Bãi Tư Chính: 'Vận động ngoại giao là thế tự vệ tốt nhất cho VN'
Tình trạng căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam về Bãi Tư Chính, kéo dài hơn ba tuần lễ mà chưa có dấu hiệu chấm dứt, ngày càng thu hút chú ý của giới nghiên cứu, chẳng hạn qua bài viết Pondering Chinese actions in Vanguard Bank của TS Collin Koh, đăng trên Maritime Issues hôm 22/7.
Tiến sĩ Collin Koh, nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, đưa ra một phân tích toàn diện về những hành vi mà ông gọi là "cưỡng bách" của Trung Quốc từ nhiều năm qua trong vùng Biển Đông, cụ thể là qua cuộc đối đầu mới nhất với Việt Nam tại Bãi Tư Chính.
So sánh hai sự kiện năm 2014 khi Trung Quốc chuyển giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của VN và giờ đây, đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 đến quấy nhiễu dàn khoan Hakuryu-5 của VN tại Bãi Tư Chính, cũng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của VN, TS Collin Koh nhận định là Bắc Kinh vẫn cứ bổn cũ soạn lại.
Bổn cũ này là gì?
Sau khi đưa ra yêu sách Đường 9 đoạn, tuyên bố chủ quyền trên gần hết vùng Biển Đông, Trung Quốc đóng vai "bị động" với lập luận là ''chỉ phản ứng,'' trước những 'vi phạm' của các nước trong vùng, vì "không nước nào có quyền tìm cách khám phá và khai thác tài nguyên năng lượng trong 'vùng biển tranh chấp', mà không có sự đồng ý của Trung Quốc'', bất kể Bắc Kinh có thực hiện các hoạt động tương tự hay không.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC Việt Ngữ hôm 23/7, Tiến sĩ Collin Koh vạch ra rằng, so với 2014, tình hình bây giờ có sự khác biệt lớn, ông cũng nêu ra những điều Việt Nam có thể làm để có được thế tự vệ tốt nhất trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc.
TS Collin Koh: Vào năm 2014, khi các thủ tục tố tụng của Tòa Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration - PCA) về Biển Đông còn đang diễn ra sau khi Manila kiện Bắc Kinh vào năm 2013, thì không có bảo vệ pháp lý nào để chống lại yêu sách Đường Chín đoạn (9DL) của Trung Quốc.
Vì vậy, một thay đổi đáng kể từ năm 2014 đến nay là phán quyết của PCA ngày 12/7, 2016 đã hoàn toàn vô hiệu hóa 9DL, và do đó, hợp pháp hóa hoạt động khai thác năng lượng của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Sau phán quyết của PCA, những vùng biển chồng lấn với 9DL không còn có thể được xem là vùng biển tranh chấp, trên cơ sở pháp lý đó.
Thay đổi khác trong 5 năm qua là cả Trung Quốc lẫn Việt Nam dường như đã chuẩn bị tốt hơn để kiềm chế sự căng thẳng và ngăn chặn các phản ứng mạnh mẽ trong quần chúng. Cho đến nay, chúng tôi chưa thấy bất kỳ sự náo động và bất ổn nào từ tuần trước sau khi Hà Nội thôi không cấm báo chí loan tin. Điều này cũng có nghĩa là chính quyền Việt Nam đã can thiệp một cách hiệu quả vào sự bùng nổ của tình cảm dân tộc. Chúng ta còn nhớ tình trạng bất ổn đã xảy ra trước dự thảo luật Đặc khu, được cho là có lợi cho các nhà đầu tư Trung Quốc, và chính quyền Việt Nam đã phải kìm nén mạnh mẽ các cuộc biểu tình.
BBC: Theo ông thì điều gì đã khiến Hà Nội cuối cùng cho phép truyền thông trong nước được đưa tin và công khai lên án hành động hung hăng của Trung Quốc tại Bãi Tư Chính, và còn chính chức kêu gọi ''tất cả các bên liên quan và cộng đồng quốc tế '' đến "đóng góp cho nỗ lực chung để bảo vệ và đảm bảo lợi ích chung của chúng ta"?
TS Collin Koh: Việc Trung Quốc từ chối rút tàu của họ ra khỏi Bãi Tư Chính, bất chấp những nỗ lực tốt nhất của Hà Nội để "xử lý" các tranh chấp như đã đồng ý nhiều lần với Bắc Kinh, có thể đã dẫn đến sự thất vọng trong giới chính sách Việt Nam và do đó, họ quyết định đưa vấn đề này ra trước công chúng. Một lý do khác là vì các phương tiện truyền thông chính thống đã đi đầu trong việc tường trình và chính quyền Việt Nam có thể đã thấy việc bịt kín truyền thông trong nước về vấn đề này không còn hợp lý.
Trước thực tế người Việt Nam trẻ tuổi, am hiểu công nghệ, rất dễ dàng tiếp cận với truyền thông xã hội và có thể đọc các báo phương Tây, Hà Nội không còn lý do chính trị nào để duy trì việc cấm báo chí lên tiếng, vì sợ công chúng có thể lên án là ủng hộ, hay làm nhẹ đi những hành vi của Trung Quốc. Cần lưu ý rằng tính hợp pháp chính trị của ĐCSVN cầm quyền, rất giống với trường hợp đảng cầm quyền Cộng sản Trung Quốc, cũng dựa trên sự can thiệp đúng đắn vào tình cảm và kỳ vọng của chủ nghĩa dân tộc. Ngoại giao công chúng là một yếu tố quan trọng trong sự việc này.
BBC: Với Hà Nội, Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của VN, và do đó hoàn toàn không nằm trong vùng biển tranh chấp. Với Bắc Kinh, thì bãi này nằm trong 9DL, một yêu sách đã bị PCA vô hiệu, nhưng Trung Quốc hoàn toàn phớt lờ. Vậy theo ông, làm sao để một nước nhỏ bé hơn và thậm chí ngay cả cộng đồng quốc tế đối phó hiệu quả với một quốc gia coi thường luật pháp quốc tế và chơi theo luật riêng của mình?
TS Collin Koh: Đây là một câu hỏi khó. Các quốc gia nhỏ hơn có xu hướng cổ động sự bảo vệ luật pháp, vì luật pháp và chuẩn mực quốc tế tạo điều kiện cho sự tồn tại và thịnh vượng của các nước yếu hơn trong cộng đồng quốc tế, chống lại sự bắt nạt của các cường quốc. Nói chung, ít nhất là có sự đồng thuận chung trong cộng đồng quốc tế về tầm quan trọng của một trật tự dựa trên quy tắc pháp lý, mặc dù đã có sự thay đổi cấu trúc về cán cân quyền lực toàn cầu, ví dụ, sự trỗi dậy của Trung Quốc và nỗ lực được cho là muốn lật đổ hiện trạng dựa trên trật tự và quy tắc hiện hành của Bắc Kinh.
Điều này tạo ra một thách thức dai dẳng đối với mọi phía trong cộng đồng quốc tế - sự tồn tại của các quy tắc và chuẩn mực quốc tế không đảm bảo rằng mọi người đều tuân thủ các quy tắc đó, và các cường quốc thường khai thác ưu thế sức mạnh và ảnh hưởng toàn cầu của họ để vượt qua các quy tắc này. Theo nghĩa này, Trung Quốc không đơn độc. Một số người sẽ lập luận rằng những gì Trung Quốc đang làm về cơ bản là những gì một số cường quốc khác đã làm trong quá khứ.
Vì vậy, lối thoát duy nhất cho những quốc gia nhỏ và lớn, có cùng suy nghĩ, cùng tin tưởng mạnh mẽ vào hệ thống dựa trên các quy tắc hiện hành, là phải luôn phải nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực chung của quốc tế.
BBC: Bài viết của ông đề nghị một ''phản ứng quốc tế mạnh mẽ'' để chống lại các hành động của Trung Quốc tại Bãi Tư Chính nói riêng và Biển Đông nói chung. Thế nào là một phản ứng quốc tế mạnh mẽ ? Và làm thế nào để có thể thuyết phục một phản ứng như vậy từ cộng đồng quốc tế?
TS Collin Koh: Bước đầu tiên như đã đề cập, ít nhất là một tuyên bố cứng rắn từ các cường quốc và các cơ quan quốc tế. Một số quốc gia, trong đó có các cường quốc, phụ thuộc chặt chẽ về kinh tế với Trung Quốc, và điều này có thể hạn chế hành động và lựa chọn của họ. Nhưng cho đến nay, như tôi đã chỉ ra, dự luật của Thượng viện Hoa Kỳ về việc trừng phạt Trung Quốc liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp trên Biển Đông và Biển Hoa Đông có thể là một khởi đầu tốt.
Nếu được thông qua, luật này sẽ là một ví dụ về các biện pháp đối phó mạnh mẽ hơn các tuyên bố suông. Nếu các quốc gia hay tổ chức quốc tế khác có thể làm điều tương tự, thì đó sẽ là một phản ứng thực sự vững chắc có thể ngăn chặn sự lặp lại những hành động này của Trung Quốc trong tương lai. Tất nhiên, tôi phải thừa nhận, đây là một cú sút xa.
BBC:Hà Nội có thể làm gì hơn, khi Malaysia, quốc gia khác trong vùng có hoạt động khai thác dầu khí cũng bị tàu Trung Quốc cản trở, nhưng quyết định không để báo chí chính thống đưa tin về những sự kiện này? Vàkhi ASEAN nói chung, đã khá thuần phục trước Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông, như chúng ta thấy trong Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN gần đây tại Bangkok, việc Trung Quốc quân sự hóa vùng biển tranh cãi đã không được đề cập đến, và cho đến nay, chỉ có Hoa Kỳ lên tiếng về hành vi của Bắc Kinh tại Bãi Tư Chính?
TS Collin Koh: Vẫn còn một cơ hội tiềm năng cho một tuyên bố chung mạnh mẽ hơn để chỉ trích Trung Quốc tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. Việt Nam có thể thúc đẩy mạnh mẽ hơn để thuyết phục các thành viên ASEAN khác về sự nghiêm trọng và hậu quả của hành vi của Bắc Kinh tại Bãi Tư Chính - vốn không hoàn toàn chỉ là tranh chấp giữa Việt Nam - Trung Quốc, mà còn là vì sự an toàn của trật tự quốc tế.
Việt Nam cũng có thể, thông qua các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài vận động hành lang với các cường quốc và các tổ chức quốc tế quan trọng như EU và Liên Hiệp Quốc, để đưa ra các tuyên bố về vấn đề này.
Đến năm 2020, khi Việt Nam đảm nhận vị trí chủ tịch ASEAN, Hà Nội cũng có thể ở một vị trí tốt để thúc đẩy những cổ động liên quan đến các tranh chấp Biển Đông. Nhưng điều đó cũng còn phải chờ hơi lâu, và có thể sẽ xảy ra sau khi vấn đề Bãi Tư Chính đã được giải quyết, hoặc không.
Nói tóm lại, theo tôi vận động quốc tế, qua các nẻo ngoại giao, và dùng cơ sở pháp lý có lẽ là thế tự vệ tốt nhất cho Việt Nam.
Về mặt pháp lý, kiện Trung Quốc là một biện pháp tốt. Phán quyết của Tòa Trọng tài đã làm rõ vấn đề pháp lý về các tranh chấp, bao gồm hiệu lực của 9DL, và tình trạng của các thực thể trên biển. Trong trường hợp Việt Nam, phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ rất hữu ích trong việc cung cấp một biện minh pháp lý vững chắc cho Việt Nam để đối phó với Trung Quốc.
Tin liên quan
- 'Tuyên bố chủ quyền TQ ở Trường Sa đến từ lỗi dịch thuật'
- Hợp tác Việt-Nga: Vũ khí, dầu khí và tiền tệ
- Bãi Tư Chính: 'VN nên công bố chi tiết' và đừng 'hạn chế báo chí'
- Repsol 'có cơ sở yêu cầu Việt Nam bồi thường'
- Bãi Tư Chính: Trung Quốc ‘tinh vi’, Việt Nam ‘yếu thế’?
- VN hợp tác Nhật Bản khai thác khí ở Biển Đông
- Repsol tạm ngừng khoan dầu ở VN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét