Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2020

Hài kịch chính trị

 

Hài kịch chính trị

Nguyễn Chánh

13-12-2020

Bạn hỏi sao lâu nay không nói về bầu cử tổng thống. Xin trả lời không có gì đáng nói thêm. Bầu cử thứ Ba, vì Cô Vy nên đếm phiếu chậm, thứ Bảy truyền thông mới có thể dự đoán chính xác ai đã thắng cử.

Như mọi lần trước, quyết định đân chủ đã rõ. Kết quả bầu cử không hề bị ảnh hưởng bởi các trò hề của Trump và Trumpists, chẳng có gì để do dự hay bàn thêm. Nhưng hài kịch bên lề về sự ngu đần, tham vọng và gian manh chính trị trong xã hội cũng rất thú vị. Hôm nay tôi xin làm nhà phê bình phân tích tuồng kịch Mỹ có nhiều diễn viên Việt này.

Thấm nhuần “giáo dục cách mạng” ngày nhỏ, tôi luôn cố tìm thông điệp chính trị trong mọi bản kịch. Bài học của hài kịch Mỹ là thế này: Dù Đảng CSVN có giải thể, thoái quyền thì Việt Nam hiện nay cũng không có khả năng trở thành một xã hội dân chủ vững vàng. Trở ngại lớn nhất chẳng phải là chính quyền mà là tư duy và văn hoá chính trị phi dân chủ của giới cao nhân trí thức “đấu tranh dân chủ”, chống cộng sản, theo Trump.

Diễn viên đóng vai bác sĩ trong tuồng xi-nê có thuyết phục thế nào cũng không nên được tin và trao quyền cầm dao cắt ruột mổ tim bệnh nhân. Các cao nhân Trumpist chỉ có khả năng đóng tuồng dân chủ. Sinh ra trong một không thời gian khác, thuộc một phe đảng khác, họ cũng sẽ tha thiết ủng hộ chế độ “dân chủ” của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hay Việt Nam Cộng Hòa cùng bắn giết nhau chí tử.

Có thể thông cảm cho cao nhân nếu bỏ qua trục thời gian. Dân chủ không phải là khái niệm dễ chấp nhận, lại càng khó thực hành. Khi có người hỏi ông về chính phủ Mỹ, Benjamin Franklin trả lời rằng, Mỹ sẽ có một chính phủ cộng hòa (thể hiện chính trị cụ thể của xã hội dân chủ) và cảnh báo “nếu quý vị có thể giữ được nó”. Franklin biết rằng, muốn có dân chủ thì phải am hiểu và nỗ lực bảo vệ những nguyên tắc và định chế dân chủ, không phải chuyện dễ dàng.

Nhưng đấy là tình cảnh hơn hai thế kỷ trước. Cao nhân trí thức, luật sư tiến sĩ ngày nay mà vẫn ngu ngơ nghĩ rằng, Trump đã thắng cử và có thể lật kèo thì thật là một hiện tượng khó hiểu.

(Một giả thuyết táo bạo có thể giải thích hiện tượng này. Người Việt ngày nay trọng dịch thuật, chuộng ngoại ngữ, thói quen của nền văn hóa thuộc địa. Cao nhân trí thức vẫn a dua theo trào lưu, nhai lại tư tưởng Tây phương một cách hời hợt, thay vì có cảm nhận sâu và thật hay đối chứng cá nhân. Không ít trí thức lừng danh, hô hào dân chủ, khen chê Mỹ búa xua nhưng chẳng hiểu gì về các định chế và nền chính trị dân chủ của xứ này).

Mỗi lần bầu cử là một cơ hội để thấy tinh thần dân chủ sống động một cách quyết liệt của dân Mỹ. Lần này cũng thế. Bất chấp lời kêu gọi của những nhà khoa học danh tiếng, không thèm nghe theo lời khuyến cáo của rất nhiều chính trị gia, quan chức, trí thức lỗi lạc và báo chí, hơn 70 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu cho Trump. Một số phiếu chưa từng có trước đây, một biểu hiện hào hùng của lý tưởng dân chủ đối chọi với thái độ trọng vọng giới tinh hoa đẳng cấp của văn hóa nô lệ. Không may cho Trump, số người bỏ phiếu cho Biden còn nhiều hơn. Trump thất cử.

Dân chọn lựa kẻ thắng người thua, chuyện tất yếu và bình thường trong mọi cuộc bầu cử. Điều bất bình thường khiến tôi thất vọng cũng không phải là phản ứng của Trump, vốn đã dễ đoán, mà là niềm tin và hy vọng “lật kèo” của các cao nhân Việt theo Trump. Họ biểu lộ sở học từ chương, kiến thức cóp nhặt hào nhoáng nhưng vô dụng, miệng hô dân chủ nhưng tư duy phong kiến và… mê tín.

Cao nhân Việt xem chừng không hiểu tinh thần kết hợp dân chủ và độc lập cao độ trong văn hóa Mỹ. Mọi quận hạt, bang, miền của Mỹ đều có những quy luật bầu cử riêng. Mọi kiện tụng hay giám sát của chính quyền liên bang đều chỉ liên quan đến sự vi phạm nguyên tắc dân chủ của địa phương chứ không hề vì gian lận.

Những tranh chấp trong quy trình bầu cử như khoảng cách đôi bên giám sát bàn đếm phiếu mười phân nửa thước gì đấy, đều được tòa nhanh chóng giải quyết. Vì sự kiểm soát chồng chéo của những thế lực đối chọi với quyền lợi và ước muốn khác biệt, chứ không phải vì đạo đức hay lương tâm cách mạng, mà bầu cử gian lận có quy mô là điều không tưởng. Khả năng thắng cử nhờ gian lận ở Mỹ, cũng thấp như nhảy lầu 10 tầng không chết.

Đánh tráo khái niệm, hoán đổi tư tưởng là trò bẩn thường trực, và cũng là ngôn luận được bảo vệ, trong chính trường Mỹ. Nhưng đánh tráo lá phiếu một cách quy mô là chuyện nhảm nhí vì bỏ phiếu gian là hành động phạm pháp, dễ dàng bị khám phá và chắc chắn bị truy tố hình sự như thi thoảng vẫn thấy, rất ít và rất lẻ tẻ.

Điều quan trọng nhất mà cao nhân Việt với tư duy phong kiến không hiểu là, kết quả bầu cử hoàn toàn và duy nhất được quyết định bởi số phiếu, rõ ràng và dứt khoát như bài toán cộng lớp một. Chẳng có ủy ban bầu cử, quan tòa, bộ trưởng, thống đốc, thần linh, Thượng đế hay thư lại nào có quyền trên lá phiếu của dân. Tất cả những ấn ký son triện chỉ là thủ tục hành chánh, vốn không mấy ai quan tâm trước đây. Tuồng hề của Trump và bộ hạ làm dân Mỹ như tôi biết thêm vài thủ tục thú vị nhưng chẳng có gì quan trọng.

Nhiều cao nhân Việt lại ngu ngơ, lầm tưởng đây là những nước cờ cao siêu, bố trí bí ẩn gì đấy của Trump như chuyện thâm cung bí sử của hoạn quan ngày xưa. Có lẽ vì họ đọc, dịch quá nhiều sách báo ngoại quốc trong khi đầu óc không có đủ độ phân giải; họ thích thông tin phù hợp cảm tính, nhưng không có khả năng suy luận nghiêm túc.

Kết quả đếm phiếu chính là quyết định thắng bại thượng tôn. Quy trình đếm phiếu hoàn toàn công khai minh bạch. Vì thế mà các cơ quan truyền thông lớn đều biết rõ phiếu đang đếm đến đâu, còn bao nhiêu chưa đếm, ai có bao nhiêu. Họ có thể dự đoán chính xác ai sẽ thắng ở mỗi địa phương khi phiếu chưa đếm xong. Truyền thông hoàn toàn không có khả năng chọn lựa ai thắng ai thua, mà chỉ đơn giản là tuyên bố quyết định tối thượng của dân qua số phiếu.

Chính vì biết thế mà từ đêm thứ Bảy [7/11/2020] các nhà lãnh đạo có tầm cỡ trên thế giới đều gọi điện chúc mừng Joe Biden, tổng thống thứ 46 của Mỹ. Tôi có dạm hỏi sao các vị này lại làm thế trong một tút trước đây. Có cao nhân trên diễn đàn Việt Trí thức gì đấy bảo, Macron, Merkel… không liên quan đến chuyện của Mỹ. Tôi cười thầm, tự hỏi không biết cao nhân này có liên quan gì hơn họ. Nhưng vấn đề không phải là liên quan mà là tri thức. Họ thông hiểu chính trị Mỹ; cao nhân ngu ngơ tin theo Trump.

Ngụy biện cho thất bại chính trị của mình, Trump tuyên bố thua vì bầu cử gian lận. Bỏ qua tất cả những phi lý thực tế đã bàn. Nếu quả thật kết quả bầu cử không đúng ý dân thì đây chính là một thảm bại của chính quyền Mỹ, của chính phủ Trump trước trách nhiệm thiêng liêng nhất là bảo vệ thể chế dân chủ. Nền dân chủ bị khai tử khi bầu cử bị lũng đoạn. Trước một thất bại nhục nhã, phá tan công lao và xương máu của tiền nhân như thế ở Nhật bản hay Hàn quốc thì cả tổng thống lẫn nội các và lãnh đạo các cơ quan an ninh không chỉ từ chức mà có lẽ còn tự vẫn để tạ tội chứ đâu có trân tráo đòi thêm nhiệm kỳ nữa như Trump.

Vô liêm sỉ và bỉ ổi không nằm trong phạm trù của luật pháp. Trump dĩ nhiên có quyền hô bầu cử gian lận, không nhận thua và đòi kiện. Những chính khách Cộng hòa cáo già đều biết rõ Trump đã bị dân đuổi việc nhưng đều lên tiếng như thế để tránh phản ứng cuồng loạn của Trump và Trumpists. Bọn lưu manh chính trị bu theo để kiếm chác với danh nghĩa điều tra và kiện tụng vì bầu cử gian lận, một hành động gian manh hợp pháp không lừa được người biết suy nghĩ.

Bỏ phiếu gian là tội hình sự. Cục điều tra liên bang FBI, Bộ Tư pháp, công an cảnh sát các cấp đều không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm điều tra, truy tố với mọi phương tiện và quyền lực pháp lý của chính phủ với trát tòa để bắt giữ và hỏi cung nghi phạm. Có nhân vật với cái tên quý phái Carlos Antonio De Bourbon Montenegro muốn làm thị trưởng thành phố Hawthorne, quận Los Angeles và giở trò đăng ký cử tri gian lận. Tay này bị khám phá và truy tố ngay.

Thế nhưng gian lận trong bầu cử tổng thống đến mức tổng thống đương nhiệm phải thua thì lại chẳng có cơ quan công lực nào, chẳng có trát tòa nào, chẳng có nghi phạm nào xuất hiện. Toàn những lá phiếu gian kỳ diệu tự động hiện hình cho Biden hay máy chủ nào đấy tự động hành sự theo quyết định từ âm ty của Hugo Chavez. Khôi hài hơn bất cứ hài kịch nào.

Trước tòa thì băng đoàn luật sư của Trump chỉ có thể ấm ớ. Các quan tòa cũng ngao ngán trước trò hề của Trump và bọn thuộc hạ đầu cua tai nheo. Càng lúc, quyết định của tòa càng cộc lốc như những cú bạt tai, đá đít, tống cổ bọn vô lại đang giở trò bỉ ổi, phản dân chủ vì xôi thịt.

Ngoài vòng ảnh hưởng của xôi thịt và chính trị, hành xử theo lương tâm và trí tuệ, các quan tòa được Trump bổ nhiệm đều đồng loạt bác bỏ mọi luận điệu “bầu cử gian lận” của phe Trumpist.

Điều khó hiểu và buồn cười nhất là cao nhân Việt đa số chẳng có thể chấm mút theo Trump nhưng lại ngây ngô tin theo những lập luận ngu xuẩn của Trump như người lên đồng. Họ xem chừng không quan tâm, không cảm nhận được lời của thẩm phán Stephanos Bibas, được Trump bổ nhiệm năm 2017, rằng “cử tri, không phải luật sư, chọn tổng thống”.

Hài kịch chính trị này khiến tôi vừa buồn cười, vừa đỏ mặt, vì đã từng lãng mạn tin tưởng vào những người dấn thân đấu tranh chống độc tài và tiền đồ dân chủ của Việt Nam. Người Cộng sản cũng từng dấn thân đấu tranh vì “độc lập tự do” và nước “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” đấy thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét