Chuyên gia Pháp : «Cách mạng Tháng Mười» chỉ là cuộc đảo chính bôn-sê-vích
Thuymy RfiThu 1:42 AM
Vladimir Lênin, nhà lãnh đạo bôn-sê-vích. |
Trên diễn đàn của tờ Le Figaro, tác giả Thierry Wolton tố cáo cách gọi « Cách mạng Tháng Mười năm 1917». Đối với nhà báo lão thành, tác giả khoảng hai mươi cuốn sách chủ yếu nói về chủ nghĩa cộng sản, đặc biệt là bộ sách kinh điển « Lịch sử chủ nghĩa cộng sản thế giới » gồm ba tập, sự kiện giúp Lênin lên nắm quyền chỉ là một cuộc đảo chính, không hơn không kém.
Thierry Wolton nhận thấy vào dịp kỷ niệm 100 năm sự kiện tháng 10/1917, người ta vẫn mặc nhiên coi đây là một cuộc cách mạng. Điều này cho thấy ảo ảnh vẫn còn mạnh mẽ hơn thực tế lịch sử. Ông nhấn mạnh, tất cả nhân chứng vào thời đó đều nói về « cuộc đảo chính », bắt đầu là đặc phái viên của tờ báo cộng sản Pháp L’Humanitécó mặt tại chỗ. Tờ báo đề ngày 09/10/1917 chạy tựa « Cuộc đảo chính tại Nga ». Ngay sau hôm nắm được chính quyền, bản thân Lênin đã nhận định « Còn dễ hơn trở bàn tay ».
Tháng 10/1918, nhân kỷ niệm một năm sự kiện, tờ Pravda (Sự Thật), cơ quan ngôn luận của phe bôn-sê-vích cũng nói rõ rằng đây là một cuộc đảo chính. Mãi đến tháng 10/1920, tức là ba năm sau đó, chính quyền mới biến sự kiện này thành một hành động cách mạng, thông qua việc dàn dựng công phu với âm thanh và ánh sáng, diễn tả một đám đông Hồng quân tấn công vào Cung điện Mùa Đông, biểu tượng cho nhân dân đứng lên cầm vũ khí.
Sự kiện giả tưởng này được tái lập trong bộ phim « Tháng Mười » do Eisenstein thực hiện, nhân kỷ niệm 10 năm phe bôn-sê-vích nắm quyền. Rốt cuộc phiên bản dàn dựng này về sự kiện tháng 10/1917 lại được coi là sự thật !
Thực ra chiến hạm Rạng Đông chỉ bắn những phát không đạn, mang tính cảnh báo. Khi pháo đài Pierre-et-Paul nổ súng, đa số là bắn hụt, đạn rơi xuống sông. Vài nhóm quân tiến vào Cung điện Mùa Đông, lúc đó đã trở thành quân y viện, và phe bôn-sê-vích không gặp sự kháng cự nào đáng kể từ đội nữ binh và các sinh viên sĩ quan.
Trong vụ đảo chính này, các chuyến xe điện vẫn chạy bình thường, nhà hát vẫn trình diễn và các tiệm buôn vẫn mở cửa…hầu như đa số người dân Petrograd không nhận ra. Theo nhà sử học Mỹ Richard Pipes, « thiệt hại tổng cộng chỉ có năm người chết và một số người bị thương, hầu hết là do đạn lạc ».
Tác giả bài viết nhận định, nếu từ ngữ « cách mạng » được dùng để chỉ những đảo lộn sau khi Lênin lên nắm quyền, tốt nhất hãy xem những gì diễn ra cụ thể sau đó. Tất cả những tờ báo, ngoại trừ tờ của phe bôn-sê-vích, đã bị cấm xuất bản ngay hôm sau vụ đảo chính ; còn hội đồng xô-viết (gồm đại diện công nhân và nông dân) bị ngưng hoạt động mười ngày sau đó. Chính quyền mới quyết định cai trị bằng sắc lệnh.
Một tháng sau, Tchéka, cơ quan mật vụ ra đời (tên đầy đủ là « Ủy ban đặc biệt toàn quốc về đấu tranh chống phản cách mạng, tung tin đồn nhảm và phá hoại »). Đến tháng Giêng năm 1918, Quốc hội lập hiến được bầu lên một cách dân chủ bị giải tán, và những trại tập trung đầu tiên được thành lập vào tháng 6/1918. Hoàn toàn không giống một cuộc giải phóng, kể cả đối với giai cấp công nhân mà chế độ mới giao cho vai trò chuyên chính vô sản.
Bốn tháng trước vụ đảo chính, Lênin trong đại hội xô-viết đầu tiên đã cảnh báo : « Người ta nói rằng tại Nga không có đảng nào sẵn sàng nắm trọn quyền. Tôi xin đáp lời : Có chứ ! Chúng tôi mỗi phút mỗi giây đều sẵn lòng nắm hết quyền hành ».
Đối với phe bôn-sê-vích, không có chuyện san sẻ quyền lực. Chỉ cần đọc cuốn « Làm gì ? » do nhà lãnh đạo bôn-sê-vích viết năm 1902, trong đó chương trình hành động đã được ghi rõ. Cuốn sách giúp hiểu được chế độ, với mũi nhọn là sự độc tài của đảng nhân danh giai cấp vô sản, dẫn đến việc thành lập một Nhà nước do đảng toàn năng cai trị.
Đây chính là tinh thần của chủ nghĩa toàn trị, mô hình sau đó được tất cả các chế độ cộng sản khác noi theo. Không có tình huống nào, từ cuộc nội chiến với phe Bạch vệ trước đó, cho đến những sự chệch hướng sau này – chủ nghĩa Stalin, sùng bái lãnh tụ, vân vân - đi ngược lại với kế hoạch ban đầu.
Đó là chủ nghĩa cộng sản như Mác và Ăng-ghen đã vạch ra, rồi đến phiên Lênin áp dụng, tại Nga và sau đó là các nước khác, đôi khi với những khác biệt mang tính cực đoan hơn. Chủ nghĩa mao-ít tỏ ra sắt máu hơn chủ nghĩa Stalin, Pôn Pốt của Cam Bốt lại còn mang tính hủy diệt hơn cả mao-ít.
Theo tác giả Thierry Wolton, việc dùng thuật ngữ « Cách mạng Tháng Mười », vốn mang lại một vầng hào quang cho vụ đảo chính, là giúp cho tiến trình cộng sản hóa một ngày nào đó trong trí não được nâng ngang tầm với những tiến bộ như cuộc cách mạng Pháp 1789.
Không phải vô tình mà bộ máy tuyên truyền của Nhà nước xô-viết tìm cách đồng hóa vụ đảo chính tháng 10/1917 tại Nga với sự kiện lịch sử vang dội của nước Pháp, và vẫn tiếp tục làm công việc này. Chủ nghĩa cộng sản được cho là giai đoạn tiến bộ cuối cùng của nhân loại.
Hy vọng này dựa trên một trong những nhu cầu cổ xưa nhất của con người. Đó là sự bình đẳng, mà đa số các tôn giáo hứa hẹn cho một đời sau, ở một cõi khác, trước khi chủ nghĩa Mác-Lênin cam đoan sẽ thực hiện ngay trên trái đất này và ngay bây giờ, làm nên sự thành công của cộng sản.
Khó thể chôn vùi khát vọng ấy của nhiều người. Người ta cố tách ý thức hệ khỏi thực tế và kết quả thảm hại của nó, chỉ giữ lại tinh thần, vốn luôn mang tính hoang tưởng. Việc giới thiệu sự kiện tháng 10/1917 như một cuộc cách mạng, giúp duy trì khát vọng bình đẳng, vốn rất nhân bản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét