Bầu cử 2020: Microsoft nói 'Tin tặc Nga, TQ, Iran nhắm vào Trump và Biden'
Microsoft cho biết tin tặc có quan hệ với Nga, Trung Quốc và Iran đang tìm cách rình mò những người và nhóm liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Các tin tặc Nga từng gây ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ năm 2016 lại tiếp tục hoạt động lần này.
Microsoft nói "rõ ràng là các nhóm hoạt động ở nước ngoài đã tăng cường nỗ lực của họ" nhắm vào cuộc bầu cử.
Cả hai chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump và đảng viên Dân chủ Joe Biden đều nằm trong tầm ngắm của những kẻ tội phạm mạng.
Tin tặc Nga thuộc nhóm Strontium đã nhắm vào hơn 200 tổ chức, trong đó nhiều tổ chức có liên quan đến các đảng chính trị của Mỹ - cả đảng Cộng hòa và Dân chủ, Microsoft nói trong một tuyên bố.
Cũng những hacker này đã nhắm vào các đảng phái chính trị của Anh, Microsoft cho biết, nhưng không nói rõ đảng nào.
Strontium còn được gọi là Fancy Bear, một đơn vị tấn công mạng được cho là có liên kết với tình báo quân sự Nga, GRU.
Microsoft còn nói gì?
Tom Burt, phó chủ tịch phụ trách bảo mật khách hàng của Microsoft cho biết: "Tương tự như những gì chúng tôi đã quan sát vào năm 2016, Strontium đang khởi động các chiến dịch thu thập thông tin đăng nhập của mọi người hoặc xâm phạm tài khoản của họ, có lẽ để hỗ trợ thu thập thông tin tình báo hoặc làm cản trở hoạt động".
Microsoft nói tin tặc Trung Quốc đã thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào các cá nhân có liên quan đến chiến dịch của ông Biden, trong khi tin tặc Iran nhắm vào những người có liên quan đến chiến dịch của Trump.
Theo Microsoft, hầu hết các cuộc tấn công mạng đều không thành công. Các cuộc tấn công cũng không nhắm vào các nhóm xử lý hệ thống bỏ phiếu.
Ông Burt nói: "Những gì chúng tôi đã thấy giống với các hình thức tấn công trước đây, không chỉ nhắm mục tiêu vào các ứng viên và nhân viên chiến dịch tranh cử mà còn vào cả những người mà họ tham khảo ý kiến về các vấn đề quan trọng.
"Những hoạt động này cho thấy các cá nhân và tổ chức dính dáng đến chính trị có nhu cầu tận dụng các công cụ an ninh miễn phí hoặc chi phí thấp để bảo vệ mình khi chúng ta gần đến ngày bầu cử."
Microsoft báo cáo rằng các nhóm hacker Trung Quốc đã thực hiện các cuộc tấn công vào tài khoản email cá nhân của những người có liên quan đến chiến dịch của ông Biden, cũng như vào"ít nhất một nhân vật quan trọng trước đây từng liên kết với chính quyền Trump".
"Những nhân vật quan trọng" trong cộng đồng ngoại giao quốc tế, các tổ chức học thuật và tổ chức chính sách cũng được cho là mục tiêu của nhóm hacker Trung Quốc, được gọi là Zirconium.
Nhóm hacker Iran có tên Phosphorus đã không thành công khi tìm cách truy cập tài khoản của các quan chức Nhà Trắng và nhân viên chiến dịch tranh cử của ông Trump từ tháng Năm đến tháng Sau năm nay.
Microsoft không thể xác định mục tiêu của tin tặc Nga, Trung Quốc và Iran. Hồi tháng Sáu, Google cho biết họ đã phát hiện các nỗ lực tấn công mạng tương tự của Trung Quốc và Iran.
Phó thư ký báo chí quốc gia chiến dịch Trump Thea McDonald cho biết: "Chúng tôi là một mục tiêu lớn, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi thấy các hoạt động độc hại nhắm vào chiến dịch hoặc nhân viên của chúng tôi."
Một quan chức chiến dịch tranh cử của Biden cho biết: "Chúng tôi đã biết ngay từ đầu chiến dịch rằng chúng tôi sẽ phải hứng chịu những cuộc tấn công như vậy và chúng tôi đã chuẩn bị cho việc này".
Báo cáo được phát đi một ngày sau khi một người tố giác tại Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ cáo buộc rằng ông ta đã bị áp lực để phải hạ thấp nguy cơ Nga can thiệp vào Hoa Kỳ vì nó "làm cho hình ảnh của tổng thống xấu đi".
Can thiệp bầu cử - một vấn đề lưỡng đảng
Phân tích của Nada Tawfik, phóng viên BBC Bắc Mỹ
Năm 2016, những nỗ lực của Nga nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử nhanh chóng bị chính trị hóa và bị một số người ủng hộ tổng thống cho rằng nó là trò lừa bịp. Phát hiện của Microsoft nêu bật thực tế rằng can thiệp bầu cử là một vấn đề lưỡng đảng, cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều gặp rủi ro.
Bước vào cuộc bỏ phiếu quan trọng năm 2020, không chỉ các cơ quan tình báo, mà cả khu vực tư nhân cũng quan tâm và hành động để ngăn chặn các mối đe dọa đối với tiến trình dân chủ.
Nhưng họ chẳng làm được gì nhiều nếu không có hành động của chính phủ. Tom Burt đã đưa ra quan điểm trong một bài viết của mình, khuyến khích Quốc hội thông qua ngân sách bổ sung của tiểu bang để bảo vệ cơ sở hạ tầng bầu cử.
Sau đó, ông đã đi xa hơn, khuyến khích các quốc gia đảm bảo hòa bình và an ninh không gian mạng thông qua các sáng kiến toàn cầu, bao gồm một sáng kiến đang được tiến hành tại Liên Hợp Quốc.
Chính quyền Trump phản ứng như thế nào?
Quan chức mạng hàng đầu của Bộ An ninh Nội địa, Christopher Krebs, cho biết cảnh báo của Microsoft đã xác nhận những gì cộng đồng tình báo Mỹ đã tuyên bố.
Ông Krebs nói: "Điều quan trọng cần nhấn mạnh là không có [mục tiêu] nào liên quan đến việc duy trì hoặc vận hành cơ sở hạ tầng bỏ phiếu và không có tác động nào được xác định đối với các hệ thống bầu cử.
Trước đó, hôm thứ Năm, chính quyền Trump đã buộc tội một công dân Nga âm mưu can thiệp vào tiến trình chính trị của Hoa Kỳ.
Bộ Tài chính Mỹ cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một nhà lập pháp Ukraine có liên hệ với Moscow, Andrii Derkach, người bị cáo buộc có các âm mưu can thiệp tương tự.
Ông Derkach bị cáo buộc đã tung ra các đoạn ghi âm có chỉnh sửa nhằm bôi nhọ đảng viên Đảng Dân chủ Joe Biden. Các bản ghi âm đã được Tổng thống Donald Trump nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Người Ukraine này đã gặp luật sư riêng của Tổng thống Mỹ, Rudy Giuliani, tháng 12 năm ngoái.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét