Bài 3: Các hợp đồng thầu và sự cố ngày 29/5/2017
28-1-2019
Tiếp theo bài 1: Viết cho những ngày chờ tuyên án đối với bác sĩ Hoàng Công Lươngvà bài 2: Những chứng cứ “giả mạo” buộc tội Hoàng Công Lương
Theo hồ sơ vụ án và thực tế phiên tòa, Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn là đối tác lâu năm của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Ngoài việc hợp tác đặt máy thận cho dịch vụ lọc máu thận nhân tạo, công ty này cũng là bên cung cấp hệ thống RO2 và RO mini cho BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Tháng 5/2017, Công ty Thiên Sơn gửi cho BC Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng Vật tư TTBYT – BVĐK tỉnh Hòa Bình) 03 bản báo giá chào giá cạnh tranh đối với dịch vụ cung cấp vật tư sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 cho BVĐK tỉnh Hòa Bình, trong đó có Báo giá của Công ty Thiên Sơn với giá chào cạnh tranh thấp nhất là hơn 99 triệu đồng.
Hợp đồng số 315/BVĐKT-TS ngày 25/5/2017 được giao kết giữa BVĐK tỉnh Hòa Bình (do ông Trương Quý Dương – Giám đốc, làm đại diện) và Công ty Thiên Sơn (do ông Đỗ Anh Tuấn – Giám đốc, làm đại diện).
Sau Hợp đồng số 315, Công ty Thiên Sơn ký Hợp đồng số 05/2017/TS/TA cùng ngày 25/5/2017, với Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh (do Bùi Mạnh Quốc – Giám đốc làm đại diện) để thực hiện dịch vụ cho BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Tại phiên tòa tháng 05/2018, Bùi Mạnh Quốc khai và gia đình bị cáo Quốc xuất trình chứng cứ chứng minh về việc ngày 25/5/2017 Quốc không có mặt ký Hợp đồng 05 với Công ty Thiên Sơn, đồng thời khẳng định Hợp đồng số 05 được ký tại khu vực nhà xe Bệnh viện sau khi sự cố xảy ra (vào khoảng 16h chiều ngày 29/5/2017).
Sau quá trình điều tra bổ sung từ tháng 5/2018 đến tháng 12/2018, tại trang 24 Bản KLĐT số 64 ngày 25/11/2018 của cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Hòa Bình cũng như tại trang 7 bản Cáo trạng số 01 ngày 05/12/2018 của VKSND tỉnh Hòa Bình đều đã kết luận không có việc giao kết hợp đồng số 05 vào ngày 25/5/2017 giữa đại diện Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn và Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh (do Quốc làm đại diện) mà kết quả điều tra xác định, khoảng 17h ngày 29/5/2017, chị Ngô Thị Tuyết Minh – Phó Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn mang Hợp đồng số 05 đến BVĐK tỉnh Hòa Bình đưa cho Quốc ký tại khu vực nhà để xe của cán bộ BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Như vậy, việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO 2 vào ngày 28/5/2017 không có hợp đồng nào của Công ty Thiên Sơn chuyển giao nội dung hợp đồng số 315 cho Bùi Mạnh Quốc.
Tại phiên tòa những ngày tháng 01/2019 vừa qua, một số luật sư nghi ngờ việc giao kết Hợp đồng số 315 giữa BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn là thực hiện sau khi xảy ra sự cố, và họ cũng nghĩ nhiều đến việc Hợp đồng 315 ký cùng ngày ký Hợp đồng số 05 sau sự cố 29/5/2017.
Để làm việc này, thật không khó nếu cơ quan điều tra thực hiện trưng cầu giám định, chữ ký và con dấu của Công ty Thiên Sơn trên Hợp đồng 315 và trên Hợp đồng 05 có cùng ngày thời điểm ngày 29/5/2017 hay không. Rất tiếc, hoạt động này chưa được thực hiện nên kết luận của cơ quan điều tra cũng có phần “để ngỏ” rằng: “Với các tài liệu điều tra đã thu thập được, cho thấy việc các bên ký kết hợp đồng 315, cùng các thủ tục kèm theo hợp đồng là có thật. Tuy nhiên, không có căn cứ để kết luận thời điểm ký kết hợp đồng 315/BVĐKT-TS ngoài thời điểm ngày 25/5/2017”.
Vào tháng 5/2018, khi xét xử vụ án này đã kết luận việc Công ty Thiên Sơn chuyển nhượng thầu trái pháp luật cho Công ty Trâm Anh là vì tồn tại hợp đồng 315 của BVĐK tỉnh Hòa Bình với Công ty Thiên Sơn, sau đó Công ty Thiên Sơn lại chuyển giao 100% nghĩa vụ thực hiện hợp đồng 315 cho Công ty Trâm Anh của Bùi Mạnh Quóc bằng hợp đồng số 05 giữa hai bên.
Đến nay, hợp đồng 05 được cơ quan tiến hành tố tụng kết luận là lập và ký sau khi xảy ra sự cố 29/5/2017, cho nên chỉ còn Hợp đồng số 315 làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của BVĐK tỉnh Hòa Bình theo hợp đồng này, trong sự cố.
Theo Cáo trạng và luận tội của cơ quan truy tố, Bùi Mạnh Quốc thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO2 là theo Báo giá của Công ty Trâm Anh cho Công ty Thiên Sơn. Tại phiên tòa BC Quốc khẳng định thực hiện theo Báo giá gửi qua email cho Cty Thiên Sơn ngày 18/4/2017. Lời khai của ông Trần Văn Thắng và anh Trần Văn Sơn đều khẳng định Phòng vật tư TTBYT thực hiện việc sửa chữa theo Báo giá của Thiên Sơn gửi BVĐK tỉnh Hòa Bình và đều không biết hợp đồng 315, không biết báo giá của Công ty Trâm Anh hay của Bùi Mạnh Quốc. Như vậy, việc sửa chữa hệ thống RO2 của Quốc (đại diện cho Cty Trâm Anh) thực hiện tại BVĐK tỉnh Hòa Bình là hoàn toàn không có hợp đồng tại thời điểm sửa chữa ngày 28/5/2017 vì không có Hợp đồng nào giữa BVĐK Hòa Bình với Cty Trâm Anh; không có hợp đồng nào giữa Cty Thiên Sơn và Cty Trâm Anh; đặc biệt Bùi Mạnh Quốc thực hiện dịch vụ thay thế, sửa chữa hệ thống RO2 không liên quan đến hợp đồng 315 vì Quốc khẳng định không biết gì về hợp đồng 315 và chỉ làm theo Báo giá của mình cho Công ty Thiên Sơn. Theo đó, có những vấn đề pháp lý được đặt ra để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên phát sinh trên cơ sở nào:
+ Một là, việc có hay không có hợp đồng số 315 cũng không ràng buộc trách quyền và nghĩa vụ của BVĐK tỉnh Hòa Bình với Công ty Trâm Anh hoặc BC Bùi Mạnh Quốc đối với dịch vụ thay thế, sửa chữa hệ thống RO2 vào ngày 28/5/2017;
+ Hai là, Báo giá của công ty Trâm Anh cho Cty Thiên Sơn làm căn cứ để Quốc thực hiện việc thay thế, sửa chữa ngày 28/5/2017 không có giá trị ràng buộc quyền và nghĩa vụ của BVĐK tỉnh Hòa Bình;
+ Ba là, việc thực hiện dịch vụ theo Báo giá là việc đưa ra lời đề nghị hợp đồng của phía Công ty Trâm Anh. Để thực hiện nội dung sửa chữa hệ thống RO2 nhất thiết phải có hợp đồng giữa Công ty Thiên Sơn và Cty Trâm Anh để làm cơ sở nghiệm thu, bàn giao; thanh toán qua tài khoản, thực hiện cấp hóa đơn GTGT, hạch toán, quyết toán theo Luật kế toán và chuẩn mực kế toán; thậm chí phục vụ quyết toán thuế doanh nghiệp các bên, theo luật định.
Trường hợp này không thể áp dụng thỏa thuận hợp đồng bằng báo giá đơn phương hay lời nói.
Về phía Khoa hồi sức tích cực, ông Hoàng Đình Khiếu và các y bác sĩ đơn đều khẳng định không được giao, không được biết Hợp đồng 315, nên chúng tôi cho rằng sẽ không có căn cứ để ràng buộc và đòi hỏi họ tuân thủ các nội dung hợp đồng số 315 ký giữa Cty Thiên Sơn và Bệnh viện. Điều này cũng phù hợp với lời trình bày của ông Trương Quý Dương tại phiên tòa sáng 15/01/2019 là giao triển khai Hợp đồng 315 cho 02 đầu mối là Phòng vật tư TTBYT và Phòng TCKT.
Tại phiên tòa ngày 15/01/2019, ông Trần Văn Thắng đã trả lời câu hỏi của Thẩm phán Chủ tọa về Hợp đồng 315 như sau: Tại thời điểm sửa hệ thống RO2 chưa nhận được Hợp đồng 315 mà biết nội dung sửa chữa theo kế hoạch và theo Báo giá của Công ty Thiên Sơn được chọn. Ông Thắng cho rằng Trần Văn Sơn là người xây dựng kế hoạch sửa chữa nên Sơn có thông tin nắm được nội dung sửa chữa. Việc giao Hợp đồng 315 cho Khoa HSTC để thực hiện Hợp đồng thì ông Thắng không nắm được. Trước ngày 28/5, ông Thắng chỉ đạo Trần Văn Sơn giám sát, nhưng chưa nhận được Hợp đồng 315 nên không khẳng định được hợp đồng đã được ký kết và nội dung công việc thực hiện hợp đồng có đúng như nội dung kế hoạch sửa chữa hay không.
Như vậy, đến Trưởng phòng Vật tư TTBYT Trần Văn Thắng, người được ông Thắng giao thực hiện giám sát dịch vụ sửa chữa của Quốc là Trần Văn Sơn còn không biết hợp đồng số 315 đã ký và nội dung triển khai của hợp đồng, chỉ căn cứ theo nội dung kế hoạch sửa chữa thì bất kỳ ai trong đơn nguyên Thận nhận tạo (trong đó có Hoàng Công Lương) không hay biết gì về Hợp đồng 315 là hoàn toàn thực tế!
Với góc nhìn này, BVĐK tỉnh Hòa Bình chỉ ràng buộc quyền và nghĩa vụ đối với xét nghiệm nước AAMI của hệ thống RO2 sau sửa chữa theo Hợp đồng số 315 với Công ty Thiên Sơn, không liên quan gì đến Cty Trâm Anh và Bùi Mạnh Quốc. Để phát sinh sự ràng buộc của BVĐK tỉnh Hòa Bình đối với Công ty Trâm Anh hay Bùi Mạnh Quốc thì nhất thiết phải có hợp đồng chuyển giao của Cty Thiên Sơn cho Công ty Trâm Anh hoặc cá nhân Bùi Mạnh Quốc. Trong trường hợp này, về nguyên tắc cũng không thể đòi hỏi một bản hợp đồng ký thẳng giữa BVĐK tỉnh Hòa Bình với Công ty Trâm Anh hay cá nhân Bùi Mạnh Quốc vì theo quy định lựa chọn nhà thầu báo giá cạnh tranh, BVĐK tỉnh Hòa Bình chỉ lựa chọn duy nhất Công ty Thiên Sơn làm bên thực hiện dịch vụ thay thế, sửa chữa hệ thống RO2 cho mình.
Do vậy, việc phải chờ xét nghiệm AAMI mẫu nước RO2 sau sửa chữa không còn ý nghĩa gì vì việc sửa chữa của Bùi Mạnh Quốc không hề có hợp đồng với bệnh viện; chỉ dựa trên báo giá nhưng báo giá của Quốc là báo giá cho Công ty Thiên Sơn, không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình để từ đó đưa ra vấn đề xét nghiệm AAMI buộc BVĐK tỉnh Hòa Bình phải chờ xét nghiệm.
Do vậy, việc phải chờ xét nghiệm AAMI mẫu nước RO2 sau sửa chữa không còn ý nghĩa gì vì việc sửa chữa của Bùi Mạnh Quốc không hề có hợp đồng với bệnh viện; chỉ dựa trên báo giá nhưng báo giá của Quốc là báo giá cho Công ty Thiên Sơn, không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình để từ đó đưa ra vấn đề xét nghiệm AAMI buộc BVĐK tỉnh Hòa Bình phải chờ xét nghiệm.
Điểm đáng lưu ý, tại phiên tòa cho thấy Công ty Trâm Anh của Quốc gửi cho Công ty Thiên Sơn nhiều báo giá, nhưng báo giá cuối cùng để Quốc thực hiện có giá trị 49,5 triệu đồng; tuy nhiên về phía Công ty Thiên Sơn lại khẳng định là thực hiện theo báo giá cuối cùng (không cung cấp báo giá cuối cùng cho HĐXX vì cho đó là nghĩa vụ thu thập chúng cứ của cơ quan điều tra) nên không có cơ sở để xác định được báo giá cuối cùng, chỉ biết báo giá cuối cùng của Quốc được Thiên Sơn chấp thuận và lấy làm căn cứ phù hợp đúng nội dung của hợp đồng số 315 đã ký với BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Thực tế, đối với dịch vụ sửa chữa hệ thống RO2 thì quy định xét nghiệm AAMI nằm ở đâu, phải là nằm ở báo giá của Quốc vì Quốc là bên sửa chữa hệ thống RO2 cho Bệnh viện nhưng rất tiếc báo giá của Quốc hoàn toàn không có bất kỳ sự liên quan nào đến BVĐK tỉnh Hòa Bình thì lấy cơ sở pháp lý nào để buộc trách nhiệm BVĐK tỉnh Hoà Bình phải chờ kết quả xét nghiệm AAMI?
Kết quả điều tra chứng minh không có Hợp đồng số 05 giữa Cty Thiên Sơn và Cty Trâm Anh khiến cho việc thực hiện sửa chữa hệ thống RO2 của Bùi Mạnh Quốc dù với vai trò của Công ty Trâm Anh hay cá nhân Bùi Mạnh Quốc cũng không ràng buộc bất kỳ quyền và nghĩa vụ nào của BVĐK tỉnh Hòa Bình đối với dịch vụ mà Quốc cung cấp. Đây hiển nhiên là tình tiết làm thay đổi cơ bản bản chất vụ án (khi hợp đồng 05 được ký sau sự cố).
Vậy ai phải chịu trách nhiệm cho việc Bùi Mạnh Quốc thực hiện dịch vụ sửa chữa hệ thống RO2 tại BVĐK tỉnh Hòa Bình ngày 28/5/2017 không có hợp đồng ràng buộc quyền và nghĩa vụ giữa các bên?
Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với việc xác định ai phải chịu trách nhiệm hình sự, đặc biệt là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho các gia đình nạn nhân tử vong và bị hại!
Xin lưu ý, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong trường hợp này là bồi thường do người của pháp nhân gây ra. Vậy Bùi Mạnh Quốc là người của pháp nhân nào, theo hợp đồng dịch vụ sửa chữa hệ thống RO2 nào vào ngày 28/5/2017?
(Bài 4: Chuyển giao công nghệ kỹ thuật TNT theo Đề án 1816 và sự cố)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét