Sẽ là một nỗi đau dài
26-12-2020
“Các chất gây ô nhiễm không khí có thể gây rối loạn nội tiết tố, đồng thời cản trở hoạt động của hormone kiểm soát tăng trưởng, phát triển và khả năng sinh sản. Các chất hóa học độc hại này tác động thụ thể estrogen, androgen và progesterone.
Điều này gây ra những bất thường về sinh sản như sinh non, sẩy thai, dị tật bẩm sinh, lượng tinh trùng giảm và ung thư tuyến tiền liệt. Ô nhiễm không khí cũng ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tinh dịch. Một số nghiên cứu cho thấy nam giới tiếp xúc nhiều với các chất độc hại ở môi trường có thể bị giảm chất lượng và số lượng tinh trùng.” (Trích)
Trong khá nhiều bài viết suốt nhiều năm nay, người viết thường nhắc đến nỗi lo thoái hoá giống nòi do ô nhiễm. Trong các loại ô nhiễm liên quan mật thiết đến sức khoẻ thì ô nhiễm không khí đáng sợ nhất vì chúng ta không thể ngưng thở, ngay cả khi ngủ.
Các bệnh về gan, thận, tim mạch, não bộ hay ung thư do ô nhiễm có thể dẫn đến quá trình điều trị tốn kém và đau đớn. Và bệnh nhân thường sống mòn trên con đường đi tới những cái chết đau đớn. Chúng gây ra những tốn kém lâu dài về mặt an sinh xã hội và cả bất an về an ninh xã hội.
Cho tới khi bụi mịn ở những đô thị như Hà Nội, TP.HCM ngập tràn sắc cam, đỏ, tím, nâu ở ngưỡng báo động ảnh hưởng đến sức khoẻ hay thậm chí nguy hại, độc hại; mới càng thấy thương những người dân ở cạnh Formosa, cạnh nhiệt điện Vĩnh Tân và các vùng ô nhiễm khác. Họ quá khổ và con em họ càng khổ hơn. Khi con bạn chỉ cần ho hắng vì cảm sốt thì cả gia đình đã rất lo lắng; thì nghĩ xem những đứa trê Vĩnh Tân sẽ thở thế nào khi mỗi sáng thức dậy cái bàn ăn gia đình nằm trong nhà đóng kín cửa đã phủ một lớp bụi dày?
Nhưng “sống không nổi” như dân Vĩnh Tân chỉ là một hình thái rõ ràng về nhiễm độc bụi mịn. Thuật ngữ khoa học còn có phơi nhiễm độc tố, cũng do bụi mịn. Vậy thì 12 triệu dân Tp.HCM và 10 triệu dân Hà Nội sẽ đối mặt với tương lai gì khi các sắc báo động ô nhiễm cam, đỏ, tím, nâu ở ngưỡng báo động ảnh hưởng đến sức khoẻ hay thậm chí nguy hại, độc hại cứ kéo dài mãi? 22/96 triệu dân bị phơi nhiễm, kèm theo là khả năng thoái hoá giống nòi “sinh non, sẩy thai, dị tật bẩm sinh, lượng tinh trùng giảm và ung thư tuyến tiền liệt”. Điều này không đáng nghĩ bàn sao?
Và quốc gia này đâu chỉ Hà Nội, TP.HCM mới ô nhiễm?
Trẻ con là tương lai của đất nước và hãy nghĩ về việc 100% trẻ em Vĩnh Tân có vấn đề về hô hấp liên quan đến ô nhiễm (khảo sát bởi chuyên gia y tế cộng đồng Trần Trọng An). Vậy có bao nhiêu đứa trẻ khác bị ảnh hưởng ô nhiễm không khí sẽ lớn lên rồi sinh con đẻ cái mà nguy cơ bài báo đã nhắc đến về “những bất thường về sinh sản như sinh non, sẩy thai, dị tật bẩm sinh, lượng tinh trùng giảm và ung thư tuyến tiền liệt” sẽ còn kéo dài?
Người viết thực sự ghê sợ những ý kiến kiểu “phát triển cần phải đánh đổi” bởi không có cha mẹ nào mong đứa con mình sinh ra sẽ “sinh non, sẩy thai, dị tật bẩm sinh, lượng tinh trùng giảm và ung thư tuyến tiền liệt” và các bệnh do ô nhiễm đeo đẳng vào người cả.
Đánh đổi ấy là giết chết tương lai nhân danh phát triển!
Chỉ riêng trong lĩnh vực nhiệt điện than, theo công bố, năm 2020 có 31 nhiệt điên. Đến 2030, con số này sẽ là 52 nhiệt điện. Những làng quê như Vân Phong (Khánh Hoà) hay bất kỳ đâu triển khai nhiệt điện cũng sẽ có nguy cơ lặp lại câu chuyện của Vĩnh Tân. Và 2020 mà chỉ số bụi bịn chiếm chủ yếu là cam, đỏ, tím có thể sẽ “tiến hoá” thành đỏ, tím, nâu trong thời gian tới.
Ngưởi viết từng nhiều lần cảnh báo ô nhiễm sẽ bộc phát hậu quả của nó từ năm 2030. Nhưng từ đây đến đó đâu phải không có nỗi đau nếu biết rằng 15 năm theo đuổi nghề viết vì môi trường, người viết đã chứng kiến rất nhiều trường hợp chết lưu thai, trẻ biến dị, trẻ mắc bệnh tự kỷ và nhiều bệnh khác vì ô nhiễm.
Sẽ là một nỗi đau dài…
Rất, rất dài!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét