Con Người Không Có Cánh
Cao Huy Thuần
Số 39, tháng 12/2020
Con chim có cánh. Con công, con thiên nga có cánh. Con gà con vịt có cánh. Con người không có cánh. Giống như con bò, con khỉ, bất cứ con vật gì có bốn chân, hoặc hai chân hai tay, nghĩa là tứ chi.
Không có cánh, cho nên con người không biết bay, không bay. Con người đi, hai chân trên đất. Và có nhiều người tự hào như vậy, tự hào đi hai chân trên đất. Họ cười những người không giống họ: anh chàng này không đi hai chân trên đất, anh chàng kia đang lơ lửng trên cung trăng.
Sự việc hiển nhiên và tầm thường như thế. Vậy mà muốn nói đến những vấn đề lý thuyết cao siêu, có khi lại phải bắt đầu bằng những nhận xét vụn vặt con gà con vịt như vậy. Vấn đề dân chủ chẳng hạn – tất nhiên tôi muốn nói đến dân chủ ở phương Tây này.
Dân chủ là gì? Ai cũng trả lời na ná như nhau: là quyền của dân, là dân tự mình cai trị mình. Thế nhưng nếu có người hỏi tiếp: dân là gì? Dân là ai? Chưa chắc tôi đã dễ trả lời. Trong ngôn ngữ Hy Lạp, demos, vào khoảng thế kỷ thứ năm trước tây lịch, có nghĩa là cộng đồng dân chúng thành Athène tập hợp lại trong một hội đồng, một ekklesia. Thế nhưng demos vừa có thế hiểu là toàn thể (plenum), vừa có thể hiểu là đám đông (polloi), vừa có thế hiểu là đa số (pleiones). Sự lẫn lộn đó càng rõ ràng hơn trong ngôn ngữ hiện tại.
Trong ngôn ngữ Pháp, Đức, Ý, từ peuple, volk, popolo hàm chứa ý niệm một tập hợp duy nhất, trong khi từ people của Anh lại mang tính cách số nhiều, đa nguyên. Sự khác biệt này có hậu quả quan trọng lắm: quan niệm thứ nhất mời gọi chúng ta xem dân như là một linh hồn tập thể, một tổng thể hữu cơ có khả năng phát biểu ý muốn của mình như là một ý muốn chung mà không ai thấy cả, trong khi quan niệm thứ hai nhìn dân qua những cá nhân đang sống sờ sờ ra đấy, và ý muốn của dân là ý muốn của tập hợp những cá nhân mà ai cũng thấy được, ông Mít, ông Xoài, ông Ổi.
Thế thì dân nào “tự mình cai trị mình”? Nếu đó là dân hiểu theo quan niệm thứ nhất thì chính thể nào, dân chủ hay không, đều có thể vỗ ngực xưng mình là dân chủ, bởi vì nhà cầm quyền nào cũng có thể tuyên bố nhân danh một ý muốn chung mà mình là người phát ngôn, là đại diện chân chính. Nếu dân hiểu theo quan niệm thứ hai thì, trong thực tế, không có dân nào tự mình cai trị mình cả, bởi vì, trong thực tế, nền dân chủ nào cũng dựa trên nguyên tắc đa số, nghĩa là có đa số nắm quyền và có thiểu số bị hất ra khỏi quyền lực. Có điều là thế này: thiểu số đó sống và hoạt động như thể mình sẽ trở thành đa số ngày mai. Dân chủ Tây phương là như vậy. Và, trong ý nghĩa đó, “dân” nắm quyền nghĩa là đa số nắm quyền trong sự tôn trọng quyền của thiểu số.
Thế thì, trong dân chủ Tây phương, tuyển cử là cơ chế quyết định. Đó là lúc mà “dân” thực hiện quyền của mình. Thay đổi đa số, thay đổi người cầm quyền: dân muốn, dân làm.
Thế nhưng từ đó lại có một loạt vấn đề đặt ra. Vấn đề hiển nhiên trước tiên, Rousseau đã nói từ lâu: dân bầu lên người đại diện có khác nào ủy thác cho người đó quyền của mình; trong thực tế, đó là kẻ nắm quyền thực sự, không phải dân. Dân là thượng đế trong ngày tuyển cử, sau đó, coi chừng, có cơ nguy trở thành nô lệ. Ấy là khôn một giờ dại đến ba bốn năm.
Khổ thay, dân chủ trực tiếp mà Rousseau mơ ước không thể áp dụng được trong các quốc gia rộng lớn ngày nay, đành phải nhờ cậy đến khái niệm dân chủ đại diện mà thôi. Trên lý thuyết, dân chỉ có quyền kiểm soát, kể cả dân hiểu theo nghĩa đa số, dân đang chiến thắng qua tuyển cử. Nhưng làm sao kiểm soát được người đại diện đang nắm quyền trong xã hội chính trị phức tạp ngày nay mà vấn đề nào cũng đòi hỏi những hiểu biết chuyên môn rất sâu?
Hỏi ông Ổi, ông Mít, ông Xoài về sự phá giá của đồng bạc, về chính sách mậu dịch quốc tế, ông sẽ rất bằng lòng nhường những chuyện tuế toái đó cho những người đại diện của ông và tiếp tục phơi nắng trên bãi biển. Hoặc giả các ông đó lại tiếp tục phơi nắng và nhường luôn quyền kiểm soát cho đảng phái của các ông. Đảng phái, vì vậy, lại là một cơ chế tất yếu của dân chủ đại diện, của dân chủ phương Tây. Nó mà trục trặc thì dân chủ xứ này rơi vào khủng hoảng.
Rousseau không bằng lòng với dân chủ đại diện. Nhưng ông biết lý tưởng dân chủ trực tiếp của ông không thực hiện được trong thực tế. Ông viết: “Nếu có một giống dân của thần thánh thì dân đó sẽ tự mình cai trị mình một cách dân chủ. Nhưng một chính thể tuyệt hảo như vậy không hợp với giống người”.
Ông là người biết nhìn thực tế. Nhưng trong lý thuyết chính trị phương Tây, cái nhãn hiệu “trường phái thực tế” được dành cho Machiavel và hậu duệ trí thức của ông. Machiavel là người đầu tiên nói thẳng, nói toẹt: chính trị không cúi đầu trước những nguyên tắc đạo đức; chính trị có lĩnh vực độc lập của nó. Na ná như Tào Tháo quá quen thuộc của ta: thà giết oan, không để sống một kẻ thù.
Trong lý thuyết dân chủ, hậu duệ của “trường phái thực tế” không nhìn dân chủ dưới những giá trị lý thuyết, dưới những mơ ước về một xã hội công bằng hơn, ít độc đoán, ít chuyên chế hơn, mà muốn nhìn và phán xét dân chủ duới cặp mắt lạnh lùng của một người quan sát không cần phải có thiện cảm. Mosca, Pareto, Michels là hậu duệ của Machiavel trong ý nghĩa này. Dân chủ là dân tự cai trị mình? Là dân cai trị qua nguyên tắc đa số? Qua bầu cử? Qua nguyên tắc đại diện? Qua đảng phái? Láo tuốt! Cứ nhìn thực tế duới kính hiển vi thì chẳng thấy dân chủ đâu cả. Chỉ thấy một sự kiện không chối cãi được: trong bất cứ chính thể nào, dân chủ hay không, quyền hành đều nằm trong tay một nhóm người.
Một bên là quần chúng, một bên là tầng lớp ưu tú, tất cả mọi xã hội đều giống nhau ở điểm đó: đó là chủ thuyết của Pareto. Và bởi vì vai trò của tầng lớp ưu tú quan trọng như vậy cho nên nếu xã hội này khác xã hội kia là vì bản chất của tầng lớp ưu tú khác nhau. Còn thì ở đâu cũng thế thôi, quần chúng để cho tầng lớp ưu tú cai trị, bằng sức mạnh, bằng thuyết phục, hoặc bằng lừa dối.
Quyền hành ở đâu cũng thế thôi, bởi vì giới thống trị nào và ở đâu cũng đều mang tên của họ này hay họ kia, không họ sư tử, lấy vũ lực làm gốc, thì là họ cáo, lấy mưu mô làm cha thiên hạ. Lịch sử, theo Pareto, chẳng có gì khác hơn là “nghĩa địa của thiểu số thống trị”: thiểu số này nằm xuống thì thiểu số khác lên thay. Và bởi vì bản chất của thiểu số nằm xuống khác với bản chất của thiểu số đang vươn lên, cho nên lịch sử biến chuyển.
Khái niệm tầng lớp ưu tú của Pareto bắt nguồn từ khái niệm “giai cấp chính trị” của Mosca. Ở đâu cũng thế, phía trên của quần chúng là thiểu số cai trị, nắm quyền và lợi dụng quyền hành để chiếm đặc quyền, đặc lợi. Thiểu số này cấu kết với nhau chặt chẽ, nương nhờ nhau, liên hệ nhau, đó đây qua lại, lợi lộc phân chia, tâng bốc tung hô nhau, đắp bờ dựng lũy để củng cố cho nhau, nói tóm lại, một thiểu số biết tổ chức, biết xây nền móng để trở thành một giai cấp thực sự.
Thế thì ở đâu cũng vậy, ở đâu cũng chỉ một luật thép này thôi: “Luật thép của thiểu số”. Đó là câu nói và lý thuyết nổi tiếng của Roberto Michels. Nghiên cứu đảng xã hội Đức, ngọn hải đăng cách mạng và dân chủ trước thế chiến thứ nhất, Michels chứng minh rằng bất kỳ tổ chức nào cũng có khuynh hướng đi đến thiểu số cai trị. Tổ chức càng lớn dần thì sự kiểm soát của quần chúng càng chỉ có tính cách hư ảo, vì quần chúng thiếu thì giờ, thiếu chuyên môn, thiếu quyền uy. Cơ cấu nào, nhiệm vụ nào đều có khuynh hướng tự nhiên là phân biệt ra mãi; một đảng cũng thế, lúc đầu là quần chúng, sau đó là những người cầm đầu, những người nắm những chức vụ thường xuyên. Các tay làm chính trị chuyên nghiệp đẩy dần vào bóng đêm những người đã có công xương máu, để nắm thực quyền trong mọi tổ chức.
Mosca, Pareto, Michels bị xếp vào loại các tác giả phản dân chủ. Michels, trước đó ở trong hàng ngũ xã hội, bỏ phong trào, giao du với phát xít. Cả ba tư tưởng đều được phát xít khai thác để tấn công vào thành trì những giá trị dân chủ. Cho dù như thế đi nữa, những phân tích thực tế của ba tác giả không phải là không có cơ sở, và không dễ gì gạt phăng qua một bên.
Đó là những phân tích chĩa mũi dùi vào thực tế thiểu số thống trị.
Trở lui về khái niệm đa số trên đó tư tưởng dân chủ dựng xây kiến trúc lý thuyết của mình, không thiếu gì nhược điểm được nêu ra. Tuyển cử chẳng hạn là thời khắc quyết định sự sống chết của dân chủ, nhưng cái gì đã đưa đến quyết định của cử tri? Dư luận chăng? Làm thế nào dư luận đã thành ra dư luận như vậy? Cái gì đã tạo ra dư luận? Sự phán đoán sáng suốt của từng cử tri chăng? Hay là ảnh hưởng áp đảo của những mánh khóe truyền thông tinh xảo, của kỹ thuật tuyên truyền tinh vi, biến mọi cử tri thành một người tiêu thụ phải lựa chọn một món hàng mà họ không biết gì hơn ngoài những quảng cáo mà lời lẽ nào cũng quyến rũ như nhau?
Có người sẽ nói: đấy, dân chủ là như vậy, là khả năng lựa chọn giữa nhiều quảng cáo khác nhau: tôi lựa chọn, vậy tôi được sống dân chủ. Nhưng vấn đề không phải đơn giản như vậy. Khi ông Mít, ông Ổi, ông Xoài lựa chọn một món hàng, bột giặt chẳng hạn, họ có ít nhiều kinh nghiệm trên món hàng đó, sự lựa chọn của họ là thực. Khi các ông đó phải lựa chọn trên những chương trình, lời hứa, giá trị, lý thuyết, vừa trừu tượng, vừa xa xôi, họ không lựa chọn thực, họ chỉ có cảm tưởng lựa chọn, một sự lựa chọn huyễn.
Trên nhận xét chẳng có gì cao siêu đó, nhiều kết luận về xã hội học chính trị đã được đưa ra, và cũng không dễ gì gạt phăng qua một bên. Giovanni Sartori đặt câu hỏi: trong chừng mực nào những người thường thường bực trung (l’homme du commun) đóng một vai trò riêng biệt và có ảnh hưởng thực sự trong việc tạo ra dư luận? Ông trả lời, căn cứ trên những phân tích khoa học về xã hội học tuyển cử: rất buồn!
Một hình ảnh rất buồn về cử tri thường thường bực trung, buồn đến nỗi phải nói rằng họ là những khách bàng quan thụ động. Những người công dân trung bình không để tâm đến chính trị, mà cũng chẳng tham gia vào cái chuyện rắc rối đó. Khả năng hiểu biết của họ trong lĩnh vực này rất nông cạn, và tầm nhìn của họ bị sai lạc vì thành kiến. Họ chọn thế này, thích thế nọ vì đã có sẵn thiên kiến hoặc vì ảnh hưởng gia đình, bạn bè, làng mạc, tôn giáo, giai tầng xã hội.
Trong nhiều trường hợp, họ không có ý kiến, chỉ có một thứ cảm tính mơ hồ, một tâm trạng không diễn tả được. Với quần chúng đó, khó lòng mà nói có một dư luận: đó là một thứ “quần chúng ma”. Quần chúng đó, vài năm một lần, có thế kiểm soát chính quyền lúc tuyển cử, nhưng bảo rằng tuyển cử là lúc mà đa số đưa ra những tín hiệu về đường lối mà chính phủ phải cai trị thì là nói ngoa.
Bàn về dân chủ, về đa số, hãy nhìn cái thực tế đó, hãy thấy rằng phần đông, rất đông quần chúng không tha thiết gì đến chính trị. Làm sao cắt nghĩa sự thờ ơ đó của quần chúng bậc trung? Thiếu học chăng? Không phải! Thợ thuyền, khi bỏ phiếu, hiểu vấn đề làng nhàng cũng như giới chủ nhân. Thiếu thì giờ chăng? Không phải! Sự tham gia chính trị không tăng thêm với mức độ giàu có trong các xã hội tiêu thụ thừa mứa, săn đuổi thú vui, khuếch trương tiêu khiển. Ngược lại, sự vắng mặt trong ngày bầu cử trầm trọng hơn trong các đảng tư sản so với các đảng công nhân.
Mực sống vật chất cao lên, trình độ văn hóa chung cao lên, thế mà những phần tử thờ ơ vẫn thờ ơ với chính trị, chẳng chịu trở thành những công dân tích cực. Lượng thông tin đến với họ như nước lũ, nhưng thông tin không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với kiến thức. Đối tượng của thông tin quần chúng hiện tại là những con người đơn côi, thụ động, bị tước khí giới suy nghĩ, trong khi kiến thức đòi hỏi những con người tự chủ, sáng suốt.
Thế thì làm sao cắt nghĩa sự thờ ơ trong chính trị? Câu trả lời có từ thời Tocqueville: con người rất bằng lòng với mảnh vườn bé nhỏ riêng tư của mình, và rất bằng lòng giao phó lãnh địa chính trị cho quý vị cầm quyền. Hú hí với vợ con, khật khưỡng với bạn bè, xây thêm cái bếp, sửa lại cái buồng tắm, tỉa thêm vài giò lan, sống như thế mà ông không biết là thú vị thì là ông ngu. Con người, thưa ông, vốn không có cánh.
Và, thưa ông, thế mà đâm hay cho dân chủ, kể cả dân chủ Mỹ: sự thờ ơ về chính trị của quần chúng trung bình lắm khi lại là điều kiện thành công của dân chủ phương Tây. Đó là luận cứ của một loạt tác giả lừng danh: Schumpeter, Dahl, Sartori, McClosky… Schumpeter kết luận: tuyển cử là then chốt, nhưng dân chúng chỉ nên và chỉ có thể bầu người cầm quyền; thế là đủ và thế là tốt, còn chuyện lấy những quyết định lớn là chuyện của người cầm quyền. Quần chúng bàn ngang tán dọc vào những chuyện chính trị gai góc mà họ không có khả năng thông hiểu là cản mũi kỳ đà, quấy rầy bộ máy.
Dahl nhấn mạnh về sự đồng thuận chung chung có tính cách phi chính trị, phi chủ thuyết của quần chúng trong các xã hội Tây phương hiện tại và vai trò quyết định của một giới thượng lưu chính trị tích cực, năng nổ, để đi đến một luận thuyết nổi tiếng: “chỉ những cá nhân tích cực về phương diện chính trị mới tìm cách thỏa thuận với nhau trong bất kỳ trường hợp nào. Sự đồng ý của những người khác là không cần thiết“.
Và ông ta định nghĩa dân chủ như thế này: “đó là một hệ thống quyết định trong đó những người cầm quyền phải càng ngày càng chú ý hơn nữa đến nguyện vọng của những người không lãnh đạo, nhưng hệ thống quyết định đó có thể điều hành tốt với mức tham gia thấp của các công dân. Dân chủ không cần sự tham gia đông đảo của nhân dân“. Dahl tấn công Aristote và câu nói bất hủ của ông này: người là con vật chính trị. Còn lâu!
Trên cùng một nhận xét thực tế đó, Sartori vạch rõ sự thiếu hiểu biết chính trị của quần chúng trung bình và định nghĩa “dân chủ là hệ thống chính trị trong đó dân chúng thi hành quyền kiểm soát của mình một cách vừa đủ để có thể thay đổi người cầm quyền, nhưng không nhiều quá để có thể tự mình cai trị mình“. Và như vậy, “hiệu quả của dân chủ tùy thuộc trước hết và trên hết vào hiệu quả và khả năng của người cầm quyền”.
Đứng về phương diện hệ ý thức cũng vậy. McClosky chứng minh rằng những tư tưởng cấu tạo nên hệ ý thức dân chủ Mỹ căn bản là do cái tầng lớp tích cực về chính trị bảo vệ, gìn giữ. Sự đồng thuận của họ về phương diện này rõ rệt, chính xác hơn là đối với lớp thứ dân thụ động, thờ ơ. Và như thế là tốt.
Tất nhiên tôi không hoàn toàn đồng ý với các tác giả trên mặc dầu những nhận xét của họ rất đáng để ý. Lập luận của họ, nhất là của Schumpeter và Dahl, dựa trên hai định đề mà tôi không mấy tán thành. Định đề thứ nhất là: các quyết định về chính trị càng ngày càng rất phức tạp, và do đó làm chính trị càng ngày càng đòi hỏi một nghề chuyên môn. Đó là nghề của tay phải, không thể là nghề của tay trái. Và đó là nghề của những người hành động một cách trung lập, phi ý thức hệ, chỉ nhắm vào một mục đích duy nhất là ích lợi chung.
Định đề thứ hai là: các nhóm gần gũi nhất của con người – gia đình, bè bạn, tiêu khiển, thể thao… – là những yếu tố thường xuyên, mãi mãi thân thuộc, mãi mãi chiếm trọn đời sống con người. Định đề thứ nhất không sai, nhưng nhấn mạnh tính cách trung lập và phi ý thức hệ của hành động chính trị thì xin nói thẳng rằng không đúng. Định đề thứ hai… tôi xin nói dưới đây, và đây là chủ ý của bài viết nhỏ này.
***
Từ nhiều năm nay ai cũng biết, và sách vở đã nói nhiều, về khủng hoảng dân chủ ở Tây phương. Khủng hoảng từ lý thuyết, khủng hoảng từ định chế, khủng hoảng từ tình trạng suy thoái của các chính đảng, nghĩa là khủng hoảng tận nền móng, khủng hoảng tận khái niệm “dân”. “Dân” là dân nào? Tầng lớp ưu tú được bồi dưỡng thêm nhờ toàn cầu hóa kinh tế? Quần chúng bị toàn cầu hóa đày vào vị thế nạn nhân?
“Dân” đã bị các tay chính trị gia populistes lão luyện chia rẽ thành ta với địch? Đời sống cộng đồng là chiến trận một mất một còn giữa địch với ta? Còn gì là tư duy chính trị khi cái đầu nhường chỗ cho đam mê, thù ghét, cuồng nhiệt? Ý nghĩa gì nữa lá phiếu khi dân đã bị làm cho ngu, cho say, cho cuồng, cho điên tiết? Hoặc trở nên lạnh lùng, không thèm đi bầu vì thằng cha nào lên đều cá mè một lứa, hứa giăng hứa cuội như nhau? Ta nằm ở nhà lướt tweet, nghe fake news, chẳng phải là đủ biết việc đời rồi sao?
Khủng hoảng hiện nay đâu có gì đáng ngạc nhiên: các học thuyết chính trị mà tôi vừa dẫn ở trên đã bàn bạc từ lâu. Chỉ có điều là bối cảnh chính trị ngày nay đã gia thêm củi lửa để cái nồi nước sôi làm bật vỡ cái vung. Nguy cơ không phải nằm ở những khuyết điểm của dân chủ. Dân chủ Tây phương, cũng như tư bản chủ nghĩa, có cái tài uyển chuyển biết thích ứng, biết tự bổ khuyết bồi ưu để cải tổ, để tiến bộ. Nguy cơ hiện nay nằm ở chỗ khác nữa: ở chỗ dân chủ Tây phương đang lâm vào cái thế lưỡng đầu thọ địch, vừa chống đỡ ở bên trong, vừa bị tấn công từ bên ngoài. Từ đâu? Từ cái chiến trận ý thức hệ mới tinh mà họ Tập đang mở màn để chiếm lĩnh cái đầu của cả thế giới.
Tự do? Nhân quyền? Con người? Các giá trị căn bản của dân chủ Tây phương cổ điển đang thấy thành lũy của mình bị thủy triều đỏ bủa vây, nước Hung ngang nhiên cải biên “démocratie libérale” thành “démocratie illibérale”, làm mẫu mực quái thai “dân chủ bất tự do” cho các “chính thể cứng rắn”, các “démocratie autoritaire”, cho “autoritarisme” đang lấn lướt trên thế giới, ngay cả ở Ba Lan, Tiệp Khắc.
Người hùng, Đảng hùng, “độc đoán”, “độc trị”… các đồng minh tân ý thức hệ của họ Tập tán dương, ngưỡng mộ hiệu quả thần kỳ của một chế độ đã đưa cái nước khổng lồ ấy, chỉ trong vài chục năm, lên đài vinh quang, ngất ngưởng làm chúa thiên hạ. Hãy bắt chước! Hãy phỏng theo! Hãy hiệu quả là trên hết! Hãy lai giống! Hãy nhập cảng Hoa mẫu! Hãy sản xuất Hoa nhi! Từ giã những triết lý trên trời, con người là cái quái gì, chết la liệt hàng triệu thì có gì đáng quan tâm với ông Trump?
Ngọn hải đăng của nước mở đầu dân chủ? Thì hải đăng ngày nay là thị trường, là chứng khoán, là phe ta, là Thượng Đế phái ông xuống, là thành tích, là hiệu quả, là ông! Nhưng thế giới nhìn thành tích biểu thì ông thua xa ông Tập. Nước Mỹ dân chủ lụn bại, ngôi sao đỏ phương Đông sáng hơn hải đăng, bây giờ là Bắc đẩu chỉ đường. Mô hình ấy là mô hình mới của thời đại mới. Bất Cộng, bất tự do, cứng rắn, cứng rắn, bàn tay sắt, hiệu quả, hiệu quả cụ thể.
Xin lỗi Aristote, xin lỗi Montesquieu, các ông rắc rối quá, chính thể tốt là chính thể đem lại công ăn việc làm, đơn giản là vậy, chân lý là vậy, đời sống là vậy, con người là vậy, cơm áo gạo tiền, dư dả chút đỉnh thì du lịch, du hí, thế chẳng phải là bình thường, là thỏa mãn rồi sao?
Vâng, đấy là điểm thứ hai – định đề thứ hai – mà tôi muốn nói khi nhắc lại các học thuyết về dân chủ ở trên. Tôi nói chuyện Âu – Mỹ, nhưng thật tình bao giờ cũng vậy, nói chuyện người là để thao thức chuyện mình. Ở đâu cũng vậy, con người là con người, nếu ở Âu Mỹ con người không có cánh thì ở ta cũng thế mà thôi. Nhưng mà, do đó, vấn đề là: có nên lấy thực tế đó làm chính sách hay không? Tôi nghĩ, và tôi chắc vô số bạn bè đều nghĩ như tôi: ở những nơi mà dân chủ đang được dựng xây, con người, dù thường thường bậc trung, vẫn mơ ước được chấp cánh lắm lắm.
Mà đó không phải chỉ là giấc mơ. Đó là sự thực đối với thế hệ chúng tôi. Chưa bao giờ chúng tôi học chỉ vì mỗi mục đích kiếm sống. Học để phụng sự. Mỗi buổi sáng chúng tôi tập thể thao không phải để khoe bắp thịt với cô láng giềng: khỏe vì nước! Thời kháng chiến chống Pháp, chúng tôi ở thành, nhưng chính vì ở thành thị, xa trận địa, nên cánh cứ mọc dài ra khi đọc văn thơ từ bên kia lũy tre bay đến. Năm 1945 chấp cánh cho cả một dân tộc bay lên tít chín tầng mây. Và sau đó, nếu chị tiểu thương chợ Đông Ba không bay lên khỏi quang gánh của chị thì lấy đâu khí thế để cất cao phong trào chống Ngô Đình Diệm?
Không biết nhìn thực tế là một lầm lẫn, nhưng không nhìn thấy lý tưởng như là một sự thật linh động cũng là một sai lầm rất nặng nề. Bất cứ ai cũng có thể mang một lý tưởng ở trong lòng, bất cứ ai cũng có thể vượt lên khỏi chính mình. Dân chủ là một lý tưởng mà nhân loại vươn tới. Và ở chỗ nào chưa có dân chủ thì ở chỗ ấy lý tưởng về dân chủ lại càng khắc khoải trong lòng.
Không thiếu gì cách để thực hiện lý tưởng đó, tùy điều kiện của mỗi nước, chẳng cần vay mượn Tây phương. Nhưng bước đầu tiên là phải thắp sáng lý tưởng đó trong lòng mình và trong lòng mọi người. Xin để các tác giả ở những nước dân chủ Tây phương phân tích tình trạng con người không có cánh. Lý tưởng của chúng ta là chắp cánh cho ai nấy đều bay lên. Không phải con người bay lên là nhà cầm quyền thấp xuống. Cả hai đừng chặt cánh của nhau để cả hai cùng bay lên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét