Nhật Bản phản đối việc gây căng thẳng ở Biển Đông
Chính phủ Nhật Bản 'quan ngại chính đáng' và 'phản đối mạnh mẽ' bất kỳ hành động nào gây gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, một phản hồi bằng văn bản hôm 31/7/2019 của Bộ Ngoại giao Nhật Bản gửi BBC News Tiếng Việt cho biết.
Ngoại trưởng Nhật Bản theo kế hoạch sẽ tham dự phiên họp an ninh với ngoại trưởng các nước khối ASEAN cùng đại diện Mỹ, Nga, Trung Quốc và Úc trong thứ Sáu 2/8, nhân Hội nghị Ngoại trưởng khối ASEAN lần thứ 52 được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan.
Tình hình căng thẳng ở Biển Đông giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng Đông Nam Á được trông đợi sẽ chiếm phần quan trọng trong nghị trình phiên họp này.
Nhật Bản quan ngại về tình hình Biển Đông
Trả lời câu hỏi của BBC Tiếng Việt về trở ngại liên quan tới hoạt động của giàn khoan Hakuryu-5 và kế hoạch tới đây sau khi Chính phủ Việt Nam thông báo gia hạn thời gian hoạt động của giàn khoan này tại Lô 06.1, Bộ Ngoại giao Nhật Bản trả lời bằng thư điện tử hôm thứ Tư 31/7 như sau:
"Bộ Ngoại giao Nhật Bản không thể bình luận về hoạt động của từng công ty của Nhật Bản."
"Tuy nhiên, nhìn chung, Chính phủ Nhật Bản tin rằng vấn đề liên quan đến Biển Hoa Nam (Biển Đông) có liên quan trực tiếp đến hòa bình và ổn định trong khu vực, và là mối quan ngại chính đáng của cộng đồng quốc tế bao gồm Nhật Bản."
"Chính phủ Nhật Bản phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động nào làm gia tăng căng thẳng ở Biển Hoa Nam."
"Nhật Bản nhất quán ủng hộ việc tuân thủ toàn diện luật pháp biển và muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực đối với các giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế mà không thông qua việc sử dụng vũ lực hay hăm dọa, nhằm giải quyết tranh chấp liên quan đến các vấn đề tại Biển Hoa Nam đối với tất cả các nước liên quan."
Trung Quốc 'dọa nạt' và thực chất ý đồ
Trước đó, trong một diễn biến liên quan, một học giả từ Viện Nghiên cứu chiến lược Chatham (Anh quốc) bình luận về vụ đối đầu trên Bãi Tư Chính với BBC Tiếng Việt, cho rằng Trung Quốc đã có hành đồng dọa nạt đối với Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Bill Hayton, đồng thời cũng là một ký giả, nói thêm rằng thực chất ý đồ của Bắc Kinh là muốn ép các nước phải 'khai thác chung' và các hoạt động khai thác phải được Trung Quốc đồng ý, dựa trên tuyên bố chủ quyền của cường quốc này.
"Theo những gì tôi nghĩ, Trung Quốc rất muốn phủ quyết mọi việc khai thác dầu khí ở trong cái gọi là 'Đường lưỡi bò' mà họ đặt ra. Tức là họ muốn các nước Asean phải đồng ý khai thác chung," Bill Hayton nói với Bàn tròn thứ Năm hôm 25/7 từ Washington D.C. (Hoa Kỳ), nơi ông tham dự Hội thảo khoa học về Biển Đông lần thứ 9 do Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) của Mỹ tổ chức.
"Cụ thể là họ đã quấy rối với việc khai thác dầu khí không chỉ là của Việt Nam mà cả với Malaysia. Mọi người đều biết là công ty Rosneft của Nga đã nhận lại một số cơ sở khai thác của hãng BP của Anh vài năm trước và bây giờ đang tiến hành khai thác dầu khí.
"Còn các công ty của Malaysia cũng tiến hành khai thác dầu khí ở ngoài khơi của đảo Borneo, mà điều này thì Trung Quốc không muốn.
"Theo như tôi thấy, Trung Quốc muốn trừng phạt Việt Nam vì Việt Nam bắt đầu khai thác, đã nghiên cứu và khai thác phần lòng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thế nhưng Trung Quốc cũng muốn tất các các công ty thương mại ở bên ngoài muốn làm ăn ở trong vùng này về khai thác dầu khí thì phải được sự đồng ý của Trung Quốc.
"Hiện nay, Trung Quốc mới đang tiến hành thăm dò thương mại thôi, chứ chưa phải là khoan, hoặc thăm dò dầu khí, hoặc khai thác, thế nhưng Trung Quốc muốn tỏ ra rằng họ sẽ bảo vệ được những hoạt động đó và không muốn các nước khác thực hiện như vậy và ngăn chặn Việt Nam hoạt động ở cùng một chỗ."
'Mỹ phản ứng mạnh, Asean vẫn chia rẽ'
Về phản ứng của quốc tế và khu vực, ông Bill Hayton bình luận:
"Phát biểu của Mỹ, tôi thấy là rất mạnh mẽ, mạnh hơn bình thường, được công bố vào một ngày nghỉ, ngày thứ Bảy (20/7/2019), chứng tỏ Mỹ muốn đưa ra một thông điệp rất mạnh rằng các quốc gia trong khu vực này có quyền khai thác hay thăm dò dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế của mình.
"Và đấy cũng là cơ sở cho những cuộc chơi dựa trên pháp luật, pháp lý mà các nước trong vùng, cũng như quyền lợi của Hoa Kỳ muốn ủng hộ.
Về phản ứng của chính phủ Việt Nam, những phản ứng đầu tiên cho tới thời điểm ngày 25/7, ông Hayton nói:
"Với chính phủ Việt Nam, tôi nghĩ rằng họ đang phải làm một động tác cân bằng, tức là họ không có một cuộc biểu tình như đã xảy ra cách đây 5 năm, nhưng đồng thời họ không muốn ở vị thế gọi là nằm bẹp dưới đất và để Trung Quốc bước qua. Do đó họ ở trong một vị thế khó khăn."
Nhận xét về phản ứng của các nước trong khối Asean, học giả thuộc Viện Chatham House nói:
"Vấn đề ở đây chính là không có phản ứng gì và phản ứng không mạnh mẽ từ các nước Asean và Asean theo tôi gần như là không hoạt động gì trong lĩnh vực này.
"Lấy ví dụ như trong mười nước này, thì Campuchia sẽ không bao giờ ủng hộ một tuyên bố mạnh mẽ của nước khác về vấn đề Biển Đông. Do đó họ sẽ không thể có được sự đồng thuận."
Về quan tâm của nước Anh đối với vấn đề xung đột, căng thẳng ở Biển Đông và giải pháp đề xuất có thể, ông Bill Hayton nói:
"Anh quốc từ xưa đến nay vẫn muốn ủng hộ cho những nguyên tắc tôn trọng pháp luật, chẳng hạn cụ thể như Công ước Luật Biển và tôi không thấy là Hải quân Hoàng gia Anh sẽ đi tuần tra bảo vệ cho Việt Nam.
"Thế nhưng chắc chắn là ủng hộ về chính trị, ủng hộ về các tuyên bố trên pháp lý, thì trên nguyên tắc, Anh quốc có thể làm được."
'Vẫn còn không gian để thỏa thuận'
Bình luận điểm đáng lưu ý về Hội thảo Khoa học lần thứ 9 về Biển Đông của Trung tâm CSIS của Mỹ, cũng như điểm quan trọng nhất trong tham luận của bản thân tại Hội thảo, nhà nghiên cứu Billy Hayton nói:
"Hội thảo này có rất nhiều người tham dự và chứng tỏ có sự quan tâm, ngay cả từ giới hoạch định chính sách của Hoa Kỳ và đây là một sự quan tâm thường trực, tức là còn tiếp tục.
"Còn trong phần của mình, tôi trình bày những nghiên cứu của tôi về Biển Đông, về bản đồ, hay những cái tên của các hòn đảo ở đó.
"Kết luận chính của tôi là những tuyên bố chủ quyền mà Trung Quốc đưa ra mới chỉ xuất hiện vào những năm 1946, 1947 về Trường Sa mà thôi.
"Vì thế theo tôi vẫn có những không gian để có thể thỏa hiệp, thỏa thuận được với nhau trong những vấn đề tranh chấp này," học giả, kiêm ký giả Bill Hayton nói với Bàn tròn thứ Năm của BBC Tiếng Việt từ London hôm 25/7/2019.
Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi Bàn tròn thứ Năm từ London của BBC News Tiếng Việtgồm bình luận của học giảBill Hayton, Tiến sỹ Trần Công Trục và những khách mời khác về sự kiện Bãi Tư Chính và thực chất cuộc đối đầu.
Xem thêm:
Tin liên quan
- TQ cam kết tuân thủ luật quốc tế và 'làm việc tích cực' về vấn đề Biển Đông
- Bãi Tư Chính: Tranh chấp song phương hay đa phương và VN cần làm gì?
- Bãi Tư Chính: Không thấy có biểu tình phản đối Trung Quốc
- Bãi Tư Chính: Trung Quốc ‘tinh vi’, Việt Nam ‘yếu thế’?
- Trần Công Trục: 'TQ muốn tạo kịch bản để vào hẳn vùng biển VN'
- Mỹ đòi TQ 'dừng thái độ bắt nạt' nước khác ở Biển Đông
- Bãi Tư Chính và lô 06-01: Rõ hơn về tàu Trung Quốc ‘quấy nhiễu’ Việt Nam
- Bãi Tư Chính: 'VN nên công bố chi tiết' và đừng 'hạn chế báo chí'
- Việt - Trung: Căng thẳng xảy ra "suốt một tuần" ở Bãi Tư Chính
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét