Cuộc bắt giữ kĩ sư thuỷ sản Nguyễn Ngọc Ánh khiến cảm xúc của tôi sôi sục hơn cả
29-11-2020
Trong hàng trăm vụ bắt bớ mà tôi nghiên cứu trong những năm qua, cuộc bắt giữ kĩ sư thuỷ sản Nguyễn Ngọc Ánh khiến cảm xúc của tôi sôi sục hơn cả.
Hôm đó, cảnh sát địa phương lừa mời Nguyễn Ngọc Ánh lên trụ sở để giải quyết mâu thuẫn giữa gia đình anh và nhà hàng xóm. Vừa rời khỏi nhà được một đoạn thì anh bị bắt giữa đường, không một quyền công dân nào của anh được tôn trọng, cứ thế cảnh sát đưa anh thẳng về trụ sở và giam giữ ở đó.
Về phần gia đình anh, chỉ 30 phút sau khi Nguyễn Ngọc Ánh rời khỏi nhà, hàng trăm người (theo lời thuật của vợ Nguyễn Ngọc Ánh) bao gồm cảnh sát, dân quân, đại diện chính quyền xông vào nhà hùng hổ lục soát. Đứa con trai 3 tuổi của Nguyễn Ngọc Ánh sợ đến nỗi nín thở, mặt tím tái lại. Khi bị chất vấn là tại sao lại xông vào nhà người dân một cách vô pháp như vậy thì đại diện phía công an nói là “để tìm tài liệu phản động”, không một tờ lệnh nào được trưng ra.
Ở đồn công an, cảnh sát không ép buộc được Nguyễn Ngọc Ánh khai ra mật khẩu điện thoại, họ cho người về nhà anh, lừa gia đình rằng Nguyễn Ngọc Ánh muốn gặp con trai, tin lời chính quyền, vợ anh gửi gắm công an đứa con trai bé bỏng của mình để nó được đi gặp cha “lần cuối” trước khi cha con phải xa nhau, nhưng khi đưa đứa bé tới đồn, thay vì cho nó gặp cha, cảnh sát lại đứa nó vào phòng riêng và lừa nó mở điện thoại của bố để chơi game. Bằng cách này, công an truy cập được vào điện thoại của Nguyễn Ngọc Ánh, và lấy đi những dữ liệu mà họ sau này dùng để buộc tội anh. Hôm đó, anh không được gặp con trai của mình.
Khi viết bản báo cáo này, tôi đặt tên cho chương viết về điều 117 của bộ luật hình sự 2015-điều luật mà Nguyễn Ngọc Ánh bị khởi tố, là “chú công an bảo con mở điện thoại của bố”. Sau cùng, trong quá trình biên tập, cái tên đó được thay thế bằng chính nội dung của điều luật này để nói lên sự nực cười của nó: “làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét