Làm thế nào Biden có thể tạo ra những việc làm tốt
Tác giả: Dani Rodrik
Dịch giả: Đỗ Kim Thêm
8-12-2020
Đại dịch COVID-19 sẽ để lại cho nền kinh tế Hoa Kỳ với một thị trường lao động đầy thương tổn. Hơn 20 triệu việc làm đã mất trong cuộc khủng hoảng và chỉ một nửa đã tìm lại được việc. Không có gì đáng ngạc nhiên khi tình trạng mất việc gây ảnh hưởng đặc biệt đến những công nhân có hoàn cảnh khó khăn và ít học.
Điều này làm trầm trọng thêm một xu hướng vốn dĩ đã có từ trước. Trước đại dịch rất lâu, thị trường lao động Hoa Kỳ ngày càng trở nên phân hoá. Những công việc tốt dành cho tầng lớp trung lưu đã biến mất trong nhiều thập niên, do tự động hóa, phi công nghiệp hóa, cạnh tranh toàn cầu và sự ra đời của một thị trường lao động với đặc trưng là không có việc cố định, mà có nhiều việc với các hợp đồng ngắn hạn hoặc tự do.
Để khôi phục nền kinh tế, xã hội và chính trị của Hoa Kỳ, chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden phải trả lời một câu hỏi đơn giản: “Những công việc tốt sẽ đến từ đâu?”
Công việc tốt đòi hỏi các kỹ năng cụ thể và chỉ có thể được tạo ra bởi các doanh nghiệp có năng suất. Do đó, tạo ra nhiều việc làm với số lượng dồi dào đòi hỏi phải giải quyết được vấn đề cả cung và cầu.
Về phía cung, công nhân phải được trang bị các kỹ năng cứng và mềm mà các doanh nghiệp sản xuất cần đến. Về phía cầu, phải có một bộ phận đủ lớn gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vừa có năng suất cao vừa có khả năng mở rộng việc làm.
Vài thập niên qua là bằng chứng cho thấy, chỉ riêng thị trường sẽ không giải quyết được vấn đề. Chính quyền các cấp phải tích cực vào cuộc. Tin vui là chúng ta đã tích lũy được bằng chứng đáng kể về loại các chương trình thực sự hoạt động.
Về mặt xây dựng kỹ năng, cái gọi là “chương trình đào tạo theo ngành” đã đặc biệt thành công. Các chương trình này vượt ra khỏi hình thức đào tạo truyền thống: chúng được phối hợp chặt chẽ với các chủ doanh nghiệp và cung cấp các kỹ năng được điều chỉnh theo nhu cầu của các ngành cụ thể, chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe hoặc công nghệ thông tin. Những công nhân đăng ký tham gia các chương trình nhận được nhiều dịch vụ “toàn bộ”, từ chăm sóc trẻ em cho đến sắp xếp việc làm, ngoài ra còn thêm việc đào tạo và cấp chứng chỉ.
Trong số này, chương trình nổi tiếng nhất là Dự án QUEST ở San Antonio, Texas, đã hoạt động từ những năm 1990. Có nhiều chương trình khác hoạt động trong cùng một mô hình, chẳng hạn như Per Scholas ở Bronx, New York và JVS ở Boston. Các chương trình đào tạo theo ngành như vậy đã được chứng minh là làm cho thu nhập trung bình của những công nhân không có ưu đãi tăng hơn 20% so với mức lương tương đối thấp.
Tương tự như vậy, chúng ta có kinh nghiệm đáng kể về phía cầu để hướng dẫn cho chúng ta. Các ưu đãi thuế và trợ cấp đầu tư không giới hạn thời gian có thể thu hút các doanh nghiệp đến từ các khu vực tụt hậu, nhưng các biện pháp này không có hiệu quả đặc biệt. Chúng tốn kém và thường lãng phí nguồn lực công trong các dự án mà lẽ ra bằng mọi cách đã thành hiện thực.
Như Tim Bartik của Viện Upjohn đã chỉ ra, để hoạt động tốt hơn là nên cung cấp các dịch vụ kinh doanh hoặc cơ sở hạ tầng tuỳ theo nhu cầu của khách – chẳng hạn như tư vấn về quản lý và công nghệ, lực lượng lao động có tay nghề cao hoặc phát triển điền thổ – cho các doanh nghiệp địa phương. Được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp cụ thể, sự hỗ trợ kiểu này có thể giúp cho doanh nghiệp trở nên có năng suất hơn và mở rộng sử dụng nhân lực bằng cách khắc phục những hạn chế cụ thể mà doanh nghiệp gặp phải. Các chương trình này đòi hỏi xây dựng mối quan hệ giữa các doanh nghiệp địa phương và các nhà đầu tư tiềm năng, họ là những người hiểu rõ nhu cầu các doanh nghiệp, cũng như năng lực đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả
Tin vui là nhiều như thế, còn tin xấu là những sáng kiến thành công lấy công nhân và doanh nghiệp làm trung tâm này hiện đang hoạt động ở quy mô rất nhỏ. Các chương trình huấn nghệ theo ngành thường được điều hành bởi các tập hợp các cộng đồng địa phương hoặc các cơ quan phi chính phủ. Nguồn tài trợ hạn chế cũng như sự thiếu quan tâm của các cơ quan liên bang và tiểu bang khiến chúng không được mở rộng. Do đó, số lượng công nhân mà họ phục vụ lên tới hàng nghìn thay vì hàng triệu người cần đạt được.
Tương tự như vậy, các chương trình dịch vụ kinh doanh phù hợp cho nhu cầu bị thiếu hụt nghiêm trọng. Bartik ước tính rằng, các doanh nghiệp nhận được 47 tỷ đô la hàng năm từ các khoản ưu đãi do thuế liên bang và tiểu bang cho đầu tư. Ngược lại, kinh phí tổng cộng hàng năm cho các dịch vụ mở rộng sản xuất và đào tạo theo yêu cầu, vốn hiệu quả hơn nhiều về mặt tạo ra việc làm, chỉ lên tới khoảng 1 tỷ đô la.
Vấn đề thứ hai là các chương trình tập trung vào công nhân và doanh nghiệp thường không được phối hợp hoàn hảo. Mặc dù các chương trình đào tạo theo ngành được xây dựng dựa trên phương pháp phục vụ cho hai loại khách hàng, vừa chủ nhân và vừa công nhân, khả năng của họ trong việc tác động đến chính sách nhân dụng của các doanh nghiệp – bao gồm áp dụng công nghệ và thực hành trong nguồn nhân lực – vẫn còn hạn chế. Các chính sách lấy doanh nghiệp làm trọng tâm có thể bỏ qua nhu cầu nhân dụng của địa phương, nếu chúng tập trung quá nhiều vào các mục tiêu khác, chẳng hạn như là canh tân thông qua công nghệ mới và khả năng cho cạnh tranh xuất khẩu.
Các chương trình để tạo ra việc làm cho phù hợp với nhu cầu của cộng đồng có hiệu quả phải do lãnh đạo địa phương thúc đẩy. Nhưng chính phủ liên bang cũng có thể đóng một vai trò quan trọng. Chính phủ có thể tạo ra một sự thúc đẩy hướng về tài trợ cho các chương trình như vậy và khuyến khích các tiểu bang và địa phương tham gia vào nhiều thử nghiệm hơn cho phù hợp với các chương trình thành công ở những nơi khác. Do đó, chính quyền Biden có một cơ hội lớn ở đây.
Biden đã hứa sẽ tăng mức lương tối thiểu cho toàn liên bang và khuyến khích công đoàn hoá hơn nữa. Ngoài các biện pháp quan trọng này, kế hoạch của ông chủ yếu dựa vào các ưu đãi thuế. Theo đề xuất của ông, các doanh nghiệp tăng thêm việc làm ở Hoa Kỳ sẽ nhận được ưu tiên giảm thuế, trong khi những doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài và tăng cường nhập khẩu sẽ bị phạt thuế. Ông cũng có ý định tăng kinh phí liên bang đối với các sản xuất hàng hóa cho nhu cầu trong nước và các nghiên cứu và phát triển cho chính phủ.
Các kế hoạch ưu đãi thuế, trang bị và canh tân này dự kiến sẽ tốn kém vài trăm tỷ đô la. Sự gia tăng đáng kể trong các chương trình do địa phương phát triển và quản lý để tạo ra việc làm tốt nếu so ra sẽ là một phần chu cấp nhỏ. Chính quyền Biden nên đi xa hơn nữa bằng cách xây dựng dựa trên những thành công đã được chứng minh của các chương trình như vậy và biến chúng thành nền tảng trong chiến lược tái thiết nước Mỹ của ông.
_______
Tác giả: Dani Rodrik là Giáo sư Khoa Kinh tế Chính trị Quốc tế tại Trường Công quyền John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard. Ông là tác giả của cuốn sách Straight Talk on Trade: Ideas for a Sane World Economy.
Giới thiệu trang nhà của dịch giả: https://kimthemdo.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét