Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Năm, 17 tháng 9, 2020

Những yếu tố giúp trẻ em trưởng thành (Bài 2)

 

Những yếu tố giúp trẻ em trưởng thành (Bài 2)

Kim Anh

17-9-2020

Tiếp theo bài 1

Những yếu tố thật sự cần thiết để giúp trẻ em trưởng thành, trong đó có yếu tố dạy các em biết nói và biết cảm thông.

1. Biết nói:

Nhiều khi chúng ta quên tầm quan trọng của “biết nói”. Trong tiếng Pháp, chữ ‘enfant’ (trẻ con) có gốc từ chữ La tinh ‘in fani’, nghĩa là chưa biết nói, không biết nói. Biết nói đây không phải là chỉ cần thốt ra tiếng ra lời theo nghĩa đen, mà là biết cất nên Lời.

Con người là sinh vật xã hội, nên sự giao tiếp giữa người với người là vô cùng quan trọng, thiếu nó, loài người không thể tồn tại. Nhưng khác với sự giao tiếp của các giống loài sinh vật khác vốn mang tính bản năng sinh tồn, loài người được phú cho ý thức và tự do để nói điều mình muốn.

Lời mà chúng ta cất lên có thể là xây dựng mà cũng có thể là phá hoại; có thể nhân ái hoặc cũng có thể bất nhân; có thể chân thật mà cũng có thể dối trá; có thể tạo đoàn kết mà cũng có thể gây chia rẽ; có thể hiếu sinh và cũng có thể hiếu sát.

Kinh Thánh có kể câu chuyện huyền thoại về tháp Babel. Loài người lẽ ra có khả năng xây được ngọn tháp vươn lên tới trời, nhưng vì ý đồ kiêu ngạo và bất chính nên thất bại. Loài người thất bại vì mạnh ai nấy nói mà chẳng còn ai hiểu ai. Thế là họ lẹt đẹt mãi sát dưới mặt đất tầm thường, chẳng hướng lên cao hơn được. Rồi họ phân tán đi khắp địa cầu, trở thành dân này nước nọ tranh đua giành giật, chiến tranh giết chóc… cho tới tận ngày nay.

Cha mẹ là những người đầu tiên dạy trẻ em nói. Trường học là nơi tiếp tục rèn luyện để các em biết nói nên Lời. Nhưng có lẽ cách giáo dục con em của chúng ta vẫn còn thiếu sót thế nào đó, nên tiếng nói loài người đến thiên niên kỷ thứ ba này rồi vẫn chưa xứng đáng thành Lời.

***

Có phải thiên nhiên đang nhắc nhở chúng ta bằng cách gởi đến một trận dịch bắt tất cả ai nấy phải… “rọ mõm” lại? Chiếc khẩu trang nhắc ta rằng bất cứ điều gì ta thốt ra, chính ta hãy thử tự lãnh hậu quả trước hết? Vì vậy mà, phải chăng đây chính là lúc chúng ta phải đóng cửa ở nhà, cách ly với mọi ồn ào xôn xao vô nghĩa, để chăm chú hơn vào trách nhiệm dạy con em chúng ta học nói?

Muốn khuyến khích trẻ em học nói, chính chúng ta trước hết phải học kiên nhẫn lắng nghe. Trẻ không muốn nói nếu chúng ta không lắng nghe, không đồng hành, không cảm thông, không khích lệ.

Tôi quan sát con cháu tôi phải học online do nhà trường đóng cửa vì đại dịch, mà cảm thấy khá lo lắng. Bây giờ chúng có thể nói bằng cách gõ vào bàn phím trên mạng xã hội, trên các games, mà cha mẹ và thầy cô không nghe thấy gì cả!

Thiết nghĩ đại dịch virus này vừa là thách thức mà cũng vừa là cơ hội để mỗi phụ huynh chúng ta nhìn lại mình. Tôi nghĩ là một điều hay khi chúng ta không còn phải bận tâm quá nhiều về việc cố làm lụng kiếm tiền để chạy theo những chi phí ngày càng đắt đỏ của trường lớp.

Giáo dục nhà trường ở Việt Nam thật đáng buồn, điều đó ai cũng thấy. Liệu chúng ta có dám can đảm chọn lựa, không phải là tẩy chay nhà trường, mà là gánh phần chủ động nhiều hơn trong việc dạy dỗ con em chúng ta? Dạy con biết nói nên Lời, cũng có nghĩa là dạy con nên Người.

2. Biết cảm thông:

Có khi ta cũng quên yếu tố quan trọng thứ hai giúp trẻ em trưởng thành, đó là khả năng thông cảm.

Trẻ em lớn lên, trải qua giai đoạn khẳng định bản ngã, thấy mình là cái tôi độc lập, độc đáo. Mình là mình. Mình muốn trở nên chính mình. Điều đó là tốt. Trưởng thành là trở nên chính là mình, không cần là bản sao của ai cả.

Nhưng độc lập mà không biết cảm thông thì trở thành cô độc, cô lập, dễ trở thành “phản xã hội” và do đó cũng không thể hạnh phúc. Ngay trong đời sống vợ chồng mà không có khả năng cảm thông, thì chỉ làm khổ người kia và, do đó, làm khổ cả chính mình.

Khả năng thông cảm càng cao, con người càng có ích cho xã hội, cho người khác, và càng có khả năng đạt tới hạnh phúc cho chính bản thân. Nếu ta cảm thông được những khổ đau và thử thách mà người khác phải trải qua, thì chính mình khi gặp khổ đau và thử thách, mình sẽ học được bài học vượt qua, không lâm vào tuyệt vọng. Một quốc gia hay dân tộc cũng thế, biết cảm thông hoạn nạn của dân nước khác, thì cũng sẽ học được kinh nghiệm để phòng tránh hay để ứng phó với tai ương.

Khả năng cảm thông càng lớn, thì không phải chỉ thông cảm với người chung quanh hay người lân cận, không phải chỉ với đồng bào cùng dân nước, mà còn vượt biên giới chủng tộc, quốc gia, và vươn tới sự cảm thông xuyên thế hệ, xuyên lịch sử nữa.

Các môn học ở nhà trường giúp trẻ em dần dần phát triển khả năng thông cảm đó. Học sinh học một áng văn thơ hay một giai đoạn lịch sử thì không phải chỉ để thêm kiến thức, mà là thêm khả năng cảm thông. Cảm thông với các nhân vật, các tác giả nào đó sống ở thời đại trước mình có khi đã lâu, và từ đó, cảm thông với tất cả loài người và với mọi kiếp người. Biết cảm thông với thế hệ đi trước thì cũng sẽ biết thông cảm với các thế hệ sẽ đến sau.

Ngay cả học các môn khoa học tự nhiên, một điều ngầm bên dưới các bài học đó, là sự cảm thông với những nỗ lực của loài người. Các bác sĩ, dược sĩ, nhà vật lý, nhà thiên văn, nhà toán học… là những con người. Đàng sau mỗi công trình khoa học là một phận người, một con tim, khối óc, một niềm đam mê và một ý thức trách nhiệm…

Thế giới chúng ta đầy những bất công, tội ác, thù hằn, kỳ thị… và đó là nguyên nhân của biết bao đau khổ. Con người trưởng thành là gì nếu không phải là biết cảm thông với mọi bài học lịch sử và những người trong cuộc, để rồi học lấy bài học kinh nghiệm và cùng những người đương thời với mình biết cách vươn lên? Con người trưởng thành là gì nếu không phải là giàu khả năng cảm thông để cũng nhạy bén với nhu cầu của người chung quanh, của đồng bào và đồng loại mình?

Và còn phải mở rộng ra để cảm thông với muôn loài khác đang cùng sống chung với loài người trong Ngôi Nhà Chung Trái Đất này. Đó là cảm thông với thiên nhiên nữa. Chúng ta đang nếm biết hậu quả của việc loài người chỉ biết nghĩ đến mình mà không biết cảm thông với các loài vật nuôi cùng các loài hoang dã, với rừng cây và sông suối, với đại dương và bầu trời…

Nếu chúng ta không làm gì được để giúp nền giáo dục nước nhà thêm tiến bộ về điều trên, tức là phát triển năng lực cảm thông nơi con trẻ, chí ít chúng ta có thể gắng làm tốt hơn nữa việc giáo dục con em chúng ta trong chính gia đình mình.

Hãy tìm mọi cách phát triển khả năng thông cảm nơi con em chúng ta, vì đó là con đường hạnh phúc và còn là con đường sống còn cho chính chúng, trong một kỷ nguyên mà dường như mọi hiểm họa cho nhân loại đã đến mức như ly nước sắp tràn, như chỉ mành treo chuông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét