Mussolini, Hitler và Trump
Đào Tiến Thi
21-12-2020
Trong các cuộc tranh cãi về Trump, những người sùng bái Trump quy kết đối thủ bằng những lý lẽ kiểu như không được quyền xúc phạm một tổng thống được bầu hợp hiến; Trump được hàng chục triệu người ủng hộ, lẽ nào lại sai, lại kém…
Họ không biết rằng Musolini và Hitler từng đều được bổ nhiệm hoặc bầu cử hợp hiến và cũng được hàng triệu người ngưỡng mộ. Hiện tượng Trump, tuy chỉ mới xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn ngủi (4 năm) nhưng đã thấy lặp lại khá nhiều điểm ở hai nhân vật trên (nếu ông trúng cử nhiệm kỳ này, chắc ngày càng giống hơn nữa). Xin nêu tóm lược vài điểm dưới đây.
Mussolini (1883 – 1945)
Xuất thân bình dân nhưng Mussolini hăng hái hoạt động chính trị từ khi còn trẻ (17 tuổi đã tham gia Đảng XH, hăng hái trong hoạt động công đoàn và đặc biệt là báo chí – từng làm tổng biên tập báo Tiền tuyến).
Mussolini bước lên vũ đài chính trị vào lúc nước Ý lâm vào cơn khủng hoảng kinh tế – xã hội trầm trọng do hậu quả của Thế chiến I.
Năm 1919, Mussolini thành lập Đảng Phát xít (Đảng Áo đen). Cương lĩnh của Đảng Phát xít hứa hẹn rất nhiều chính sách có lợi cho bình dân: thiết lập nền cộng hòa (Ý lúc đó đang ở chế độ quân chủ lập hiến), phế bỏ các tước vị quý tộc, ruộng đất về tay nông dân, quy định mức lương tối thiểu cho công nhân,…
Mussolini biết kích động sự phẫn nộ của đám đông, sự khát khao một “minh quân” trong lúc bế tắc của nhiều người dân Ý. Mussolini còn kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan: khẩu hiệu “Hãy chiến đấu vì sự thành lập nước Đại Ý”. Đảng Phát xít lấy hình ảnh thịnh vượng của đế chế La Mã cổ đại làm mục tiêu.
Mussolini cũng biết tranh thủ quần chúng bằng cách làm ngược truyền thống. Ông ta từng kích động công nhân phá đường sắt, ngăn cản quân đội ra tiền tuyến, nhưng10 năm sau khi lên cầm quyền, lại ủng hộ phe chủ chiến (để thực thi lý tưởng “nước Đại Ý”). Năm 1920, Mussolini lãnh đạo một đội “cách mạng” đột nhập và đốt phá tài liệu tòa báo Tiền tuyến, nơi y từng làm ký giả nhiều năm và 8 năm trước còn làm tổng biên tập báo này.
Từ Đảng Phát xít, Mussolini thành lập các đội “Hành động cách mạng”, “Phát xít chiến đấu”, được đông đảo binh lính, công nông và tiểu tư sản ủng hộ. Các hoạt động của Đảng Phát xít ngày càng khiến cho chính phủ Ý hoang mang và chia rẽ. Cuối cùng, Mussolini dẫn đội quân 5 vạn người của mình tiến về Roma. Quốc vương Ý Victor Emamuele III mời Mussolini làm thủ tướng. Mussolini hùng dũng tiến vào Roma ra mắt Quốc vương với bản danh sách nội các (30/10/1922)!
Hitler (1889 – 1945)
Thế chiến I kết thúc, Đức là nước thua trận, chịu hậu quả nặng nề, đặc biệt là khoản bồi thường chiến phí khổng lồ cho các nước thắng trận. Đã thế, Pháp còn cậy thế nước thắng trận lại gây sức ép nhiều mặt với Đức (có lẽ Pháp cay cú từ thất bại trong chiến tranh Pháp – Phổ 50 năm trước). Những năm hai mươi, kinh tế Đức phát triển nhanh chóng nhưng đến năm 1929 lại lâm vào khủng hoảng (nằm trong cuộc tổng khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933).
Cuộc đời chính trị của Hitler có thể tính từ khi tham gia Đảng Công nhân Đức (1919). Với những bài diễn thuyết sục sôi, Hitler đã chinh phục được các đảng viên của Đảng và quần chúng. Tháng 2/1920, Hitler đề ra “Cương lĩnh 25 điểm” trong đó có những điều làm mê lòng người như xóa bỏ Hòa ước Versailes (Hòa ước bất bình đẳng của phe Hiệp ước thắng trận với phe Liên minh thua trận), quốc hữu hóa các xí nghiệp lớn, hủy bỏ các lợi ích không do lao động, bãi bỏ chế độ binh dịch, xây dựng nhà nước Đại Đức,
Mấy tháng sau, Hitler đổi Đảng Công nhân Đức thành Đảng Quốc gia Xã hội Đức (thường gọi là Đảng Quốc Xã). Chính ông ta thiết kế đảng kỳ. Đó là một hình chữ nhật nền đỏ, giữa có vòng tròn trắng, trong vòng tròn trắng có chữ “vạn” (thập ngoặc) với ý nghĩa: Màu đỏ tượng trưng cho chủ nghĩa xã hội, màu trắng tượng trưng cho quốc gia và chữ “vạn” tượng trưng cho sự chiến thắng của dân Đức trước dân Do Thái. Hitler đã kết hợp được hai tư tưởng thời thượng ở Đức lúc đó là CNXH và chủ nghĩa dân tộc (Đại Đức).
Đêm 8/11/1923, Hitler gây ra vụ bạo động “quán bia”, định cướp chính quyền nhưng thất bại. Y bị kết án 5 năm tù. Trong tù, Hitler viết cuốn “Cuộc chiến đấu của tôi” (có người dịch “Đời hoạt động của tôi”) trong đó đề cao tính siêu việt của người Đức.
Cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 – 1933 đối với nước Đức và thế giới là cơ hội vàng cho Hitler. Hitler đi diễn thuyết khắp nơi, nêu lên nỗi thống khổ của nhân dân, sự yếu kém của chính phủ Đức, được công chúng nhiệt liệt hưởng ứng. Đảng Quốc Xã ngày càng có thanh thế.
Năm 1932, Đảng Quốc Xã ra tranh cử, chiếm 230 ghế, là đảng lớn nhất trong Quốc hội Đức. Sau đó 17 nhà tư bản công nghiệp và ngân hàng hàng đầu nước Đức đệ đơn lên Tổng thống Hindenburg đề nghị cho Hitler đứng ra lập chính phủ và đề nghị đó được chấp nhận (30/1/1933).
Tháng 10/1933, Hitler rút nước Đức khỏi Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên hợp Quốc ngày nay), năm 1935 cho phục hồi chế độ binh dịch…
Một năm sau, Hindenburg chết, Hitler công bố “Luật Nguyên thủ quốc gia”, một mình ông ta nắm giữ luôn cả “tam quyền”. Khắp nước Đức, đâu đâu cũng thấy người ta tung hô “Hitler muôn năm”.
Con người và những việc làm của Hitler sau đó thế nào không cần nói cũng biết.
Tóm lại, có thể thấy một số điểm chung giữa Mussolini và Hitler. (Với Trump mỗi người tự liên hệ)
1. Xuất hiện vào lúc khủng hoảng quốc gia cũng như quốc tế, cả xã hội khát khao có “người hùng” xuất hiện.
2. Đưa ra nhiều hứa hẹn về chính sách “ích quốc lợi dân”, đem lại niềm tin mới cho quốc dân.
3. Làm nhiều điều ngược truyền thống, có tác dụng giải tỏa bức xúc dân chúng trước cơn khủng hoảng.
4. Đề cao chủ nghĩa quốc gia, chính xác là kích động chủ nghĩa quốc gia cực đoan vào đúng lúc mà quốc dân cảm thấy quốc gia bị thua thiệt, bị sỷ nhục.
5. Biết kích động đám đông (đang mất phương hướng), luôn biết tạo ra “kẻ thù của nhân dân”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét