‘Mỹ xuống, Trung Quốc lên’
Hiếu Chân
15-12-2020
Trong lúc nước Mỹ đang căng sức vật lộn với đại dịch viêm phổi Vũ Hán và một kỳ bầu cử căng thẳng nhất trong lịch sử, thì bên kia đại dương, Trung Quốc liên tục tung ra những tin tức “phấn khởi” về thành tích của nước này trong việc khống chế virus và phục hồi kinh tế, coi đó là ưu điểm nổi bật của chế độ Bắc Kinh so với các nền dân chủ tự do ở Châu Âu và Châu Mỹ. Thực chất câu chuyện này như thế nào?
Mỹ – mùa Đông u ám
Đến cuối tuần qua, số tử vong vì dịch COVID-19 ở Mỹ đã vượt quá 300,000 người và chưa có dấu hiệu giảm. Một mùa Đông ảm đạm đang đến cho dù Mỹ đã chính thức đưa vào sử dụng từ đầu tuần này loại vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech và sắp phê chuẩn loại vaccine thứ hai do công ty Moderna Inc. bào chế.
Theo những dự báo lạc quan nhất thì cũng phải đến giữa năm 2021 mới có khoảng gần một nửa dân số Mỹ được tiêm vaccine, bắt đầu hình thành miễn dịch cộng đồng và khống chế đại dịch về căn bản. Đại dịch viêm phổi Vũ Hán không chỉ cướp đi sinh mạng con người mà còn đình trệ toàn bộ nền kinh tế, hàng chục triệu người bị mất việc làm đến mức gói cứu trợ $2,400 tỷ ban hành hồi cuối Tháng Ba chỉ như muối bỏ biển, Quốc Hội Mỹ phải tính tới khoản cứu trợ khác, nhiều ngàn tỷ nữa, nhưng bàn mãi chưa xong. Chưa biết bao giờ kinh tế Mỹ mới khởi sắc trở lại, hàng quán đông vui xôm tụ như… năm ngoái.
Cuộc bầu cử năm 2020 cũng lộn xộn chưa từng thấy. Hôm Thứ Hai, 14 Tháng Mười Hai, cử tri đoàn đã bỏ phiếu xác nhận liên danh Joe Biden-Kamala Harris đắc cử tổng thống với 306 phiếu đại cử tri, chỉ còn phải trải qua thủ tục phê duyệt cuối cùng tại Quốc Hội Mỹ vào ngày 6 Tháng Giêng, 2021, trước khi lễ tuyên thệ nhậm chức được tổ chức vào ngày 20 Tháng Giêng. Nhưng ông Trump và một phần trong số 74 triệu cử tri đã bỏ phiếu cho ông vẫn chưa chấp nhận thua cuộc, vẫn vùng vẫy trong vô vọng, kéo dài suốt từ đêm bầu cử tới nay. May mắn là cuối cùng nền dân chủ và ý chí của người dân đã thắng thế, công cuộc tái thiết lại nước Mỹ sau một năm 2020 buồn thảm sắp bắt đầu.
Trước hai hiện tượng vô tiền khoáng hậu là đại dịch và cuộc bầu cử gây chia rẽ sâu sắc, rất nhiều người tỏ ra thất vọng, bi quan về tình hình nước Mỹ, về thể chế dân chủ và đi tới kết luận nước Mỹ đang xuống dốc!
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc
Trong khi đó Trung Quốc đang hí hửng cho rằng thành công trong việc khống chế đại dịch chứng tỏ mô hình quản trị dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản là ưu việt hơn; cho phép Bắc Kinh huy động tối đa mọi nguồn lực của xã hội, phong tỏa gắt gao nhiều thành phố và đặt toàn dân vào một kỷ luật sắt mà không một chế độ dân chủ nào làm được, không người dân nào dám phản đối.
Không chỉ kiểm soát được sự lây lan của dịch, Trung Quốc còn sớm bào chế được vaccine và tiêm chủng cho hàng triệu người – dù độ an toàn và hiệu quả của vaccine vẫn bị giới khoa học hoài nghi – và phục hồi được nền kinh tế, thậm chí trở thành nền kinh tế lớn duy nhất có được mức tăng trưởng trong năm nay.
Ông Vương Tường Tuệ (Wang Xiangsui), một đại tá quân đội Trung Quốc về hưu giảng dạy đại học ở Bắc Kinh, quả quyết trên mạng YouTube: “Trong cuộc chiến chống đại dịch, có những cường quốc thắng và những kẻ thua. Chúng ta là cường quốc chiến thắng, trong khi Mỹ vẫn bị sa lầy và tôi nghĩ, có thể trở thành một cường quốc thất bại.”
Những nhận định như của ông Vương đầy trên báo chí, truyền hình và mạng xã hội Trung Quốc, tất cả nhằm khẳng định sự lãnh đạo của Chủ Tịch Tập Cận Bình và đảng Cộng Sản là yếu tố quyết định những thành công gần đây của Trung Quốc. Tất nhiên họ không bao giờ thừa nhận rằng Trung Quốc là một chế độ độc tài, bóp nghẹt quyền tự do dân chủ của hàng tỷ người dân chỉ để duy trì quyền lực của một thiểu số.
Câu chuyện về ưu điểm của chế độ Trung Quốc trước hết hướng tới khán thính giả trong nước, những người sống sau bức tường lửa chỉ được tiếp cận những thông tin mà nhà cầm quyền gạn lọc và cho phép. Nó nhằm khơi dậy và thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc Đại Hán, vừa củng cố tính chính danh cầm quyền của đảng Cộng Sản, vừa phục vụ cho mưu đồ bành trướng lãnh thổ và ảnh hưởng chính trị-kinh tế của Bắc Kinh.
Tuyên truyền của Trung Quốc thành công đến nỗi nhiều người trong giới trẻ nước này đã chuyển từ thái độ sùng bái, bắt chước Mỹ một cách đôi khi mù quáng, sang chê bai và thù địch Mỹ, cũng mù quáng không kém. Báo The New York Times dẫn trường hợp một họa sĩ trẻ Trung Quốc, Phạm Văn Nam (Fan Wennan) đã vẽ một loạt tranh theo kiểu phim khoa học viễn tưởng mô tả một tương lai khi Trung Quốc là bá chủ thế giới, nước Mỹ biến thành một Liên Minh Nhân Dân Hoa Kỳ, cờ đỏ phấp phới trên đường phố Manhattan New York, hình tượng búa liềm với những ngôi sao vàng trên nền đỏ thay cho hình tượng 50 ngôi sao trắng trên nền xanh tượng trưng cho liên bang Mỹ! “Muốn hiểu sự thay đổi của lịch sử, và cảm nhận hồi quang của kỷ nguyên đế quốc chủ nghĩa, hãy đến Bắc Mỹ,” bức tranh được chú thích như vậy trên trang ArtStation và “bốc lửa trên mạng xã hội Trung Quốc mấy tháng gần đây, phản ánh sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc,” tờ báo nhận xét.
Ông Lý, một doanh nhân Trung Quốc tuổi 40, tâm sự: “Thành tích của phương Tây hoàn toàn nằm ngoài sự trông đợi của tôi và hơn thế nữa, làm thay đổi tư tưởng của tôi – dữ kiện chứng tỏ rằng hệ thống của Mỹ thật sự không có gì ưu việt,” theo The New York Times.
Ông Kim Xán Vinh (Jin Canrong), giáo sư về quan hệ quốc tế Đại Học Nhân Dân ở Bắc Kinh, nhận xét: “Trước đây phần lớn dân chúng Trung Quốc rất thán phục nước Mỹ nhưng trong vài năm gần đây, càng ngày họ càng thấy rõ những lợi thế của hệ thống Trung Quốc. Họ có niềm tự tin lớn hơn.”
Độc tài ưu việt hơn dân chủ?
Bài học chống dịch còn được lãnh đạo Bắc Kinh tích cực truyền bá tới các quốc gia khác, khích lệ họ đi theo con đường độc tài toàn trị lấy Trung Quốc làm mẫu mực. Mới đây Trung Quốc đã tổ chức khóa học trực tuyến hai ngày cho lãnh đạo hàng chục quốc gia Châu Á-Châu Phi để “xuất cảng tư tưởng Tập Cận Bình,” quảng bá thành công của Trung Quốc, theo tường thuật của báo The Economist.
Đáng chú ý là niềm tin vào sức mạnh và ưu thế của mô hình Trung Quốc đã làm thay đổi cả nền ngoại giao của nước này, trở về với thời cổ xưa khi Trung Quốc là “vương quốc trung tâm” chi phối các lân bang là các “chư hầu” phải thường xuyên triều cống và phục tùng. Từ khi đại dịch bùng phát, người ta thấy các nhân viên ngoại giao Trung Quốc ngày càng hung hăng, sẵn sàng “đánh trả” các chính phủ phương Tây đôi khi bằng những ngôn từ xấc xược sặc mùi chợ búa.
Cốt lõi của tất cả những hiện tượng này là quan niệm của giới lãnh đạo chóp bu của đảng Cộng Sản Trung Quốc về “sự suy thoái” không thể tránh khỏi của Hoa Kỳ và đà đi lên không thể ngăn chặn của Trung Quốc. Lãnh đạo Bắc Kinh cho rằng, những chính sách thù nghịch của Mỹ dưới thời Tổng Thống Donald Trump chỉ là phản ứng của một kẻ thất thế, tìm mọi cách để ngăn chặn đà tiến của một cường quốc đang lên mà thôi.
Mỗi lần ra khỏi bất ổn Mỹ lại mạnh mẽ hơn
Quả thật nước Mỹ đang trong cơn hoạn nạn. Ông Biden thừa kế một đất nước chia rẽ sâu sắc, một đại dịch đang hoành hành, nợ công cao ngất ngưởng, một nền dân chủ suýt bị thủ tiêu và một vị thế toàn cầu đã suy yếu. Những vấn đề từ thời trước khi ông Trump lên vẫn còn đó: công nghiệp chế tạo teo tóp, khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng và tầng lớp trung lưu bất mãn với giới chính trị gia tháp ngà, xa rời cuộc sống của đại đa số.
Nhưng hãy còn quá sớm để khẳng định chế độ dân chủ tự do của Mỹ đã thất bại, Mỹ đang xuống dốc và trở thành một nước “thế giới thứ ba” như ý kiến của các bình luận gia bi quan. “Trong vài thập niên tới nước Mỹ sẽ giống như một nước đang phát triển,” bình luận viên Noah Smith của Bloomberg nhận xét. Giáo Sư Michael Lind, Đại Học Texas ở Austin, cảnh báo Mỹ sẽ biến thành “một phiên bản nói tiếng Anh của một Cộng Hòa Châu Mỹ La Tinh có nền kinh tế dựa vào tài nguyên, bất động sản, du lịch và trốn thuế xuyên quốc gia!”
Có thật vậy không? Nhìn về lịch sử, trong thế kỷ 20 nước Mỹ đã không ít lần tưởng như rơi vào suy thoái: cuộc Đại Khủng Hoảng năm 1930, sự kiện Liên Xô vượt lên khi phòng thành công Sputnik – vệ tinh nhân tạo đầu tiên của trái đất, những bất ổn chính trị và xã hội suốt thập niên 1960-1970 cùng với cuộc chiến tranh ở Việt Nam, khủng hoảng tài chính 2008… Nhưng những cuộc khủng hoảng như vậy đã không làm nước Mỹ sụp đổ mà ngược lại, mỗi lần ra khỏi bất ổn nước Mỹ lại mạnh mẽ hơn.
Cuộc Đại Khủng Hoảng 1930 đã khai sinh chương trình New Deal định hình lại nền kinh tế Mỹ dưới sự dẫn dắt của Tổng Thống Franklin D. Roosevelt; vụ Sputnik thúc đẩy sự phát triển của khoa học hàng không không gian, đưa người lên Mặt Trăng năm 1965 và mở rộng chương trình thám hiểm các hành tinh xa xôi, thậm chí vượt ra ngoài quy mô Thái Dương Hệ; những bất ổn xã hội dẫn tới những cuộc cải cách luật pháp về nhân quyền, quyền bầu cử, củng cố nhà nước pháp quyền; thất bại ở Việt Nam làm hủy bỏ luật quân dịch, xây dựng quân đội hiện đại hơn.
Lần này cũng có thể như vậy. Bên cạnh những điểm yếu của Mỹ mà ai cũng thấy – và có tính toàn cầu – như tình trạng phân cực chính trị, chia rẽ trong xã hội, bất bình đẳng kinh tế, giảm công nghiệp chế tạo… nước Mỹ có những thế mạnh mà nhiều nước, nhất là Trung Quốc, không thể sánh được như dân số trẻ và đầy năng lực sáng tạo, tài nguyên phong phú, vị thế thống trị tài chính toàn cầu, các đường biên giới hòa bình và thân thiện cùng với những liên minh vững chắc khắp thế giới. Những lợi thế này hoàn toàn có thể giúp nước Mỹ lấy lại phong độ nếu tái lập được sự đoàn kết quốc gia dưới sự lãnh đạo của một chính phủ đặt quyền lợi của đất nước lên trên lợi ích đảng phái.
Ưu thế của dân chủ
Nhưng lợi thế lớn nhất của Mỹ nằm ở chỗ một chính thể dân chủ đa đảng có năng lực nhận ra sai lầm và sửa chữa – điều mà các quốc gia độc tài như Trung Quốc, Nga, Bắc Hàn, Việt Nam… không thể nào có được. Người Mỹ đã kỳ vọng nhiều vào ông Donald Trump như là người có khả năng “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại,” nhưng sau bốn năm cầm quyền, Tổng Thống Trump càng lúc càng cho thấy ông ngã theo hướng độc tài như Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Thống Nga Vladimir Putin mà ông thường khoe là bạn bè, đề cao lợi ích cá nhân và đảng phái lên trên quyền lợi của quốc gia thì người dân lại dùng lá phiếu để bầu người khác. Những chính sách không phù hợp với quyền lợi của nước Mỹ dù ông Trump cố gắng đến đâu cũng bị các định chế dân chủ của xã hội Mỹ ngăn chặn.
Dân chủ không chỉ là quyền của người dân được tự do chọn ra người đại diện cho mình để quản lý xã hội mà còn là một tập hợp những định chế (institution) và những quy ước kiểm soát và cân bằng quyền lực, giúp điều chỉnh hướng đi của xã hội sao cho tránh được những sai lầm và thất bại. Nhiều người cho rằng cuộc bầu cử tổng thống vừa qua phơi bày nhiều vấn đề “xấu xa” của thể chế chính trị Mỹ, song có lẽ nên nhìn thấy ở đó sức mạnh của nền dân chủ đã trưởng thành, sức mạnh tự điều chỉnh, tự sửa chữa, vượt qua rất nhiều trở ngại để tồn tại và phát triển ngay trong những khoảnh khắc tưởng chừng rất nguy nan.
Các thể chế độc tài như Trung Quốc có lợi thế trong việc tập trung nguồn lực xã hội vào một số mục tiêu nào đó để đạt thành tích trước mắt song không có khả năng nhận sai lầm và sửa chữa. Mọi yếu kém khuyết điểm của chế độ đều được đổ cho ngoại bang, cho “thế lực thù địch.” Với tệ sùng bái cá nhân lãnh tụ lên đến cực điểm như hiện nay ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình hoàn toàn có thể đi vào vết xe đổ mà Mao Trạch Đông để lại.
Trung Quốc đang lên?
Trở lại với huyền thoại “Trung Quốc đang lên.” Dù căm ghét chính thể hiện thời của Trung Quốc, cũng phải thừa nhận người dân nước này đã lập được rất nhiều thành tích đáng nể trong lĩnh vực kinh tế và khoa học công nghệ mấy chục năm gần đây, từ một nước điêu tàn thời Cách Mạng Văn Hóa của Mao Trạch Đông trở thành một nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới.
Nhưng thành tích đó có phải do sự cai trị của đảng Cộng Sản hay không là một chuyện khác; có bền vững không, mô hình độc đảng độc tài về chính trị kết hợp với chủ nghĩa tư bản nhà nước trong quản lý kinh tế – mà Bắc Kinh rêu rao là “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” – có ưu việt hơn chế độ dân chủ tự do hay không, Trung Quốc có “hất cẳng” được Hoa Kỳ để lãnh đạo thế giới hay không là chuyện khác nữa.
Dù bề ngoài có vẻ mạnh mẽ, Trung Quốc lại chứa đựng bên trong nhiều vấn đề khó giải quyết: dân số “già trước khi giàu,” những núi nợ khổng lồ, nền kinh tế dựa chủ yếu vào các tập đoàn quốc doanh cồng kềnh và kém hiệu quả trong khi khối doanh nghiệp tư nhân có sức cạnh tranh và sáng tạo thì không được ưu đãi, bất bình đẳng giàu nghèo đã đến mức báo động và có thể bộc phát thành bất ổn xã hội…
Ở bên ngoài, Trung Quốc là một cường quốc cô đơn, hầu như không có đồng minh thân thiết mà luôn bị các nước khác nghi ngờ và xa lánh; bên trong thì đàn áp những tiếng nói đối lập, bắt hàng triệu người giam vào trại cải tạo, tước đoạt tự do, đặt cả xã hội dưới mạng lưới giám sát chặt chẽ như trong tiểu thuyết của George Orwell! Một mô hình kinh tế-xã hội như vậy chắc chắn không bền vững nếu không sớm cải cách về chính trị, tạo điều kiện cho người dân có tiếng nói, kiểm soát được quyền lực và góp phần vào công cuộc quản trị đất nước.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, bề ngoài lúc nào cũng huênh hoang nhưng trong bụng luôn bất an, luôn cảm thấy quyền lực địa vị bị đe dọa. Chỉ để bỏ tù một số nhà đấu tranh dân chủ ở Hồng Kông mà Bắc Kinh phải hao tâm tổn sức đề ra một đạo luật an ninh quốc gia phi dân chủ, trái với cam kết quốc tế của mình để rồi bị cả thế giới lên án là một ví dụ.
Với khối dân số và thị trường khổng lồ, Trung Quốc hoàn toàn có thể đi lên và có vị trí xứng đáng trên thế giới nhưng phải là một nước dân chủ tự do chứ không thể là một chế độ toàn trị đi theo một học thuyết cổ lỗ mà nhân loại đã vứt vào sọt rác.
***
Câu chuyện “Mỹ xuống, Tàu lên” chỉ là một huyền thoại không phản ánh đúng thực tế, dù nó có thể có thôi thúc người Mỹ suy nghĩ lại trong cách ứng xử với Trung Quốc và “lật sang trang sử mới” như lời ông Biden, chọn con đường cạnh tranh và đối đầu về ý thức hệ, về kinh tế và công nghệ, thay vì “nuôi ong tay áo” như các chính phủ Mỹ tiền nhiệm. Cuộc đấu tranh “ai thắng ai” giữa dân chủ và độc tài xem ra còn rất gay go trong những năm tháng sắp đến. [qd]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét