Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2019

TQ tiếp tục ủng hộ lãnh đạo và cảnh sát Hong Kong đối phó biểu tình

TQ tiếp tục ủng hộ lãnh đạo và cảnh sát Hong Kong đối phó biểu tình

29/07/2019
Ông Yang Guang, phát ngôn viên của Văn phòng chính phủ Trung Quốc phụ trách các vấn đề Ma Cao và Hong Kong.
Hôm 29/7, Trung Quốc tái khẳng định sự hậu thuẫn đối với bà Carrie Lam, nhà lãnh đạo Hồng Kông, và lực lượng cảnh sát đặc khu, đồng thời kêu gọi người dân Hong Kong phản đối tình trạng bạo lực sau một cuộc đụng độ vào cuối tuần giữa người biểu tình và cảnh sát, theo Reuters.
Tính đến ngày 29/7, cuộc biểu tình vào cuối tuần nhằm phản đối dự luật dẫn độ nghi phạm từ Hong Kong về Trung Quốc để xét xử đã bước sang tuần thứ tám liên tiếp.
Hôm 29/7, Bắc Kinh đã lên tiếng tiếp tục ủng hộ bà Lam.
Đại diện Văn phòng chính phủ Trung Quốc phụ trách các vấn đề Ma Cao và Hong Kong cho biết trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh:
“Chính phủ trung ương kiên quyết ủng hộ bà Carrie Lam lãnh đạo chính quyền Hong Kong theo pháp luật, [và] kiên quyết ủng hộ cảnh sát Hong Kong thực thi nghiêm luật pháp,” Reuters trích lời ông Yang Guang, phát ngôn viên của văn phòng, nói.
Ông nói thêm: “Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao và cảm thông với lực lượng cảnh sát Hong Kong và gia đình họ vì áp lực rất lớn mà họ đang phải gánh chịu,” ông nói.
Ông Yang nói điều quan trọng nhất là Hong Kong phải xử lý tình trạng bất ổn theo luật pháp. Ông cũng đổ lỗi cho những “người vô trách nhiệm” ở các nước phương Tây đã khuấy động bất ổn để “kiềm tỏa sự phát triển của Trung Quốc.”
Cảnh sát cho biết đã bắt giữ ít nhất 49 người trong các cuộc biểu tình hôm 28/7 vì tội tụ tập trái phép và sở hữu vũ khí để tấn công.
Cảnh sát Hong Kong hôm 28/7 đã đụng độ với hàng nghìn người biểu tình, trong khi tìm cách bảo vệ văn phòng đại diện chính của Trung Quốc khỏi đám đông, theo Reuters.
Hãng tin Anh cho rằng cuộc biểu tình chống chính quyền, vốn bắt nguồn từ các cuộc xuống đường phản đối dự luật dẫn độ, ngày càng trở nên bạo lực.

Em trai Thủ tướng Singapore ủng hộ đảng đối lập

Em trai Thủ tướng Singapore ủng hộ đảng đối lập

29/07/2019
Ông Lý Hiển Dương, em trai Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.
Ông Lý Hiển Dương, em trai của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, vừa lên tiếng ủng hộ đảng đối lập mới thành lập trước cuộc bầu cử dự kiến sẽ được tổ chức ngay trong năm nay, theo Reuters.
Vào tối ngày 28/7, ông Lý Hiển Dương bình luận trên Facebook rằng Đảng Hành động Nhân dân cầm quyền (PAP) - do anh trai ông là Thủ tướng Lý Hiển Long đứng đầu và do cha ông là cố Thủ tướng Lý Quang Diệu thành lập – “đã lạc lối.”
Những bình luận của ông được đưa ra trong bối cảnh mối bất hòa ngày càng cao giữa những người anh em trong gia đình họ Lý quanh việc xử lý ngôi nhà của cha để lại và một cuộc bầu cử mà các chuyên gia cho biết sẽ được tổ chức trong vài tháng tới và phải hoàn tất vào đầu năm 2021.
“Tôi hết lòng ủng hộ các nguyên tắc và giá trị của Đảng Tiến bộ Singapore (PSP),” ông Lý Hiển Dương viết trên Facebook.
“Ngày hôm nay, đảng PAP không còn là đảng PAP của cha tôi nữa. Nó đã lạc lối.”
Trang Business Insider cho biết, trong chưa đầy một ngày, tuyên bố trên Facebook của ông Lý Hiển Dương đã có hơn 5 ngàn lượt “thích” và hơn 1.800 lượt chia sẻ.
Đảng PAP đã lãnh đạo đất nước Singapore kể từ khi độc lập hơn nửa thế kỷ trước và chưa bao giờ chứng kiến tỷ lệ ủng hộ giảm xuống dưới 60%.
Đảng Tiến bộ Singapore mới được thành lập, do ông Tan Cheng Bock, một cựu dân biểu đảng PAP, lãnh đạo.
Trang CNA trích lời ông Tan Cheng Bock hôm 26/7 nói rằng đảng PSP sẽ hoan nghênh chào đón ông Lý Hiển Dương nếu ông muốn tham gia.
Không rõ liệu ông Lý Hiển Dương có kế hoạch tham gia chính trường hay không.

Trung Quốc tập trận ở Biển Đông, gần Đài Loan

Trung Quốc tập trận ở Biển Đông, gần Đài Loan

29/07/2019
Reuters cho biết Trung Quốc đã thiết lập một khu vực giới nghiêm ngoài khơi tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến, phía tây Đài Loan, từ 6 giờ sáng ngày 29/7 tới 6 giờ chiều ngày 2/8, để phục vụ cho hoạt động quân sự.
Quân đội Trung Quốc bắt đầu tổ chức các cuộc tập trận trong tuần này tại các vùng biển gần Đài Loan, Reuters dẫn nguồn từ cơ quan an toàn hàng hải Trung Quốc cho biết hôm 29/7, vài ngày sau khi Bắc Kinh tuyên bố sẵn sàng chiến đấu nếu Đài Loan có bất kỳ động thái nào hướng tới ly khai.
Tờ Global Times của Trung Quốc dẫn tin từ chính quyền nói rằng cuộc tập trận diễn ra trên Biển Hoa Đông và Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông].
Theo Reuters, cơ quan an toàn hàng hải Trung Quốc không cho biết khi nào cuộc tập trận sẽ được tổ chức hoặc loại lực lượng nào sẽ tham gia, nhưng cơ quan này đã thiết lập một khu vực giới nghiêm ngoài khơi tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến, phía tây Đài Loan, từ 6 giờ sáng ngày 29/7 tới 6 giờ chiều ngày 2/8, để phục vụ cho hoạt động quân sự.
Cơ quan này cũng cho biết đã lập một khu vực giới nghiêm ngoài khơi tỉnh Chiết Giang, phía đông bắc Đài Loan, để phục vụ cho các cuộc tập trận quân sự cho đến tối ngày 1/8.
Trung Quốc tuyên bố đảo tự trị Đài Loan thuộc chủ quyền của mình và chưa bao giờ từ bỏ khả năng sử dụng vũ lực để đưa hòn đảo này nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh, theo Reuters.
Từ trước đến nay, Đài Loan luôn theo dõi chặt chẽ tình hình ở eo biển để đảm bảo an toàn và ổn định khu vực, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho Reuters biết.
“Quân đội quốc gia tiếp tục củng cố năng lực phòng thủ chủ chốt của mình cũng như hoàn toàn tự tin và đủ khả năng bảo vệ an ninh quốc gia,” Bộ Quốc phòng Đài Loan nói trong một tuyên bố.
Tuần trước, Trung Quốc đã nhắc lại rằng họ sẽ sẵn sàng gây chiến với những người cố tách Đài Loan ra khỏi Hoa lục, cáo buộc Hoa Kỳ phá hoại sự ổn định toàn cầu, và tố cáo Washington bán vũ khí cho hòn đảo này.

Cảnh sát Hong Kong đụng độ với người biểu tình

Cảnh sát Hong Kong đụng độ với người biểu tình

29/07/2019
Người biểu tình trong cuộc đụng độ với cảnh sát ở Hong Kong hôm 28/7.
Cảnh sát Hong Kong hôm 28/7 đã đụng độ với hàng nghìn người biểu tình, trong khi tìm cách bảo vệ văn phòng đại diện chính của Trung Quốc khỏi đám đông, theo Reuters.
Hãng tin Anh cho rằng cuộc biểu tình chống chính quyền, vốn bắt nguồn từ các cuộc xuống đường phản đối dự luật dẫn độ các nghi phạm sang Trung Quốc, ngày càng trở nên bạo lực.
Một cuộc tuần hành hôm 27/7 để phản đối vụ người biểu tình bị côn đồ hành hung cuối tuần trước đã kết thúc trong bạo lực khi cảnh sát chống bạo loạn tìm cách giải tán đám đông.
Còn ngày 28/7, một cuộc tập hợp ôn hòa tại một công viên ở trung tâm thương mại của thành phố đã biến thành một cuộc tuần hành với sự tham gia của hàng chục nghìn người tỏa ra nhiều hướng khác nhau, khiến các ngã tư chính tắc nghẽn.
Theo Reuters, một đám đông lớn đã đổ về văn phòng đại diện của Trung Quốc ở Hong Kong, và hàng trăm cảnh sát chống bạo loạn đã được triển khai để ngăn chặn họ.
Trong khi đoàn người tiến về phía tòa nhà, hàng trăm cảnh sát chống bạo loạn cũng tiến lên, bắn hơi cay và đạn cao su vào người biểu tình.
Reuters đưa tin rằng một số người biểu tình quỳ gối trên đường vì bị ngạt hơi cay, trong khi các xe cứu thương gấp rút được triển khai tới để chở người bị thương ra khỏi hiện trường.
Hãng tin Anh nhận định rằng Văn phòng Liên lạc Trung Quốc được coi là biểu tượng của sự cầm quyền của Bắc Kinh ở Hong Kong kể từ khi thành phố này được trao trả cho Trung Quốc năm 1997.
Tòa nhà văn phòng này đã trở thành mục tiêu của những người biểu tình trẻ tuổi, được cho là tức giận vì việc Trung Quốc ngày càng bóp nghẹt các quyền tự do ở Hong Kong, theo Reuters.

TQ phản bác Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ về Hong Kong

TQ phản bác Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ về Hong Kong

28/07/2019
Cảnh sát bắn hơi cay vào người biểu tình ở Hong Kong hôm 28/7.
Trung Quốc tuyên bố rằng nước này mạnh mẽ phản đối điều Bắc Kinh gọi là tuyên bố “sai trái” của Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, ông Eliot Engel, theo Reuters.
Trong tuyên bố ra ngày 26/7, dân biểu này nói rằng ông “quan ngại sâu sắc” về thông tin về sự tàn bạo của cảnh sát Hong Kong và chỉ trích Bắc Kinh về “phản ứng ngày càng gay gắt cũng như việc miêu tả mang tính tuyên truyền” về người biểu tình Hong Kong.
Reuters dẫn lời Văn phòng Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Hong Kong hôm 28/7 nói rằng Bắc Kinh “thúc giục các chính trị gia nước ngoài chấm dứt phát đi các tín hiệu sai trái về hành vi bạo lực này”.
Văn phòng nói thêm: “Các chính trị gia Mỹ có tư cách gì mà chỉ trích pháp quyền, các quyền tự do và nhân quyền ở Hong Kong?”
Hãng tin Anh nói rằng đây là lời phản bác mới nhất của Trung Quốc đối với các chính trị gia Mỹ và Anh, sau khi họ chỉ trích phản ứng của chính quyền Hong Kong đối với các cuộc biểu tình cũng như ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc đối với đặc khu này.

Mật ước Trung Quốc - Cambodia sẽ để lại hệ quả ‘nghiêm trọng’

Mật ước Trung Quốc - Cambodia sẽ để lại hệ quả ‘nghiêm trọng’

23/07/2019
Tiến sĩ Sophal Ear, Phó Giáo sư Occidental College, đọc tham luận tại Hội Heritage, Washington DC. Ảnh chụp ngày 13/9/2018. (Sreng Leakhena/VOA Khmer) 
Báo Wall St. Journal (WSJ) đưa tin Phom Penh đã ký một thỏa thuận mậtcho phép Trung Quốc độc quyền sử dụng một phần của căn cứ hải quân của Campuchia gần Sihanoukville, trong bối cảnh Trung Quốc đang vươn ra toàn cầu, và tận dụng sức mạnh kinh tế cũng như quân sự tích lũy bấy lâu để cố tìm cách thay đổi trật tự toàn cầu, đẩy Hoa Kỳ ra khỏi vị trí cường quốc số 1 hiện nay. VOA-Việt ngữ phỏng vấn Giáo sư Tiến sĩ Sophal Ear, một nhà khoa học chính trị của Đại học Occidental, một chuyên gia về kinh tế chính trị, ngoại giao, và các vấn đề quốc tế. 
WSJ hôm 21/7 tường thuật rằng theo thỏa thuận mật được ký kết vào mùa xuân năm nay và được cả hai nước giữ kín, Trung Quốc được độc quyền sử dụng một phần căn cứ hải quân Ream của Campuchia trên Vịnh Thái Lan, không xa một sân bay lớn đang được một công ty Trung Quốc xây dựng.
Thủ Tướng Campuchia Hun Sen hôm 22/7 cực lực bác bỏ tin này. 
Tư liệu - Thủ tướng Campuchia Hun Sen ở Phnom Penh, ngày 28/6/2019.
Tư liệu - Thủ tướng Campuchia Hun Sen ở Phnom Penh, ngày 28/6/2019.
“Đây là tin tức bịa đặt tồi tệ nhất đối với Campuchia từ trước đến nay. Không thể có chuyện đó vì việc đặt các căn cứ quân sự nước ngoài trái với hiến pháp Campuchia.”
Ông Hun Sen chất vấn lại:
“Tại sao Campuchia lại cần sự hiện diện của quân đội Trung Quốc trên lãnh thổ của mình chứ?”
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Campuchia cũng bác bỏ thông tin này, nói rằng đây là tin thất thiệt.
Ông Chum Socheat:
“Chúng tôi đã nói đi nói lại nhiều lần, chúng tôi không hề phê chuẩn bất cứ căn cứ nào cho quân đội Trung Quốc hoạt động trên đất của Campuchia.”
Vậy tin này là tin có thật hay tin bịa đặt?
Một nhà khoa học chính trị chuyên về Campuchia và các vấn đề quốc tế, Phó Giáo sư Sophal Ear, trả lời VOA-Việt ngữ qua email.
“Tôi không tin là tình báo Mỹ loan truyền tin bịa đặt. Thông tin tình báo do Mỹ thu thập được qua trung gian các nhân viên tình báo cũng như các tín hiệu điện tử và những liên lạc giữa hai bên đã cung cấp một bản sao của dự thảo mật ước. Tất nhiên, tôi không có bản sao ấy trong tay. Nhưng nội sự việc Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia không kiện tờ Wall St. Journal cho thấy là không có cơ sở để kiện tờ báo này.”
Một số chi tiết của thỏa thuận cuối cùng không được xác định rõ rệt, nhưng theo dự thảo mật ước mà Mỹ có trong tay, thì Trung Quốc được sử dụng căn cứ Ream trong 30 năm, và sau đó mỗi 10 năm, thỏa thuận sẽ được tự động gia hạn. Trong thời gian này, Trung Quốc có toàn quyền đưa binh sĩ, trữ vũ khí và điều tàu chiến ra vào cảng này.
Trả lời câu hỏi của VOA-Việt ngữ, về những ảnh hưởng hay hệ quả có thể có đối với Đông Nam Á của mật ước Campuchia-Trung Quốc, nếu mật ước này được thi hành? Phó Giáo sư Sophal Ear nhận định:
“Những hệ quả của một mật ước như chúng ta vừa nói, tôi cho là rất nghiêm trọng. Campuchia thỏa thuận cho Trung Quốc duy trì khí tài trên đất Campuchia là một biến chuyển lớn. Đây sẽ là căn cứ đầu tiên của Trung Quốc trong vùng Đông Nam Á.”
Các hoạt động quân sự từ căn cứ hải quân này, phối hợp với sân bay đang được một công ty Trung Quốc xây dựng gần căn cứ Ream, sẽ tăng cường khả năng của Bắc Kinh để thực thi các yêu sách lãnh thổ và lợi ích kinh tế ở Biển Đông, trực tiếp đe dọa các đồng minh của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á, đồng thời mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Bắc Kinh tới eo biển Malacca có tầm quan trọng chiến lược.
WSJ tường thuật rằng theo dự thảo mật ước, nhân viên quân sự Trung Quốc không những có quyền mang vũ khí mà còn được mang sổ hộ chiếu Campuchia, và đáng quan tâm hơn nữa, muốn vào khu vực độc quyền của Trung Quốc tại căn cứ Ream, người Campuchia sẽ phải xin phép người Trung Quốc. Liệu điều đó có nghĩa là Trung Quốc đã nhường lại “chủ quyền” của mình tại khu vực liên hệ trong thời gian thỏa thuận kín có hiệu lực?
Thỏa thuận có hiệu lực 30 năm, rồi sau đó cứ tự động gia hạn sau mỗi 10 năm, thì thử hỏi có gì khác với một hiệp ước vĩnh viễn?
Tiến sĩ Sophal Ear
Giáo sư Sophal Ear không dấu được lo ngại:
“Nếu xảy ra thì đây sẽ là một bước nhượng bộ không thể được chấp nhận đối với bất cứ quốc gia nào. Các bạn có thể tưởng tượng người Mỹ được phép xài hộ chiếu Nhật trên đảo Okinawa không? Không! Chủ quyền sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu sổ hộ chiếu Campuchia được phân phát bừa bãi kiểu ấy. Campuchia sẽ là một nước thuộc địa của Trung Quốc. Và quả vậy: thỏa thuận có hiệu lực 30 năm, rồi sau đó cứ tự động gia hạn sau mỗi 10 năm, thì thử hỏi có gì khác với một hiệp ước vĩnh viễn?”
Liệu Việt Nam và Đài Loan có nên lo ngại? Việt Nam là một trong những nước tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, còn Đài Loan là đảo quốc mà Bắc Kinh coi là một tỉnh lỵ ly khai của Trung Quốc mà một ngày nào đó, sẽ trở về với mẫu quốc -dù muốn hay không?
Giáo sư Sophal Ear:
“Việt Nam và Đài Loan nên lo lắng là đúng, bởi vi với những bước hành động mới nhất, Trung Quốc rõ ràng đã vươn ra và phóng sức mạnh quân sự của mình sâu vào lãnh thổ Campuchia, sát với Việt Nam, và đồng thời Bắc Kinh không bao giờ từ bỏ ý định thâu tóm Đài Loan, kể cả bằng vũ lực. Mà không những chỉ có Việt Nam và Đài Loan phải lo, mà tất cả các nước khác cũng nên lo ngại, kể cả và nhất là người Campuchia.”
Theo WSJ, các quan chức Mỹ đang tìm cách thuyết phục Phom Penh thay đổi ý định. Ngoài ra, Washington còn bày tỏ lo ngại về ý đồ của Trung Quốc ở Campuchia, Mỹ không dấu thái độ hoài nghi đối với một công trình nhiểu tỉ đô của tập đoàn UDG của Trung Quốc, để phát triển điều mà họ gọi là một “dự án du lịch”, đầy đủ với môt phi đạo dài và một cảng nước sâu ở tỉnh Koh Kong, phía Tây Preah Sihanouk.
Sân bay quốc tế Dara Sakor dự kiến sẽ mở cửa hoạt động vào năm 2020. Sân bay vừa xây phi đạo dài nhất Campuchia, tới 3,2 km, có thể được sử dụng vào các mục đích quân sự.
Washington lo ngại tới mức Phó Tổng thống Mike Pence phải viết thư cho Thủ Tướng Campuchia Hun Sen vào tháng 11 năm ngoái, bày tỏ quan ngại về dự án này và khả năng Trung Quốc có thể thiết lập một căn cứ quân sự ở Campuchia. 
Vừa rồi là nội dung chính trong cuộc trao đổi giữa Phó Giáo sư Sophal Ear và VOA-Việt ngữ. Phó Giáo sư Sophal Ear là một nhà khoa học chính trị, một chuyên gia về kinh tế chính trị, ngoại giao, và các vấn đề quốc tế. Là một người gốc Campuchia, ông đã từng theo mẹ chạy sang Việt Nam tị nạn, rồi sau đó sang Pháp, và cuối cùng định cư tại Hoa Kỳ từ năm lên 10. Ông lấy bằng thạc sĩ ở Đại học Princeton, Tiến sĩ tại Đại học California, Berkeley, và là tác giả của nhiều sách nghiên cứu có giá trị trong đó có “The Hungry Dragon”, “Rồng đói” bàn về cách mà Trung Quốc tìm cách thay đổi trật tự quốc tế, để đẩy Hoa Kỳ ra khỏi vị thế cường quốc số 1 thế giới.