Chiến tranh kinh tế: VN cần cải cách sâu thể chế để đi tắt đón đầu?
Ánh Liên tổng hợp
Khi Mỹ công bố áp thuế nhập khẩu với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, sàn chứng khoán của Bắc Kinh đã chuyển sang màu đỏ, nhưng ngay sau đó lại chuyển sang xanh nhờ Chính phủ bơm nguồn tiền vào. Bắc Kinh cũng cho biết họ buộc phải trả đũa để bảo vệ quyền lợi sau lệnh áp thuế mới của Mỹ, bằng cách áp thuế lên 60 tỷ USD hàng hóa.
Với cuộc chiến thương mại lần này, ông Donald Trump chỉ mang tính đại diện, bởi thực chất nó là cuộc chiến giữa một bên là liên minh Mỹ - EU, bên còn lại là Trung Quốc. Trước đó, vào ngày 25.07, EU - Mỹ đã đồng ý với nhau về việc trì hoãn các mức thuế quan, hướng đến giảm thuế đối với thép và nhôm, tìm kiếm thỏa thuận để loại bỏ thuế quan, trợ cấp hàng công nghiệp. Những thỏa thuận này được chính TNS Đảng Cộng hòa John Hoeven tóm tắt trong cụm từ ‘đạt được tiến bộ với EU’, còn Tổng thống Mỹ Donald Trump coi đó là ‘giai đoạn mới trong mối quan hệ giữa Mỹ - EU’, chuyển từ ‘kẻ thù’ thương mại trước đó sang ‘đồng minh’. Nhìn chung, thỏa thuận này cung cấp một mối quan hệ đủ tốt để tiến hành một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, hay đúng hơn là như Fred Bergsten, Giám đốc danh dự của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết, một thỏa thuận với châu Âu sẽ cho phép Tổng thống Mỹ tập trung hơn vào Trung Quốc.
Cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ có thể giúp Việt Nam trỗi dậy về mặt kinh tế nếu như chịu cải cách. Ảnh: SCMP.
Bản thân Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại khi ngay lập tức, sàn chứng khoán chuyển sang màu đỏ. Câu hỏi đặt ra là, cuộc chiến này tác động tích cực hay tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam - một quốc gia có thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc, và làm thế nào để Việt Nam khai thác lợi thế trong cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc này.
Thực chất, cuộc chiến thương mại tạo ra những cơ hội rất lớn cho Việt Nam trong tiếp nhận luồng đầu tư tháo chạy từ các doanh nghiệp nước ngoài đóng tại Trung Quốc. Trong một bài viết ngày 14.09 của trang SCMP cho hay, trong cuộc chiến thương mại giữa Trump và Tập thì người hưởng lợi sẽ là các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia ĐNA (ASEAN). Nhận định này hợp lý vì nó cấu thành từ ba yếu tố: vị trí địa lý gần gũi Trung Quốc; nguồn nhân lực trẻ và giá rẻ (thị trường 500 triệu dân); có xu hướng trải thảm đỏ đầu tư FDI bằng thuế. Việt Nam cũng không thoát ly khỏi nhưng ưu thế này.
Vấn đề là, Việt Nam phải thực sự mở rộng cánh cửa đầu tư - kinh doanh trước khi cơ hội này bị hạ nhiệt, và trong số những công việc cần làm đầu tiên là phải giải quyết những lỗ hổng về ưu thế đã và đang diễn ra.
Đầu tiên, Việt Nam có nguồn nhân công rẻ và trẻ (hay đúng hơn là từ năm 2007, Việt Nam bước vào thời kỳ có cơ cấu dân số vàng), tuy nhiên cơ cấu này chỉ xuất hiện 1 lần với chu kỳ 30 năm. Vấn đề hiện nay là, nguồn nhân lực này lại đang bị xé dần bởi hệ thống xuất khẩu lao động ở các tỉnh thành. Tính riêng năm 2017, công bố từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Việt Nam đã đưa gần 150.000 lao động đi nước ngoài, và nhu cầu này tiếp tục được Nhà nước Việt Nam mở rộng trong năm 2018.
Thứ hai, nguồn nhân lực lành nghề vẫn chưa đáp ứng được đủ số lượng mà xã hội đang cần, lấy ví dụ, trang tuyển dụng nhân lực Vietnamnetwork thông báo, vẫn còn thiếu 500.000 kỹ sư CNTT vào năm 2020. Tại đầu cầu kinh tế phía Nam (Tp. Hồ Chí Minh), trong một thông cáo với báo chí của Trung tâm Dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động của thành phố cho biết, thị trường lao động ở Việt Nam đang cso sự chênh lệch giữa yếu tố cung cầu lao động về số lượng, và chất lượng chưa đáp ứng (phù hợp) với quá trình phát triển kinh tế và hội nhập (thừa lao động phổ thông, thiếu lao động trình độ cao), trong một khảo sát có liên quan vào đầu năm 2018 cho thấy, lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao (21%).
Thứ ba, chủ nghĩa bảo hộ liên quan đến độc quyền một số ngành nghề sẽ khiến nguồn vốn đầu tư FDI đi vào cửa hẹp, tại Việt Nam với Nghị định 94/2017/ND-CP, có hẳn 20 ngành nghề mà nhà nước độc quyền khai thác - tức tư nhân không được tham gia. Điều này gây ra phản ứng gay gắt từ các chuyên gia, trong một bình luận có liên quan, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, sự ra đời Nghị định này là phản thị trường, phản logic, lỗi thời trong bối cảnh cần cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Thứ tư, dân chủ cũng là một yếu tố gây khó dễ cho nhà đầu tư, bản thân các tập đoàn Đa quốc gia có xu hướng mở rộng sản xuất ở những nơi mà hệ thống pháp lý tương đối hợp lý (tạo điều kiện kinh doanh). Đối với các quốc gia mà thủ tục hành chính, chính sách về thuế, hải quan còn nhiều rối rắm và quan liêu thì sẽ tạo tâm lý ngại đầu tư sâu ở khối FDI, và Việt Nam cũng đang đối diện vấn đề này. Trong một tờ trình gửi lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổ tư vấn kinh tế của ông đã chỉ ra 9 luật và văn bản dưới luật gây ra ‘37 vướng mắc phổ biến đối với doanh nghiệp trong quá trình chuẩn bị và triển khai các dự án đầu tư’, trong đó có sự mâu thuẫn giữa Thông tư và Nghị định, giữa Nghị định và Luật. Bên cạnh đó, nỗ lực loại bỏ quan liêu - tham nhũng ở Việt Nam vẫn chưa tạo ra quá nhiều sự đột phá lớn, chi phí không chính thức (bôi trơn) trong doanh nghiệp vẫn đang tồn tại một cách ngang nhiên. Ông Naoki Takeuchi - Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO) trong chia sẻ với báo Đại Đoàn Kết cho hay, có 70% DN Nhật Bản muốn mở rộng đầu tư ở Việt Nam, tuy nhiên, chỉ riêng chính sách thuế đã khiến nhiều doanh nghiệp nản lòng bởi để hoàn thành thuế VAT thì phải qua các công đoạn ‘bôi trơn’.
Thứ năm, Việt Nam cần có một sự tiếp nhận làn sóng đầu tư theo hướng chuyên sâu về quản lý và công nghệ hơn là tiếp nhận một làn sóng gia công mới - vốn không giúp nâng cao nội lực của nền kinh tế. Trong một công bố từ Tổng cục Thống kê vừa qua cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nhóm FDI (với 78,9% tổng giá trị hàng hóa sau gia công), với chủ yếu là gia công lắp ráp (chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu), tức ‘doanh nghiệp trong nước không được thụ hưởng nhiều’ từ chính hoạt động xuất khẩu mang tính gia công từ nguồn FDI này.
Việt Nam có thể rút ra những bài học lớn từ việc hình thành 4 nhà máy Samsung tại Việt Nam (Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.HCM), với tổng vốn đầu tư lên mức 17 tỷ USD (chiếm ¼ GDP Việt Nam) trong ‘trải thảm đỏ’ doanh nghiệp khối FDI. Nếu khắc phục được 5 yếu tố vướng mắc nêu trên, Việt Nam cũng có thể mơ về một thành phố Iphone tương tự như ở Trịnh Châu (Trung Quốc). Chỉ với gia công, lắp ráp, Apple đã biến vùng đất nông thôn với đồng ngô và lúa mì bạt ngàn trở thành một nơi giàu có, đưa tập đoàn nhận gia công - lắp ráp Foxconn trở thành tập đoàn tư nhân lớn nhất Đại lục (tạo ra 4,8 triệu việc làm), góp phần vào kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc lên đến 35 tỷ USD vào năm 2016. Tất cả có thể diễn ra nếu Việt Nam tận dụng tốt cơ hội mà cuộc chiến thương mại mang lại để cải cách kinh tế, trước mắt là để chào đón sự di chuyển doanh nghiệp gia công, sản xuất từ Trung Quốc sang. Nếu không cải cách lần này, thì bối cảnh nồng ấm tại đất nước Triều Tiên và sự mở rộng thị trường kinh doanh của Myanmar cũng sẽ tạo một tác động tiêu cực trong thu hút nguồn đầu tư từ khối FDI trong 5-10 năm sắp tới.
A.L.
VNTB gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét