Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Ba, 15 tháng 12, 2020

Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với hệ thống nhân quyền toàn cầu – Kỳ 2

 

Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với hệ thống nhân quyền toàn cầu – Kỳ 2

Jason Nguyen

Ngoài việc tìm cách thay đổi luật chơi, Bắc Kinh còn xuất khẩu những “tiêu chuẩn mới” ra thế giới.

Trung Quốc ngày càng xuất khẩu nhiều dự án ra thế giới, cùng với đó là những luật chơi của riêng mình. Ảnh: AK Rockefeller/Flickr. CC 2.0

Như nội dung ở Kỳ 1, Trung Quốc sau khi tham gia sâu vào các định chế quốc tế đã tìm mọi cách thay đổi luật chơi, vừa để che chắn bản thân khỏi những chỉ trích về các hành vi vi phạm nhân quyền trong nước, vừa phá hoại hệ thống bảo vệ nhân quyền quốc tế.

Kỳ 2 trong báo cáo sẽ nói về cách thức Trung Quốc xuất khẩu những “tiêu chuẩn mới” của mình ra thế giới.

***

Thúc đẩy phát triển kiểu Trung Quốc: bỏ mặc quyền con người

Trong vài thập niên qua, các nhà hoạt động, chuyên gia về phát triển và các nhà kinh tế đã đạt được nhiều thành tựu trong việc tạo lập các nghĩa vụ pháp lý và quy phạm nhằm đảm bảo, rằng trong quá trình phát triển kinh tế, quyền con người vẫn được tôn trọng và có người chịu trách nhiệm.

Vào thời điểm Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới vào năm 2010, các tổ chức đa phương lớn bao gồm Tổ chức Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã áp dụng các tiêu chuẩn và chính sách bảo đảm cho quá trình tham vấn cộng đồng, yêu cầu minh bạch hóa, cũng như các vấn đề nhân quyền quan trọng khác. Năm 2011, Liên Hợp Quốc đã thông qua Nguyên tắc Hướng dẫn trong Kinh doanh và Nhân quyền (Guiding Principles on Business and Human Rights). Tổng hợp lại, những chuẩn mực toàn cầu mới này đáng lẽ đã đủ cho Bắc Kinh tham khảo, dựa vào đó có một khuôn mẫu cho họ theo đuổi việc phát triển kinh tế đi kèm với một sự tôn trọng rõ ràng về quyền con người. Thế nhưng các ngân hàng phát triển lẫn dự án Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative – BRI) của Trung Quốc đều không có dấu hiệu đi theo khuôn mẫu này. [23]

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một diễn đàn BRI vào tháng 5/2017 ở Bắc Kinh. Ảnh: Jason Lee/Pool/Getty Images.

Dự án phát triển cơ sở hạ tầng và chương trình đầu tư kèm theo của BRI, trị giá hàng nghìn tỷ USD, tạo điều kiện cho Bắc Kinh tiếp cận thị trường và tài nguyên thiên nhiên của hơn 70 quốc gia trên thế giới. Thiếu vắng các nhà đầu tư khác, các quốc gia đang phát triển đã đặt niềm tin vào Chính phủ Trung Quốc, ngay cả khi Bắc Kinh đùn đẩy nhiều phần chi phí cho các nước mà họ tỏ ra có ý định giúp đỡ.

Phương thức hoạt động của Trung Quốc trong chương trình BRI này dường như có tác dụng củng cố chủ nghĩa độc tài ở các nước “hưởng lợi”, kể cả khi những nước dân chủ lẫn độc tài đều tự nguyện nhận các khoản đầu tư hay công nghệ giám sát từ Trung Quốc. [24] Các dự án BRI, được biết đến với những khoản vay “không ràng buộc” (no strings), bỏ qua hầu hết các tiêu chuẩn về nhân quyền và môi trường. [25]Các đối tượng dễ bị tổn hại từ dự án rất ít khi, hoặc hầu như không được phép lên tiếng. Các phương thức tham vấn cộng đồng phổ biến cũng không được thực hiện. Đã có nhiều vi phạm liên quan đến dự án Đập Souapiti ở Guinea và Đập Hạ lưu Sesan II ở Cambodia, cả hai đều chủ yếu được các ngân hàng và công ty nhà nước Trung Quốc tài trợ và xây dựng. [26]

Để xây dựng các con đập trên, hàng nghìn dân làng đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của tổ tiên, mất đất canh tác, mất nguồn tiếp cận với lương thực và sinh kế của mình. Nhiều gia đình tái định cư không được đền bù thỏa đáng và không có quyền sở hữu hợp pháp đối với mảnh đất mới của họ. Người dân ở đây đã viết rất nhiều đơn thư phản ảnh về tình trạng của họ cho chính quyền địa phương và quốc gia, nhưng phần lớn đều vô ích. Một số dự án còn được thương lượng dưới gầm bàn với các giao dịch ngầm, là điều kiện cho tham nhũng xảy ra. Nhiều trường hợp những dự án này làm lợi và củng cố sức mạnh cho giới tinh hoa cầm quyền, trong khi chôn vùi người dân của quốc gia đó dưới những núi nợ.

Một số dự án BRI mang đầy tai tiếng, như hải cảng Hambantota của Sri Lanka, là dự án mà Trung Quốc đã trưng dụng lại trong vòng 99 năm khi quốc gia trên không thể trả được nợ; hay khoản vay để xây dựng tuyến đường sắt Mombasa-Nairobi của Kenya, mà chính phủ nước này đang cố gắng hoàn trả bằng cách buộc các nhà vận chuyển hàng hóa phải sử dụng, cho dù có các lựa chọn rẻ hơn thay thế.

Một số chính phủ, bao gồm ở các nước như Bangladesh, Malaysia, Myanmar, Pakistan và Sierra Leone, đã bắt đầu rút lui khỏi các dự án BRI vì chúng bất hợp lý về mặt kinh tế. [27] Trong hầu hết trường hợp, các con nợ đang gặp khó khăn đều muốn được tiếp tục ở lại trong vòng tay ấm áp của Bắc Kinh. Với sự xuất hiện của đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã đưa ra một số tuyên bố về việc giảm nợ, tuy nhiên vẫn chưa rõ về khả năng thực tế của những tuyên bố này. [28]

Cảng Hambantota của Sri Lanka giờ đây phải nhượng lại cho Trung Quốc trong 99 năm sau khi nước này không thể trả nợ. Ảnh: Lakruwan Wanniarachchi/AFP

Các khoản vay BRI cũng mang lại cho Trung Quốc một đòn bẩy tài chính trong các chương trình nghị sự chống lại quyền con người (anti-rights agenda) tại những diễn đàn quốc tế quan trọng, khi các quốc gia vay nợ đôi khi bỏ phiếu thuận theo Bắc Kinh trong các diễn đàn này. Trong trường hợp tốt nhất, các nước này giữ im lặng, còn trong trường hợp tệ nhất, họ lên tiếng ngợi khen những hành vi đàn áp người dân trong nước của Trung Quốc, cũng như trợ giúp Bắc Kinh trong việc phá hoại các thể chế nhân quyền quốc tế. Chẳng hạn như Thủ tướng Imran Khan của Pakistan, một quốc gia Hồi giáo nhận khoản vay lớn từ dự án BRI, đã không có bình luận gì về việc những người theo đạo Hồi bị đàn áp ở Tân Cương khi ông đến thăm Bắc Kinh. Trong khi đó quan chức ngoại giao của ông khen ngợi hết lời “những nỗ lực của Trung Quốc trong việc quan tâm chăm sóc các công dân Hồi giáo của mình”. [29]

Tương tự, Cameroon đã không tiếc lời ca ngợi Trung Quốc ngay sau khi được Bắc Kinh xóa khoản nợ hàng triệu USD. Nhắc đến vấn đề Tân Cương, nước này khen Bắc Kinh đã “hoàn toàn đảm bảo việc thực thi các quyền hợp pháp của cộng đồng dân tộc thiểu số”, bao gồm “những hoạt động tôn giáo và tín ngưỡng bình thường”. [30]

Các ngân hàng phát triển quốc gia của Trung Quốc, chẳng hạn như Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, ngày càng tăng cường sự hiện diện trên khắp thế giới, nhưng trong các chính sách của mình lại vắng bóng các biện pháp bảo vệ nhân quyền quan trọng. Ngân hàng phát triển đa phương AIIB do Trung Quốc thành lập cũng không khá hơn là bao. Các chính sách của ngân hàng này yêu cầu sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các dự án mà nó tài trợ, bao gồm các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội, nhưng lại không yêu cầu ngân hàng phải xác định và giải quyết các rủi ro về nhân quyền. [31] Chính phủ của nhiều quốc gia cam kết tôn trọng nhân quyền cũng nằm trong số 74 thành viên của ngân hàng này: phần lớn các nước trong Liên minh Châu Âu bao gồm Pháp, Đức, Hà Lan và Thụy Điển, cùng với Vương quốc Anh, Canada, Úc và New Zealand.

Chính phủ Trung Quốc: mối đe dọa với tự do ngôn luận trên toàn thế giới

Đã có nhiều bằng chứng chứng minh sự kiểm duyệt của Bắc Kinh bên trong lãnh thổ Trung Quốc, cũng như những nỗ lực của họ dùng các phương tiện truyền thông nhà nước tuyên truyền ra khắp thế giới. Thế nhưng chính quyền Trung Quốc không còn tỏ ra hài lòng với những nỗ lực này, mà còn đang ngày càng bành trướng tham vọng của họ.

Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, chính quyền Trung Quốc đã tìm cách hạn chế hoặc bịt miệng các cuộc thảo luận mang tính chỉ trích, đồng thời đảm bảo rằng những quan điểm và phân tích của mình được chấp nhận tại một số khu vực trên thế giới, ngay cả khi điều đó đòi hỏi việc kiểm duyệt các nền tảng trao đổi thông tin trên toàn cầu.

Chính quyền Trung Quốc từ lâu đã tiến hành theo dõi giám sát sinh viên và học giả đến từ nước này, cũng như những nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại các trường đại học trên khắp thế giới. Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã khiếu nại với quan chức các trường đại học về việc mời những diễn giả mà Chính phủ Trung Quốc cho là “nhạy cảm”, chẳng hạn như Đạt Lai Lạt Ma. Trong một thập niên qua, khi chính phủ các nước như Úc, Canada, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ cắt giảm ngân sách nhà nước cho giáo dục bậc cao, các trường đại học ở những nơi này ngày càng trở nên phụ thuộc vào nguồn tài chính từ học phí của một số lượng lớn sinh viên, cũng như của chính phủ và các công ty đến từ Trung Quốc. Điều này đã khiến các trường đại học dễ bị chính quyền Trung Quốc gây ảnh hưởng.

Một cuộc tuần hành ở Melbourne, Úc vào tháng 8/2019 ủng hộ phong trào dân chủ Hong Kong bị những người ủng hộ chính quyền Bắc Kinh xuất hiện phản đối. Ảnh: Reddit/aeterneum.

Kết quả là gì? Vào năm 2019, một loạt các báo cáo chi tiết đã ghi nhận hiện tượng kiểm duyệt và tự kiểm duyệt của một số giới chức quản lý và học giả, khi họ không muốn làm mất lòng chính quyền Trung Quốc. [32] Các sinh viên từ Trung Quốc đã phản ánh về những lời đe dọa mà gia đình mình ở trong nước nhận được vì những gì họ đã phát biểu trong lớp. Các học giả từ Trung Quốc, dù đang sống ở nước ngoài, báo cáo chi tiết về việc bị quan chức chính quyền nước này trực tiếp đe dọa, buộc họ không được chỉ trích Chính phủ Trung Quốc trong các bài giảng tại lớp hoặc tại các buổi nói chuyện của mình.

Những sinh viên khác thì cho rằng sinh viên đến từ Trung Quốc thường kín tiếng trong lớp, vì họ sợ những gì mình nói có thể bị các sinh viên Trung Quốc khác theo dõi và báo cáo với chính quyền. Một sinh viên Trung Quốc tại một trường đại học ở Hoa Kỳ đã gói gọn những lo lắng về việc bị theo dõi trong lớp học với bình luận “Chỗ này không phải là một nơi tự do”. Drew Pavlou, một sinh viên tại Đại học Queensland – người đã chỉ trích mối quan hệ của trường đại học này với Chính phủ Trung Quốc, hiện đang phải đối mặt với việc bị đình chỉ với lý do anh đã vi phạm quy tắc ứng xử của trường. [33]

Một số trường đại học khác ở Hoa Kỳ đang chịu áp lực từ chính quyền liên bang trong việc tiết lộ bất kỳ mối liên hệ nào giữa trường hoặc các học giả với các cơ quan Chính phủ Trung Quốc. Mục đích của yêu cầu này, theo tuyên bố chính thức, là nhằm chống lại những nỗ lực gây ảnh hưởng cũng như các hành vi quấy rối và đánh cắp công nghệ đến từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nhiều trường hợp xấu hổ của các trường đại học và học giả ở Úc, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ khi họ bị phát hiện có quan hệ với các công ty công nghệ, hoặc các cơ quan Chính phủ Trung Quốc dính líu đến những hành vi xâm phạm nhân quyền. Vào tháng 4/2020, Viện Công nghệ Massachusetts, sau khi áp dụng các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn về quan hệ đối tác, đã cắt đứt quan hệ với công ty nhận dạng giọng nói iFlytek của Trung Quốc. Đây là công ty đã bị tổ chức Human Rights Watch báo cáo về hành vi đồng lõa trong các hoạt động vi phạm quyền con người. [34]

Các trường đại học khác đã phải vật lộn với sự căng thẳng giữa những sinh viên chỉ trích Chính phủ Trung Quốc và những sinh viên ủng hộ. Trong một sự kiện vào tháng 3/2019 tại Đại học California Berkeley, các sinh viên từ đại lục đã cố hò hét khi những sinh viên khác đang phát biểu về cuộc khủng hoảng nhân quyền ở Tân Cương; hay vào tháng 9, khi những cá nhân không rõ danh tính đã đe dọa nhà hoạt động dân chủ Hong Kong Nathan Law khi anh đến theo học tại đại học Yale. [35]

Thế nhưng chỉ rất ít, hoặc hầu như không có trường đại học nào thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo những sinh viên và học giả đến từ Trung Quốc cũng được hưởng tự do học thuật như những sinh viên khác. [36] Thất bại trong việc giải quyết những vấn đề này đồng nghĩa với việc nhiều người bị tùy tiện áp đặt và hạn chế tham gia trong các cuộc tranh luận hoặc nghiên cứu về Trung Quốc.

Việc chính quyền Trung Quốc theo dõi và quấy rối cộng đồng người Hoa hải ngoại cũng không phải là một vấn đề mới, thế nhưng giờ đây ai cũng có thể thấy rõ, kể cả khi một người Trung Quốc sở hữu tấm hộ chiếu nước ngoài, quyền tự do ngôn luận của họ cũng không được đảm bảo. Trong những năm gần đây, ngay cả việc rời khỏi Trung Quốc cũng trở nên khó khăn hơn: Bắc Kinh đã mạnh tay ngăn cản người dân từ một số cộng đồng nhất định rời nước này thông qua các chiêu trò như từ chối hoặc tịch thu hộ chiếu, thắt chặt an ninh biên giới nhằm ngăn người Tây Tạng và người Hồi giáo Turk bỏ trốn, gây sức ép với các chính phủ từ Cambodia đến Thổ Nhĩ Kỳ buộc họ hồi hương những người xin tị nạn về Trung Quốc, vốn là một hành động vi phạm nghĩa vụ luật pháp quốc tế. [37]

Kể từ đầu năm 2017, một số người Duy Ngô Nhĩ đã phát hiện rằng mình trở thành tội phạm trong mắt Chính phủ Trung Quốc, chỉ bằng việc đi khỏi nước này và trở về, hoặc đơn giản là giữ liên lạc với gia đình và bạn bè ở nước ngoài của họ. [38]

Kết quả là, ngay cả những người đã rời khỏi Trung Quốc và có quốc tịch ở các nước dân chủ và tôn trọng nhân quyền cũng ngần ngại chỉ trích các chính sách hoặc phê phán chính quyền Trung Quốc do lo sợ bị trả thù. Họ phản ánh việc bị cắt đứt liên lạc với người thân ở Trung Quốc, bị các quan chức chính phủ theo dõi và sách nhiễu. Một số người cảm thấy họ không thể tham dự các hội thảo công cộng, chẳng hạn như các buổi nói chuyện về chính trị Trung Quốc hoặc các phiên điều trần của Quốc hội, vì sợ bị chụp ảnh hoặc bị chú ý vì sự hiện diện của mình. Những người khác thì nhớ lại việc nhận được các cuộc gọi, tin nhắn từ WhatsApp hoặc tin nhắn văn bản đe dọa từ các quan chức chính quyền tại Trung Quốc, rằng nếu công khai chỉ trích chính phủ, các thành viên gia đình của họ ở Trung Quốc sẽ phải chịu hậu quả.

Một người Duy Ngô Nhĩ đã có quốc tịch ở châu Âu cho biết: “Dù đang ở đâu hay giữ hộ chiếu gì cũng không quan trọng. Chính quyền Trung Quốc sẽ khủng bố tôi ở bất cứ đâu, và tôi không có cách gì để chống lại điều đó”. Ngay cả những người nhập cư gốc Hoa ở các nước như Canada cũng bày tỏ nỗi sợ hãi sâu sắc đối với chính phủ Bắc Kinh. Cho dù giận dữ trước những vi phạm nhân quyền diễn ra ở Trung Quốc, họ cũng lo rằng việc công khai chỉ trích chính phủ nước này sẽ ảnh hưởng đến công việc, cơ hội kinh doanh và khả năng quay trở lại Trung Quốc, hoặc thậm chí gây nguy hiểm cho các thành viên gia đình của họ ở đại lục.[39]

Chính phủ các nước tương đối thiếu phương tiện để đẩy lùi hành vi quấy rối này, khi phần lớn chúng bắt nguồn từ Trung Quốc. Vào năm 2018, Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã tăng cường tiếp cận với người Duy Ngô Nhĩ ở Hoa Kỳ, là cộng đồng từng là mục tiêu cho sự quấy rối của Chính phủ Trung Quốc; và Đạo luật Nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur Human Rights Act), được thông qua vào tháng 6/2020, đã mở rộng phạm vi tiếp cận này đối với những cộng đồng khác đến từ Trung Quốc.[40]

Bắc Kinh không còn hài lòng với việc chỉ kiểm duyệt những người dùng mạng xã hội trong nước. Ảnh: BitterWinter.

Chính quyền Trung Quốc cũng tìm cách hạn chế quyền tự do ngôn luận bên ngoài biên giới nước này, bằng cách kiểm duyệt các cuộc trò chuyện trên những nền tảng trao đổi thông tin toàn cầu. Vào tháng 6/2020, Zoom, một công ty có trụ sở tại California, thừa nhận rằng họ đã khóa tài khoản của các nhà hoạt động tại Hoa Kỳ, theo yêu cầu của chính quyền Trung Quốc, vì những người này đã tổ chức các cuộc thảo luận trực tuyến về sự kiện thảm sát Thiên An Môn năm 1989.[41]Mặc dù đã khôi phục tài khoản của những người dùng tại Hoa Kỳ, công ty này cho biết họ không thể từ chối yêu cầu của chính quyền Trung Quốc trong việc phải tuân theo “pháp luật địa phương”.

Các nền tảng khác trên thế giới cũng đã bắt đầu quy trình kiểm duyệt. WeChat, ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc với khoảng một tỷ người dùng trên toàn thế giới, trong đó có 100 triệu người dùng ở bên ngoài Trung Quốc, hiện thuộc sở hữu của công ty Tencent (Trung Quốc). [42] Chính phủ Trung Quốc và Tencent thường xuyên kiểm duyệt nội dung trên nền tảng này cũng như thao túng những gì người dùng có thể xem được. Các bài đăng có từ khóa như “Lưu Hiểu Ba” hoặc “Thảm sát Thiên An Môn” đều không thể tải lên, và những lời chỉ trích về Chính phủ Trung Quốc đều nhanh chóng bị xóa, ngay cả khi những người đăng các thông điệp như vậy đang ở nước ngoài. WeChat cực kỳ phổ biến vì tính dễ sử dụng, nhưng đây cũng là một cách hiệu quả để chính quyền Trung Quốc kiểm soát những gì mà người dùng ứng dụng này, dù ở đâu trên thế giới, có thể xem được.

Điều này cũng ảnh hưởng đến các thông điệp mà những chính trị gia bên ngoài Trung Quốc truyền tải đến cử tri của họ. Ngày càng nhiều các chính khách trên khắp thế giới sử dụng WeChat để giao tiếp với những cử tri nói tiếng Hoa tại các khu vực bầu cử của mình. Vào tháng 9/2017, Jenny Kwan, một đại biểu quốc hội của Canada, đã đưa ra một phát biểu về Phong trào Dù vàng ở Hong Kong, trong đó cô ca ngợi những người biểu tình trẻ tuổi đã “dám đứng lên và chiến đấu cho những gì mình tin tưởng, và cho một xã hội tốt đẹp hơn”; bình luận này được đăng trên tài khoản WeChat của cô, và sau đó đã bị xóa. [43]

Vẫn không rõ liệu chính khách ở các nước dân chủ có đang hoặc theo dõi như thế nào trước những nỗ lực của Bắc Kinh kiểm duyệt lời nói của họ. Trong bối cảnh Trung Quốc đóng một vai trò ngày càng đáng kể hơn trong các vấn đề toàn cầu, chính phủ các nước cần phải nhanh chóng hành động để đảm bảo rằng, khả năng kết nối giữa các đại biểu và cử tri của họ không bị lệ thuộc vào các ý đồ của Bắc Kinh.

Cuối cùng, Bắc Kinh cũng tận dụng quyền tiếp cận thị trường nội địa của mình để kiểm duyệt các doanh nghiệp, từ Marriott đến Mercedes Benz. [44] Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, và Tencent, một đối tác truyền thông của Giải bóng rổ Nhà nghề Mỹ (NBA) với hợp đồng phát sóng trực tuyến trong 5 năm trị giá 1,5 tỷ USD, cho biết họ sẽ không phát sóng các trận đấu của Houston Rockets sau khi quản lý của đội này chia sẻ trên Twitter rằng ông ủng hộ người biểu tình dân chủ ở Hong Kong. [45] Dưới áp lực từ Bắc Kinh, các công ty lớn trên thế giới đã tự kiểm duyệt mình hoặc nhân viên của họ. Một số khác thì sa thải các nhân viên bày tỏ những quan điểm được cho là chỉ trích Bắc Kinh. Việc các doanh nghiệp phải tuân theo những hạn chế kiểm duyệt khi hoạt động ở Trung Quốc đã là một điều tệ hại. Mọi chuyện còn tệ hơn khi doanh nghiệp tự áp đặt chế độ kiểm duyệt lên nhân viên và khách hàng của mình trên khắp thế giới. Chúng ta không còn có thể giả vờ cho rằng, hành vi đàn áp các tiếng nói độc lập của chính quyền Trung Quốc chỉ dừng lại tại biên giới nước này.

***

Tham khảo

[23] “China: ‘Belt and Road’ projects should respect rights,” Human Rights Watch, April 21, 2019.

[24] Sheena Chestnut Greitens, “Dealing with demand for China’s global surveillance exports,” (Washington, DC: The Brookings Institution, April 2020).

[25] Sophie Richardson and Hugh Williamson, “China: One belt, one road, lots of obligations,” Human Rights Watch, May 12, 2017.

[26] “’We’re Leaving Everything Behind’: The Impact of Guinea’s Souapiti Dam on Displaced Communities,” (New York: Human Rights Watch, April 2020).

[27] Neelam Deo and Amit Bhandari, “The intensifying backlash against BRI,” Gateway House, May 31, 2018.

[28] Yun Sun, “China’s debt relief for Africa: Emerging deliberations,” The Brookings Institution, June 9, 2020.

[29] Maya Wang, “Pakistan Cares About the Rights of All Muslims—Except Those Oppressed by its Ally, China,” Newsweek, April 17, 2019.

[30] Nick Cumming-Bruce, “China Rebuked by 22 Nations Over Xinjiang Repression,” The New York Times, July 10, 2019.

[31] “China: New bank’s projects should respect rights,” Human Rights Watch, June 24, 2016.

[32] “China: Government threats to academic freedom abroad,” Human Rights Watch, March 21, 2019; Sheena Chestnut Greitens and Rory Truex, “Repressive experiences among China scholars: New evidence from survey data,” The China Quarterly 242, (June 2020): 349-375.

[33] Tim Swanston, “Drew Pavlou, critic of University of Queensland’s links to Chinese Government bodies, suspended for two years,” ABC News (Australia), May 29, 2020.

[34] Will Knight, “MIT cuts ties with a Chinese AI firm amid human rights concerns,” Wired, April 21, 2020; “China: Voice biometric collection threatens privacy,” Human Rights Watch, October 22, 2017.

[35] Sophie Richardson, “The Chinese Government Cannot Be Allowed to Undermine Academic Freedom,” Human Rights Watch, November 8, 2019.

[36] “Resisting Chinese Government Efforts to Undermine Academic Freedom Abroad: A Code of Conduct for Colleges, Universities, and Academic Institutions Worldwide,” Human Rights Watch.

[37] “One passport, two systems,” (New York: Human Rights Watch, July 2015); “Thailand: More Uighurs face forced return to China,” Human Rights Watch, March 21, 2014.

[38] “’Eradicating Ideological Viruses’: China’s Campaign of Repression Against Xinjiang’s Muslims,” (New York: Human Rights Watch, September 2018).

[39] Yaqiu Wang, “Why Some Chinese Immigrants Living in Canada Live in Silent Fear,” Human Rights Watch, March 4, 2019.

[40] Edward Wong, “Uighur Americans Speak Against China’s Internment Camps. Their Relatives Disappear,” The New York Times, October 18, 2018.

[41] Yaqiu Wang, “China’s Zoom bomb,” Human Rights Watch, June 16, 2020.

[42] Yaqiu Wang, “How China’s censorship machine crosses borders — and into Western politics,” Human Rights Watch, February 20, 2019.

[43] Ibid.

[44] Kenneth Roth, “China’s global threat to human rights.”

[45] Kenneth Roth, “For NBA’s quandary over China, stand with human rights,” Human Rights Watch, October 8, 2019.

Nguồn: luatkhoa.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét