Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2018

Liên Hiệp Quốc cổ vũ Miến Điện rút quân đội ra khỏi chính trường

Liên Hiệp Quốc cổ vũ Miến Điện rút quân đội ra khỏi chính trường

Tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo quân đội Miến Điện, bị Liên Hiệp Quốc đòi truy tố. Ảnh chụp ngày 19/07/2018 tại Rangoon.

Các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc hôm nay 18/09/2018 cổ vũ chính quyền dân sự Miến Điện loại quân đội nước này ra khỏi chính trường, do liên can đến việc « diệt chủng » người Rohingya. Báo cáo chung cuộc của phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc về Miến Điện kết luận: chính quyền Miến Điện cần « tiếp tục tiến trình nhằm đưa quân đội ra khỏi chính trường », và sửa đổi Hiến pháp theo hướng này.
Mặc dù chính quyền dân sự của giải Nobel hòa bình Aung San Suu Kyi đã lên nắm quyền từ năm 2016, nhưng quân đội vẫn giữ vị trí trung tâm trong đời sống chính trị Miến Điện. Quân đội nắm ba bộ quan trọng là Quốc phòng, Nội vụ, Biên giới, và giới quân nhân chiếm một phần tư trong Quốc hội, có thể ngăn chận mọi sửa đổi Hiến pháp.

Cũng như hồi cuối tháng Tám, các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc cũng đòi cách chức và khởi tố tổng tham mưu trưởng quân đội Min Aung Hlang cùng với năm tướng lãnh khác vì các tội « diệt chủng », « tội ác chống nhân loại » và « tội ác chiến tranh ».

Phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc do không được phép đến Miến Điện, đã phỏng vấn trên 850 nạn nhân và nhân chứng, đổng thời sử dụng những hình ảnh vệ tinh để kiểm chứng. Bản báo cáo nêu chi tiết một danh sách dài các tội ác đối với người Rohingya : « sát nhân », « tra tấn », « bạo hành tình dục », « cưỡng bức lao động », « làm mất tích », mà theo các nhà điều tra, là « những tội ác trầm trọng nhất theo luật pháp quốc tế ».

Báo cáo đòi hỏi « chấm dứt mọi hoạt động quân sự bất hợp pháp, vô ích hoặc mất cân xứng, đặc biệt là nhắm vào thường dân », và yêu cầu chính quyền Miến Điện « không cản trở cho việc quay lại sinh sống lâu dài » của người Rohingya. Đồng thời cần phối hợp với hội Hồng Thập Tự và chính quyền Bangladesh để nhận diện số người bị giết chết hoặc mất tích. 

Trên 700.000 người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi đã phải bỏ trốn khỏi Miến Điện trong năm 2017, và theo Y sĩ Không biên giới (MSF), có khoảng 10.000 người bị sát hại.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180918-lien-hiep-quoc-co-vu-mien-dien-rut-quan-doi-ra-khoi-chinh-truong 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét