ trung, trí tuệ và đầy sức thu hút cử tri. Nhưng trong số hàng chục ứng viên khác, ông lại là người có nhiều cơ hội đánh bại được Donald Trump. Chiến thắng của ông đã cho thấy chọn lựa chiến lược của đảng Dân Chủ là đúng đắn và thành công. Với người dân Mỹ, ít ra cũng đã cảm ơn ông vì đã giúp họ thoát khỏi nỗi ám ảnh kéo dài từ Donald Trump.
Nhưng rồi 100 ngày đầu tiên với lời nói và hành động của tổng thống Joe Biden hẳn đã làm thay đổi suy nghĩ của vô số người. Bởi đó là chân dung và phẩm cách của một lãnh đạo vô cùng cần thiết cho nước Mỹ hiện nay: Kinh nghiệm, bản lãnh và trách nhiệm, là một cấp lãnh đạo đặc biệt quan tâm đến lợi ích quốc gia và người dân.
Trong cuốn hồi ký “A Promise Land”, tổng thống Obama đã kể lại chi tiết lý do tại sao ông đã cân nhắc chọn Joe Biden để làm phó trong liên danh của mình. Tổng thống Obama kể rằng, nếu có những cử tri còn phân vân với những người mới và trẻ như ông thì họ có thể tin vào Joe Biden, một thượng nghị sĩ với hơn 35 năm chính trường, có kinh nghiệm đối ngoại sâu rộng, một con người nghị lực và đầy quyết tâm, can cường và bền bỉ vượt lên thử thách. Và hơn hết là một con người chính trực, chân thật và yêu nước, quan tâm đến người khác. TT Obama đã không sai lầm vì đó là những phẩm hạnh thật sự của tổng thống Joe Biden mà người dân có thể thấy được hiện nay.
Với đại dịch Covid-19, khi TT Biden đưa ra mục tiêu sẽ chủng ngừa 100 triệu liều trong 100 ngày đầu tiên, đó là con số gây hồi hộp cho những người ủng hộ ông. Nhưng “under promise and over delivery”, hứa ít làm nhiều, ông đã đạt đến con số 200 triệu liều trước thời hạn, khống chế dịch bịnh và hứa hẹn đưa đời sống người dân cùng các hoạt động kinh tế quốc gia sớm trở lại bình thường. Thực hiện cuộc chủng ngừa toàn dân với một quy mô chưa từng có trong lịch sử đã cho thấy khả năng tổ chức và điều hành của nội các TT Joe Biden như thế nào.
Song song chiến dịch phòng chống Covid hữu hiệu là gói cứu trợ kinh tế 1.9 ngàn tỉ của ông sẽ giúp hồi phục nền kinh tế đình trệ do đại dịch gây nên và được các chuyên gia dự đoán sẽ đưa tỉ lệ phát triển kinh tế Mỹ lên cao nhất trong vòng vài chục năm qua. Không dừng ở đó, kế hoạch tạo công ăn việc làm qua chương trình đầu tư và tái thiết hạ tầng cơ sở hứa hẹn sẽ tạo thêm công ăn việc làm và chăm lo cho ích lợi người dân Mỹ, tái củng cố vai trò lãnh đạo nước Mỹ.
Nếu phía Cộng Hòa và những người ủng hộ Donald Trump chưa bao giờ đặt vấn đề nợ công và thâm thủng do Trump gây ra, trên thực tế là ít nhất hơn 8,000 tỉ đô la theo các số liệu, thì hà tất gì TT Joe Biden lại e ngại với số tiền cứu vãn một cuộc khủng hoảng kép do Trump để lại, lẫn cho việc đầu tư vào tương lai nước Mỹ với ngân sách chưa bằng phân nửa?
Những tưởng những cấp bách của việc đối phó dịch bịnh và kinh tế sẽ làm ông tập trung hơn vào vấn đề đối nội nhưng kinh nghiệm và bản lãnh của một chính khách từng nắm vai trò lãnh đạo ủy ban đối ngoại Thượng Viện đã cho thấy một chính sách đối ngoại cứng rắn hơn với kẻ thù và nỗ lực hàn gắn lại mối quan hệ đã bị sứt mẻ với đồng minh. Các cuộc họp theo phương thức 2+2, cả bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng với các đồng cấp của các quốc gia đồng minh cho thấy, chính sách ngoại giao mềm dẻo đi kèm theo quân sự cứng rắn trong trường hợp cần thiết phải sử dụng, đã tái trấn an đồng minh về vai trò và sự hậu thuẫn dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ.
Riêng với Trung Cộng, nếu cuộc chiến chống khủng bố lẫn hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan chưa cho phép tổng thống Barack Obama thực hiện trọn vẹn chiến lược chuyển trục Á Châu thì nội các TT Joe Biden xem ra đã cứng rắn và quyết tâm hơn trong việc đối đầu với Trung Cộng, khi ông thừa bản lĩnh và kinh nghiệm để hiểu về một Trung Cộng thủ đoạn thế nào.
Điều đáng ghi nhận là, việc thúc đẩy nhân quyền và dân chủ, một nghị sự cốt lõi trong chính sách ngoại giao hiện nay của nội các TT Biden. Đó là một quyền lực mềm về vai trò lãnh đạo nước Mỹ, đã hoàn toàn bị bỏ qua trong bốn năm qua. Liệu đó không phải là tin vui với những người đang cổ vũ hay dự phần vào phong trào dân chủ và nhân quyền thế giới?
Không hẳn mỗi chính sách hay quyết định của TT Joe Biden sẽ được ủng hộ hay thỏa mãn kỳ vọng của mỗi người. Các vấn đề quốc gia mà mỗi đời tổng thống Mỹ luôn đối diện như chính sách di dân, xung đột sắc tộc, đối cực đảng phái, ngoại giao … sẽ là những thách thức kéo dài trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông, không dễ dàng có giải pháp tốt nhất trong một sớm chiều so với những nghị sự ưu tiên khác. Tuy nhiên chưa hề có bất cứ lời nói hay hành động chia rẽ quốc gia nào, những người chống đối tổng thống Biden chỉ vì chọn lựa sự phủ nhận, thái độ bất hợp tác và không muốn hàn gắn của họ.
100 ngày đầu tiên không phải thời gian để lưu lại hay thể hiện trọn vẹn một nhiệm kỳ tổng thống, nhưng có thể cho người dân ý niệm định hình rõ ràng về một tính cách cùng các chính sách và đường hướng nghị sự của người lãnh đạo quốc gia. Thị trường gia tăng, thất nghiệp giảm, kinh tế có triển vọng trên đà phục hồi. Với tỉ lệ hài lòng của người dân gia tăng đến 59%, theo như thăm dò mới nhất từ Pew Research Center (*) trong tình trạng phân cực mạnh mẽ hiện nay, tổng thống Joe Biden không những đang đi đúng hướng mà ngày càng được tin tưởng, quý mến nhiều hơn. Đặc biệt với sự hài lòng và lạc quan của giới trẻ, cái xương sườn và tương lai của nước Mỹ.
Tổng thống Joe Biden như một người thuyền trưởng, nắm con thuyền quốc gia giữa cơn bão dữ. Chỉ trong cơn sóng lớn mới thấy được khả năng người lèo lái. Những thách thức vẫn còn trước mặt, nhưng con thuyền quốc gia hứa hẹn sẽ đến được chân trời rộng mở. Sự lãnh đạo và phục vụ thầm lặng, bến đỗ cho quốc gia và người dân của tổng thống Joe Biden đã được chứng minh bằng kết quả hiển hiện trong 100 ngày vừa qua.
Xin chúc mừng tổng thống Joe Biden và chúc mừng nước Mỹ!