Địa ngục xanh Việt Nam: Người Việt nghĩ gì? (Phần 8)
Tác giả: Helmut P. Müller
Dịch giả: Phan Ba
21-12-2020
Tiếp theo Phần 1 — Phần 2 — Phần 3 — Phần 4 — Phần 5 — Phần 6 và Phần 7
Ý tưởng này xuất phát – từ người Mỹ. Giữa năm 1966, Robert Chandler, trong một cuộc họp thường kỳ của công ty truyền thông và truyền hình Mỹ CBS, đề nghị: “Chúng ta nên tiến hành một cuộc thăm dò ý kiến độc lập ở Việt Nam để có được một cái nhìn bao quát về việc người Việt thật sự nghĩ gì về cuộc chiến này.”
Đề nghị của Chandler được tán thành ngay lập tức. Chỉ còn câu hỏi: Nói chung là người ta có thể tiến hành được một cuộc thăm dò mang tính tượng trưng như vậy hay không trong một đất nước còn yếu kém về giáo dục đào tạo như Việt Nam, thêm vào đó còn phải chịu đựng những rối loạn của một cuộc chiến nữa?
Đầu tiên, CBS quay sang nhờ “Opinion Research Corporation of Princeton” ở New Jersey. Các chuyên gia của công ty này và của Đại học Columbia sang Việt Nam làm việc cùng với các đại diện của “Center for Vietnam Studies”, trung tâm mà đã hoạt động trên lãnh vực nghiên cứu ý kiến từ 1958. Kết quả: “Từ những lý do về an ninh, một cuộc thăm dò ý kiến trong những vùng do Việt Cộng kiểm soát là không thể. Ngược lại, trong những vùng do chính phủ kiểm soát thì không có khó khăn gì.” Qua đó, người ta có thể hỏi ý kiến đại diện cho hơn 9 triệu trong số 14 triệu rưỡi người Nam Việt Nam.
Theo những kinh nghiệm từ điều tra dân số và những cuộc thăm dò ý kiến tương tự trong các nước khác, người ta chọn 1500 người Việt có nguồn gốc, nghề nghiệp, học thức khác nhau cũng như từ mọi lứa tuổi và tình trạng gia đình – từ điểm cực bắc của đất nước cho tới đồng bằng sông Cửu Long. Cuộc thăm dò ý kiến bao gồm năm thành phố lớn nhất của đất nước (Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ và Đà Lạt) cũng như 55 làng mạc và thôn ấp trong 11 tỉnh. Dưới chủ đề: “Người dân Việt Nam nghĩ gì về cuộc chiến”, người ta đưa ra 52 câu hỏi cho người dân trên khắp miền của đất nước này. Các nhà thăm dò ý kiến đã đi hai tháng trời – một phần trong đó gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm. Đến mùa Xuân 1967, người ta có kết quả của 1413 người được hỏi ý kiến. 304 người trong số họ không được đi học, 618 người đi học từ một đến năm năm và 491 người đi học hơn sáu năm.
“Đây là cuộc thăm dò ý kiến độc lập đầu tiên ở người Nam Việt Nam về quan điểm của họ đối với cuộc chiến”, Charles Collingwood của CBS nói. “Qua đó, lần đầu tiên chúng ta có được một cái nhìn mang tính hiện thực vào trong con tim và suy nghĩ của người dân Nam Việt Nam. Nếu như muốn đúc kết trước kết quả thì người ta được phép nói rằng: Trên nhiều phương diện, quan điểm của nhân dân Việt Nam về cuộc chiến này tương tự như quan điểm của thế giới còn lại – họ muốn chiến tranh kết thúc sớm nhưng không thống nhất về con đường đạt tới mục đích đó”.
Nhân dân Việt Nam nghĩ gì, những gì lay động tâm trí của những con người phải sống chung với chiến tranh từ gần 20 năm nay? Để nhận được trả lời cho câu hỏi này, những điểm quan trọng nhất của cuộc thăm dò ý kiến được ghi lại dưới đây.
Hỏi: “Anh chị cho rằng cuộc sống tốt hơn hay xấu hơn cho anh chị khi so với một năm trước đây?”
Trả lời: Tốt hơn – 25%; xấu hơn – 48%; như một năm trước đây – 27%.
Hỏi: “Anh chị nghĩ một năm nữa cuộc sống của anh chị sẽ tốt hơn hay xấu hơn ngày nay?”
Trả lời: Tốt hơn 26%; xấu hơn – 14%; như ngày nay – 18%; không có ý kiến – 42%.
Hỏi: “Nếu như anh chị có thể bày tỏ ba điều ước mong cho bản thân và gia đình anh chị – anh chị sẽ mong ước gì?”
Trả lời: Công việc làm và thu nhập – 54%; sức khỏe – 9%. (Phần còn lại của những câu trả lời bao gồm những mong ước cá nhân khác.)
Hỏi: “Nếu như anh chị có thể bày tỏ ba điều ước mong cho đất nước của chúng ta – anh chị sẽ ước mong điều gì?”
Trả lời: Hòa bình – 81%; an ninh và thịnh vượng – 3%; thống nhất – 2%, chiến thắng chủ nghĩa cộng sản – 4%; độc lập – 4%.
Hỏi: “Anh chị nghĩ bên nào sẽ chiến thắng?”
Trả lời: Nam Việt Nam và đồng minh – 62%; Bắc Việt và Việt Cộng – 1%; không bên nào sẽ chiến thắng – 5%; không có ý kiến – 30%.
Hỏi: “Theo ý anh chị thì khi nào sẽ hết chiến tranh?”
Trả lời: Trong vòng một năm – 1%; hơn một năm nữa – 11%; hơn hai năm nữa – 7%; hơn ba năm nữa – 6%; hơn năm năm nữa – 9%; không bao giờ – 2%; không có ý kiến – 64%.
Hỏi: “Cứ cho rằng chiến tranh sẽ kết thúc trong thời gian sắp tới đây. Theo anh chị thì ai sẽ là người chiến thắng?”
Trả lời: Nam Việt Nam và đồng minh – 62%; Bắc Việt Nam và Việt Cộng – 0%; không ai sẽ là người chiến thắng – 4%; không có ý kiến – 34%.
Hỏi: “Khi chiến tranh chấm dứt, theo ý anh chị thì người dân có thích nhìn thấy Việt Cộng trong chánh phủ không?”
Trả lời: Có – 6%; không 73%; không có ý kiến – 21%.
Hỏi: “Theo ý anh chị, người dân không thích gì ở Việt Cộng?
Trả lời: Khủng bố và phá hoại – 58%; bóc lột người dân và thu thuế quá cao – 36%; thiếu tự do – 10%; thích chiến tranh – 7%; tuyên truyền dối trá – 6%; không có điều gì hết – 2%; không có ý kiến – 17%. (Một số người được hỏi đưa ra nhiều điểm.)
Hỏi: “Theo ý anh chị, người dân đánh giá cao điều gì ở Việt Cộng?”
Trả lời: Tuyên truyền khéo léo – 10%; tổ chức và lãnh đạo tốt – 4%; không có đấu tranh giai cấp – 3%; hoạt động bền bỉ dưới những điều kiện khó khăn – 2%; lo lắng cho người nghèo – 3%; tôi không thích điểm gì ở Việt Cộng hết – 49%; không có ý kiến – 34%.
Hỏi: “Theo ý anh chị, ai chịu trách nhiệm chính trong việc chiến tranh kéo dài?”
Trả lời: Chính phủ Nam Việt Nam – 2%; Việt Cộng – 31%; chính phủ Bắc Việt – 12%; Trung Cộng – 19%; Hoa Kỳ – 3%; không có ý kiến 33%.
Hỏi: “Cho tới nay, nước nào đã cố gắng lập lại hòa bình ở Việt Nam?”
Trả lời: Hoa Kỳ – 27%; Tòa Thánh Vatican – 17%; Liên hiệp Anh – 16%; Liên Hiệp Quốc – 11%: chính phủ Nam Việt Nam – 1%; các nước cộng sản – 1% (phần còn lại rơi vào các nước khác.)
Hỏi: “Theo ý kiến của anh chị, tại sao người Mỹ chiến đấu ở Việt Nam?”
Trả lời: Để chống cộng sản – 39%; để tái lập hòa bình – 8%; để “giữ thể diện” – 7%; vì những lợi ích thực dân – 7%; để xây dựng một căn cứ chiến lược – 6%; theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam – 3%; không có ý kiến 34%.
Hỏi: “Anh chị muốn nước Mỹ chú ý đến khả năng thương lượng với Bắc Việt Nam nhiều hơn, hay người Mỹ cần phải tăng cường các nỗ lực quân sự chống Bắc Việt của họ?”
Trả lời: Thương lượng – 63%; tăng cường hoạt động quân sự – 15%; không có ý kiến – 22%.
Hỏi: “Theo ý anh chị, quân đội Mỹ cần phải làm gì ở Nam Việt Nam – họ nên tiếp tục chiến đấu, họ nên ngưng chiến đấu nhưng vẫn ở lại làm cố vấn cho quân đội Nam Việt Nam, hay họ nên ngưng chiến và trở về Mỹ?”
Trả lời: Tiếp tục chiến đấu – 39%; ngưng chiến đấu và ở lại làm cố vấn – 21%; ngưng chiến đấu và trở về Mỹ – 10%; không có ý kiến – 30%.
Hỏi: “Như anh chị biết, người Mỹ thỉnh thoảng có ném bom những ngôi làng mà họ nghi ngờ là có Việt Cộng ở trong đó. Theo ý anh chị, người Mỹ cần nên tiếp tục làm điều đó khi họ rằng nó cần thiết, hay họ không nên làm điều đó?”
Trả lời: Tiếp tục ném bom – 37%; ngưng ném bom – 46%; không có ý kiến – 17%;
Hỏi: “Anh chị tin rằng anh chị có một cuộc sống nhẹ nhàng hơn khi Việt Cộng kiểm soát vùng đất của anh chị hay nhẹ nhàng hơn dưới sự kiểm soát của chính phủ?”
Trả lời: Tốt hơn dưới sự kiểm soát của Việt Cộng – 0%; tốt hơn dưới dự kiểm soát của chính phủ – 90%; không khác nhau giữa hai bên – 3%; không có ý kiến – 7%.
Hỏi: “Sau khi chiến tranh chấm dứt, anh chị muốn Việt Nam thống nhất ngay lập tức, thống nhất sau đó hay thế nào cũng được?”
Trả lời: Thống nhất ngay lập tức – 83%; thống nhất muộn hơn – 1%; chống lại một cuộc thống nhất – 5%; thế nào cũng được – 2%; không có ý kiến – 9%.
Hỏi: “Anh chị hài lòng với việc làm của chính phủ Kỳ hiện nay hay anh chị muốn có thay đổi?”
Trả lời: Hài lòng – 53%; muốn có thay đổi – 11%; không có ý kiến – 36%.
Hỏi: “Anh chị thích gì ở người Mỹ?”
Trả lời: Các chương trình an sinh xã hội, các chương trình trợ giúp của họ – 28%; sự giúp đỡ về mặt quân sự của họ – 22%; phẩm chất cá nhân – 20%; trợ giúp Việt Nam nói chung – 15%. (Phần còn lại cho những câu trả lời khác.)
Hỏi: “Khi chiến tranh chấm dứt, anh chị thích nhất là khả năng nào sau đây?”
Trả lời: Khi chính phủ được người cộng sản lãnh đạo – 0%; khi chính phủ được những người quốc gia lãnh đạo – 83%; ai lãnh đạo chính phủ cũng được – 10%; không có ý kiến – 7%.
Hỏi: “Tại sao anh chị có ý kiến đó?”
Trả lời: Vì rồi sẽ có tự do và dân chủ – 39%; vì sẽ có khả năng làm việc tốt hơn – 24%; vì ý muốn của nhân dân được tôn trọng nhiều hơn – 19%. (Phần còn lại cho những câu trả lời khác.)
Hỏi: “Anh tự lựa chọn một người vợ hay cha mẹ anh làm điều đó cho anh?”
Trả lời: tự mình – 30%, cha mẹ quyết định nàng dâu – 56%, họ hàng làm điều đó – 2%, không nhớ – 1%.
“Ở một dân tộc bị chiến tranh vây hãm và sống dưới một nền độc tài quân sự”, cuộc thăm dò ý kiến của CBS kết luận, “thì có vẻ như thật là liều lĩnh khi đạt được tới những con số phầm trăm gần với sự thật nhất qua một cuộc thăm dò ý kiến. Mặc dù vậy, cuộc thăm dò ý kiến này đã mang lại một cái nhìn sâu sắc vào trong suy nghĩ và tâm trạng của người dân Việt. Đặc biệt, cuộc thăm dò này cho thấy rằng – ngược với quan điểm ở bên ngoài Việt Nam – dân tộc Việt Nam cũng không kiệt quệ và bất động cho tới mức bây giờ họ mặc kệ việc ai sẽ thắng cuộc chiến này. Dân tộc này hoàn toàn không mặc kệ. Họ mong muốn hòa bình – nhưng không bằng mọi giá… Có thể có những người thất vọng với cuộc thăm dò ý kiến này, vì cuối cùng thì nó đã không mang lại một câu trả lời rõ ràng cho việc nước Mỹ bây giờ cần phải làm gì. Nhưng không cần phải như vậy – đối với người Việt, cuộc tìm kiếm một con đường có thể chấm dứt cuộc chiến này cũng rắc rối y hệt như vậy và những ý kiến cũng rất khác nhau, cũng giống như hầu hết mọi dân tộc khác…”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét