Tổ chức quốc tế INFOSAN nói về nhiễm độc thực phẩm tại Việt Nam

  • Bùi Thư
  • BBC News Tiếng Việt
Bác sĩ đang khám bệnh nhân ngộ độc pâté Minh Chay tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Chụp lại hình ảnh, 

Bác sĩ đang khám bệnh nhân ngộ độc pâté Minh Chay tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Việt Nam còn khoảng 10 người ngộ độc botulinum nặng trong vụ pâté Minh Chay và đã cần đến sự hỗ trợ của WHO để xử lý khủng hoảng.

"Ngộ độc botulinum trong thực phẩm rất nguy hiểm, có khả năng gây tử vong. Tuy nhiên, loại ngộ độc này rất hiếm. Mức độ thành công của việc điều trị sẽ phụ thuộc vào phát hiện sớm và việc kháng độc nhanh", tiến sĩ Peter K. Ben Embarek, Trưởng bộ phận Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm của INFOSAN, chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.

INFOSAN là mạng lưới về an toàn thực phẩm nằm dưới sự điều hành của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO). INFOSAN yêu cầu thành viên phải báo cáo các vụ việc khẩn cấp liên quan tới an toàn thực phẩm để từ đó có phương án đối phó trên phạm vi quốc tế.

INFOSAN nói gì?

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, tiến sĩ Peter K. Ben Embarek cho biết văn phòng INFOSAN quốc tế đã được báo cáo về vụ việc. 

"Báo cáo từ Việt Nam cung cấp một số kết quả điều tra ban đầu, chi tiết các sản phẩm được đề cập và các biện pháp kiểm soát nguy cơ đang được triển khai. Theo đó, sản phẩm này được sản xuất tại Việt Nam và không xuất khẩu cũng như không có trên các sàn trực tuyến quốc tế". 

Sau khi nhận được báo cáo, INFOSAN đã đưa lên cơ sở dữ liệu chia sẻ để từ đó các nước thành viên có thể triển khai biện pháp phòng ngừa cũng như đối phó hiệu quả một khi xảy ra khủng hoảng tương tự.

Nam bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn pâté Minh Chay
Chụp lại hình ảnh, 

Nam bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn pâté Minh Chay

Ông Embarek nhấn mạnh vụ ngộ độc này một lần nữa nhắc nhở tất cả các quốc gia cần đặc biệt coi trọng công tác phòng ngừa. 

"Phòng ngừa thực phẩm nhiễm độc botulinum dựa trên quy trình đúng về chế biến, đặc biệt là trong quá trình làm nóng và khử trùng cũng như các biện pháp đảm bảo vệ sinh", ông nói.

Tiến sĩ Embarek cho biết INFOSAN cùng với đội hậu cần của WHO đã chuyển thuốc giải độc tới Việt Nam đồng thời "luôn sẵn sàng cung cấp sự trợ giúp về kỹ thuật liên quan đến phòng ngừa, chuẩn bị và đối phó với các vụ ngộ độc thực phẩm tương tự". 

INFOSAN là một mạng lưới kiểm soát an toàn thực phẩm quốc tế. Một khi có sự cố liên quan tới an toàn thực phẩm, INFOSAN sẽ giúp trao đổi thông tin nhanh nhất giữa các nước thành viên, qua đó có thể triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó cũng như đảm bảo loại thực phẩm nhiễm độc được thu hồi. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các loại thực phẩm được xuất khẩu tới nhiều nước.

"Việc chia sẻ thông tin có thể bao gồm dữ liệu các sản phẩm liên quan để truy vết và thu hồi. Nó cũng có thể bao gồm thông tin về vi khuẩn, virus gây ngộ độc để nhận biết hoặc mã gene của mầm bệnh", tiến sĩ Embarek cho biết thêm.

Hơn ba tháng mới hồi phục

Ngộ độc botulinum trong thực phẩm rất ít gặp ở Việt Nam và vụ ngộ độc liên quan đến độc tố có trong pâté Minh Chay của Công ty Lối Sống Mới là vụ lớn nhất từ trước đến nay. Theo thông tin từ ngành y tế, hiện đã có hàng chục người nhiễm độc trong khi việc thu hồi sản phẩm cũng chưa được thực hiện xong. 

Bộ Y tế Việt Nam vào ngày 8/9 cho biết đã có thêm 10 lọ thuốc giải độc botulinum, loại độc tố có trong pâté Minh Chay, được nhập về Việt Nam. Đây là số dược phẩm do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tài trợ.

Được biết, loại thuốc này rất đắt tiền, trị giá tới 8.000 USD/lọ và được nhập về để điều trị cho khoảng 10 người bị ngộ độc nặng chưa có thuốc giải. Trước đó, Việt Nam đã nhập hai lọ từ Thái Lan.

Bộ Y tế Việt Nam cũng vừa đã ban hành hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc botulinum trong cuộc khủng hoảng sức khỏe liên quan đến việc sử dụng pâté có nhiễm độc. 

Sản phẩm pâté Minh Chay bị thu hồi.
Chụp lại hình ảnh, 

Sản phẩm pâté Minh Chay bị thu hồi.

Theo đó, thực phẩm gây ngộ độc botulinum có thể gặp trong thịt hộp, ngoài ra thế giới còn ghi nhận các vụ ngộ độc từ rau, quả, thịt cá được sản xuất không đảm bảo cùng với môi trường bảo quản bên trong không đảm bảo, bào tử phát triển thành vi khuẩn và sinh độc tố gây ngộ độc.

Hướng dẫn của Bộ Y tế cho biết người ngộ độc có thể khởi phát bệnh trong vòng 12-36 giờ sau khi ăn, cũng có trường hợp tới 8 ngày mới phát bệnh. Các dấu hiệu phổ biến là buồn nôn, nôn; liệt đối xứng hai bên bắt đầu từ vùng đầu, mặt và cổ, lan dần xuống chân; nhìn đôi, nói khó, nhìn mờ, sụp mi, liệt vùng ngực và bụng; liệt hai chân, phản xạ gân xương thường giảm hoặc mất trong khi người bệnh vẫn tỉnh táo.

Người bị bệnh phải được điều trị trong thời gian dài, có thể phải thở máy hai tháng trước khi cai và cần 100 ngày điều trị mới bước vào giai đoạn phục hồi.

Vấn đề báo động 

Vụ pâté Minh Chay nhiễm khuẩn cực độc một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về an toàn vệ sinh thực phẩm tại Việt Nam.

Trong khi quy trình sản xuất, từ nuôi trồng tới chế biến, còn chưa được giám sát chặt chẽ và các tiêu chuẩn an toàn quốc tế chưa được áp dụng trên diện rộng, thì công tác quản lý, kiểm soát còn nhiều bất cập, lỏng lẻo và tiêu cực.

Việt Nam có nhiều cơ quan cùng tham gia công tác kiểm soát an toàn thực phẩm, như Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Công an… Một sản phẩm ra được thị trường đòi hỏi có nhiều giấy phép. Tuy nhiên, do sự quản lý chồng chéo thiếu hiệu quả, dễ phát sinh tiêu cực nên an toàn thực phẩm vẫn là bài toán nhức nhối thâm niên, đặt sức khỏe và tính mạng người dân trước những nguy cơ thường trực.

Báo cáo đầu năm 2020 của Bộ Y tế cho biết, trong năm 2019, toàn quốc ghi nhận 76 vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 2.000 người mắc, 1.918 người đi viện và 8 trường hợp tử vong. 

Ngày 11/6, số liệu thống kê được công bố tại một hội thảo do Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế tổ chức cho thấy từ năm 2010 - 2019, trên cả nước ghi nhận 1.556 vụ ngộ độc thực phẩm, với hơn 47.400 người mắc; trong đó có 271 người chết, gần 40.190 người phải nhập viện.

Riêng năm 2020, tính đến ngày 31/5, toàn quốc ghi nhận 48 vụ ngộ độc thực phẩm làm hơn 870 người mắc, 824 người nhập viện điều trị và 22 người tử vong, tăng cao so với năm 2019. 

Trang web Minhchay.com đưa ra thông báo về vụ ngộ độc.
Chụp lại hình ảnh, 

Trang web Minhchay.com đưa ra thông báo về vụ ngộ độc.

Một điểm lưu ý là nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao tại các bếp ăn tập thể trong các khu chế xuất, khu công nghiệp. Theo thống kê, từ năm 2010 đến năm 2019, cả nước ghi nhận 149 vụ với 10.847 người mắc, 9.889 người nhập viện. Trung bình mỗi năm xảy ra 15 vụ với 1.135 người mắc và 1.084 người nhập viện. 

Theo Bộ Y tế, với trên 8 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ, kiểm soát an toàn thực phẩm đối mặt với thách thức cam go. Các thói quen, tập quán canh tác, sản xuất, mua bán, tiêu dùng nhỏ lẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, như sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo chất lượng, không đúng quy trình.

Trong khi đó, việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong khu dân cư, các cơ sở chế biến nhỏ không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn hết sức khó khăn.

"Tại Việt Nam, cũng như tất cả các quốc gia khác, các hệ thống quốc gia kiểm soát an toàn thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng", tiến sĩ Embarek đánh giá.