Tin giả đi nhanh
Lê Minh Nguyên
4-11-2020
Thế giới thực (reality) và “thế giới được cảm nhận” (perceived) không bao giờ là hai vòng tròn bằng nhau và trùng lên nhau.
Trong “thế giới được cảm nhận”, ta nhận được cái gì thì ta nhìn thế giới là thế ấy. Nếu ta mở lòng ra để nhận được nhiều hơn thì “thế giới được cảm nhận” của chúng ta sẽ lớn hơn.
Hơn nữa, “thế giới được cảm nhận” bị chi phối bởi tình cảm của chúng ta ngay ở lúc ta cảm nhận. Nếu lúc đó ta buồn thì “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ“.
Vết hằn tâm lý trong quá khứ cuộc đời cũng ảnh hưởng lên “thế giới được cảm nhận” của chúng ta, thí dụ như hồi nhỏ chúng ta bị chó cắn, bây giờ khi thấy một con chó đang đi về hướng chúng ta thì chúng ta cảm nhận là con chó dữ, mặc dù thực tế nó là con chó (có thể hiền hay có thể dữ).
Khi hai người A và B đối thoại với nhau thì không phải chỉ 2 người mà là 6 người ở trong đó. A có 3 người và B có 3 người.
– Con người thật của A hay B.
– Con người mà A hay B muốn trình ra bên ngoài.
– Con người mà B CẢM NHẬN về A, hay A CẢM NHẬN về B.
Và mọi phản ứng hay quyết định của A hay B đều được căn cứ trên con người mà A hay B CẢM NHẬN về nhau.
“Thế giới được cảm nhận” vô cùng quan trọng vì nó định đoạt các phản ứng hay hành động của chúng ta. Mọi giao tế của con người đều có nền tảng trên “thế giới được cảm nhận”.
“Thế giới được cảm nhận” luôn rượt đuổi theo thế giới thật, và càng gần được thế giới thật chừng nào thì những xung đột càng được dễ giải quyết hơn, vì dễ đạt được sự đồng thuận, mà đồng thuận được 100% thì đó là chân lý.
Chân lý là cái gì mà tất cả mọi người đều đồng ý, vì vậy chân lý có tính cách tạm thời và hay thay đổi. Tục ngữ pháp có câu “bên này rặng Pyrenees là chân lý, còn bên kia là sai lầm”.
Trong khoa học, khi chúng ta chưa khám phá ra cái mới để lật đổ cái cũ thì cái cũ mà mọi người đều đồng ý là chân lý, khai thiên lập địa bởi nổ khủng Big-Bang từ hư vô hiện giờ là chân lý.
Trong vũ trụ, tất cả đều lơ lững không có nơi để bám vào, cái mà chúng ta bám vào thì tự thân nó vẫn là lơ lững. Nhà bác học Albert Einstein quan sát sự lơ lững này qua Thuyết Tương Đối của ông (Theory of General Relativity).
Nhưng sự bám vào là nguồn năng lực của sự sống. Nếu con người không bám vào quả đất thì con người không thể sống được, kiến thức không bám vào thực tại thì con người sẽ không phát triển được sự sinh tồn. Để sinh tồn, người ta phải dìu dắt nhau đi về hướng Chân-Thiện-Mỹ – dù không đạt được nhưng ít nhất cũng tiến đến gần.
***
Trong vài năm qua, các nhà nghiên cứu của MIT Sloan đã nghiên cứu về sự lan truyền của thông tin sai lệch, hay còn gọi là tin giả.
Theo một nghiên cứu năm 2019 do GS Sinan Aral, GS Deb Roy và GS Soroush Vosoughi của MIT công bố trên tạp chí Science. Họ phát hiện ra những lời nói dối có khả năng được tweet lại trên Twitter cao hơn 70% so với sự thật và tiếp cận 1.500 người đầu tiên nhanh hơn gấp 6 lần.
Hiệu ứng này rõ rệt hơn với các tin tức chính trị. Nghiên cứu cho thấy mọi người bị thu hút bởi những thông tin mới lạ, giựt gân, bất thường của thuyết âm mưu.
Theo GS David Rand và GS Gordon Pennycook, những người chia sẻ thông tin sai lệch thường là do ít tập trung hoặc do lười biếng, hơn là do thành kiến. Nghiên cứu năm 2018 của họ yêu cầu mọi người đánh giá độ chính xác của các tiêu đề tin tức trên Facebook cho thấy rằng, những người chịu phân tích thì có nhiều khả năng phân biệt đúng sai, bất kể quan điểm chính trị của họ.
Nghiên cứu khuyên rằng, người dùng mạng xã hội nên có tư duy phân tích và tư duy cởi mở, gắn liền với việc cập nhật niềm tin của mình để kịp thời đáp ứng với những điều chỉnh hầu tiến gần với thực tế hơn. (https://bit.ly/2La2xZN)
Ứng cử viên tổng thống Andrew Yang hôm 4/12 tweet rằng “Thông tin sai lệch lan truyền mạnh hơn gấp 6 lần so với thông tin trung thực trên các mạng xã hội. Thử tưởng tượng ở trong một trò chơi mà mà số bàn của đội bên kia ghi điểm thắng nhiều gấp 6 lần số bàn thắng của bạn”.
Nếu mọi người lấy sự thật làm mẫu số chung, thì dù mọi bên diễn dịch sự thật như thế nào thì bài toán cũng được giải ra, còn như không chấp nhận sự thật thì hố ngăn cách và sự chia rẽ càng ngày càng sâu sắc.
_____
Một số tranh biếm họa:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét