Bất đồng chính kiến và bất đồng tham nhũng
Jackhammer Nguyễn
21-12-2020
Với tiêu chuẩn của các nền dân chủ phương Tây, trong xã hội có những chính kiến khác nhau, những quan điểm chính trị khác nhau, và vì thế không có tù nhân chính trị. Ngược lại ở các quốc gia độc tài, khác biệt quan điểm, chính kiến có thể bị bỏ tù.
Vì thế Mỹ nói riêng, Tây phương nói chung thường là chốn nương thân của những người bất đồng chính kiến bị đàn áp ở các quốc gia độc tài, chẳng hạn như Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Bắc Hàn, Venezuela…
Trong các quốc gia độc tài đó, có những trường hợp như Trung Quốc và Việt Nam, một mặt áp dụng nguyên tắc thị trường cho nền kinh tế, mặt khác duy trì sự độc quyền cai trị của một đảng, từ đó sinh ra nạn tham nhũng rất lớn, vì không có sự kiểm soát quyền lực.
Trong hai quốc gia này, đa số các viên chức cầm quyền đều có dính dáng đến một tổ chức làm ăn kinh doanh nào đó, và chuyện kinh doanh này, với sự nhũng lạm kèm theo trở thành những lý do để phe phái thanh toán nhau trong chính trường. Khi bị thanh toán, có những viên chức tham nhũng bỏ chạy kịp thời … sang phương Tây.
Thế là có những người bất đồng chính kiến tị nạn ở phương Tây, và cũng có cả những người bất đồng… tham nhũng tị nạn ở phương Tây.
Nhưng để nhận ra ai là bất đồng chính kiến, ai là bất đồng tham nhũng, không dễ dàng, nhất là ở những quốc gia cộng sản như Việt Nam và Trung Quốc, luật lệ làm ăn kinh doanh, rất tù mù.
Bí ẩn Quách Văn Quý
Một trường hợp bí ẩn tù mù như vậy là ông Quách Văn Quý (Guo Wengui) bỏ chạy sang Mỹ tị nạn vào năm 2014, để thoát một cáo buộc tham nhũng. Sau đó vài tháng, đầu năm 2015, một người “bạn thân” của ông ta là thứ trưởng Bộ Công an, Mã Kiến (Ma Jian) bị bắt.
Ông Quách nói với chính quyền và truyền thông Mỹ rằng, ông bị đàn áp tại Trung Quốc. Ông nói với báo New York Times rằng, nhiệm vụ thiêng liêng của ông hiện nay là cứu nước Trung Hoa khỏi nạn độc tài cộng sản.
Ông Quách nhanh chóng tập hợp được đông đảo những người tị nạn từ Hoa lục bỏ chạy sang phương Tây vì bất đồng chính kiến. Ông lập một công ty truyền thông, chỉ trích chính quyền Trung Quốc, và ông còn đi xa hơn nữa là thành lập một Liên bang Trung Hoa tại hải ngoại, với sự giúp sức của ông Steve Bannon, từng là cố vấn thân tín của tổng thống Mỹ Donald Trump.
Các kênh YouTube của ông Quách thu hút được hàng trăm ngàn người nói tiếng Hoa trên khắp thế giới. Qua các kênh này ông kể những câu chuyện thâm cung bí sử của giới lãnh đạo Trung Quốc, đầy những nhũng lạm tiền bạc, những bê bối tình ái… Nhưng những sự việc mà ông kể cho công chúng và truyền thông Mỹ, rất khó kiểm chứng.
Giáo sư Bùi Mẫn Hân, một chuyên gia về chính quyền Trung Quốc tại đại học Claremont McKenna, California, nói rằng, những điều ông Quách kể không biết đâu mà lần. Nhưng có những chi tiết mà báo chí Mỹ có thể kiểm tra được ngay, như ông Quách nói ông mua căn hộ sang trọng ở New York trị giá 82 triệu đô la, nhưng thực ra căn hộ này trị giá là 67,5 triệu đô la.
Ông Quách cũng nói về những điều mà ai hiểu biết về nhà cầm quyền cộng sản sẽ nghi ngờ. Chẳng hạn như ông nói rằng, năm 1989, ông đã cho tiền giúp các sinh viên bị đàn áp trong vụ Thiên An Môn, và vì vậy nên gia đình ông bị đàn áp, một người em của ông bị cảnh sát bắn chết và ông nuôi mối căm thù đảng cộng sản từ đó. Theo lời ông Quách thì ông sinh năm 1970, tức ông mới 19 tuổi khi sự kiện Thiên An Môn xảy ra. Với lý lịch như vậy mà ông có thể làm ăn phát đạt trong xã hội cộng sản Trung Quốc để trở thành một tỷ phú đô la trong hơn hai chục năm sau đó, nhưng ông không liên quan gì với đảng CSTQ cả (theo lời ông), liệu có tin được không?
Dần dần việc vận động cho dân chủ nhân quyền Trung Quốc của ông Quách bắt đầu rắc rối hơn. Tháng 10/2020, tờ báo tài chính bảo thủ của Mỹ Wall Street Journal có bài tường trình về việc nhiều người Mỹ gốc Hoa, trong đó có nhiều người tị nạn vì bất đồng chính kiến, tố cáo ông Quách lừa đảo họ trong các cuộc gây quỹ.
Cũng trong thời gian đó, truyền thông Úc đưa tin, nhiều nhà bất đồng chính kiến gốc Hoa đã ly khai với ông Quách vì thấy rằng ông Quách dùng tin vịt vô tội vạ để chống lại chính quyền Bắc Kinh, với chủ trương là hễ chống Hoa lục là được, bất kể tin thật hay tin giả.
Sau khi ly khai, những người này đã bị ủng hộ viên của ông Quách dọa giết, vì ông Quách nói rằng họ làm gián điệp cho Bắc Kinh. Một người sống tại Texas, đã phải được cảnh sát đưa đi trú ẩn và bảo vệ.
Các kênh YouTube của ông Quách Văn Quý được báo chí phương Tây xác nhận là những kênh truyền bá tin vịt rất kinh khủng trong cộng đồng nói tiếng Hoa tại hải ngoại.
Trước đó, hồi tháng 8/2020, cựu cố vấn của tổng thống Trump, ông Steve Bannon bị bắt với cáo buộc biển thủ tiền quyên góp để xây bức tường biên giới. Ông Bannon bị bắt trên chiếc du thuyền của ông Quách Văn Quý.
Báo chí Mỹ cũng cho biết là ông Quách Văn Quý hiện đang bị các cơ quan công quyền của Mỹ điều tra về những cáo buộc liên quan tới tài chánh.
Một số nhà hoạt động nhân quyền gốc Hoa ở hải ngoại đặt nghi vấn rằng, Quách Văn Quý hoạt động cho công an Trung Quốc. Giáo sư Bùi Mẫn Hân thì đặt câu hỏi thận trọng hơn là, có phải Quách Văn Quý đào thoát được là do nội bộ nhà cầm quyền Trung Quốc tiết lộ cho ông ta?
Bí ẩn Trương Duy Nhất
Việt Nam có những nhân vật gây tranh cãi giữa bất đồng chính kiến và bất đồng tham nhũng như Quách Văn Quý hay không?
Có và ở quy mô nhỏ hơn. Một nhân vật cũng từng là tiếng nói bất đồng chính kiến nổi tiếng là ông Trương Duy Nhất, hiện đang bị nhà cầm quyền Hà Nội giam giữ vì cáo buộc tham nhũng. Ông Nhất được cho là bị bắt ở Thái Lan khi đang tìm đường chạy thoát khỏi Việt Nam.
Theo một nguồn tin được BBC Việt ngữ trích dẫn, có lẽ ông Nhất liên quan đến vụ án tham nhũng rất lớn của ông Vũ Nhôm ở Đà Nẵng. Giới thạo tin ở khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng cũng cho là ông Nhất liên quan đến đấu đá phe phái thời đó giữa ông Nguyễn Bá Thanh, bí thư thành ủy và ông Nguyễn Văn Thanh, giám đốc sở công an Đà Nẵng.
Tuy nhiên ông Nhất cũng được giới tranh đấu chống nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội biết đến như một tiếng nói bất đồng chính kiến, đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam. Sau khi ông Nhất bị bắt ở Thái Lan, tên ông đã được đề cập đến trong một bài bình luận của báo Wall Street Journal với tư cách là một nhà báo đấu tranh vì nhân quyền bị đàn áp.
Đừng biến bất đồng tham nhũng thành bất đồng chính kiến
Có một thực tế là, dù với các cáo buộc tham nhũng đi nữa, những người như ông Quách Văn Quý, hay Trương Duy Nhất khó lòng có được các phiên tòa công bằng ở các tòa án bỏ túi của Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc.
Nhưng điều đó không thể được lấy ra để biện minh cho việc họ trở thành những chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ tự do và nhân quyền được.
Một trường hợp dính dáng nhiều đến tham nhũng và bỏ chạy ra nước ngoài từ Việt Nam gần đây là vụ Trịnh Xuân Thanh, liên quan đến các phe phái dùng án tham nhũng tranh đoạt nhau tại Việt Nam. Phe thắng thế của ông Nguyễn Phú Trọng đã liều lĩnh đưa mật vụ sang Đức bắt cóc ông Thanh về nước, gây ra một khủng hoảng ngoại giao lớn chưa từng có của Đảng cộng sản Việt Nam.
Giả sử như ông Thanh xin được quy chế tỵ nạn trót lọt tại châu Âu, hãy tưởng tượng về một nhà bất đồng chính kiến kiểu Quách Văn Quý của Việt Nam, một ông Trịnh Xuân Thanh đứng đầu Liên bang Việt Nam tại hải ngoại? Bạn nghĩ thế nào nếu điều đó xảy ra?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét