Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2019

Chống tham nhũng: Đảng vẫn đang đùa!

Chống tham nhũng: Đảng vẫn đang đùa!

25/01/2019
Hai nhân vật đi đầu vẫn "đùa" với chống tham nhũng.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, vừa thừa nhận: Vi phạm của các tổ chức đảng, của đảng viên, nhất là tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống... còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên cũng tại cuộc họp tổng kết hoạt động kiểm tra, giám sát của đảng CSVN năm ngoái và triển khai công tác kiểm tra, giám sát năm nay, bà Ngân khẳng định, đại ý: Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng đã có chuyển biến tích cực. Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bảo đảm công minh, chính xác, kịp thời, “thấu tình, đạt lý” (1)…
Bà Ngân lại đùa khi vừa cảnh báo nhằm biện bạch cho hiệu quả phòng – chống tham nhũng, vừa tiếp tục biểu diễn quyết tâm ngăn chặn - triệt hạ tham nhũng!
Tuần trước, tại cuộc họp tổng kết hoạt động ngành nội chính của đảng CSVN năm ngoái và triển khai công tác của ngành này năm nay ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng CSVN, đùa khi khen ngành nội chính của đảng CSVN đã phối hợp rất tốt với hệ thống tư pháp (thanh tra, công an, kiểm sát, tòa án) “điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định pháp luật nhiều vụ tham nhũng nghiêm trọng”. Chuyện phòng – chống tham nhũng chưa đâu vào đâu chỉ vì “đụng chạm đến lợi ích con người mà ở đây là lợi ích nhóm, liên quan chằng chịt ở các cấp, các ngành, rất lắt léo, phức tạp” (2)...
Giống như bà Ngân, ông Trọng tiếp tục đùa như đã từng đùa. Ông vẫn xem dân chúng Việt Nam ngây thơ, luôn đinh ninh ông đi đầu trong chống tham nhũng, chỉnh đốn đảng!
***
Cả lãnh đạo Hội đồng nhân dân lẫn lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái cùng khẳng định, việc ông Phạm Sỹ Quý, Phó Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái, được chuyển công tác về Hà Nội làm lãnh đạo một cơ quan trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) là bình thường. Các viên chức hữu trách ở Yên Bái còn nhấn mạnh, công chúng phải xem ông Quý như mọi viên chức sạch sẽ khác vì đã hết thời gian bị kỷ luật. Mặt khác, công chúng không nên… chọc ngoáy trường hợp ông Quý bởi VUSTA không phải là cơ quan nhà nước (3).
Đúng là VUSTA không nằm trong hệ thống công quyền nhưng VUSTA là phần không thể tách rời của hệ thống chính trị lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tại Việt Nam. Về tính chất, bởi VUSTA là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp đại diện cho tất cả các hiệp hội, hội nghề nghiệp tại Việt Nam nên đương nhiên là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (4) – xưa nay vẫn thay mặt toàn dân lựa chọn, giới thiệu nhân sự tham gia các cơ quan dân cử (Hội đồng nhân dân) từ phường xã, quận huyện, tỉnh thành phố, cho đến trung ương là Quốc hội. 
Nhìn một cách tổng quát, ông Quý chính là một trong những ví dụ sinh động nhất, chứng minh giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đang… đùa. 
Năm 2017, ông Phạm Sỹ Quý nổi lên như một trong những “điển hình” mà giới lãnh đạo đảng CSVN vẫn ra rả khẳng định là “vi phạm của các tổ chức đảng, của đảng viên, nhất là tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống”. Tư dinh với diện tích 13.000 mét vuông của viên Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Yên Bái, tại phường Minh Tân, thành phố Yên Bái, với quần thể kiến trúc bao gồm hàng loạt biệt thự, nhà sàn, hồ nước, vườn hoa,… chưa kể, gia đình ông Qúy còn là chủ một số trang trại, thửa đất, nhà trị giá nhiều tỉ, nằm rải rác khắp nơi, cả ở Yên Bái lẫn Hà Nội, làm dư luận nghiêng ngả.
Ngoài những thắc mắc liên quan đến chuyện ông Quý đào đâu ra tiền để tạo lập khối tài sản khổng lồ và tư dinh với quy mô như thế (?), còn vài thắc mắc khác, đáng chú ý hơn: Tại sao hệ thống công quyền ở Yên Bái lại “điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất ở Yên Bái”, rồi ký hàng loạt quyết định, cho phép gia đình ông Quý chuyển đổi đất rừng, đất ruộng vườn,… thành thổ cư, cấp giấy phép cho ông Quý xây dựng tư dinh một cách dễ dàng, nhanh chóng như vậy (?). Bà Phạm Thị Thanh Trà - chị ruột ông Quý, Chủ tịch tỉnh Yên Bái – người ký quyết định “điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất ở Yên Bái”, người bổ nhiệm ông Quý (năm 2005 từng bị bắt quả tang vì “đánh bạc”, không những không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà còn thăng tiến hơn người) làm Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường, có liên đới về trách nhiệm hay không?..
Cuối cùng… cho dù Thanh tra Chính phủ kết luận, các quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất ruộng vườn thành thổ cư để ông Quý xây dựng tư dinh là sai qui định, chưa kể ông Quý không trung thực khi kê khai tài sản, vi phạm luật phòng – chống tham nhũng nên cần “xử lý nghiêm minh”. Việc xử lý ông Quý được giao cho hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Yên Bái, nơi chị ruột ông Quý đang là Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh. Tỉnh ủy Yên Bái quyết định “cảnh cáo” đảng viên Phạm Sỹ Quý, cách chức Bí thư Đảng ủy, loại khỏi Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Yên Bái. Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái “cảnh cáo” công chức Phạm Sỹ Quý, cách chức Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường và… điều động ông Quý sang làm Phó Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái (5)!
***
Tháng 11 năm 2017, lúc kết quả xử lý ông Quý làm dân chúng Việt Nam ngỡ ngàng, sau đó nhiều người sôi lên vì giận, bởi nhiều viên chức hữu trách nhận định, xử lý như thế đã đủ nghiêm minh, ông Bùi Ngọc Lam, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, biện bạch, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền chỉ có thể hành xử đến vậy, vì pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc xử lý những tài sản mà các đương sự như ông Quý không thể đưa ra được giải trình hợp lý về nguồn gốc. Ông Lam trấn an, tình trạng ấy sẽ chấm dứt khi Quốc hội thông qua Dự luật sửa Luật Phòng – chống tham nhũng.
Đúng một năm sau – tháng 11 năm 2018, Quốc hội Việt Nam thông qua Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng. Luật Phòng – Chống tham nhũng mới vẽ vời đủ thứ nhưng không có bất kỳ qui định nào về xử lý tài sản, thu nhập mà các viên chức thuộc diện phải kê khai tài sản không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc (7). Tất cả những giải pháp nhằm xử lý tài sản không thể giải trình về nguồn gốc của những viên chức giàu có bất minh trong dự luật (xem giàu có bất minh là tội hình sự, tịch thu sung công, giao cho Tòa án quyết định, buộc nộp thuế thu nhập cá nhân), đều bị Quốc hội bác bỏ...
Giờ, bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc hội, lại có thể mạnh miệng để đùa… “vi phạm của các tổ chức đảng, của đảng viên, nhất là tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống... còn diễn biến phức tạp”! Công cụ để giải quyết thực trạng mà thỉnh thoảng bà và các đồng chí trong Bộ Chính trị lại cảnh báo một lần đã được Quốc hội do bà lãnh đạo vứt vào sọt rác. Ông Quý đã chuyển công tác về Hà Nội để ông Trọng có cơ sở than rằng, “đụng chạm đến lợi ích con người mà ở đây là lợi ích nhóm, liên quan chằng chịt ở các cấp, các ngành, rất lắt léo, phức tạp”! 
Chú thích
(4) https://vi.wikipedia.org/wiki/Liên_hiệp_các_Hội_Khoa_học_và_Kỹ_thuật_Việt_Nam
  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét