Hong Kong, quân đội TQ và tin giả trên mạng xã hội
Sau khi Bắc Kinh tuyên bố có thể dùng quân đội trấn áp, mạng xã hội tuần qua tràn ngập tin tức nói lính Trung Quốc đã kiểm soát Hong Kong, nhưng là tin giả.
Hong Kong nay đang trong tháng thứ ba có các cuộc biểu tình rộng khắp phản đối dự luật dẫn độ, trong đó có những vụ xô xát, đụng độ bạo lực giữa người biểu tình với cảnh sát.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Ngô Khiêm hôm 24/7 cảnh báo rằng quân đội nước này có quyền vãn hồi trật tự tại Hong Kong nếu như chính quyền địa phương có yêu cầu.
Dùng hình ảnh cũ và bịa tin
Ngay sau khi Bộ Quốc phòng ra tuyên bố trên, trên mạng xã hội đã lan truyền một đoạn video ngắn, chỉ 39 giây, được cho là cho thấy cảnh xe tải quân sự Trung Quốc chạy trên đường phố Hong Kong.
Đoạn video được đăng tải, chia sẻ tràn ngập trên các mạng xã hội khác nhau như Facebook, YouTube, Twitter, Weibo, làm dấy lên nỗi sợ hãi về sự can thiệp của Trung Quốc vào cuộc khủng hoảng hiện thời ở Hong Kong.
Đoạn video này được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội với lời giải thích đi kèm là binh lính Trung Quốc đang chiếm quyền kiểm soát thành phố: "Siêu nhạy cảm! Tại Jotun, Hong Kong, binh lính PLA (Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) đang đi qua. Cảnh sát Hong Kong đang dẹp đường cho họ!"
Một số 'post' chia sẻ tuyên bố được cho là từ giới chức Hong Kong đưa ra hôm 24/7, kêu gọi người dân ở trong nhà "để đảm bảo an toàn cá nhân" trong lúc quân đội đang triển khai việc nắm quyền kiểm soát tình hình.
Tuy nhiên, hãng tin AFP nói rằng họ đã tiến hành kiểm chứng thông tin, và xác nhận đó là các thông tin sai.
Trên thực tế, AFP nói nội dung đoạn video trên đã được lan truyền trên mạng kể từ 11/2018 với độ dài 1 phút 24 giây, còn giới chức Hong Kong thì không hề ra tuyên bố trên.
Trong một tin được đăng trên Twitter, phần text đi kèm đoạn video 39 giây viết: "Xe tải quân sự Trung Quốc chạy quanh thành phố để theo dõi các công dân Hong Kong phản đối dự luật dẫn độ. Tất cả chúng ta cần ủng hộ người dân Hong Kong dân chủ, yêu hòa bình. Okinawa và Đài Loan cần cẩn thận. Họ đang sau lưng các bạn. #hãycứuhongkong."
AFP nói dựa trên kết quả từ công cụ tìm kiếm hình ảnh đảo của Google (Google reverse image search), họ xác định được rằng tất cả các nội dung trên đều là tin giả, và đoạn video 39 giây có nội dung trùng khớp tới từng khung hình với một đoạn video dài 1 phút 24 giây đã được đăng trên YouTube từ 9/11/2018, và nội dung gốc là cảnh xe tải quân sự Trung Quốc chạy trên khu vực Cửu Long của Hong Kong hồi 2018.
Tương tự, AFP nói trên trang web chính thức của chính quyền Hong Kong cũng không hề ra thông cáo báo chí nào hôm 24/7 về hoạt động kiểm soát thành phố của quân đội Trung Quốc.
Tin giả, tin giả, tin giả
Không chỉ có đoạn video và thông cáo giả nêu trên, còn có rất nhiều tin giả khác được tung ra trong tuần qua.
Trong một tin được đăng trên Twitter chỉ vài giờ sau khi ông Ngô Khiêm phát biểu, nội dung được chia sẻ là hình ảnh binh lính quân đội Trung Quốc đi bộ tại một bến tàu và lời giải thích họ đang "tiến vào Hong Kong". AFP nói họ xác minh được rằng đoạn video đó thực ra được quay tại Trung Hoa lục địa.
Một video khác với cảnh các xe bọc thép chạy trên đường phố khu vực Cửu Long được chia sẻ hôm 24/7 với lời giải thích kèm theo, "quân đội của Đảng Cộng sản tiến vào và đóng tại Hong Kong". AFP nói đây là video có từ 2012, và thật ra đó là cảnh luân chuyển quân của quân đội Trung Quốc.
Một video nữa với cảnh cảnh sát mặc thường phục trấn áp một người vẫy cờ. AFP nói đó là đoạn video cũ quay cảnh một buổi tập huấn của cảnh sát chống bạo động Nam Hàn.
Một video nghiệp dư cảnh binh lính Trung Quốc mặc đồng phục rằn ri đi bộ qua một bến ga cuối rất lớn, được chia sẻ với lời bình ngạt thở: "Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tiến vào Hong Kong." AFP nói việc xác minh vị trí địa lý cho thấy đoạn video này thật ra được quay tại một nhà ga xe lửa ở tỉnh Quảng Đông.
Lực lượng đồn trú
"Quân đồn trú Trung Quốc tại Hong Kong, khác với quân đồn trú của Anh tại đây thời trước 1997, không phải là để tượng trưng, làm cảnh hay mang tính biểu tượng," ông Lương Chấn Anh, cựu trưởng quan hành chính Hong Kong được Financial Times dẫn lời.
Hiện lượng quân đồn trú Trung Quốc tại Hong Kong có khoảng từ 6.000 đến 10.000 người.
Tuy nhiên, lực lượng này thường duy trì hoạt động kín đáo và hiếm khi xuất hiện trước công chúng trong trang phục quân đội.
Việc Trung Quốc hôm 24/7 tuyên bố có thể dùng quân đội để kiểm soát tình hình Hong Kong lập tức đã gây những phản ứng mạnh mẽ từ người dân vùng đặc khu hành chính này.
Giới chức Hong Kong luôn bác bỏ việc binh lính Trung Quốc đã được triển khai trong thành phố, tuy nhiều quan chức chính phủ Trung Quốc và các nhà lãnh đạo Hong Kong đã lên tiếng tỏ thái độ giận dữ đối với người biểu tình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét