Ba lỗi thể chế huỷ hoại niềm tin vào chính sách đất đai Việt Nam
Võ Văn Quản
8-9-2020
Nếu chẳng may rơi vào ma trận quy hoạch đất đai của chính quyền, người dân luôn bị đặt ở thế cùng đường.
Có những người sống cả đời mình mà không gặp bất kỳ trục trặc gì về đất đai với chính quyền sở tại. Có những người khác còn làm giàu được nhờ vào cấu trúc quản lý đất đai hiện hành. Nhưng điều này không che đi được những bất bình đẳng về mặt thể chế trong các chính sách đất đai.
Hiện nay, Việt Nam chưa có thống kê chính thức về số lượng người bị ảnh hưởng do những cuộc di dời, cưỡng chế dự án và các vấn đề liên quan đến đất đai khác, nhưng tỉ lệ này ở Việt Nam có thể khá tương đồng với Campuchia hay Trung Quốc.
Ở Campuchia, có khoảng 850.000 người Cambodia (tương đương 6,5% dân số) chịu ảnh hưởng do các xung đột đất đai trong năm 2005, theo nghiên cứu của Tiến sĩ Babette Wehrmann, một chuyên gia về chính sách đất đai của Đức. Còn ở Trung Quốc, theo nghiên cứu của Giáo sư Eva Pils thuộc King’s College London, có khoảng 44 triệu người (tương đương 4-5% dân số) chịu tác động trực tiếp từ các hoạt động cưỡng chế đất đai cùng giai đoạn này.
Nếu xem tỉ lệ ở Việt Nam cùng ở mức 5% thì số người chịu ảnh hưởng của cưỡng chế, thu hồi đất ở nước ta sẽ lên đến khoảng 5 triệu người một năm. Có một sự bất tín nhiệm không thể chối cãi của một lượng lớn quốc dân trong cách chính quyền hành xử và giải quyết các tranh chấp công liên quan đến đất đai.
Dưới đây là ba lý do thể chế khiến niềm tin của khối dân cư buộc phải tiếp xúc với chủ trương đất đai của chính quyền Việt Nam luôn ở tình trạng rất thấp.
1. Lời nói dối về một “tương lai tươi sáng”
Nghiên cứu tình huống về tranh chấp đất đai trong lĩnh vực công ở Việt Nam (do Asian Foundation và Bộ Ngoại vụ và Công thương Australia hợp tác sản xuất) phát hiện một khoảng cách giữa người dân và chính quyền trong truyền thông về đất đai. Nghiên cứu thực hiện năm 2014 này cho thấy rõ độ vênh giữa những lời hứa của chính quyền, kỳ vọng của người dân khi được vận động di dời; và thực tế quyền lợi chính đáng của họ được bảo vệ ra sao sau khi di dời.
Hai tình huống được phân tích và nhắc đến trong nghiên cứu này để làm rõ vấn đề nói trên là dự án Thủy điện Sơn La và Khu Kinh tế Dung Quất.
Theo nhóm khảo sát, cả hai dự án đều được bắt đầu khá trơn tru. Người dân sống tại hai khu vực chấp nhận di dời mà không có bất kỳ khiếu nại chính thức nào. Đây đều là hai dự án trọng điểm của chính quyền Việt Nam tại thời điểm đó, và người dân bị áp đặt phải là có “nghĩa vụ đương nhiên” phải ủng hộ và tuân thủ chủ trương của nhà nước.
Không chỉ vậy, vì đều là hai khu vực kém phát triển, số tiền đền bù được cho là tương đối lớn so với khả năng sản xuất kinh tế của nhiều hộ dân trong nhiều năm liền. Việc hình thành hai dự án tại khu vực cũng được cho là sẽ giúp giải quyết một số vấn đề về việc làm và mức sống cho người dân địa phương.
Tuy nhiên ngay sau khi việc di dời được thực hiện xong, chính quyền quay lại thái độ không đối thoại, không quan tâm đến đời sống của người buộc phải tái định cư. Điều kiện sống tại các khu tái định cư được khảo sát là nghèo nàn (ở Dung Quất), và thậm chí là không phù hợp (ở Sơn La).
Đây là tình trạng chung của hầu hết các dự án lớn nhỏ liên quan đến đất đai. Những lời hứa hẹn và viễn cảnh về một tương lai tươi sáng hơn đối với những người chịu ảnh hưởng bởi quy hoạch, di dời dần trở thành vô nghĩa. Trong trường hợp đất đai là nguồn sống duy nhất của họ , các hoạt động phản kháng có xu hướng bạo lực trước sự áp đặt của chính quyền trung ương – địa phương là không thể tránh khỏi.
2. Đất biến thành nguồn tích tụ tư bản cho giới thân hữu
Dù có được thuyết phục bằng viễn cảnh về cơ hội việc làm hay phát triển đô thị, những người phải chịu cảnh di dời không thể không nhận ra mình đã gần như bị lừa, khi nhìn thấy nguồn lợi kếch xù mà các nhà đầu tư nhận được từ mảnh đất của họ.
Lấy ví dụ của khu đô thị Phú Mỹ Hưng, giá đất theo mét vuông từ thời điểm chi trả cho các hoạt động di đời, san lấp mặt bằng (2004) cho đến lúc dự án bắt đầu thành hình (2009) tăng… 500 lần (từ 26.000VND/m2 đến 13.200.000VND/m2).
Hiện nay, con số này đã lên đến hàng trăm triệu đồng cho một mét vuông. Dùng bất kỳ lý giải nào về chi phí đầu tư hạ tầng cũng không thể thuyết phục được rằng khoản lợi nhuận mà các nhà thầu, các chủ đầu tư nhận được là hợp lý hay xứng đáng.
Không phải không có lý do mà trong nhóm những cá nhân giàu có nhất Việt Nam, hết ⅓ trong số đó là những người có liên quan đến lĩnh vực bất động sản.
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup. Ảnh: Báo Thanh Tra
Cùng lúc đó, sự can thiệp quá… chủ động và tích cực của chính quyền địa phương lẫn trung ương vào quá trình làm giàu của các doanh nghiệp liên quan đến dự án khiến cho sự nghi ngại của người dân càng tăng lên.
Trong những cuộc xung đột này, người dân không chỉ bị giới hạn về thông tin, tiếng nói. Họ còn chịu rủi ro bị trừng phạt nếu có các hành vi chống đối chủ trương. Với tình hình luật pháp hiện nay, chỉ việc phát biểu không thuận tai lãnh đạo địa phương cũng đã có thể khiến người dân phải ngồi tù.
Mới đây, liên quan đến dự án Quảng trường Biển do tập đoàn Sun Group đầu tư vào bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), hai người đã phải ngồi tù với tội danh “gây rối trật tự công cộng”. Lý do là họ đã phát biểu trái ý tại một buổi họp có mặt của ông Mai Văn Liêm, Bí thư Thành ủy Sầm Sơn.
Kinh doanh bất động sản, từ đó, trở thành lĩnh vực siêu lợi nhuận mà chỉ những ông trùm tư bản thân hữu mới có thể gia nhập ngành.
3. Hệ thống tư pháp công bằng không tồn tại
Trong một hệ thống chính quyền vận hành kém hiệu quả và có dấu hiệu lợi ích nhóm, thứ duy nhất có thể giúp người dân giải tỏa các tranh chấp đất đai là kiện ra tòa. Tuy nhiên, đáng tiếc rằng con đường này cũng không tồn tại.
Người viết hiển nhiên không mặc định rằng cứ hễ người dân khởi kiện thì họ đúng, và chính quyền thì lúc nào cũng làm sai. Nhưng có một thực tế là các cơ quan tư pháp Việt Nam hoặc là không quan tâm, hoặc là bất lực trước sức mạnh của các cơ quan hành pháp.
Kể cả phán quyết chung thẩm của tòa về tính hợp pháp của quyết định hành chính do cơ quan chính quyền các cấp ban hành cũng không có mấy tác dụng.
Theo một thống kê chính thức năm 2017, sau khi nhận được phán quyết của tòa, đã có đến 85 vụ việc mà cơ quan nhà nước không chịu thi hành bản án, trong vỏn vẹn trên dưới 300 vụ khởi kiện án hành chính trên cả nước. Trong đó, có năm vụ liên quan đến quyết định, hành vi hành chính của Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh. Tỉ lệ từ chối thi hành như vậy là gần 1/3, tức là cứ ba bản án được đưa ra thì sẽ có một bản án rơi vào quên lãng.
Đối với một số vụ việc tại thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan đã viện dẫn nhiều lý do không được ghi nhận trong luật để tự hoãn thi hành án. Nghiêm trọng hơn, mới đây, cơ quan Kiểm lâm Tuyên Quang cũng có văn bản “chê” bản án của Tòa án Cấp cao tại Hà Nội là xử sai luật và không chịu chấp hành.
Với thái độ “lồi lõm” của chính cơ quan công quyền đối với hệ thống tư pháp như thế, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người dân cho rằng họ sẽ khó có thể được bảo vệ cả về mặt pháp luật hay thực tiễn khi đi theo con đường khởi kiện.
Luật sư Ngô Ngọc Trai, một người có nhiều năm kinh nghiệm trong tố tụng đất đai công cũng thừa nhận thực tế đáng buồn nói trên. Theo ông, cơ quan quản lý địa phương từ trước đến nay đều cho rằng tòa án là cơ quan yếu thế hơn, do đó, họ không cần thiết phải nghe theo bản án hay hội ý với phía cơ quan tư pháp.
Ngoài ra, ngay cả khi vụ việc được đưa ra trước tòa, các đảng viên choàng áo thụng trong tư cách thẩm phán cũng không có lá gan nào để qua mặt ý kiến của bí thư hay các tổ chức đảng cấp trên, vốn đều là những người đồng thuận và cho phép chủ trương đất đai bị thách thức.
***
Những lời hứa hẹn viển vông, quan hệ giữa chính quyền và các nhóm lợi ích bất động sản, và cuối cùng là một hệ thống tư pháp què quặt khiến người dân luôn bị đặt vào đường cùng khi họ chẳng may rơi vào vào “ma trận” quy hoạch của chính quyền. Niềm tin mất thì đã đành, những cuộc đụng độ giữa người dân và chính quyền còn dẫn đến đau thương mất mát về tính mạng và sức khỏe của cả hai bên. Cái giá của “phát triển” tại Việt Nam thật sự quá đắt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét