Văn tế cụ Kình
Thích Thanh Thắng
(Huynh đệ cùng ngồi soạn văn tế cụ Kình, mong cụ sớm siêu sinh Lạc cảnh)
Cụ Lê Đình Kình hỡi,
Mảnh hồn người đang phiêu dạt ở nơi đâu.
Hay phảng phất trong đau đáu ánh nhìn người dân nước Việt.
Tủi không đủ với lòng người tha thiết,
Đau nào bằng nơi tâm địa ngổn ngang.
Niềm tin!
Ôi sống chết với niềm tin?!
Mấy mươi năm tuổi đảng còn in,
Nhưng đất nước chẳng còn đâu vô sản.
Lợi đủ đường rơi vào bầy tham nhũng,
Danh trăm trò chạy theo thói gian manh.
Vậy mà:
Cụ vẫn ngẩng cao đầu hỏi đảng niềm tin.
Tin vào trái tim, vâng chỉ duy nhất trái tim.
Cho đến lúc không còn đau được nữa.
Máu đã ứa, không ngừng thêm máu ứa,
Bạo với tàn, không thể bạo tàn hơn.
Khi họng súng dí sát trái tim tin,
Và tiếng nổ cướp đi tình đồng chí.
Đau như thế, nỗi đau nào hơn nữa.
Hỏi cao xanh có thấu nỗi oan này.
Hỏi con người:
Độc tài súng đạn hay độc tài trái tim? (*)
Câu nhân nghĩa yên dân ai thấu tỏ?
Bộ mặt thật của bọn đàn áp đêm nhân dân đều thấy rõ.
Nhưng than ôi!
Phiên đấu tố thêm đau một lần nữa,
Bày ra trò hiến tế để làm vui.
Mặt quan toà qủy sát hiện ra rồi.
Án bỏ túi đâu còn nơi biện bạch.
Hồn ơi hồn hỡi hồn ơi!
Trong oan khuất tiếng “than ôi” ngàn vạn năm vẫn vậy.
Bàn tay sắt chẳng bao giờ mềm mại,
Thói vô thần nào biết đến nhân tình.
Hồn sinh ra trên mảnh đất Đồng Tâm,
Vốn đã đủ dung chứa cho niềm tin của những người nông dân thuần hậu.
Không vì lợi của mình mà hiên ngang trước súng đạn.
Chẳng màng cái danh cao nên dân chúng tin yêu.
Thế nên:
Cửu bệ kia đang cúi mặt giả làm thinh.
Thẹn đến mức nói tiếng dân cũng ngọng.
Lòng không sáng lại tham cầu tươi sáng.
Tim đã đen mà mong thoát đêm đen.
Vận nước càng thêm rối ren,
Thói bốc rời, nịnh, láo, huyênh hoang,
Nên ngôn ngữ loạn trong bầy tuyên giáo.
Lại hỏi:
Ai gây nhân ác cho lòng dân sôi sục.
Biến người hiền thành những kẻ liều thân?
Mong:
Hồn ơi hồn hỡi chớ quên,
Thác kia thể phách tinh anh vẫn còn.
Kiếp người sinh tử tử sinh,
Kẻ sau người trước cũng ngần ấy thôi.
Buồn gì những cảnh chia phôi.
Cái con tan tác một đời hư vô.
Xin hồn niệm tiếng Nam mô,
Thượng sinh thượng phẩm cơ đồ giang sơn.
P/s: (*) Lấy ý từ lời phát biểu của luật sư Tricon, người bảo vệ nông dân trong vụ đồng Nọc Nạn, Bạc Liêu năm 1928.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét