Tổng hợp xét xử vụ án Đồng Tâm ngày 7/9/2020
BIÊN BẢN PHIÊN TÒA XÉT XỬ SƠ THẨM VỤ ÁN “GIẾT NGƯỜI” VÀ “CHỐNG NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ XẢY RA TẠI THÔN HOÀNH, ĐỒNG TÂM, MỸ ĐỨC, HÀ NỘI NGÀY 09/01/2020
Quang cảnh chung
- Phiên tòa được chuẩn bị chu đáo, cẩn thận, từ khâu an ninh cho tới tổ chức phiên tòa: an ninh được kiểm sát chặt chẽ từ khoảng cách hàng trăm mét xung quanh TAND thành phố Hà Nội. Việc kiểm soát những người ra vào tòa được thực hiện nhiều vòng khác nhau. Các luật sư được trang bị máy tính để làm việc tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, việc tòa không cho các luật sư để xe trong tòa và an ninh kiểm soát, không cho luật sư gửi xe xung quanh khu vực tòa khiến các luật sư khó khăn trong việc đi tìm chỗ gửi xe và nhiều luật sư bị ướt sũng khi bước vào phòng xử;
- Phòng xử chiếm khoảng 50% là cảnh sát tư pháp, an ninh; không có người nhà các bị cáo nào được vào tham dự phiên tòa và cũng không có người dân thường nào được vào phòng xử án.
Khai mạc phiên tòa (Bắt đầu vào lúc khoảng 08h45 sáng ngày 07/9/2020)
HĐXX
- Thẩm phán Trương Việt Toàn – Chủ tọa phiên tòa;
- Thẩm phán Nguyễn Xuân Văn;
- Thẩm phán dự khuyết: Vũ Quang Huy;
- Hội thẩm nhân dân: ông Phí Văn Nghi, bà Ngô Thị Yến, ông Nguyễn Hồ Phong;
- Hội thẩm nhân dân dự khuyết: ông Hoàng Đức Thọ, ông Nguyễn Thanh Sơn.
THƯ KÝ PHIÊN TÒA
- Ông Nguyễn Mạnh Hà, ông Nguyễn Đăng Khoa, thư ký TNND thành phố Hà Nội;
- Thư ký dự khuyết: bà Nguyễn Thị Hạnh, thư ký TNND thành phố Hà Nội.
ĐẠI DIỆN VIỆN KIỂM SÁT
- Ông Lại Việt Đông, kiểm sát viên thuộc VKSND thành phố Hà Nội;
- Ông Nguyễn Hoàng Giang, kiểm sát viên thuộc VKSND thành phố Hà Nội;
- Kiểm sát viên dự khuyết: Ông Đỗ Cao Chí, kiểm sát viên thuộc VKSND thành phố Hà Nội.
1. Chủ tọa phiên tòa đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử
2. Thư ký báo cáo sự có mặt của những người được triệu tập tới phiên tòa
Có mặt:
- Các bị cáo;
- Các luật sư;
- Đại diện của UBND xã Đồng Tâm (cán bộ phòng thống kê);
- Đại diện UBND huyện Mỹ Đức (phó Chủ tịch UBND huyện);
- Mẹ ruột của bị hại Dương Đức Hoàng Quân.
Vắng mặt:
- Luật sư Nguyễn Khả Thành (có lý do);
- Đại diện của 02 bị hại Nguyễn Huy Thịnh và Phạm Công Huy.
- Đại diện Công an thành phố Hà Nội.
3. Chủ tọa thẩm tra lý lịch của các bị cáo và những người có mặt tại phiên tòa
- Bị cáo Lê Đình Chức sức khỏe yếu, đi lại phải có 2 cảnh sát tư pháp dìu;
- Bị cáo Bùi Thị Nối không trả lời khi Chủ tọa thẩm tra lý lịch mà chắp tai vái, quỳ lạy xin HĐXX cho 3-5 phút trình bày những bức xúc của những người nông dân mất đất nhưng không được chấp nhận và cảnh sát tư pháp đã phải dẫn giải bị cáo về chỗ ngồi khi bị cáo không tuân thủ theo yêu cầu trình bày của HĐXX.
4. Chủ tọa phổ biến quyền và nghĩa vụ của các bị cáo
- Đề nghị thay đổi thành viên HĐXX: Không bị cáo nào yêu cầu.
- Đề nghị thay đổi, hủy bỏ người bào chữa: Không có bị cáo nào yêu cầu.
5. Chủ tọa đề nghị đại diện vks có ý kiến
- Kiểm sát viên có ý kiến là đề nghị HĐXX hỏi các bị cáo đã nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử và các văn bản tố tụng khác hay không. Chủ tọa không đồng ý mà sẽ hỏi trong phần xét hỏi.
6. Các luật sư có ý kiến
- Luật sư Đặng Đình Mạnh: Đề nghị triệu tập bà Dư Thị Thành, bà Nguyễn Thị Duyên; ông Nguyễn Đức Chung và một số người khác;
- Luật sư Nguyễn Văn Hòa: Đề nghị triệu tập những người có trong danh sách mà tôi đã nêu trong đơn ngày 31/8/2020 và văn bản kiến nghị chung của các luật sư ngày 04/9/2020;
- Luật sư Ngô Anh Tuấn: Đề nghị giải quyết các đề nghị, yêu cầu của luật sư nộp ngày 04/9/2020 trước khi tiếp tục xét xử vụ án theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, không thể không xem xét mà không giải thích lý do (luật sư Tuấn nộp lại đơn mà các luật sư đã ký và nộp đi để HĐXX tiện xem xét);
Chủ tọa phiên tòa không đồng ý triệu tập ông Nguyễn Đức Chung và một số người khác vì những người này không liên quan tới vụ án.
- Luật sư Hà Huy Sơn: Đề nghị thành phần dự bị của HĐXX và của VKS rút lui khi thành phần chính thức đã đủ;
Chủ tọa trả lời ngay là không chấp nhận đề nghị này vì người dự khuyết phải có mặt để biết nội dung diễn biến và tiếp tục công việc trong trường hợp người chính vắng mặt do lý do bất khả kháng;
- Luật sư Nguyễn Hà Luân: Đề nghị triệu tập đại diện Công an thành phố Hà Nội có mặt tại phiên tòa, nếu không thể, đề nghị hoãn phiên tòa;
- Luật sư Nguyễn Văn Hòa: Đề nghị hoãn phiên tòa (đề nghị bổ sung);
- Luật sư Nguyễn Văn Miếng: Các luật sư bị gây cản trở quá mức là không cần thiết; đề nghị cho phép những thân nhân của các bị cáo có mặt tại tòa trong các buổi xét xử tiếp theo (hiện tại họ cũng đang bị cản trở);
- Luật sư Ngô Ngọc Trai: Đề nghị triệu tập các tổ công tác (ít nhất là tổ trưởng) trong chiến dịch vây bắt, xử lý các bị cáo trong ngày 09/01/2020;
- Luật sư Lê Văn Luân: Chúng tôi chưa được sao chụp dữ liệu điện tử, clip có trong hồ sơ nên đề nghị cho sao chụp tại tòa hoặc chuẩn bị phương tiện trình chiếu tại tòa; đề nghị triệu tập thêm giám định viên để làm rõ nguyên nhân dẫn tới cái chết của các bị hại và ông Lê Đình Kình.
HĐXX vào phòng hội ý (khoảng 10h25)
HĐXX tiếp tục làm việc (khoảng 11h05)
Chủ tọa phiên tòa trả lời các ý kiến của các luật sư
- Lúc sáng trời mưa, tắc đường nên đại diện Công an thành phố Hà Nội chưa có mặt, hiện tại đã có mặt;
- Ghi nhận yêu cầu triệu tập bà Dư Thị Thành và sẽ xem xét triệu tập trong quá trình xét xử;
- Không yêu cầu triệu tập đại diện Bộ Quốc phòng vì đơn vị này không liên quan tới vụ án;
- Sẽ xem xét kiến nghị trả hồ sơ điều tra lại của luật sư trong quá trình xét xử;
- Vẫn tiếp tục để hội thẩm nhân dân và kiểm sát viên dự khuyết tham dự phiên tòa như kế hoạch;
- Không cần thiết mời thân nhân các bị cáo để đảm bảo trật tự phiên tòa;
- Sẽ triệu tập một số người theo đề nghị của các luật sư trong quá trình xét xử;
- Chấp nhận cho các luật sư được xem toàn bộ bản clip ghi hình có trong hồ sơ trong quá trình xét xử, không giải quyết yêu cầu cho luật sư được sao chụp tài liệu này.
Các luật sư tiếp tục có ý kiến
- Luật sư Đặng Đình Mạnh đề nghị HĐXX cho các luật sư tiếp xúc với thân chủ tại phiên tòa nhưng chủ tọa không đồng ý vì các luật sư đã có nhiều thời gian tiếp xúc trước phiên tòa rồi nên không cần thiết phải tiếp xúc tại phiên tòa nữa;
- Luật sư Nguyễn Hà Luân phản đối quyết định của Chủ tọa phiên tòa vì quyết định này là vi phạm quy định của Bộ luật tố tụng về quyền tiếp xúc thân chủ của luật sư tại phiên tòa;
- Luật sư Lê Văn Hòa và các luật sư khác xin phát biểu tiếp nhưng Chủ tọa phiên tòa kết thúc phần thủ tục, chuyển sang phần xét hỏi.
Phần xét hỏi
Đại diện VKSND thành phố Hà Nội đọc bản cáo trạng
Kiểm sát viên Nguyễn Hoàng Giang đọc bản Cáo trạng số 241/CT-VKS-P2 ngày 24/6/2020 do Phó Viện trưởng VKSND thành phố Hà Nội Bùi Thị Hồng Anh ký thay Viện trưởng VKSND thành phố Hà Nội. Bản cáo trạng gồm 51 trang, truy tố 25 bị can ra trước TAND thành phố Hà Nội để xét xử về tội “Giết người” theo điểm a,d,n,o Khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự, bao gồm: Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Nguyễn Quốc Tiến, Nguyễn Văn Quân, Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Bùi Thị Nối, Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Thị Lụa, Trần Thị La, Bùi Văn Tiến, Nguyễn Văn Duệ, Lê Đình Quân, Bùi Văn Niên, Bùi Văn Tuấn, Trịnh Văn Hải, Nguyễn Xuân Điều, Mai Thị Phần, Đào Thị Kim, Lê Thị Loan và Nguyễn Văn Trung; truy tố 04 người về tội “Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 330 Bộ luật Hình sự.
- Khi đọc tới phần cái chết của con mình, mẹ của bị hại Quân khóc;
- Khi đọc tới phần cụ Kình chết, bị cáo Bùi Viết Hiểu lắc đầu ngao ngán.
HĐXX nghỉ làm việc buổi sáng (lúc 12h00) và thông báo bắt đầu vào lúc 13h30 chiều cùng ngày.
FB Tuan Ngo
Khiếu nại về quyền bào chữa
Tại phần thủ tục phiên toà sáng nay, khi chúng tôi đề nghị giải quyết vấn đề gặp bị cáo tại phiên toà, do trước đó có người mặc thường phục ngăn cản khiến tôi sửng sốt không hiểu chuyện gì xảy ra, vị thẩm phán nói rằng việc tiếp xúc bị cáo này là “không cần thiết”.
Và ngay lập tức, chúng tôi phải thực hiện việc khiếu nại tới Chánh án toà án TP Hà Nội để giải quyết yêu cầu của chúng tôi về hành vi gây khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp tới quyền bào chữa, quyền tiếp xúc bị cáo tại phiên toà của luật sư.
Đây là một tiền lệ tôi chưa từng gặp trong các phiên toà trước đây.
Nguyễn Hà Luân, Luật Sư Lệ Quyên, Tuan Ngo, Dung Nguyen Tien, Trương Chí Công, Nguyen Van Mieng, Manh Dang, Ngô Ngọc Trai, Luật Sư Hải Quảng
FB Luân Lê
Chiều nay 7/9/2020
13:30 - 15:30 Kiểm sát viên mới công bố xong 36/51 trang còn lại của Cáo trạng.
Toà cho trình chiếu... phim phóng sự của đài truyền hình về vụ Đồng Tâm với kỹ xảo điện ảnh và hiệu ứng âm thanh dài khoảng 10 phút, và dùng các clip nhận tội không có trong hồ sơ vụ án để xét hỏi các bị cáo.
Cụ Bùi Viết Hiểu bị xét hỏi đầu tiên. Cụ phản bác Video vì "hình ảnh ghép rất nhiều". Họ đã lấy clip của sự kiện Công an Hà Nội giải phóng con tin tại nhà văn hoá xã ngày 19/4/2017 để ghép cho sự kiện 9/1/2020. Clip nhận tội trong trại tạm giam, đã bị xoá phông, là cụ bị ép nói đúng như những gì cảnh sát điều tra sắp xếp.
Đã có 6 bị cáo bị xét hỏi chiều nay, có cách ly, hỏi từng người: ngoài Cụ Hiểu, còn có các ông Lê Đình Công, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh và Nguyễn Quốc Tiến.
17:30 phiên toà tạm dừng.
8:00 ngày mai 8/9/2020 phiên toà tiếp tục phần xét hỏi.
FB Nguyen Van Mieng
Lo lắng thường trực
Khi tôi ra tiếp xúc bị cáo, và bị ngăn lại bởi một người thường phục, nói, chủ toạ không cho phép gặp tại phiên toà. Sau đó, tôi nói, vậy có gì là luật pháp ở đây nữa.
Khi Hội đồng xét xử quay trở lại, với các nội dung của các luật sư về phần thủ tục, ông chủ toạ được luật sư Đặng Đình Mạnh hỏi về vấn đề không cho gặp thân chủ có đúng là như vậy không, thì ông nói đúng và vì lý do “không cần thiết”.
Ngay lập tức tôi đứng thẳng dậy, và trước mặt tôi, cùng lúc luật sư Nguyễn Hà Luân cũng đứng dậy và cả hai cùng nói: tôi phản đối. Và điều luật được tôi đánh dấu chỉ rõ ra từ trước để làm căn cứ cho phản đối này là hợp hiến và hợp pháp. Ông chủ toạ làm bộ mặt căng thẳng, gắt lên, tôi kết thúc phần thủ tục tại đây.
Và chiều nay, cuối giờ chiều, lại thực sự có những vấn đề về chứng cứ tại phần thẩm vấn (xét hỏi).
Chúng tôi hoàn toàn có cơ sở thực tế để lo lắng rằng, việc xét xử với quy định phạm vào điều luật căn bản như vậy ngay ngày đầu tiên, số phận pháp lý của các bị cáo sẽ khó lòng tránh được sự đối xử thiếu công bằng với một quy trình tố tụng buộc phải tuân thủ điều đó mới có công lý tối thiểu cho người bị buộc tội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét