Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2020

Huỷ hoại môi trường sẽ là tội hình sự quốc tế?

 

Huỷ hoại môi trường sẽ là tội hình sự quốc tế?

Sophie Yeo - BBC Future

Getty ImagesGETTY IMAGES

Từ Giáo Hoàng đến Greta Thunberg, ngày càng nhiều người kêu gọi xếp tội hủy diệt môi trường ('ecocide) vào nhóm tội phạm hình sự quốc tế - nhưng liệu luật này có tác dụng gì không?

Vào tháng 12/2019, tại Tòa án Hình sự Quốc tế ở The Hague, Đại sứ Vanuatu tại Liên minh Châu Âu đưa ra một đề nghị cấp tiến: hãy xếp hành vi hủy hoại môi trường vào loại tội phạm hình sự.

Vanuatu là một đảo quốc nhỏ ở Thái Bình Dương, một quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng vì mực nước biển tăng. Biến đổi khí hậu là khủng hoảng cận kề và ảnh hưởng đến sự tồn vong của quốc gia này, nhưng hoạt động khiến nhiệt độ tăng - như sử dụng năng lượng hóa thạch - lại gần như xảy ra ở những nơi khác, phục vụ các quốc gia khác, và được chính phủ các nước đó ủng hộ.

Các đảo quốc nhỏ như Vanuatu từ lâu đã cố gắng thuyết phục các nước lớn tình nguyện giảm khí thải, nhưng thay đổi diễn ra rất chậm chạp - vì vậy Đại sứ John Licht đề nghị nay đã đến lúc phải thay đổi luật.

Hình sự hóa hành vi hủy diệt môi trường

Phần sửa đổi trong Công ước Rome, vốn thiết lập ra Tòa án Hình sự Quốc tế, có thể hình sự hóa các hành động dẫn đến sự hủy diệt môi trường, ông nói, "Ý tưởng quyết liệt này xứng đáng được thảo luận nghiêm túc".

Getty ImagesCác nhà vận động đang kêu gọi hãy coi hành vi hủy hoại thiên nhiên là tội phạm hình sự quốc tế. GETTY IMAGES

Hủy diệt môi trường (ecocide) - tức là "giết chết môi trường" - là ý tưởng mà các nhà hoạt động môi trường coi là vừa rất cực đoan nhưng cũng vừa hợp lý.

Thuyết này cho rằng không ai có thể được nhởn nhơ, không bị trừng phạt sau khi hủy hoại môi trường tự nhiên. Các nhà hoạt động tin rằng loại tội phạm này nên được đưa vào quyền tài phán của Tòa án Hình sự Quốc tế, cơ quan hiện thời chỉ truy tố bốn loại tội phạm, gồm: tội diệt chủng, tội ác chống lại nhân loại, tội phạm chiến tranh và tội xâm lược.

Dù Tòa án Hình sự Quốc tế cũng có thể truy tố tội phạm môi trường, nhưng việc này cho đến nay chỉ có thể diễn ra trong khuôn khổ của bốn tội nêu trên - không có bất cứ hạn chế pháp lý nào đối với những tổn thất xảy ra trong thời bình.

Dù từng quốc gia có luật lệ và quy định riêng để tránh tổn thất, nhưng các nhà vận động hình sự hoá tội hủy diệt môi trường cho rằng hành động phá hoại môi trường trên diện rộng vẫn sẽ tiếp tục đến khi nào luật pháp toàn cầu được thiết lập.

Đây sẽ không phải là kiểu luật xử quá nhẹ tay hay không có tính răn đe vì thông lệ quốc tế - như Hiệp Định Paris về biến đổi khí hậu, nơi các quốc gia tự đặt mục tiêu cắt giảm khí thải theo ý họ.

Với việc đưa tội danh thứ năm, tội hủy diệt môi trường, vào Công ước Rome về Tòa án Hình sự Quốc tế, kẻ gây hủy diệt môi trường bất ngờ sẽ có thể bị bắt, truy tố và tống giam.

Nhưng nó cũng đồng thời giúp tạo ra thay đổi về văn hóa trong cách thế giới nhìn nhận những hành động gây tổn hại thiên nhiên, Jojo Mehta, đồng sáng lập chiến dịch vận động Ngưng Hủy Diệt Môi Trường (Stop Ecocide) cho biết.

"Nếu một thứ trở thành tội phạm, ta đặt nó dưới lằn ranh đỏ của đạo đức. Hiện thời, bạn vẫn có thể đến cơ quan chính phủ và xin giấy phép khai thác dầu đá phiến bằng công nghệ thuỷ lực cắt phá hoặc khai mỏ, hoặc khoan tìm, khai thác dầu, trong khi đó bạn không thể xin giấy phép giết người, vì đó là tội ác", bà nói.

"Một khi bạn đưa chuẩn mực đó vào thực thi, bạn thay đổi não trạng văn hóa cũng như thực tế thi hành luật".

Ruth Davey/Look Again PhotographyJojo Mehta lập luân rằng việc có luật chống hủy diệt môi trường sẽ buộc những kẻ gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường phải chịu trách nhiệm. RUTH DAVEY/LOOK AGAIN PHOTOGRAPHY

Các nhà hoạt động tin rằng chỉ nên coi là tội hủy diệt môi trường trong những hoạt động gây tổn hại nghiêm trọng nhất trên diện rộng, chẳng hạn như gây ra sự cố tràn dầu, khai thác đáy biển, làm trang trại chăn nuôi quy mô công nghiệp và khai thác cát dầu (tar sand).

Năm 2010, Polly Higgins, một trạng sư người Anh, đã định nghĩa hủy diệt môi trường là "gây thiệt hại nghiêm trọng… đến mức sự bình yên của sinh vật trong vùng đã hoặc sẽ bị hủy diệt nghiêm trọng".

Năm ngoái, Higgins qua đời ở tuổi 50 sau khi bà bị chẩn đoán có ung thư. Đó là cú sốc với phong trào chống hủy diệt môi trường - bà từng là người dẫn dắt về mảng luật pháp và là nhà vận động nhiệt thành, đã bán nhà và bỏ cả công việc được trả lương cao và dành cuộc đời cho chiến dịch này.

Mối quan tâm quốc tế

Dù bà mất đi, nhưng phong trào giờ đây có vẻ bắt đầu có bước tiến triển.

Sau hàng thập niên tồn tại bên lề của phong trào bảo vệ môi trường, giờ đây tội ác hủy diệt môi trường đã được các nghị sĩ và nhà lãnh đạo khắp thế giới bàn đến.

Trong số đó có Emmanuel Macron, tổng thống Pháp, người đã trở thành một trong số những người ủng hộ việc chống lại tội ác hủy diệt môi trường có chức vụ cao nhất.

Đầu năm nay, hơn 99% Hội đồng Dân biểu Pháp, một nhóm 150 người được chọn để định hướng chính sách khí hậu quốc gia, đã biểu quyết đồng ý coi hành động hủy diệt môi trường là tội hình sự.

Kết quả này thúc đẩy Macron tuyên bố chính phủ sẽ tham vấn với các chuyên gia pháp lý để tìm cách đưa nội dung này vào luật của Pháp.

Nhưng ông còn đi xa hơn nữa. "Ngọn nguồn của mọi đấu tranh là quốc tế: để đảm bảo cụm từ này được đưa vào luật quốc tế, để các nhà lãnh đạo… chịu trách nhiệm trước Tòa Án Hình Sự Quốc Tế", ông phản hồi với hội đồng.

Ở các quốc gia Châu Âu khác, hai đảng Xanh của Bỉ đã đưa ra dự luật hủy diệt môi trường, theo đó đề xuất giải quyết vấn đề này ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế - một ý tưởng cũng được các nhà lập pháp Thụy Điển ủng hộ.

"Chúng ta có tất cả mọi công ước, chúng ta có mục tiêu. Nhưng những viễn kiến tốt đẹp cần phải được biến từ nội dung trên giấy thành hành động", Rebecka Le Moine, dân biểu Thụy Điển, người đã nộp đề xuất của bà cho quốc hội nước này, nói. "Để những hành động này có thể trở thành thứ gì đó cao hơn mức thiện chí hay vận động, nó phải trở thành luật".

Giáo hoàng Francis cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế nhìn nhận hủy diệt môi trường là một tội hình sự, và Greta Thunberg cũng ủng hộ mục tiêu này; cô hiến tặng 100.000 Euro từ các giải thưởng cô nhận được cho Quỹ Chống Tội Ác Hủy Diệt Môi Trường.

Getty Images

Nhiều người ủng hộ luật hình sự hóa tội hủy diệt môi trường sẽ giúp nhấn mạnh cái giá về môi trường và nhân mạng cho những vấn đề như biến đổi khí hậu gây ra. GETTY IMAGES

Tòa án Hình sự Quốc tế cũng ngày càng tập trung truy tố các tội ác môi trường trong khuôn khổ quyền tài phán sẵn có của mình.

Tài liệu chính sách năm 2016 về tiêu chí chọn lựa vụ án cho thấy toà này có khuynh hướng truy tố các tội ác liên quan đến khai thác bất hợp pháp tài nguyên thiên nhiên, cướp đất và phá hoại môi trường.

Dù điều này vẫn chưa thay đổi được tình trạng hiện thời, nhưng nó "có thể được coi là bước quan trọng hướng đến việc đưa tội hủy diệt môi trường vào khuôn khổ quy định của luật hình sự quốc tế," tài liệu này viết.

Dù vậy, định nghĩa hủy diệt môi trường vẫn có giới hạn.

David Whyte, giáo sư về nghiên cứu luật - xã hội tại Đại học Liverpool và là tác giả tập sách "Hủy Diệt Môi Trường" (Ecocide) - cảnh báo rằng luật quốc tế không phải là viên đạn bạc có thể diệt trừ tận gốc hành vi phá hoại môi trường.

Các tập đoàn không thể bị truy tố theo luật hình sự quốc tế, luật này chỉ áp dụng cho cá nhân, Whyte chỉ ra - và sa thải một giám đốc điều hành không hẳn có thể kìm hãm được doanh nghiệp đó.

"Quan trọng là ta phải thay đổi ngôn ngữ và cách suy nghĩ về những thứ gây hại cho hành tinh - ta cần phải thúc đẩy việc coi hành vi phá hoại môi trường là tội phạm - nhưng nó sẽ không thay đổi được gì cả, trừ khi đồng thời ta thay đổi mô hình chủ nghĩa tư bản tập đoàn", ông giải thích.

Dù chặng đường dài vẫn còn ở phía trước để tiến tới công nhận hủy diệt môi trường là tội hình sự quốc tế, nhưng phong trào này vẫn tiếp tục tiến triển tích cực, Rachel Killean, giảng viên cao cấp về luật tại Đại học Queen's University Belfast, nói. Bà gần đây đã viết về những phương pháp thay thế mà Tòa án Hình sự Quốc tế có thể áp dụng để xử lý các hành vi gây hại cho môi trường.

"Không bao giờ nên nói là không bao giờ - tiến trình này đang đạt được những thành quả mà chúng tôi không bao giờ tưởng tượng ra được trước đây - nhưng thách thức vẫn còn rất nhiều.

"Đầu tiên, bạn phải có sự phản kháng chính trị. Tôi nghĩ cơ hội để các đảng phái trong quốc hội của một nước nhất trí bổ sung một tội hình sự là điều rất khó xảy ra, nhất là khi việc bổ sung đó có thể sẽ dẫn đến việc kìm hãm sự phát triển kinh tế", bà lý giải.

Getty Images

Greta Thunberg là một trong số những người kêu gọi hãy nhìn nhận việc hủy hoại môi trường là một tội hình sự.  GETTY IMAGES

Luật quốc tế về tội hủy diệt môi trường có thể khó đạt được từ khía cạnh luật pháp, Killean cho biết thêm - các luật sư sẽ phải đảm bảo có đủ cơ sở để truy tố.

"Nếu bạn nghĩ đến toàn bộ quá trình truy tố tội phạm, bạn sẽ biết là cần truy tố từng cá nhân - vậy ai sẽ là cá nhân chịu trách nhiệm cho hành vi hủy diệt môi trường? Sẽ cần phải có động cơ - vậy làm sao bạn chứng minh được động cơ hủy diệt một vùng đất? Tất cả những thứ khác nhau đó khiến cho phiên tòa xét xử hình sự trở nên thực sự phức tạp khi tội phạm bị đưa ra xét xử là tội ác hủy diệt môi trường".

Những nhà hoạt động như Mehta hiểu các khó khăn đó. Nhóm vận động của bà, Stop Ecocide, đang trong quá trình tập hợp một ban chuyên môn gồm các luật sư quốc tế để viết một định nghĩa "rõ ràng và và mạnh mẽ về mặt pháp lý" cho tội ác hủy diệt môi trường để các quốc gia có thể đệ trình lên Tòa án Hình sự Quốc tế.

Cần sự quyết tâm của cộng đồng quốc tế

Một khi có được định nghĩa chính thức thì bước kế tiếp là phải có một quốc gia ủng hộ nó ở tòa án The Hague.

Dù Vanuatu đã nêu lên vấn đề, nhưng quốc gia này chưa đệ trình đề xuất chính thức sửa đổi Công ước Rome, và một câu hỏi vẫn còn để mở là liệu có quốc gia nào đủ dũng cảm làm điều đó không. Điều này dẫn đến một vấn đề đòi hỏi sự ảnh hưởng nhất định về mặt ngoại giao.

Mehta tin rằng việc này sẽ ngày càng có khả năng xảy ra nhờ vào số lượng các chính phủ ủng hộ luật này về mặt lý thuyết đang gia tăng. "Sẽ an toàn hơn với số đông", bà nói. "Nó sẽ ít gây ra rủi ro chính trị hơn".

Nhưng hành trình vẫn chưa kết thúc ở đó. Một khi đơn đệ trình được đưa lên, luật sẽ cần phải được thông qua với tỷ lệ tán thành đạt ít nhất là hai phần ba - mà trong thực tế có nghĩa là cần có 82 quốc gia bỏ phiếu thuận.

Không quốc gia nào có quyền phủ quyết, và mọi quốc gia có một lá phiếu có giá trị như nhau, không phụ thuộc vào độ to nhỏ hay mức độ giàu có khác nhau của các nước. Đó là quy trình mà Mehta ước tính sẽ tốn khoảng từ ba đến bảy năm mới đạt được.

Dù quy trình này có diễn ra nhanh hay không, hay nó có xảy ra hay không, thì việc coi hủy diệt môi trường là tội hình sự vẫn là một ý tưởng mạnh mẽ.

Nó làm rõ định nghĩa thường bị nhầm lẫn khi thảo luận về chính sách và công nghệ: đó là nhiều người nhận thấy có lằn ranh đỏ về đạo đức khi nhắc đến tội hủy diệt môi trường.

Và nó cũng là lời nhắc nhở rằng đây không phải hành động không có nạn nhân: khi rừng cháy và nước biển dâng, con người phải chịu khốn khổ khắp thế giới.

Hơn thế nữa, những kẻ gây ra hành động này phải bị lên án.

Với những nhà vận động như Mehta, hình sự hóa tội hủy diệt môi trường là cách để kết thúc tình trạng hủy diệt hệ sinh thái trên Trái Đất và hủy diệt những sinh vật sống ở đó.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

S.Y.

Nguồn: BBC tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét