Về vụ án oan tử tù Nguyễn Văn Chưởng
5-12-2020
Để rộng đường dư luận, hôm nay tôi đăng nguyên văn báo cáo của tổ kiểm tra án oan – Ban Nội chính Trung ương gửi Trưởng ban Nguyễn Bá Thanh ngày 8/2/2014 về đơn kêu oan của tử tù Nguyễn Văn Chưởng.
Sau khi tôi (Lê Văn Hòa, Tổ trưởng Tổ Công tác) gửi báo cáo khoảng 1 tuần, Trưởng ban Nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh đã mời Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Sơn và Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương sang Ban Nội chính trung ương trao đổi về một số công việc, trong đó có nội dung nghe Tổ Công tác báo cáo kết quả kiểm tra, đề xuất hướng xử lý đơn kêu oan của tử tù Nguyễn Văn Chưởng.
Tại cuộc họp này, tôi chất vấn ông Nguyễn Sơn (Phó chánh án TANDTC) lý do tại sao ông Sơn không cho Tổ Công tác chúng tôi được nghiên cứu hồ sơ gốc vụ án Nguyễn Văn Chưởng (mặc dù lúc đầu chính ông Sơn đã chỉ đạo cấp dưới tiếp và chuẩn bị hồ sơ vụ án cho chúng tôi nghiên cứu). Ông Sơn trả lời: “Không có văn bản nào của Đảng, Nhà nước quy định các Ban tham mưu của Trung ương Đảng được nghiên cứu hồ sơ các vụ án”. Tôi vặn lại: Vụ án này là án hình sự được xét xử công khai, không có nội dung nào là bí mật quốc gia; các luật sư còn được sao chụp hồ sơ vụ án, thì lẽ gì Ban Nội chính trung ương là cơ quan tham mưu cho Bộ Chính trị về lĩnh vực nội chính lại không được tiếp cận nghiên cứu? Nhưng ông Sơn không trả lời.
Sau đó, không biết lý do gì, ông Nguyễn Bá Thanh giải thể Tổ Công tác và chỉ đạo dừng nghiên cứu, đề xuất về vụ án Nguyễn Văn Chưởng!
Do vậy, tôi phải gửi kiến nghị vượt cấp, đề nghị kiểm tra lại vụ án này với tư cách cá nhân.
Sau đây là nguyên văn báo cáo ngày 8/2/2014 do tôi xây dựng và ký, được sự nhất trí 100% của các thành viên Tổ Công tác:
“BÁO CÁO KẾT QUẢ KIỂM TRA, XÁC MINH VỀ ĐƠN KÊU OAN CỦA TỬ TÙ NGUYỄN VĂN CHƯỞNG
Kính gửi: Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban NCTW
Thực hiện Kế hoạch công tác đã được đồng chí phê duyệt ngày 26/12/2013 về việc kiểm tra, xác minh Đơn kêu oan của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, đối tượng bị kết án tử hình trong vụ giết người xảy ra tối 14/7/2007 tại Hải Phòng. Ngày 22/1/2014, Tổ Công tác đã báo cáo tiến độ công việc, nay xin báo cáo kết quả kiểm tra xác minh và đề xuất như sau:
I. NỘI DUNG VỤ ÁN:
– Theo Kết luận điều tra của CQCSĐT Công an TP Hải Phòng:
Khoảng 16h ngày 14/7/2007, Vũ Toàn Trung và Đỗ Văn Hoàng đến quán cà phê “Thiên thần” của Nguyễn Văn Chưởng ở đường xuyên đảo Đình Vũ, Hải An, Hải Phòng để hỏi vay tiền đi hít hêrôin. Chưởng nói với Trung và Đoàn: “Tối chúng mày đến đây anh dẫn đi bay” (tức đi cướp).
Trung chuẩn bị 1 thanh đoản kiếm vỏ màu vàng, 1 xe mô tô nhãn hiệu Wave màu đỏ, BKS 16L1 – 8875. Hoàng chuẩn bị 1 dao tông màu trắng, Chưởng chuẩn bị 1 con dao bài.
Khoảng 20h30’, Trung, Hoàng đèo nhau bằng chiếc mô tô trên đến quán “Thiên Thần” đón Chưởng, Chưởng cầm lái chở Trung ngồi giữa, Hoàng ngồi sau đi về hướng cảng nước sâu Đình Vũ, nhưng không gặp được ai để cướp. Chưởng cho xe quay lại, khi đến lối rẽ vào nhà máy thép Đình Vũ thì Chưởng phát hiện một người đi xe mô tô mặc áo mưa trùm kín đầu đi ngược chiều, vì lúc đó trời mưa (đó là Thiếu tá Nguyễn Văn Sinh, cảnh sát hình sự Công an phường Đông Hải 2), Chưởng liền nói “đây rồi” và vòng xe lại đuổi theo.
Khi còn cách 200m, thấy anh Sinh đỗ xe lại ở gần giữa tim đường để nghe điện thoại, Chưởng cho xe vượt bên phải xe anh Sinh. Khi bánh xe sau của Chưởng gần ngang với bánh xe trước của anh Sinh, lập tức Hoàng nhẩy xuống rút dao khỏi bao, tay trái cầm vỏ bao, tay phải cầm dao vung lên chém liên tiếp 2 nhát vào vùng thái dương bên phải anh Sinh, anh Sinh bỏ xe chạy sang phía bên kia đường. Tiếp theo Hoàng, Trung và Chưởng cùng cầm dao đuổi chém nhiều nhát vào người anh Sinh.
Anh Sinh vừa chạy vừa hô “cướp, cướp” và rút súng ngắn bắn 4 phát về phía bọn Chưởng, làm chúng hoảng sợ cầm theo dao kiếm lên xe để Chưởng cầm lái bỏ chạy (Hoàng đã vứt vỏ dao tại hiện trường, Chưởng vứt dao trong quá trình bỏ chạy). Khi đến ngã 3 Phú Xá-Đông Hải thì Hoàng xuống xe, vứt dao và thuê xe ôm để về quê ở Đoàn Xá, Kiến Thụy, HP.
Còn Chưởng chở Trung về quán gội đầu thư giãn “Ánh Dương” ở đường xuyên đảo Đình Vũ đón Nguyễn Thị Lan Phương (tức “Hằng tây” – người yêu của Trung). Phương đã nhờ Chưởng chở Phương và Trung đến khu vực Đồng Tâm, Lạch Tray mua hêrôin. Khoảng 1h30’ ngày 15/7/2007, cả 3 về quán của Chưởng để ngủ. Trước khi ngủ, Trung nói với Phương: “Anh với Hoàng đen và Chưởng vừa đi chém một người ở Đình Vũ định cướp xe máy, khi chém được vài nhát thì người đó rút súng bắn, bọn anh lên xe do Chưởng lái bỏ chạy”.
Sau đó Trung và Phương về Đoàn Xá gặp Hoàng. Phương hỏi Hoàng: “Việc chém ông Sinh thế nào rồi?”, Hoàng đe: “Việc này chỉ có 4 đứa biết, nếu mày khai linh tinh thì tao giết”. Về nạn nhân Sinh, sau khi bị chém đã được đưa đi cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng nên đã chết hồi 8h ngày 15/7/2007 tại bệnh viện.
– Kết quả xử lý của các cơ quan tiến hành tố tụng; Tử tù kêu oan và dư luận báo chí:
+ Theo Kết luận điều tra số 01/KLĐT ngày 27-1-2008 và Kết luận điều tra bổ sung số 23/KLĐTBX ngày 21-3-2008 của CQCSĐT Công an TP Hải Phòng: Nguyễn Văn Chưởng, sinh 1983, quê Bình Dân, Kim Thành, Hải Dương; Đỗ Văn Hoàng, sinh 1985 và Vũ Toàn Trung, sinh 1984 (cùng quê Kiến Thụy, HP) là thủ phạm giết hại anh Sinh vì động cơ cướp tài sản do Chưởng là chủ mưu.
VKSND TP Hải Phòng đã truy tố (Cáo trạng số 71/KSĐT-P1A ngày 16-4-2008) và TAND TP Hải Phòng xét xử sơ thẩm Chưởng, Hoàng, Trung về 2 tội “Giết người” – “Cướp tài sản” (Bản án hình sự sơ thẩm số 80/2008/HSST ngày 12-6-2008), tổng hợp hình phạt chung cả 2 tội, Chưởng bị tuyên án tử hình, Hoàng chung thân và Trung 23 năm tù (sau phiên tòa sơ thẩm, Chưởng kháng cáo kêu oan, Hoàng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt).
+ Ngày 21/11/2008, Phiên tòa phúc thẩm được mở, Chưởng tiếp tục kêu oan với lý do tối 14/7/2007 không có mặt ở nơi xảy ra vụ án mà đang ở quê Hải Dương; Hoàng cũng thay đổi nội dung kháng cáo và kêu oan với lý do không tham gia cùng Chưởng, Trung đi cướp tài sản và giết anh Sinh – nhưng không được chấp nhận và bản án sơ thẩm vẫn được giữ nguyên (sau phiên tòa phúc thẩm, Chưởng và gia đình gửi Đơn kêu oan lên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan trung ương).
+ Ngày 18/4/2011, Viện trưởng VKSNDTC đã kháng nghị Giám đốc thẩm về hình phạt tử hình đối với Chưởng: “Cần phải xem xét đánh giá chính xác vai trò của bị cáo Chưởng trong vụ án để áp dụng hình phạt đối với bị cáo”.
+ Ngày 7/12/2011, Hội đồng thẩm phán TANDTC xử Giám đốc thẩm, không chấp nhận Kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC và giữ nguyên bản án phúc thẩm đối với bị cáo Chưởng (Quyết định giám đốc thẩm số 26/2011/HS-GĐT).
Sau phiên tòa Giám đốc đến nay, bố mẹ Chưởng tiếp tục gửi nhiều Đơn tố cáo-Kêu oan lên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các cơ quan Trung ương. Đặc biệt, báo “Người đưa tin” đã đăng bài phóng sự trong nhiều số cho rằng Chưởng kêu oan là có cơ sở (kèm theo Đơn kêu oan viết bằng máu của bố Chưởng và Đơn kêu oan thêu bằng tăm ở trong tù của Chưởng: “Án oan hôm hận nhờ Chính phủ/Giải oan hận này cho dân đen/Tấm lòng trong sạch thiên địa biết/Trả lại công bằng cho dân thường/Sao để quan sai hành hạ dân/Pháp luật Việt Nam là rất đúng/Luật pháp nằm trong tay quan điêu/Vu oan giáng họa cho dân lành”.
II. KẾT QUẢ KIỂM TRA, XÁC MINH:
Mặc dù Lãnh đạo TANDTC không giải quyết cho nghiên cứu hồ sơ gốc vụ án và Giám đốc Công an TP Hải Phòng không cho nghiên cứu hồ sơ AK (hồ sơ nghiệp vụ), nhưng qua nghiên cứu trích lục hồ sơ vụ án tại VKSND TP Hải Phòng và các tài liệu thu thập được, chúng tôi nhận thấy có nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng trong giải quyết vụ án:
1. Vi phạm thủ tục tố tụng trong bảo vệ, khám nghiệm hiện trường; thu giữ, quản lý vật chứng của vụ án:
– CQĐT không tổ chức bảo vệ giữ nguyên hiện trường vụ án; việc thu giữ, quản lý vật chứng của vụ án rất tùy tiện: Cảnh sát Phạm Hồng Quang đem áo mưa, áo cảnh sát, dép… của nạn nhân Sinh gửi ở phòng bảo vệ Công ty Neu Hope; còn điện thoại di động và khẩu súng K59 + 1 băng đạn còn 1 viên của anh Sinh thì Quang cầm và mang đi đâu không rõ, đến hơn 1h ngày 15/7/2007 mới được lập biên bản thu giữ và đến 17h cùng ngày mới làm thủ tục niêm phong (BL: 517; 535).
– Vụ giết người xảy ra hồi 21h30’ ngày 14/7/2007, nhưng đến 15h30’ ngày hôm sau mới tổ chức khám nghiệm hiện trường.
– Việc anh Sinh đi dép hay đi giầy khi bị chém cũng chưa được làm rõ. Nhân chứng Phạm Hồng Quang khai anh Sinh đi dép (BL: 517); nhân chứng Nguyễn Văn Phước cũng khai anh Sinh đi dép (BL: 535); nhưng nhân chứng Đặng Thái Sơn khai anh Sinh đi giầy đen có dây (BL: 523; 524).
2. Đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ, thiếu khách quan:
– Dấu vết để lại trên áo và thi thể nạn nhân khẳng định nạn nhân không chỉ bị tấn công, tác động tại hiện trường, mà có thể đã bị tấn công, tác động trước đó ở một địa điểm khác:
+ Bản Giám định pháp y của Viện khoa học hình sự kết luận trên cơ thể nạn nhân, ngoài các dấu vết do các loại hung khí có cạnh sắc nhọn gây nên còn có các vết hằn xây xát da mềm đỏ nâu ở vùng lưng do vật cứng có cạnh dài tiếp xúc hẹp gây ra; ngoài ra còn có các tổn thương bầm tụ máu vùng thắt lưng hai bên do vật tày gây nên.
Các cơ quan tiến hành tố tụng đã kết luận hung khí của bọn Chưởng là dao, kiếm chứ không có hung khí nào là vật tày (vậy có chăng, trước khi bị chém bằng dao, kiếm là vật sắc, nhọn ở cổng Nhà máy thép Đình Vũ thì anh Sinh đã bị tác động, tấn công bằng vật tày ở địa điểm khác?).
+ Tại Biên bản giao nhận vật chứng thu được tại hiện trường vụ án, ngoài xe máy, dao, kiếm… còn thống kê, bàn giao 1 khẩu trang trắng kẻ xanh (BL: 698), nhưng không được làm rõ chiếc khẩu trang đó là của ai và có liên quan đến vụ án hay không.
+ Biên bản giám định không kết luận vân tay ở cò khẩu súng K59 thu tại hiện trường là của ai (vậy lấy cơ sở nào kết luận anh Sinh đã bắn? và cần phải làm rõ khẩu súng đó anh Sinh có được cấp phép sử dụng không? Đơn vị nào cấp? cấp từ khi nào?…).
+ Thời gian sinh hoạt của nạn nhân Sinh trước khi bị chém ở cổng Nhà máy thép Đình Vũ cũng chưa được chứng minh một cách khách quan là ở đâu, làm gì, tiếp xúc với ai để tạo nên thương tích trên để làm căn cứ xác định nguyên nhân của vụ án.
+ Nhân chứng Phạm Hồng Quang (chiến sỹ Công an phường Đông Hải 2) khai (BL: 515): Ngay sau khi anh Sinh bị bắn, Quang nhìn thấy có một người lạ đi cùng Đặng Thái Sơn (chiến sỹ Công an phường Đông Hải 2) tới chỗ anh Sinh đang nằm hôn mê tại hiện trường, nhưng không được làm rõ người lạ đó là ai và đến với mục đích gì?
– Việc quy kết Hoàng, Trung, Chưởng chém nạn nhân Sinh nhằm cướp tài sản là chưa thuyết phục. Cả 3 cấp xét xử đều xem xét, đánh giá chứng cứ thiếu khách quan, suy đoán ép tội (quy kết Chưởng là chủ mưu và bọn Chưởng chém anh Sinh vì mục đích cướp tài sản).
Căn cứ vào diễn biến vụ án do chính các cơ quan tiến hành tố tụng kết luận, thì trong suốt quá trình chuẩn bị phạm tội cũng như quá trình phạm tội của bọn Chưởng không có sự bàn bạc, phân công vai trò của từng người; không có sự phân công việc chuẩn bị hung khí; không có sự bàn bạc về cách thức sẽ đi cướp; đặc biệt không bàn đến việc sẽ giết người để cướp tài sản (Vậy có chăng, anh Sinh bị chém vì ghen tuông tình ái hoặc mâu thuẫn xã hội?…).
– Việc xác định Chưởng là chủ mưu và tham gia chém nạn nhân là chưa thực sự khách quan:
+ Lời khai của các bị cáo và một số nhân chứng cho thấy có nhiều mâu thuẫn, không đủ cơ sở kết luận Chưởng là chủ mưu, nhưng không được làm rõ. Các cơ quan tiến hành tố tụng chủ yếu dựa vào lời khai đầy mâu thuẫn của Trung và Phương (người yêu Trung) để buộc tội Chưởng.
+ Tại Kết luận điều tra, Quyết định truy tố và các bản án đều khẳng định: Khi phát hiện có người đi xe máy ngược chiều, Chưởng điều khiển xe máy quay lại và chỉ nói một câu “Đây rồi” chứ không có câu nào mang ý nghĩa chỉ huy hay ra lệnh cho cả bọn nhảy xuống chém nạn nhân.
+ Khi Chưởng dừng xe chỉ có Hoàng và Trung tự nhảy xuống chém anh Sinh và một trong những nhát chém của Hoàng là nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân (Bản giám định pháp y số 33-374/2007 ngày 19-7-2007 của Tổ chức giám định pháp y Hải Phòng kết luận: “Nạn nhân bị một số vết thương tích trên cơ thể, trong đó có 1 vết thương sọ não hở vùng thái dương phải gây choáng chấn thương sọ não nặng không hồi phục quyết định sự chết của nạn nhân).
Khi anh Sinh nổ súng thì Trung và Hoàng chạy lại chỗ Chưởng vẫn đang ngồi đợi trên xe máy và được Chưởng lái xe bỏ chạy (các bản khai của nhân chứng Nguyễn Văn Phước, bảo vệ Công ty Hoàng Gia chứng kiến quá trình anh Sinh bị chém đều khẳng định: Có 3 người đèo nhau trên một xe máy, khi gặp anh Sinh chỉ có 2 người ngồi sau nhảy xuống chém, khi anh Sinh nổ súng thì 2 người đó chạy lại chỗ người cầm lái vẫn đang nổ máy đứng đợi, sau đó cả 3 bỏ chạy/ lời khai của nhân chứng Phước phù hợp với lời khai của Chưởng và Trung là Chưởng chính là người điều khiển xe máy chở Hoàng và Trung (BL: 110; 123; 243; 359…).
+ Có nhiều nhân chứng xác định thời điểm xảy ra vụ án, Chưởng có mặt ở quê Hải Dương nhưng không được điều tra, đối chất một cách khách quan.
+ Chưởng còn khai đã cung cấp bản kê các cuộc gọi đi, gọi đến điện thoại của Chưởng (0974.863.087) trong thời điểm xảy ra vụ án, nhưng không được xem xét.
+ Tại các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, Chưởng và Hoàng đều phản cung, họ khai rằng việc họ nhận tội ở CQĐT là do bị ép cung, bị đánh đập (vậy phải chăng đó chính là nguyên nhân làm cho các lời khai của Hoàng, Chưởng, Trung có nhiều mâu thuẫn?), nhưng không được điều tra làm rõ.
+ Các lời khai mâu thuẫn, hành vi, hung khí và dấu vết trên cơ thể nạn nhân không phù hợp cũng không được thực nghiệm điều tra làm rõ.
III. ĐỀ XUẤT:
1- Ban Nội chính Trung ương có Công văn đề nghị Chủ tịch nước cho tạm hoãn thi hành bản án tử hình đối với Nguyễn Văn Chưởng.
2- Ban Nội chính Trung ương tham mưu tổ chức một cuộc họp liên ngành để xem xét, đánh giá lại Vụ án Nguyễn Văn Chưởng do đồng chí Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng-Trưởng ban NCTW chủ trì. Thành phần: Tòa án nhân dân tối cao; Viện KSNDTC; Bộ Công an; Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; 3 ngành Công an – Kiểm sát – Tòa án TP Hải Phòng. Thời gian: Khoảng cuối tháng 2/2014 (Công văn gửi trước 10 ngày để các cơ quan chuẩn bị nội dung làm việc).
Ký tên
Lê Văn Hòa (Tổ trưởng Tổ Công tác) đã ký.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét