Bản tin ngày 14-12-2020
BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Facebooker Phạm Thắng Nam cho biết: Vào lúc 5h4’ sáng ngày 11/12, tàu hải cảnh TQ Zhongguo Haijing 5204 lại rời vùng biển phía nam Bãi Tư Chính để xâm nhập và quấy phá khu vực lô khai thác dầu khí 06.01 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của VN. Đây đã là lần thứ 34 tàu này xâm nhập và thách thức chủ quyền VN ngay tại một trong các khu vực khai thác dầu khí nhạy cảm nhất.
RFA dẫn lời ngư dân Việt ở Indonesia cầu cứu: “Hãy giúp đỡ anh em chúng tôi xum họp với vợ con!” Một trong gần 200 ngư dân VN đang bị giam giữ ở khu vực phía đông Indonesia, cho biết: “Đời sống của anh em quá khổ. Bữa ăn cơm thiu có, bữa cơm sống có. Còn đi xuống căng-tin thì phải mua tốn tiền… Bây giờ chúng tôi nhờ chính quyền Việt Nam giúp đỡ anh em chúng tôi về nước đoàn tụ với gia đình. Hoàn cảnh khó khăn. Mong các cấp, toà soạn đưa lên ý kiến giúp đỡ anh em chúng tôi xum họp với vợ con”.
Báo Thanh Niên đưa tin: Khi không quân Mỹ tổ chức tập trận ‘hiếm có’ ở Biển Đông. Sự kiện Mỹ triển khai oanh tạc cơ chiến lược B-1 Lancer và chiến đấu cơ thế hệ tàng hình F-22 tập trận ở Biển Đông “mang thông điệp răn đe mạnh mẽ của Mỹ đối với Trung Quốc”.
Chỉ huy phi vụ của nhóm chiến đấu cơ F-22 cho biết: “Nhiệm vụ lần này giúp chúng tôi phối hợp với oanh tạc cơ B-1 và một số lực lượng khác của không quân nhằm kiểm tra năng lực cảnh báo và khả năng sẵn sàng của căn cứ Andersen trước các mối đe dọa”. Người này cho biết thêm, trong hoạt động lần này, F-22 đã được xuất kích khẩn cấp để đánh chặn mối đe dọa trên không và đây là cuộc tập trận “hiếm có”.
Mời đọc thêm: Thủy quân lục chiến Mỹ thiết kế tàu đổ bộ mới để hoạt động ở bờ biển Trung Quốc (TP). – Nguy cơ gián điệp tài chính từ phần mềm Trung Quốc (TN).
Đinh La Thăng lại ra tòa
Đây là lần ra tòa thứ 4 của Đinh La Thăng, không phải vì sai phạm liên quan đến PVN, PVC như mấy lần trước, mà là sai phạm xảy ra dưới thời ông Thăng làm Bộ trưởng Bộ GTVT. Sáng nay, TAND TP HCM mở phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và 19 đồng phạm gây thất thoát 725 tỉ đồng, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Phiên tòa này xử vụ sai phạm xảy ra tại dự án đường cao tốc TP HCM – Trung Lương.
Trong số các đồng phạm ra tòa cùng ông Thăng lần này, có 2 gương mặt khá nổi bật. Đó là cựu “thượng tá” quân đội Đinh Ngọc Hệ, tức Út “trọc”, vừa mới hầu tòa cuối tuần trước cùng cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến. Kế đến là cựu Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường.
Zing có đồ họa: Những ai hầu tòa cùng ông Đinh La Thăng?
Liên quan tới sai phạm đến từ sự “móc ngoặc” giữa Đinh La Thăng với Út “trọc”, báo Người Đưa Tin có bài: Cựu Bộ trưởng Đinh La Thăng, Út “trọc” tiếp tục hầu tòa. Theo cáo trạng, dự án cao tốc TP HCM – Trung Lương vốn được cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao cho Bộ GTVT làm đơn vị chủ trì xây dựng đề án bán quyền thu phí rồi thực hiện chuyển giao quyền thu phí, nhằm hoàn trả ngân sách nhà nước đã đầu tư cho dự án.
Đến khi dự án bắt đầu được triển khai, cựu Bộ trưởng Thăng đã cố tình tạo “đặc quyền”, đưa Đinh Ngọc Hệ tiếp cận đề án, rồi tạo điều kiện cho công ty của Hệ trúng đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Nắm được quyền thu phí, Út “trọc” đã lợi dụng làm hồ sơ gian dối và “thực hiện thêm nhiều hành vi gian dối khác nhằm chiếm đoạt tài sản của Nhà nước”.
Về mối quan hệ “móc ngoặc” nói trên, Zing có đồ họa: Ông Đinh La Thăng ưu ái cho Út ‘Trọc’ như thế nào?
Diễn biến trong phiên xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm: Luật sư đề nghị triệu tập thêm nhiều người, theo báo Người Lao Động. LS bào chữa cho bị cáo Hệ đề nghị HĐXX “triệu tập giám định viên nhằm làm rõ thiệt hại trong vụ án. Ngoài ra, luật sư đề nghị tòa án triệu tập thêm nhiều người liên quan đến phần tài sản đang trong diện kê biên của bị cáo Hệ”. Đáp lại, chủ tọa từ chối khéo, cho rằng phiên tòa hiện đã có đủ hồ sơ, tài liệu, trong quá trình xét xử, nếu thấy cần mới triệu tập thêm người.
Báo Pháp Luật TP HCM có clip: Ông Đinh La Thăng trả lời ấp úng tại tòa.
Ba lần hầu tòa của Đinh La Thăng trước đây là: Lần đầu từ ngày 8/1/2018, ông Thăng ra tòa trong phiên sơ thẩm thứ nhất xử các sai phạm ở PVN, PVC. Lần kế từ ngày 19/3/2018, ông Thăng ra tòa trong phiên sơ thẩm lần thứ 2, cũng về sai phạm ở PVN, PVC, trong đó có sai phạm ở nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và Oceanbank. Lần thứ 3 bắt đầu từ ngày 8/5/2018, ông Thăng ra tòa phúc thẩm, liên quan tới đơn kháng cáo về 2 lần ra tòa trước đó.
Zing có đồ họa: Ông Đinh La Thăng dính đến bao nhiêu vụ án?
Trước khi ra tòa lần thứ 4 hôm nay, Bộ Công an đã gọi tên ông Thăng trong vụ sai phạm ở nhà máy Ethanol Phú Thọ, gây thiệt hại 2.400 tỉ. Ngày 20/1/2019, Bộ Công an công bố quyết định khởi tố vụ án này. Ngày 22/11/2019, đích thân Tổng – Chủ Trọng đốc thúc phe “đốt lò” giải quyết cho xong vụ sai phạm nhà máy Ethanol Phú Thọ trong năm 2019.
Nhưng bất chấp lời hối thúc của ông Trọng, vụ sai phạm Ethanol Phú Thọ bị “ngâm giấm” gần một năm trời, mãi tới ngày 19/11/2020, VKSND tối cao mới ban hành cáo trạng truy tố ông Đinh La Thăng và ông Trịnh Xuân Thanh trong dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ.
Có điều, ông Thăng chưa kịp ra tòa vì Ethanol Phú Thọ thì đã bị lôi vào thành Hồ để người ta xử ông vì dự án cao tốc TP HCM – Trung Lương. Trong khi kết luận điều tra vụ cao tốc Trung Lương chỉ mới hoàn thành vào ngày 31/8/2020. Nghĩa là, phe “đốt lò” mất hơn 2 năm vẫn chưa xử được sai phạm Ethanol Phú Thọ, trong khi vụ cao tốc Trung Lương chưa đầy 2 tháng đã mở phiên tòa sơ thẩm. Phải chăng dự án Ethanol Phú Thọ là một trong số các “quả đấm thép” do “đồng chí X” dựng nên nên chưa biết xử ra sao?
Báo Tiền Phong có bài: Ông Nguyễn Văn Thể ‘có một phần trách nhiệm’ vụ cao tốc TPHCM- Trung Lương. Cáo trạng do VKS công bố tại phiên tòa hôm nay đã chỉ ra, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể có một phần trách nhiệm: “Việc không chỉ đạo chấm dứt hợp đồng với Cty Yên Khánh có một phần trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Thể, nhưng không phải là nguyên nhân dẫn đến hậu quả thiệt hại trong vụ án, do vậy, không đủ cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Nguyễn Văn Thể”.
Mời đọc thêm: Đang chấp hành án tù tại Hà Nội, ông Đinh La Thăng lại hầu tòa tại TP HCM (ĐĐK). – Ông Đinh La Thăng hầu tòa vụ cao tốc Trung Lương (Zing). – Ông Đinh La Thăng và cựu Thứ trưởng Bộ GTVT hầu tòa vụ thất thoát hơn 725 tỷ đồng (ANTĐ). – Sai phạm liên quan cao tốc TP.HCM – Trung Lương: Ông Đinh La Thăng và 19 đồng phạm hầu tòa (DS). – Thủ đoạn “khó ngờ” của Đinh Ngọc Hệ khi nắm quyền thu phí cao tốc TP HCM – Trung Lương (NLĐ).
– Hình ảnh đầu tiên của ông Đinh La Thăng tại TAND TP HCM (NLĐ). – Hình ảnh ông Đinh La Thăng cùng các đồng phạm bị áp giải tới tòa sáng 14/12 (DNVN). – Ông Đinh La Thăng đeo kính đen và khẩu trang đến TAND TP.HCM (PLTP). – Cảnh sát áp giải cựu Bộ trưởng Đinh La Thăng cùng 18 bị cáo vào tòa (TP). Mời đọc lại: Bán quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương(TT).
Thẩm phán bắt tay bị cáo
Phiên xử Nguyễn Đức Chung hôm 11/12/2020 đã kết thúc chóng vánh chỉ sau một buổi sáng “xét xử” với án tù 5 năm, nhưng hôm nay công luận vẫn bất bình vì một tấm ảnh tiết lộ chuyện “hậu trường” của phiên tòa. Tấm ảnh cho thấy thẩm phán Trương Việt Toàn, chủ tọa phiên tòa đã bắt tay, vỗ vai an ủi Chung “con” sau khi phiên tòa kết thúc.
VietNamNet có bài: Thẩm phán Trương Việt Toàn nói về cái bắt tay với ông Nguyễn Đức Chung. Thẩm phán Toàn kể: “Hôm đó, tuyên án xong, tôi đi về phòng làm việc của mình. Lúc đó, đương nhiên phải đi qua hàng bị cáo. Khi đi qua bị cáo Chung, ông Chung đưa tay ra bắt. Thực ra, trong giây phút đó tôi cũng suy nghĩ rất nhanh. Sau khi chững lại một chút, cuối cùng, tôi quyết định bắt tay, vỗ vào vai bị cáo một cái và có lời động viên”.
Báo Tiền Phong dẫn lại câu của ông Toàn hỏi ngược lại báo chí và công luận: ‘Ông Nguyễn Đức Chung giơ tay, nếu tôi không bắt mọi người sẽ nghĩ gì?’ Rất khó để nắm bắt suy nghĩ của công luận, nhưng ít nhất mọi người sẽ không thấy thẩm phán có thái độ thân mật với chính người mình vừa xử.
Báo Người Lao Động có bài: Đại biểu Quốc hội: Chủ tọa bắt tay bị cáo Nguyễn Đức Chung là phản cảm. ĐBQH Lê Thanh Vân phân tích: “Khi xét xử, Thẩm phán được nhân danh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải vô tư khách quan. Trong vụ án hình sự, thẩm phán và bị cáo, đương sự khi tiếp xúc cũng có quy định cụ thể theo nguyên tắc trong Bộ luật tố tụng hình sự… luật pháp bất vị thân, tuyệt đối không để tình cảm lấn át ý trí”.
Trước đó, LS Trịnh Vĩnh Phúc viết: Bức ảnh ngoài luồng đi vào lịch sử tư pháp Việt Nam. Theo đó, mặc dù những người tổ chức phiên tòa “thủ tục” đã cố tình xử kín, cố gắng chỉ để lọt ít thông tin ra ngoài, những người không phận sự chỉ được theo dõi diễn biến phiên tòa qua màn hình, nhưng cuối cùng vẫn để lọt tấm ảnh thẩm phán Trương Việt Toàn vỗ vai bị cáo Nguyễn Đức Chung như “đồng chí”. “Hình ảnh có một không hai, vượt tầm kiểm soát của nhiều người và ngoài mong muốn của nhân vật…!”
Mời đọc thêm: Thẩm phán Trương Việt Toàn giải thích việc bắt tay Tướng Chung (BBC). – Chủ tọa phiên tòa lý giải việc bắt tay bị cáo Nguyễn Đức Chung sau khi kết thúc phiên xử (NLĐ). – Chủ tọa phiên tòa xét xử ông Nguyễn Đức Chung: ‘Chúng tôi thấy rất xót xa’ (VTC). – Việt Nam tranh cãi vụ Thẩm phán Trương Việt Toàn bắt tay động viên ông Nguyễn Đức Chung (Sputnik).
Tin môi trường
Nỗi bế tắc quen thuộc ở Hà Nội: Người dân bức xúc vì rác thải ứ đọng, đổ tràn xuống lòng đường, báo Lao Động đưa tin. Những ngày gần đây, “nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Hà Nội xuất nhiều bãi rác tự phát gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân xung quanh”. Người dân bất bình vì các bãi rác tự phát liên tục xuất hiện.
Nhà báo Lưu Trọng Văn viết: Sếu ơi, bao giờ trở lại. Chỉ còn 15 ngày nữa là hết năm 2020, ông Văn nhận tin buồn là không một con sếu đầu đỏ nào trở lại VN. Ông viết: “Cách đây 10 năm gã ghé thăm nhà nhiếp ảnh Minh Lộc ở Cao Lãnh, ông khoe hàng trăm bức hình sếu đầu đỏ mà hàng chục năm trời ông săn chụp được ở Tràm Chim Tam Nông, Đồng Tháp. Điều nhà nhiếp ảnh già ấy đau đáu lo sợ là đến một ngày nào đó sếu đầu đỏ sẽ không còn về. Gã biết ông thấp thỏm rớt nước mắt với những con số tưởng chừng vô hồn kia: năm 2015 chỉ 11 con về. Năm 2017 chỉ 7 con về”.
Trong phần bình luận của bài viết, nhiều người đồng tình rằng, do môi trường sống thay đổi, do con người săn bắn, tận diệt mà sếu đầu đỏ hầu như vắng bóng ở VN. Có một lời cảnh báo quen thuộc về môi trường là, trong một tương lai không xa, con cháu chúng ta sẽ chỉ có thể hình dung về các loài động vật qua tranh ảnh, mô hình, chứ không nhìn tận mắt được. Lời cảnh báo đó bắt đầu ứng nghiệm.
VnExpress có bài: Sếu đầu đỏ không về Tràm Chim. Ông Nguyễn Hoàng Minh Hải, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Vườn quốc gia Tràm Chim cho biết, “không rõ sếu sống ở Tràm Chim từ khi nào, nhưng khoảng 34 năm trước, đàn sếu tại đây đã trên 1.000 con”. Chỉ sau 34 năm, “tại Việt Nam, năm nay không thấy cá thể sếu nào bay về, chỉ ghi nhận 7 cá thể bay ngang khu vực Phú Mỹ (Kiên Giang), nhưng chúng cũng không đậu lại”.
Thời tiết thất thường và khắc nghiệt ở Australia: Australia cảnh báo ngập lụt nghiêm trọng sau nhiều ngày nắng nóng, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Sau khi trải qua mùa xuân với nhiệt độ cao bất thường, mới đây, Cục khí tượng của Australia đã cảnh báo “nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng” tại khu vực biên giới giữa bang New South Wales và Queensland – khu vực có mật độ dân số đông đúc, gồm thủ phủ Brisbane của Queensland, do lượng nước mưa dâng cao.
Chỉ trong 24 giờ qua, “lượng nước mưa tại khu vực nói trên đã lên tới 475mm, khiến hàng nghìn cư dân tại khu vực duyên hải phía Đông của Australia, trong đó có đảo Fraser, có nguy cơ sống trong tình cảnh ngập lụt”. Các nhà khoa học cho rằng, thời tiết thất thường đầu mùa Hè năm nay ở Australia là do hiện tượng La Nina kết hợp với biến đổi khí hậu.
Nhà nghiên cứu môi trường Nguyễn Đạt Ân viết: Một năm của mưa bão và lửa cháy, trong tình hình biến đổi khí hậu vẫn chưa dừng lại. Ông Ân cho biết, mùa cháy rừng năm nay ở bang Califorina của Mỹ trên diện tích lớn nhất từng được ghi nhận; ở châu Phi và châu Á đều ghi nhận những trận mưa lũ khốc liệt gây thiệt hại về nhân mạng; còn băng ở Bắc Cực thì tiếp tục tan chảy. Khoảng 220 thảm họa có liên quan đến thiên nhiên đã gây ảnh hưởng đến 70 triệu người, gây thiệt hại khoảng 69 tỉ Mỹ kim.
Mời đọc thêm: Lào Cai: Người dân “tố” nhiều trạm trộn bê tông “bức tử” môi trường Sa Pa (GT). – Cháy rừng và nguy cơ mất an toàn hệ thống truyền tải điện (ANTV). – Không chặn đà suy thoái nguồn hải sản, sẽ chẳng còn gì để đánh bắt (LĐ). – Ngành công nghiệp thời trang đang bức tử các con sông (CN&TN). Mời đọc lại: 10 loài động vật biến mất trong thập kỷ qua (Zing). – Nhiều giống loài ở ĐBSCL dần biến mất (NLĐ).
– Hải cẩu nguy cấp chết hàng loạt trên bãi biển Nga (VNE). – Nước lũ nhấn chìm các điểm du lịch ở Australia (TNMT). – Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu: Trung Quốc, EU cất tiếng nói chung (Tin Tức). – Thủ tướng Nhật Bản kêu gọi thế giới quyết liệt chống biến đổi khí hậu (TTXVN). – Một dòng tia khí quyển vừa được xác định có thể gây hại đến chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu (FB Nguyễn Đạt Ân).
***
Thêm một số tin: Những nỗ lực từ Đức quốc cho TNLT Trần Huỳnh Duy Thức lên Liên minh Châu Âu (RFA). – 10 năm, ĐBSCL có gần 1,1 triệu dân bỏ xứ ra đi, lớn hơn số dân của một số tỉnh trong vùng (DV). – Nghèo đói, mất việc, dân miền Tây theo nhau tha phương cầu thực (NV). – Con tàu nước Mỹ chênh vênh trong bốn năm tới (BBC).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét