Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 27 tháng 11, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Năm 23/11

Tin Cập Nhật Thứ Năm 23/11



HAPPY THANKSGIVING

Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc chỉ trích hành động đơn phương sau chế tài đối với Triều Tiên

Trung Quốc hôm thứ Tư chỉ trích "những chế tài đơn phương và thẩm quyền pháp lý vươn dài" của các chính phủ khác sau khi Washington trừng phạt các công ty Trung Quốc bị cáo buộc buôn bán với Triều Tiên.

Bắc Kinh đang "thực thi đầy đủ" các chế tài của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc liên quan tới việc Triều Tiên theo đuổi công nghệ hạt nhân và phi đạn, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói. Ông cho biết Trung Quốc sẽ hợp tác với các chính phủ có "bằng chứng vững chắc."

"Về nguyên tắc, chúng tôi phản đối những chế tài đơn phương và thẩm quyền pháp lý vươn dài," ông Lục nói trong một cuộc họp báo thường kỳ. "Mỹ luôn biết rõ lập trường của Trung Quốc."

Ông Lục không đưa ra chỉ dấu nào cho thấy liệu Bắc Kinh có thể có hành động đáp trả hay không.

Trung Quốc là nguồn thương mại, năng lượng và viện trợ chính của Triều Tiên, do đó sự hợp tác của Trung Quốc là thiết yếu để thi hành các chế tài nhắm mục tiêu buộc Bình Nhưỡng ngừng phát triển hạt nhân và phi đạn.

Bộ Tài chính Mỹ hôm thứ Ba nói rằng các công ty bị cáo buộc làm ăn với Triều Tiên sẽ bị cấm không được nắm giữ tài sản ở Mỹ hoặc làm ăn tại Mỹ.

Thông báo này được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump hôm thứ Hai loan báo Washington sẽ định danh Triều Tiên là nước bảo trợ khủng bố. Ông Trump đã hứa sẽ tăng cường chiến dịch "gây áp lực tối đa" lên Bình Nhưỡng với chế tài ở "mức cao nhất" từ trước tới nay.

Bắc Kinh đã thuận theo những chế tài mới nhất của Liên Hiệp Quốc vì ngày càng bất bình với chế độ Kim Jong Un. Nhưng họ bác bỏ việc cho phép các chính phủ hành động riêng lẻ và nói rằng bất kỳ biện pháp nào cũng nên tránh gây tổn hại cho người dân Triều Tiên.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi một đặc sứ tới Bình Nhưỡng vào tuần trước trong điều được nhìn nhận là một nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ căng thẳng và để tránh những áp lực thêm nữa của Mỹ hối thúc Trung Quốc phải hành động.

Trung Quốc trước đó trong năm nay đã loan báo sẽ hạn chế cung cấp nhiên liệu cho Triều Tiên và cấm nhập khẩu hàng dệt may của nước này. Bắc Kinh đã yêu cầu các doanh nghiệp Triều Tiên hoạt động trên lãnh thổ của họ, một nguồn ngoại tệ quan trọng, phải đóng cửa trước đầu tháng 1 năm sau. - VOA
|
|

2.
Thương mại Trung-Triều giảm mạnh vì trừng phạt của LHQ - - - Việt Nam cam kết với Mỹ đưa Triều Tiên trở lại tiến trình phi hạt nhân hóa

Kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Triều Tiên giảm xuống mức 334,9 triệu đôla trong tháng 10, mức thấp nhất kể từ tháng 2, cùng lúc nhập khẩu giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, theo các số liệu công bố hôm 23/11.

Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy các biện pháp chế tài cứng rắn mới đã làm giảm trao đổi thương mại giữa Trung Quốc với nước láng giềng bị cô lập.

Theo số liệu của hải quan, tổng kim ngạch giảm gần 20% từ mức của tháng 9 và thấp hơn nhiều so với con số 525,2 triệu đôla một năm trước.

Dữ liệu này là của toàn bộ tháng đầu tiên kể từ khi các lệnh cấm mới nhất của LHQ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 5/9, cấm Bình Nhưỡng bán than, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản ra nước ngoài.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã mua hàng hóa trị giá 90,75 triệu đôla từ Triều Tiên vào tháng 10, giảm mạnh từ mức 145,8 triệu đôla trong tháng 9, và là mức thấp nhất trong số liệu thống kê của chính phủ từ tháng 1/2014, số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho hay.

Xuất khẩu đã giảm xuống 244,2 triệu đôla, mức thấp nhất kể từ tháng 2. Mức này cũng thấp hơn so với con số 266,4 triệu đôla trong tháng 9 và 286,9 triệu đôla trong tháng 10 năm ngoái.

LHQ ước tính lệnh cấm mới nhất, được áp đặt sau hai cuộc thử tên lửa đạn đạo liên lục địa vào tháng 7, sẽ làm giảm 1/3 lợi tức từ xuất khẩu hàng năm trị giá 3 tỷ đôla của Triều Tiên.

Dữ liệu này cũng có thể khẳng định lập trường mạnh mẽ của Bắc Kinh rằng họ thực hiện nghiêm ngặt các nghị quyết của LHQ nhằm kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. - VOA

***
Tòa Bạch Ốc vừa tuyên bố Tổng thống Donald Trump đã đạt được sự cam kết của các nhà lãnh đạo Việt Nam về giải pháp nhằm đưa Triều Tiên trở lại tiến trình phi hạt nhân hóa.

Tuần rồi, sau chuyến công du ba ngày của Tổng thống Trump tới Việt Nam, Tòa Bạch Ốc ra thông cáo nói: “Tổng thống đã đạt được các cam kết mới từ các nhà lãnh đạo của Việt Nam để hỗ trợ Chiến dịch toàn cầu tăng áp lực tối đa để đưa Triều Tiên trở lại con đường phi hạt nhân hóa.”

Trong một cuộc phỏng vấn với đài VOA Việt ngữ, giáo sư Carl Thayer thuộc trường đại học New South Wales nhận định rằng Việt Nam bị áp lực từ phía Mỹ:

“Khi ông Trump đưa vấn đề Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu, giả sử nếu như Việt Nam không ủng hộ cam kết Mỹ trong chính sách này thì Viêt Nam sẽ gặp rủi ro trong quan hệ song phương. Về mặt hành chính thì Việt Nam có thể sẽ cắt giảm nhân viên ở sứ quán Triều Tiên, hai nước sẽ phải rút lao động về, và ngưng các giao dịch thương mại bất hợp pháp. Ngoài ra, một số dự án làm ăn của Triều Tiên tại Việt Nam có thể bị cắt giảm.”

Một tháng trước khi ông Trump thăm Hà Nội, một nhà hàng Triều Tiên tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi từng có khoảng 15 nhân viên Triều Tiên được thuê làm việc, đã phải đóng cửa.

Trước đó, hãng tin Yonghap cho biết rằng Việt Nam cũng đã trục xuất người đứng đầu và người thứ nhì của chi nhánh ngân hàng thương mại Tanchon tại Hà Nội, nghi do rửa tiền.

Ông Thayer cho rằng Việt Nam, một thành viên của LHQ, hiện đang bơi giữa các cường quốc và sức ép từ Mỹ là rất lớn:

“Việt Nam là một thành viên của LHQ. Nga và Trung Quốc cũng đã đồng thuận với nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về vấn đề Triều Tiên. Mỹ đã ra sức ép, và Việt Nam cũng phải ủng hộ vấn đề này.”

Vào tháng 9, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết trừng phạt mới với Triều Tiên do Mỹ soạn thảo, trong đó cấm các nước cấp phép làm việc cho các lao động Triều Tiên tại nước ngoài.

Giáo sư Thayer còn cho biết thêm rằng đây cũng là cam kết chung của các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà trong đó Việt Nam là thành viên.

Trong một tuyên bố chung hôm 12/11, ngay sau khi ông Trump gặp Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang, Triều Tiên là một vấn đề quan ngại: “Hai nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại sâu sắc về các chương trình và vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ và đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế.”

Ngoài ra, Mỹ và Việt Nam đều hối thúc tất cả các nước thực hiện đầy đủ và nghiêm túc tất cả những nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an LHQ, và nhất trí làm sâu sắc hơn hợp tác song phương để đảm bảo thực thi hiệu quả những nghị quyết này.

Tuyên bố còn nhấn mạnh rằng hai nhà lãnh đạo nhất trí về tầm quan trọng của việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình.

Nhà báo độc lập Võ Văn Tạo bình luận rằng Việt Nam đưa ra cam kết về vấn đề Triều Tiên chỉ mang tính hình thức, ngoại giao là chính:

“Tôi nghĩ rằng đó là một thông cáo có tính ngoại giao, chỉ có tính hình thức. Thật ra, để đối phó với Triều Tiên phải là những cường quốc. Tuy nhiên, Việt Nam có những quan hệ với Triều Tiên nhưng không bị lộ ra, có những quan hệ nhất định nào đó. Trong quá khứ cũng có quan hệ trao đổi, đổi gạo lấy tàu ngầm, huấn luyện… nhưng vào những năm 1990 khi Việt Nam có quan hệ với Hàn Quốc thì tự nhiên thì quan hệ giữa Việt Nam và Triều Tiên hạ xuống một bậc, rất thấp so với trước đó.

Trả lời câu hỏi của một phóng viên Hoa Kỳ liệu Việt Nam có thể làm trung gian để Hoa Kỳ và Triều Tiên giải quyết vấn đề hạt nhân hay không, Chủ tịch nước Trần Đại Quang hôm 12/11 nói rằng “Việt Nam cam kết thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.”

Ông Quang nói thêm rằng: “Việt Nam ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và sẽ làm hết sức mình và làm những gì có thể làm được để góp phần thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.”

Tuy nhiên, nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung ở thành phố Hồ Chí Minh nhận định rằng sự ảnh hưởng của Việt Nam đến Triều Tiên rất hạn chế:

“Theo tôi việc Hà Nội có thể nói chuyện được với Triều Tiên về vấn đề vũ khí hạt nhân là rất hạn chế: quan hệ kinh tế không nhiều, ngoại trừ việc hai bên tự nhận với nhau là đều theo chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản. Việt Nam chỉ có thể thông qua sứ quán Triều Tiên để nêu vấn đề chứ không có công cụ gì trong tay để nói chuyện với Bình Nhưỡng về vũ khí hạt nhân.

Việt Nam hiện là một trong những nước cộng sản hiếm hoi còn thiết lập bang giao với Triều Tiên, ngoài Trung Quốc và Cuba.

Vào đầu năm nay, đài truyền hình Nhật NK News trích lời cựu bí thư thứ hai của tòa đại sứ Triều Tiên tại Hà Nội Han Jin-Myung nói các nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Triều Tiên ở Hà Nội có nhiệm vụ phải kiếm tiền nộp về cho Bình Nhưỡng.

Theo The Diplomat, mặc dù Việt Nam đã duy trì mối quan hệ ngoại giao với Triều Tiên từ đầu những năm 1960, quan hệ đối tác Hà Nội-Bình Nhưỡng thường bị căng thẳng bởi những bất đồng về chính sách và tranh chấp về kinh tế. Những căng thẳng này bắt đầu xuất hiện trong các giai đoạn sau của Chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là năm 1968, khi Bắc Việt quyết định tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với Hoa Kỳ. - VOA
|
|

3.
Myanmar, Bangladesh ký thỏa thuận về người Rohingya hồi hương - - - Ngoại trưởng Mỹ gọi bạo lực ở Myanmar là thanh lọc sắc tộc - - - Đức Giáo Hoàng gặp chỉ huy quân đội Myanmar và người tị nạn Rohingya - - - Trung Quốc muốn thắt chặt quan hệ với quân đội Miến Điện

Theo các quan chức của Myanmar và Bangladesh, hai nước này đã ký một thoả thuận về việc hàng ngàn người Rohingya hồi hương sau khi họ đã chạy trốn sang Bangladesh để thoát khỏi bạo lực ở bang Rakhine của Myanmar.

Myint Kyaing, thư ký thường trực thuộc Bộ Lao động, Di trú và Dân số Myanmar, cho biết một bản ghi nhớ đã được ký hôm 23/11, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Hơn 600.000 người đã chạy qua biên giới đến các khu trại ở Bangladesh. Nước này nói việc hồi hương sẽ bắt đầu trong vòng hai tháng.

Tin cho hay thỏa thuận đã được ký kết sau các cuộc đàm phán tại thủ đô Naypyitaw của Myanma giữa Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi và Ngoại trưởng Bangladesh Abul Hassan Mahmood Ali.

Hai nước đi đến thỏa thuận một ngày sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson nói rằng bạo lực ở bang Rakhine nhằm vào người Hồi giáo Rohingya chính là thanh lọc sắc tộc.

Đức Giáo hoàng Phanxicô dự kiến thăm Myanmar và Bangladesh vào tuần tới. - VOA

***
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson nói bạo lực nhằm vào người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar là "thanh lọc sắc tộc".

Tuyên bố bằng văn bản của ông xuất hiện sau nhiều tuần có áp lực từ các nhà lập pháp Hoa Kỳ và các nhóm nhân quyền quốc tế để chính quyền của Tổng thống Trump nêu rõ quan điểm về cuộc khủng hoảng đã dẫn việc hàng trăm ngàn người Rohingyas phải rời khỏi Mynamar.

Trong tuyên bố phát ra hôm 22/11, ông Tillerson nói những hành động tàn bạo nhằm vào người Hồi giáo Rohingya quả thực là "thanh lọc sắc tộc".

Hơn 600.000 người thuộc dân tộc thiểu số này đã trốn chạy khỏi quê hương của họ ở bang Rakhine trong những tháng gần đây sau khi một cuộc tấn công vào tháng 8 của quân nổi dậy đã châm ngòi cho một cuộc đàn áp tàn bạo của quân đội.

Quân đội Myanmar đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc.

Trong tuyên bố của mình, ông Tillerson nói "không thể lấy bất kỳ sự khiêu khích nào để biện minh cho những hành động tàn bạo khiếp khủng khiếp đã xảy ra".

Ông cảnh báo rằng chính phủ Hoa Kỳ có thể tìm cách áp dụng những biện pháp trừng phạt mới đối với những kẻ chịu trách nhiệm về bạo lực.

Lãnh đạo trên thực tế của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, đã chịu áp lực từ các nhà lập pháp Hoa Kỳ phải buộc giới quân đội Myanmar có trách nhiệm giải trình.

Quốc hội Mỹ cũng đang cân nhắc một số biện pháp, bao gồm các biện pháp trừng phạt, nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng mà người Hồi giáo Rohingya đang phải gánh chịu. - VOA

***
Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ gặp chỉ huy quân đội Myanmar khi đến nước này, và sau đó gặp người tị nạn Rohingya khi ông đến Bangladesh. Hai chương trình này được bổ sung vào phút cuối trong lịch trình chuyến thăm của nhà lãnh đạo Công giáo La Mã đến hai nước Ðông Nam Á vào tuần tới, Reuters dẫn nguồn tin Vatican cho biết hôm 22/11.

Phát ngôn viên của Vatican, ông Greg Burke, nói với các phóng viên rằng Đức Giáo Hoàng sẽ gặp riêng người đứng đầu quân đội Myanmar tại Tòa Giám mục ở Yangon.

Ông cho biết thêm rằng “một nhóm nhỏ” người tị nạn Rohingya sẽ có mặt trong một cuộc họp liên tôn vì hòa bình tại thủ đô Dhaka của Bangladesh vào chiều thứ Sáu, 1/12.

Cả hai sự kiện đều không nằm trong lịch trình ban đầu của chuyến đi từ ngày 26/11 đến ngày 2/12 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Khoảng 600.000 người tị nạn Rohingya từ bang Rakhine, miền bắc Myanmar, đã chạy sang Bangladesh lánh nạn sau khi xảy ra cuộc trấn áp của quân đội Myanmar, mà Liên Hiệp Quốc gọi là “thanh lọc sắc tộc”. - VOA

***
Một lãnh đạo cao cấp quân đội Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh muốn thắt chặt quan hệ với quân đội Miến Điện nhằm bảo vệ hòa bình và an ninh trong khu vực.

Theo thông cáo của bộ Quốc Phòng Trung Quốc công bố vào hôm qua, 22/11/2017, trong cuộc hội đàm tại Bắc Kinh với tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân đội Miến Điện, tướng Trung Quốc Lý Tác Thành (Li Zuocheng), ủy viên Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc, đã tuyên bố rằng trước tình hình an ninh khu vực phức tạp và luôn biến đổi, Trung Quốc sẵn sàng duy trì trao đổi thông tin chiến lược với quân đội Miến Điện.

Bắc Kinh muốn có nhiều các cuộc tiếp xúc hơn nữa giữa quân đội hai nước, tăng cường hợp tác huấn luyện và kỹ thuật, nhằm bảo đảm hòa bình và ổn định cho khu vực biên giới chung.

Theo Reuters, Bắc Kinh tỏ ra khó chịu về các cuộc xung đột vũ trang giữa quân đội Miến Điện và lực lượng nổi dậy thuộc các sắc tộc thiểu số có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc tại vùng biên giới. Hàng ngàn người đã phải chạy sang Trung Quốc để tránh bạo lực.

Thông cáo của bộ Quốc Phòng Trung Quốc không hề đề cập đến vấn đề người Rohingya. Trong cuộc khủng hoảng này, phương Tây lên án quân đội Miến Điện trấn áp, thậm chí tiến hành chiến dịch thanh lọc chủng tộc nhắm vào người Rohingya theo đạo Hồi.

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế còn kêu gọi quốc tế tiến hành cấm vận toàn diện Miến Điện và trừng phạt tài chính nhắm vào giới lãnh đạo quân đội Miến Điện. Trong bối cảnh đó, tướng Min Aung Hlaing dẫn đầu một phái đoàn quân sự Miến Điện, công du Trung Quốc từ ngày 22/11. - RFI
|
|

4.
Úc muốn Mỹ tiếp tục can dự với ÂĐD-TBD

Chính phủ Úc đã công bố sách trắng quốc phòng hôm 23/11, trong đó cảnh báo rằng Mỹ chớ nên dừng can dự vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời nói hàm ý rằng Australia sẽ phải chịu thêm trách nhiệm về an ninh và ổn định kinh tế để làm đối trọng với một nước Trung Quốc đang trỗi dậy.

Chính quyền Canberra nói 'những thách thức quốc tế chỉ có thể được giải quyết một cách hiệu quả khi quốc gia giàu có nhất, sáng tạo nhất và mạnh nhất thế giới tham gia vào việc giải quyết chúng'.

Sách trắng được công bố chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Donald Trump hoàn thành chuyến Á du kéo dài 12 ngày, đến 5 nước, trong đó ông dự hai hội nghị thượng đỉnh khu vực tập trung bàn về Triều Tiên và thương mại.

Brad Glosserman, giáo sư thỉnh giảng tại Trung tâm về Chiến lược Xây dựng Quy định thuộc Đại học Tama đặt ở Tokyo, nói với VOA rằng sách trắng phản ánh cách Australia đang chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ có quan điểm thay đổi về an ninh, và một Trung Quốc đang trỗi dậy. Ông nói Trung Quốc giờ đây có những quan điểm khác biệt về bản chất và cấu trúc của hê thống quốc tế và khu vực. - VOA
|
|

5.
Không quân TQ lại bay quanh Đài Loan, trên Biển Đông

Không quân Trung Quốc lại cho các máy bay ném bom và máy bay chiến đấu khác bay huấn luyện qua hai tuyến kênh chiến lược gần Đài Loan và ở vùng trời bên trên Biển Đông có tranh chấp, theo báo chí nhà nước Trung Quốc hôm 23/11.

Nhiều máy bay ném bom H-6K và các máy bay phản lực khác mới đây đã bay qua kênh Bashi giữa Đài Loan và Philippines và eo biển Miyako ở phía nam của Nhật Bản, cũng như phía trên Biển Đông. Hãng thông tấn chính thức Tân Hoa Xã dẫn lời phát ngôn viên Không quân Thân Tiến Khoa nói rằng đó là một cuộc “tuần tra chiến đấu”.

Ông Thân không nói cuộc thao dượt bắt đầu khi nào, nhưng ông cho biết tất cả các máy bay đã hoàn thành các cuộc tuần tra hôm 23/11, nhằm mục đích "cải thiện khả năng thực chiến trên biển và rèn luyện các phương pháp chiến đấu của lực lượng".

Trung Quốc ngày càng mạnh bạo trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Trung Quốc cũng lo ngại cho rằng chính quyền Đài Loan hiện nay muốn tuyên bố độc lập. - VOA
|
|

6.
Thủ tướng Lebanon gác lại quyết định từ chức, giải tỏa khủng hoảng

Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri hôm thứ Tư đã gác lại quyết định từ chức của mình theo yêu cầu của Tổng thống Michel Aoun, giải tỏa cuộc khủng hoảng đã khiến căng thẳng dâng cao ở Trung Đông.

Ông Hariri đưa ra loan báo này sau khi trở lại Beirut lần đầu tiên kể từ khi ông đột ngột từ chức vào ngày 4 tháng 11 trên truyền hình từ Ả-rập Saudi. Các quan chức hàng đầu của Lebanon cho hay Riyadh đã buộc ông từ chức và giữ ông ở lại vương quốc này. Cả Riyadh và ông Hariri đều phủ nhận chuyện này.

Tại dinh tổng thống gần Beirut, ông Hariri nói ông hy vọng hành động của ông sẽ dẫn tới "một cuộc đối thoại có trách nhiệm ... liên quan đến các vấn đề gây chia rẽ và những hệ quả của chúng đối với mối quan hệ của Lebanon với các nước Ả-rập anh em."

Ông Hariri cho biết tất cả các bên ở Lebanon phải quyết giữ cho đất nước nằm ngoài các xung đột trong khu vực, nhắc đến phong trào chính trị và quân sự Hezbollah được Iran hậu thuẫn. Vai trò quân sự của Hezbollah trong khu vực đã gây lo lắng cho Ả-rập Saudi, đồng minh lâu năm của ông Hariri.

Tuyên bố từ chức của ông Hariri đã choáng váng với cả trợ lý của ông. Ông trở lại Lebanon vào tối thứ Ba sau khi Pháp can thiệp.

Ông Aoun, một đồng minh chính trị của Hezbollah, đã từ chối chấp nhận quyết định từ chức vì nó đã xảy ra trong "tình huống bí ẩn" ở nước ngoài. Ông đã gọi ông Hariri là con tin ở Riyadh.

Vụ từ chức đẩy Lebanon lên hàng đầu trong cuộc kình địch khu vực giữa Ả-rập Saudi theo phái Hồi giáo Sunni và Iran theo phái Hồi giáo Shia hậu thuẫn tổ chức Hezbollah ở Lebanon, và gây lo ngại về một cuộc khủng hoảng kéo dài. - VOA
|
|

7.
Vẫn chưa có tín hiệu từ tàu ngầm Argentina bị mất tích

Cuộc tìm kiếm chiếc tàu ngầm của Hải quân Argentina bị mất tích trong biển Nam-Thái Bình Dương đang bước vào giai đoạn quyết định hôm thứ Tư giữa lúc 44 thủy thủ trên tàu sắp hết dưỡng khí, một người phát ngôn của hải quân cho biết.

Tham gia nỗ lực tìm kiếm chiếc tầu ngầm ARA San Juan, có hàng chục máy bay và tàu bè của 9 nước, trong khi thân nhân các thủy thủ lo âu ngóng tin và cả nước Argentina với 44 triệu dân, hồi hộp theo dõi.

Người phát ngôn của Hải quân Argentina Enrique Balbi nói với các nhà báo:

“Chúng ta đang bước vào một giai đoạn quyết định, vì sắp cạn oxy. Cho tới giờ, chưa có bất cứ thông tin nào xuất phát từ tàu ngầm San Juan.”

Thời tiết tốt có nghĩa là các đội cứu hộ có thể mở rộng phạm vi tìm kiếm sau khi nỗ lực này bị cản trở vì sóng cao, gió lớn trong suốt mấy ngày liên tiếp.

Khoảng 30 tàu và máy bay cùng đội ngũ nhân viên cứu hộ lên tới 4000 người đến từ Argentina, Hoa Kỳ, Anh, Chile và Brazil đang tham gia cuộc tìm kiếm, sau khi tàu ngầm đánh đi tín hiệu cho thấy địa điểm sau cùng nằm cách bờ biển khoảng 480 km.

Người phát ngôn của Hải quân Argentina cho hay trong mấy ngày gần đây các đội cứu hộ đã nhận một số tín hiệu, tuy nhiên sau kiểm tra, các tín hiệu được xác định là không đến từ con tàu mất tích.

Thân nhân của các thủy thủ đã tụ tập tại căn cứ hải quân ở Mar del Plata, nơi các nỗ lực tìm kiếm quốc tế được phối hợp.

Cô Elena Alfaro, em gái của thủy thủ Chistian Ibanez, một chuyên viên về radar, nói với Reuters trong nước mắt: “Chúng tôi tới đây hôm nay vì chúng tôi còn hy vọng các anh sẽ trở về. Bao nhiêu thời gian đã qua. Chúng tôi đang đau khổ.”

Người dân Argentina chăm chú theo dõi mọi chi tiết về diễn tiến \cuộc tìm kiếm, báo chí địa phương đăng những bức ảnh chụp thân nhân của các thủy thủ đang cầu nguyện cho người thân mau trở về.

Vụ mất tích của chiếc tàu ngầm là đề tài được thảo luận nhiều nhất trên các trang mạng xã hội Argentina, với những từ khóa như “Los 44” (nhóm 44 người) và “Enrique Balbi”, tên phát ngôn viên của hải quân, là những từ được truy cập nhiều nhất.

Chiếc tàu ngầm mất tích trong khi đang trên đường từ Ushuaia, thành phố ở điểm cực Nam, trực chỉ Mar del Plata, cách thủ đô Buenos Aires khoảng 400 km về hướng Nam.

Giới lãnh đạo quân sự hôm thứ Ba báo cáo với Tổng thống Mauricio Macri về các hoạt động của các đội cứu hộ. Trong ngày đã xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên thể hiện nỗi bực dọc với chính phủ về sự mất tích của tàu ngầm ARA. - VOA
|
|

8.
Cựu chỉ huy Bosnia bị buộc tội diệt chủng, chịu án chung thân

Tòa án Liên Hiệp Quốc hôm Thứ Tư kết tội cựu tư lệnh quân đội Bosnia Ratko Mladic tội diệt chủng và tội ác chống nhân loại vì đã chỉ huy cuộc thảm sát và thanh trừng sắc tộc trong cuộc chiến Bosnia. Ông Mladic bị kết án tù chung thân, theo Reuters.

Mladic, 74 tuổi, bị đẩy ra khỏi tòa án vài phút trước khi có phán quyết vì đã la hét lên rằng “tất cả là dối trá, tất cả các người đều dối trá”, sau khi được đưa vào trở lại vào tòa từ nơi mà con trai ông nói là kiểm tra huyết áp, gây trì hoãn việc tuyên án.

Tòa Hình sự Liên Hiệp Quốc về Nam Tư cũ đã kết án ông Mladic phạm 10 tội trong số 11 cáo trạng, bao gồm hành động tàn sát 8.000 đàn ông và bé trai Hồi giáo tại thị trấn Srebrenica và bao vây thủ đô Sarajevo của Bosnia, nơi có hơn 11.000 thường dân bị giết bằng trọng pháo và bắn tỉa trong hơn 43 tháng.

Trong vụ thảm sát Srebrenica, đàn ông và các bé trai bị tách ra khỏi những người phụ nữ, tống lên xe buýt hoặc bị áp giải đi và bị bắn. Đây được xem là tội ác khủng khiếp nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ Hai.

Ông Mladic phản đối và nói ông không phạm bất cứ tội nào trong cáo trạng. Dự kiến, ông sẽ kháng cáo.

Trong bản tóm tắt, Tòa án kết tội ông Mladic “đóng góp đáng kể” vào nạn diệt chủng ở Srebrenica với mục đích tiêu diệt người Hồi giáo, “cá nhân ông chỉ huy” vụ nã pháo từ ngày này sang ngày khác vào Sarajevo và là một phần trong “tập đoàn tội ác” có ý định thanh trừng người Hồi giáo và người Croatia ở Bosnia. - VOA
|
|

9.
Nga phủ nhận liên quan đến ô nhiễm phóng xạ

Cơ quan khí tượng của Nga hôm 21/11 cho biết họ đo được mức ô nhiễm của một loại đồng vị phóng xạ cao gấp gần 1.000 lần so với bình thường ở dãy núi Ural. Số liệu chính thức đầu tiên này của Nga củng cố cho các báo cáo nói rằng một sự cố hạt nhân đã xảy ra.

Dữ liệu này dường như ủng hộ một báo cáo của Viện an toàn hạt nhân Pháp IRSN. Báo cáo nói hôm 9/11 rằng một đám mây ô nhiễm phóng xạ trên bầu trời châu Âu cho thấy đã có rò rỉ xảy ra tại một cơ sở hạt nhân ở Nga hoặc Kazakhstan vào tuần cuối cùng của tháng 9.

Cả Nga lẫn Kazakhstan đều không thừa nhận đã có bất kỳ vụ tai nạn nào. Đến nay, vẫn chưa có xác nhận từ bất kỳ cơ quan chính phủ nào của Nga về việc có sự cố trên đất Nga mà có thể làm tăng mức độ ô nhiễm từ một loại đồng vị phóng xạ, phát ngôn viên của điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho hay hôm 22/11.

Cơ quan thời tiết nhà nước Nga Roshydromet cho biết trong một tuyên bố là họ đã phát hiện ra "mức ô nhiễm rất cao" với chất ruthenium 106 trong các mẫu từ hai trạm khí tượng ở khu vực Ural ở miền nam vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10.

Các nhà khoa học phương Tây nói các mức ruthenium 106 được công bố tự thân chúng không báo hiệu về bất kỳ mối đe dọa nào đến sức khoẻ, mặc dù vẫn chưa rõ chuyện gì đã xảy ra.

Cơ quan Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng của Nga nói trong một tuyên bố rằng ruthenium 106 không gây nguy hiểm cho sức khoẻ cộng đồng.

Một trong hai trạm thời tiết nằm cách khoảng 30 km từ Mayak, một nhà máy khổng lồ tái xử lý nhiên liệu hạt nhân và sản xuất chất phóng xạ phục vụ công nghiệp và nghiên cứu. Nhà máy thuộc sở hữu của công ty hạt nhân nhà nước Nga Rosatom.

Trong một tuyên bố, Mayak phủ nhận rằng nhà máy của họ là nguồn gốc của tình trạng gia tăng mức ruthenium 106. - VOA
|
|

10.
Tổng thống Nam Hàn sẽ thăm Bắc Kinh

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in theo dự kiến sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Bắc Kinh vào tháng tới như một nỗ lực hàn gắn mối quan hệ giữa hai nước, vốn bị xáo trộn bởi bất đồng kéo dài về việc Hoa Kỳ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại Nam Hàn.

Thỏa thuận này đạt được tại cuộc họp giữa Ngoại trưởng Nam Hàn, ông Kang Kyung-wha và người đồng nhiệm Trung Quốc, ông Vương Nghị tại Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết.

Hai nhà lãnh đạo từng gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng đầu tháng này và cùng thỏa thuận về một vòng đàm phán khác trong tương lai gần.

Hồi tháng Tư, Hoa Kỳ cho biết bắt đầu triển khai hệ thống phòng thủ hỏa tiễn gây tranh cãi tại Nam Hàn, trong lúc có căng thẳng về chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn.

Hệ thống Thaad là để phòng thủ trước những đe dọa của Bắc Hàn.

Hàng trăm dân cư địa phương phản đối việc triển khai này khi xe chở thiết bị được đưa tới một nơi ở miền nam Nam Hàn.

Trung Quốc từng phản đối hệ thống Thaad và nói rằng nó sẽ ảnh hưởng đến sự cân bằng an ninh khu vực.

Hoa Kỳ cũng đưa một tàu ngầm và các tàu chiến tới bán đảo Triều Tiên trong lúc có lo ngại Bắc Hàn có thể thử thêm tên lửa và hạt nhân.

Nhưng nhiều người Nam Hàn đã phản đối và lo ngại rằng Thaad sẽ trở thành một mục tiêu và gây nguy hiểm tới mạng sống của những người sống gần các địa điểm đặt hệ thống này.

Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Hoa Kỳ nói với giới lập pháp trong tháng Sáu rằng họ có kế hoạch triển khai hơn 50 hệ thống THAAD cho Quân đội Mỹ trong giai đoạn từ tháng 10 năm 2017 tới tháng Chín năm 2018.

Hệ thống Phòng thủ Hỏa tiễn Tầm cao Giai đoạn cuối (Thaad)

Có khả năng bắn rơi tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung trong giai đoạn sắp tiếp đất

Sử dụng công nghệ bắn để tiêu diệt, trong đó động năng được dùng để phá hủy đầu đạn phóng tới

Có tầm che phủ 200km và đạt độ cao 150km

Hoa Kỳ từng triển khai Thaad tại Guam và Hawaii, cũng nhằm đối phó đe dọa từ Bắc Hàn. - BBC
|
|

11.
Thượng nghị sĩ tỷ phú Nga bị điều tra ở Pháp

Một nhà lập pháp tỷ phú người Nga chính thức bị điều tra ở Pháp vì bị nghi ngờ rửa tiền và trốn thuế.

Suleiman Kerimov, một trong những người đàn ông giàu nhất nước Nga, đã bị bắt vào cuối đêm thứ Hai ở Nice.

Nga đã triệu tập một nhà ngoại giao Pháp ở Moscow để phản đối việc giam giữ ông và kêu gọi ông thả ngay lập tức.

"Chúng tôi sẽ áp dụng mọi nỗ lực, nỗ lực tối đa để bảo vệ lợi ích hợp pháp của ông ấy," một phát ngôn viên của Kremlin nói.

Người phát ngôn này lập luận rằng ông Kerimov có quyền miễn trừ ngoại giao, có nghĩa các quan chức từ nước ngoài được miễn trừ khỏi luật pháp của quốc gia họ đang sinh sống.

"Điều đặc biệt quan trọng ở đây là Suleiman Kerimov có hộ chiếu ngoại giao mà ông đã dùng để vào nước Pháp", người phát ngôn này nói.

Kênh tin nhà nước Nga Rossiya 24 cho biết ông Kerimov đã phủ nhận bất kỳ hành động sai trái nào.

Lý do bị giam giữ chưa được xác nhận, nhưng một quan chức Pháp nói với hãng tin Reuters ông Kerimov đang bị thẩm vấn trong một vụ việc liên quan tới cáo buộc rửa số tiền từ việc gian lận thuế.

Gia đình ông Kerimov sở hữu cơ sở sản xuất vàng lớn nhất của Nga, Polyus, và ông sở hữu khối tài sản ước tính trị giá khoảng 6,3 tỷ đôla. Cổ phần công ty giảm sau khi có tin tức về việc bắt giữ ông.

Người đàn ông 51 tuổi này là một thượng nghị sĩ tại thượng viện của quốc hội Nga, một trong hai đại diện của Cộng hòa Dagestan, khu vực Bắc Caucasus.

Cho đến năm ngoái, ông sở hữu câu lạc bộ bóng đá, Anzhi Makhachkala, và trở nên nổi tiếng với những hợp đồng mua cầu thủ lớn, trong đó có tiền đạo của Cameroon, Samuel Eto'o. - BBC
|
|

12.
Bế tắc chính trị Đức: Trách nhiệm dồn vào cánh tả đối lập

Nước Đức cố gắng giải quyết tình trạng bế tắc chính trị có một không hai. Do thương lượng giữa đảng bảo thủ, đảng Tự Do và đảng Xanh bất thành, thủ tướng Angela Merkel không tìm được liên minh lập nội các. Nước Đức đứng trước hai khả năng : Hoặc bầu lại Quốc Hội hoặc thành lập chính phủ bảo thủ thiểu số. Để giải tỏa bế tắc, tổng thống Đức thúc giục các chính đảng đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết. Hôm nay,23/11/2017, đến lượt lãnh đạo đảng Dân Chủ Xã Hội Martin Schulz bị áp lực.

Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibault phân tích :

Cách nay ba hôm, đảng Tự Do bị xem là những đứa con hư của nước Đức. Sau quyết định ngưng đàm phán với đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, đảng Tự Do đã làm nước Đức bàng hoàng vì hết đường lập chính phủ liên minh.

Trong khi đó thì cánh tả đối lập, tức đảng Dân Chủ Xã Hội, ngay từ khi bầu cử kết thúc ngày 24/09 đã tuyên bố quyết định không tham gia chính phủ liên hiệp, để cho bà Angela Merkel một mình trách nhiệm chấn hưng kinh tế Đức.

Trong suốt ba ngày, đảng Dân Chủ Xã Hội thản nhiên đứng nhìn Angela Merkel thương lượng gay go với các đối tác khác, để rồi bất ngờ bị lôi vào sân đấu với nhiều áp lực.

Chính khách bảo thủ kêu gọi các chính trị gia Dân Chủ Xã Hội đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết. Báo chí Đức đồng loạt đặt câu hỏi thúc giục ông Martin Schulz, chủ tịch đảng Dân Chủ Xã Hội.

Ngay trong đảng, nhiều người cũng cho rằng ban lãnh đạo sai lầm nếu tiếp từ chối đối thoại. Một số người còn e rằng nếu bầu cử lại, đảng Dân Chủ Xã Hội sẽ bị cử tri trừng phạt vì thái độ ương ngạnh này.


Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier không muốn bầu lại Quốc Hội và ông thẩm định rằng những nhà chính trị phải biết thỏa thuận với nhau. Hôm nay, tổng thống tiếp chủ tịch đảng đối lập Martin Schulz. Bị nhiều áp lực, trong canh bạc này, lãnh đạo đảng Dân Chủ Xã Hội đứng trước rủi ro rất lớn, hai tuần trước đại hội đảng. - RFI
|
|

13.
Pháp phát hành bộ tem biển đảo Việt Nam

Bộ tem « Biển Đảo Việt Nam, vẻ đẹp bất tận » (Splendeurs de la mer du Vietnam) do Bưu chính Pháp phát hành đã chính thức ra mắt tối 22/11/2017, tại trụ sở của Unesco Paris. Sự kiện được văn phòng Tinh Hoa Việt (Elite Culturelle du Vietnam) kết hợp với Hội Hữu Nghị Pháp-Việt (Association d’Amitié Franco-Vietnamienne) và Bưu chính Pháp tổ chức nhằm giới thiệu với công chúng Pháp giá trị về vẻ đẹp của biển đảo, chủ quyền lãnh hải, những kho tàng vô giá của Việt Nam.

Bộ tem 5 chiếc gồm hình ảnh về vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Đá Đĩa (Phú Yên), đảo Trường Sa (Khánh Hòa) và đảo Song Tử Tây (Khánh Hòa).

Tham gia sự kiện ra mắt bộ tem và giới thiệu bộ sưu tập áo dài « Xanh mầu hy vọng » về biển đảo Việt Nam của nhà thiết kế, hoa hậu Ngọc Hân, có khoảng 200 khách mời, trong đó có đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn, chủ tịch Hội Hữu Nghị Pháp-Việt Gérard Daviot, bà Dư Thu Trang, giám đốc công ty Tinh Hoa Việt, ông Benjamin Combes, phụ trách các hoạt động quốc tế của Bưu chính Pháp cùng với nhiều quan chức thành phố Paris.

Đại diện cho Bưu chính Pháp, ông Benjamin Combes giới thiệu về bộ tem mới : « Loạt tem đầu tiên về phong cảnh Việt Nam được giới thiệu tối nay với năm hình ảnh tuyệt đẹp - tôi đã rất cân nhắc từ ngữ của mình - phản ánh vẻ đẹp biển đảo Việt Nam. Những chiếc tem này sẽ chu du khắp nước Pháp, trong nhiều năm sắp tới. « Biển Đảo Việt Nam, vẻ đẹp bất tận » của một đất nước thanh bình còn nhiều chủ đề mà chúng tôi sẽ thực hiện, tiếp tục đồng hành với các bạn trong dự án tương lai ».

Ông Gérard Daviot, chủ tịch hội Hội Hữu Nghị Pháp-Việt, nhấn mạnh đến tình trạng trái đất nóng lên đang đe dọa nhiều phong cảnh tại Việt Nam được Unesco công nhận là di sản tự nhiên, cũng như những vấn đề lớn mà Việt Nam đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt. Theo ông, đã đến lúc cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Cộng Hòa Pháp, cùng tham gia hành động :

« Nếu như ý tưởng hôm nay đóng góp được vào hành động, chúng tôi đã thực hiện được thách thức giới thiệu rộng rãi hơn đất nước Việt Nam và cho phép ngày càng có nhiều đồng hương Pháp của chúng tôi quan tâm hơn đến Việt Nam và sẽ chọn làm điểm đến trong chuyến du lịch sắp tới của họ”. - RFI
|
|

14.
Standard & Poor's tiếp tục báo động Venezuela vỡ nợ

Hôm qua, 22/11/2017, cơ quan thẩm định tài chính quốc tế Standard & Poor's cho biết Venezuela đã không thể thanh toán hai khoản nợ đáo hạn và khẳng định lại là Caracas rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán bán phần.

Theo thông cáo của Standard & Poor's, Venezuela đã không thể thanh toán 237 triệu đô la đáo hạn trong số công trái có kỳ hạn 2025 và 2026, thậm chí sau cả 30 ngày ân hạn.

Do vậy, công ty thẩm định tài chính này tỏ ra không lạc quan về tương lai tài chính của Venezuela, vốn phụ thuộc nặng nề vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu lửa trong lúc giá nhiên liệu xuống rất thấp. Do vậy, có 50% khả năng là Venezuela lại không thể thanh toán được khoản nợ đáo hạn trong ba tháng tới.

Các công ty thẩm định tài chính quốc tế liên tiếp đưa ra báo động, sau khi Standard &Poor's và Fitch lưu ý về tình trạng mất khả năng thanh toán bán phần của Nhà nước Venezuela và tập đoàn dầu lửa quốc gia PDVSA.

Một chuyên gia tài chính nói với AFP rằng « tình hình đang nghiêm trọng… Chính phủ phải nhanh chóng cho biết đó chỉ là vấn đề kỹ thuật hay vấn đề thanh khoản. Sự im lặng gây lo ngại ».

Những lời cảnh cáo này có thể là khúc dạo đầu dẫn đến tình trạng nghiêm trọng hơn, đó là việc mất khả năng thanh toán toàn phần, tức là Venezuela không thể thanh toán tất cả các khoản nợ của mình.

Theo giới chuyên gia, tổng thống Nicolas Maduro không còn cách nào khác là phải cho tiến hành thương lượng lại khoản nợ công có thể lên tới khoảng 150 tỷ đô la. - RFI
|
|

15.
Putin đề xuất đàm phán giữa Damas và đối lập Syria tại Nga

Sáng kiến Hội nghị đối thoại quốc gia Syria, do tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra đã được Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ủng hộ, nhân hội nghị thượng đỉnh ba bên tại Sotchi, ngày hôm qua, 22/11/2017.

Thông tín viên đài RFI Daniel Vallot tại Matxcơva tổng kết cuộc họp tại thành phố biển bên bờ Hắc Hải :

Đây là một ý kiến được Vladimir Putin đề xuất và giờ đây, sáng kiến này được hai đồng minh của Nga là Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ủng hộ. Nga đề nghị mời đại diện phe đối lập và của chính quyền Syria cùng đến họp tại Sotchi, bên bờ Hắc Hải.

Đối với tổng thống Nga, chiến dịch quân sự tại Syria sắp kết thúc và đã đến lúc để cùng chuẩn bị cho tương lai. Ông tuyên bố :

" Nhân dân Syria sẽ tự quyết định về tương lai, dĩ nhiên là tiến trình cải tổ sẽ không đơn giản (...), nó sẽ đòi hỏi nhiều sự nhượng bộ và thỏa thuận từ tất cả các bên liên quan đến khủng hoảng Syria, trong đó đương nhiên phải kể đến phía chính quyền Syria".

Trước mắt, thời điểm và các thành phần tham gia Hội nghị đối thoại quốc gia chưa được ấn định. Chế độ Bachar Al Assad tán đồng đề nghị của Vladimir Putin.

Thế nhưng phe đối lập còn dè chừng trước viễn cảnh tham gia vào một cuộc đối thoại được tổ chức dưới sự chủ tọa của nước Nga. Matxcơva cùng với Teheran đã trở thành đồng minh chính của tổng thống Bachar Al Assa".

Liên Hiệp Quốc ghi nhận "mốc quan trọng" trong hồ sơ Syria


Đang họp tại Ryiad, thủ đô Ả Rập Xê Út đối lập Syria chưa lên tiếng về đề nghị nói trên của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Riêng đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Syria, ông Staffan de Mistura, tuyên bố thượng đỉnh ba bên ngày hôm qua tại Sotchi là một mốc "quan trọng" để đàm phán giải quyết xung đột Syria dự trù mở ra ngày 28/11/2017 tại Genève-Thụy Sĩ đem lại những kết quả cụ thể. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

16.
3 nhân viên Bạch Ốc ‘tiếp xúc trái luật’ với phụ nữ trong chuyến APEC

Ba nhân viên quốc phòng Mỹ vừa bị chuyển công tác do nghi có “tiếp xúc trái quy định” với phụ nữ nước ngoài, vi phạm quy định giờ giới nghiêm khi tháp tùng Tổng thống Donald Trump công du đến Việt Nam.

Một nguồn tin của VOA Việt ngữ thân cận với chuyến công du của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đến Việt Nam và phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ hôm 22/11 cho biết rằng một nhóm các nhân viên trong đoàn của ông Trump có “tiếp xúc” với phụ nữ ở cả Đà Nẵng và Hà Nội.

Tờ The Washington Post ngày 22/11 dẫn lời các quan chức Mỹ cho hay 3 nhân viên quân sự bị điều chuyển khỏi Tòa Bạch Ốc do bị cáo buộc tiếp xúc với phụ nữ nước ngoài trái quy định và vi phạm luật về giờ giới nghiêm

Tờ USA Today trích lời ông Mark Wright, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, xác nhận rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đang xem xét hành vi của những nhân viên này khi họ tháp tùng Tổng thống Trump trong chuyến công du châu Á, trong đó có Việt Nam, vào đầu tháng 11.

Tờ Post nói người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc từ chối đưa ra bình luận về vụ này và nói báo chí nên hỏi Bộ Trưởng Quốc phòng Jim Mattis để được trả lời.

Những nhân viên này làm việc tại Cơ quan Truyền thông Nhà Trắng (WHCA), đơn vị quân đội chuyên trách cung cấp thông tin an toàn đến tổng thống, phó tổng thống, các mật vụ và quan chức khác.

Nếu bị kết tội, những nhân viên này có thể mất quyền tiếp cận các thông tin mật, bị xử lý hành chính hoặc thậm chí bị đưa ra tòa quân sự.

Tờ Washington Post còn cho hay ba hạ sĩ quan làm việc cho WHCA, đã bị thuyên chuyển công tác vào hôm thứ Ba 21/11.

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ từ chối cung cấp bất kỳ chi tiết nào liên quan đến vụ này nhưng thừa nhận đang tiến hành điều tra.

WHCA hiện có khoảng 1,200 nhân viên, trong đó nhiều nhân viên được cử đến Tòa Bạch Ốc làm việc.

Đây không phải là lần đầu tiên các nhân viên phục vụ đoàn công du của tổng thống Mỹ “tiếp xúc với phụ nữ nước ngoài.” Trước đó, bốn quân nhân Tòa Bạch Ốc phải đối mặt với cáo buộc tương tự trong chuyến thăm Panama của Phó Tổng thống Mike Pence hồi tháng 8, theo tờ Washington Post.

Bốn nhân viên Mỹ, hai người thuộc lục quân và hai người thuộc không quân, bị cáo buộc đưa 'phụ nữ nước ngoài' vào trong khu vực an ninh sau giờ làm việc, khi đang chờ ông Pence đến Panama. Họ bị đưa về nước trước khi phó tổng thống đến và bị đình chỉ nhiệm vụ tại Tòa Bạch Ốc để phục vụ điều tra.

Theo quy định các quân nhân có thẻ vào các khu vực an ninh nghiêm ngặt phải thông báo về mọi quan hệ với các cá nhân ngoại quốc để đảm bảo sự giao tiếp không nguy hại đến an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

Trong một vụ khác vào năm 2012, Tòa Bạch Ốc đưa 13 nhân viên mật vụ từ Colombia trở về thủ đô Washington sau khi họ bị cáo buộc đưa gái mại dâm vào khách sạn. Các nhân viên này đang chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến đây để tham dự một diễn đàn kinh tế.

Vụ việc này khiến 10 nhân viên bị sa thải và dẫn đến lo ngại rằng các thông tin mật về chuyến đi của tổng thống Mỹ có thể bị lộ qua đường gái mại dâm. - VOA
|
|

17.
Trump bênh vực ứng cử viên Thượng viện bị cáo buộc xâm hại tình dục

Tổng thống Donald Trump hôm thứ Ba bênh vực ứng cử viên Thượng viện Hoa Kỳ Roy Moore chịu nhiều tai tiếng, nói rằng ứng cử viên Đảng Cộng hòa bang Alabama này đã bác bỏ các cáo buộc về hành vi tình dục sai trái và nhấn mạnh rằng ông không muốn đối thủ Đảng Dân chủ của ông Moore giành chiến thắng.

Ông Trump trước đó nói rằng ông Moore nên tránh sang một bên nếu những cáo buộc nhắm vào ông là đúng.

Phát biểu trước các phóng viên tại Nhà Trắng trước khi rời Washington về Florida, ông Trump để ngỏ khả năng sẽ đi vận động cho ông Moore, nói rằng ông sẽ đưa ra một thông báo vào tuần sau.

Tổng thống cũng đả kích đối thủ Dân chủ của ông Moore, Doug Jones, mô tả cựu công tố viên này là người có quan điểm tự do và nhẹ tay với tội ác.

Những phát biểu này cho thấy một sự thay đổi về chiến lược cho Nhà Trắng, trước đó đã cố gắng giữ khoảng cách với tranh cãi khơi lên bởi một bài báo của tờ The Washington Post ghi lại chi tiết những cáo buộc của bốn người phụ nữ mà ông Moore theo đuổi họ khi họ còn là thiếu nữ trong khi ông ta đã hơn 30 tuổi. Kể từ khi đó đã có thêm những phụ nữ khác lên tiếng với cáo buộc của riêng họ.

"Ông ấy hoàn toàn phủ nhận. Ông ấy nói chuyện đó không xảy ra. Và, bạn biết đấy, bạn cũng phải nghe ông ấy chứ," ông Trump nói.

Lập trường của Trump đi ngược lại lập trường của những người theo Đảng Cộng hòa khác. Lãnh tụ Khối Đa số Thượng viện Hoa Kỳ Mitch McConnell và các nhà lập pháp có tiếng khác đã hối thúc ông Moore từ bỏ cuộc đua.

Phát biểu của ông Trump cũng trái ngược với những phát biểu của con gái ông Ivanka, một cố vấn Nhà Trắng, khi cô nói với hãng tin AP rằng "có một chỗ đặc biệt dưới địa ngục dành cho những kẻ gạ gẫm trẻ em." Cô nói cô không có lý do gì để nghi ngờ lời kể của những người phụ nữ cáo buộc ông Moore.

Ông Moore, 70 tuổi, đã phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào. Người đàn ông theo Kitô giáo có chủ trương bảo thủ này nói rằng ông là nạn nhân của một cuộc bức hại chính trị và đã từ chối rời bỏ cuộc đua.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, chính ông Trump đã đối mặt với những cáo buộc từ một số người phụ nữ rằng ông trong quá khứ đã có những hành động tình dục không mong muốn hoặc những lời nhận xét cá nhân thiếu tế nhị về họ. Ông Trump phủ nhận các cáo buộc này, tố phe Dân chủ và giới truyền thông thực hiện một chiến dịch bôi nhọ ông.

Ông Trump trước đó ủng hộ đối thủ của ông Moore, Thượng nghị sĩ Luther Strange, trong vòng bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa cho một ghế trống tại Thượng viện Hoa Kỳ mà ông Jeff Sessions để lại khi ông sang làm bộ trưởng tư pháp cho chính quyền Trump. Nhưng ông Trump đã quay sang ủng hộ ông Moore sau khi ông này giành được đề cử.

Phe Cộng hòa chiếm thế đa số mong manh 52-48 tại Thượng viện. Họ muốn giữ lợi thế đó để thông qua chủ trương chính sách của ông Trump về thuế, chăm sóc y tế và các ưu tiên khác. - VOA
|
|

18.
Các nước khắp thế giới điều tra Uber ém nhẹm vụ xâm nhập dữ liệu

Các chính phủ trên khắp thế giới đã mở các cuộc điều tra nhắm vào Uber sau khi công ty này tiết lộ rằng họ đã ém nhẹm một vụ xâm nhập dữ liệu về hàng triệu khách hàng và người lái xe, là vụ bê bối mới nhất làm chao đảo công ty cung cấp dịch vụ gọi xe đưa đón này.

Nhà chức trách ở Anh và Mỹ, hai thị trường hàng đầu của Uber, cũng như Úc và Philippines hôm thứ Tư cho biết họ sẽ điều tra phản ứng của công ty này về vụ xâm nhập dữ liệu.

Một số nhà lập pháp Mỹ đã kêu gọi các cuộc điều trần trước Quốc hội và khẩn khoản yêu cầu Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) Hoa Kỳ điều tra vấn đề.

Uber cho biết họ đã liên lạc với FTC và một số bang để thảo luận về một vụ tấn công tin tặc vào năm ngoái làm lộ dữ liệu về hàng triệu khách hàng và tài xế.

Uber hôm thứ Ba nói rằng vào cuối năm 2016, họ đã trả cho các tin tặc 100.000 đôla để hủy dữ liệu về hơn 57 triệu khách hàng và người lái xe bị đánh cắp từ công ty và quyết định không báo cáo vấn đề này cho nạn nhân hay nhà chức trách.

Giám đốc điều hành của công ty thừa nhận trong một bài blog hôm thứ Ba rằng công ty đã sai lầm trong việc xử lý vụ xâm nhập.

Dịch vụ gọi xe đưa đón đang thua lỗ này nổi tiếng về lập trường cứng rắn với các nhà quản lý trong khi họ tìm cách ráo riết mở rộng và cạnh tranh với các dịch vụ taxi hiện hữu.

Các tổng chưởng lý ở ít nhất bốn bang ở Mỹ là Connecticut, Illinois, Massachusetts và New York nói rằng họ đã mở các cuộc điều tra về vụ xâm nhập.

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Richard Blumenthal lên Twitter kêu gọi FTC điều tra Uber, mô tả hành vi của công ty là "không thể giải thích được" và yêu cầu FTC áp đặt "những khoản tiền phạt đáng kể."

FTC, cơ quan đặc trách điều tra các công ty bị cáo buộc cẩu thả với dữ liệu người tiêu dùng, cho biết họ đang tìm hiểu vụ việc, nhưng từ chối cho biết họ đã mở một cuộc điều tra chính thức hay chưa.

Dân biểu Hoa Kỳ Frank Pallone thì kêu gọi một phiên điều trần trước Quốc hội.

Cơ quan bảo vệ dữ liệu của Anh cho biết họ sẽ hợp tác với các cơ quan ở Anh và nước ngoài để điều tra vụ việc.

Luật pháp Anh quy định mức tiền phạt tối đa 500.000 bảng Anh (662.000 đô la) vì không thông báo cho người dùng và cơ quan quản lý biết vụ xâm nhập dữ liệu xảy ra khi nào.

"Cố ý che giấu không cho các nhà quản lý và người dân biết về những vụ xâm nhập từ có thể thu hút khoản tiền phạt cao hơn cho các công ty," James Dipple-Johnstone, Phó cục trưởng của Văn phòng Cục trưởng Cục Thông tin Anh, nói trong một phát biểu.

Thông tin bị đánh cắp bao gồm tên, địa chỉ email và số điện thoại của 57 triệu người sử dụng Uber toàn thế giới, và tên và số bằng lái của 600.000 người lái xe ở Mỹ, theo một bài viết trên blog của giám đốc điều hành mới của Uber, Dara Khosrowshahi, người thay thế người đồng sáng lập Travis Kalanick vào tháng 8.

Uber cho biết họ đã sa thải giám đốc an ninh chính của họ, Joe Sullivan, và một phó giám đốc, Craig Clark, trong tuần này về vai trò của họ trong vụ việc. Ông Sullivan, trước đây là quan chức an ninh hàng đầu của Facebook và là một công tố viên liên bang, phục vụ trong vai trò giám đốc an ninh và luật sư phó tổng quyền của Uber.

Một loạt các giám đốc điều hành đã rời Uber trong những tháng gần đây giữa những tranh cãi liên quan tới quấy rối tình dục, bảo mật dữ liệu và lề lối kinh doanh ở Châu Á. Hội đồng quản trị đã loại ông Travis Kalanick khỏi vị trí giám đốc điều hành vào tháng 6. - VOA
|
|

19.
Máy chủ Google và nỗ lực bắt Vũ Trụ 'bỏ lọ'

Trong lúc tại Việt Nam có ý kiến đòi các đại gia công nghệ thông tin 'đặt máy chủ' ở nước này, Google đến nay vẫn đặt các trung tâm dữ liệu lớn nhất ở Hoa Kỳ và châu Âu.

Google rất công khai về chuyện này và giới thiệu gallery ảnh, sinh hoạt của nhân viên tại những trung tâm dữ liệu ở trang www.google.com/about/datacenters.

Theo nguồn này thì các trung tâm của Google, tập đoàn cũng nắm mạng YouTube, được đặt ở:

Berkeley County - South Carolina; Council Bluffs. - Iowa; The Dalles - Oregon; Douglas County - Georgia; Lenoir - North Carolina; Mayes County - Oklahoma, Hoa Kỳ.

Ngoài nước Mỹ có hai trung tâm lớn là Hamina, Phần Lan, và St Ghislain, Vương quốc Bỉ.

Google quảng cáo rằng: "Hãy thăm tám nơi mà máy tính của bạn đã đến."

Ngoài ra, Google đã có các trung tâm dữ liệu 'đám mây' (cloud computing data platform) ở châu Á là Singapore, Đài Loan và Tokyo.

London có thể trở thành trung tâm mới nhất về cloud computing của Google tại châu Âu, sau trung tâm ở Bỉ, theo tin từ BBC Technology mùa hè năm nay.

Mạnh nhất Vũ trụ?

Trang web của Google có tour ảo để người dùng vào xem cả phần kỹ thuật tại một trong tám trung tâm ở Hoa Kỳ, Bỉ và Phần Lan.

Google khoe là công nghệ lưu trữ và quản lý dữ liệu của họ không phải nhất thế giới, mà nhất cả Vũ Trụ:

"Khi bạn đang vào một trang web của Google website (như lúc này đây), bạn đang tiếp cận một trong hệ thống máy chủ mạnh nhất trong Toàn thể Vũ Trụ mà loại người biết đến.

"...Đây là cơ hội để bạn vào bên trong khu vực còn có tên là mạng Internet phần cơ học."

Ngay từ hồi 2012, Google đã mở hết các trung tâm dữ liệu toàn cầu cho bất cứ ai muốn sử dụng.

Dịch vụ Compute Engine cho các công ty, các nhà thiết kế mạng tha hồ dùng phần cứng (hardware) của Google, miễn là họ đăng ký với công ty này.

Sau thủ tục đó, công ty và người dùng có thể vào dùng mọi máy chủ của Google.

Trên thực tế, trong cuộc chạy đua 'mở máy chủ', Google tung ra sáng kiến trên sau khi Amazon và Microsoft đã đi trước.

Đây là bước tiếp theo của App Engine mà Google đưa ra năm 2008 nhưng cho phép người sử dụng nhiều tự do hơn.

Đầu tư công nghệ mới vào các máy chủ siêu hạng cũng cho phép Google cắt giảm chi phí và tăng công suất của các máy tính lên 50%, theo thông báo của Urs Holzle, giám đốc cơ sở hạ tầng của công ty.

Đến tháng 7/2017, Google thông báo sẽ mở ra trung tâm 'cloud computing data center' ở London, một tin vui cho công nghệ thông tin Anh.

Nguyên tắc vận hành

Về 'cloud computing', các đại tập đoàn như Fujitsu của Nhật Bản, hay Google của Hoa Kỳ thường chọn cách chia các trung tâm dữ liệu theo khu vực.

Một trung tâm khu vực sẽ phục vụ các quốc gia đông khách hàng xung quanh đó.

Ví dụ, công nghệ quản lý dữ liệu IaaS (cloud infrastructure as a service) của Google phân vùng rất rõ: Bờ Đông và Bờ Tây của Hoa Kỳ, các bang trung tâm nước Mỹ; khu vực Tây Âu (quản trị từ Bỉ), và Đông Á (Nhật Bản, Singapore và Đài Loan).

Những nước không có tên ở đây được bộ phận khách hàng (global sale) chăm lo.

Việc chọn ngôn ngữ nào để hỗ trợ khách hàng trên các cổng của Google cũng quan trọng.

Hai tiếng Anh và Nhật được dùng cho dịch vụ hỗ trợ khách hàng và các tài liệu.

Các tiếng Anh, Hà Lan, Đức, Ý, Ba Lan, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Bồ Đào Nha, Hàn, Nhật, Trung văn và Thái là ngôn ngữ cho các portal.

Cũng cần phải nói trong các đại gia công nghệ Phương Tây, chỉ có Apple quyết định đặt trung tâm dữ liệu tại Quý Châu, Trung Quốc nhằm cung cấp dịch vụ iCloud cho khách hàng nước này.

Tuy thế, theo trang BBC Technology, quyết định của Apple có thể gây khó khăn cho tập đoàn này một khi xảy ra tranh tụng với chính quyền Trung Quốc. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

20.
Thủ tướng Việt Nam giục Mỹ trở lại TPP

Các thành viên còn lại của hiệp định thương mại tự do Đối tác Xuyên Thái Bình Dương cần để ngỏ cửa cho việc Mỹ quay trở lại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói như vậy với Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Naotoshi Okada của Nikkei ở Hà Nội.

Trong buổi tiếp lãnh đạo của Nikkei, ông Phúc cũng mô tả Nhật Bản và Việt Nam thân thiết như anh em một nhà.

11 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Nhật Bản, Malaysia và Singapore, đã đạt được một thỏa thuận trên bình diện rộng về việc theo đuổi hiệp định thương mại mà không có sự tham gia của Washington.

Về việc Tổng thống Donald Trump rút nước Mỹ khỏi TPP trong khuôn khổ chính sách "nước Mỹ trên hết" của mình, Thủ tướng Phúc thúc giục ông Trump tham gia trở lại vào TPP để "bảo đảm lợi ích cho các quốc gia thành viên và cho chính nước Mỹ".

Nhà lãnh đạo Việt Nam cho hay đã nói chuyện với Thủ tướng Nhật, ông Abe, về cách thuyết phục ông Trump quay trở lại, thể hiện mối quan tâm lớn đến việc đưa Washington trở lại.

Nếu Hoa Kỳ quay lại với TPP, các thành viên của hiệp định sẽ chiếm 37,5% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới, 11,3% dân số toàn cầu và 25,7% tổng kim ngạch mậu dịch - tăng gấp đôi hoặc gấp ba, tùy hạng mục, so với các con số của TPP 11.

Với thực tế là ông Trump có nhiều khả năng không thay đổi ý định, Nhật Bản và Việt Nam có kế hoạch lôi kéo các nước khác vào nỗ lực thuyết phục ông về TPP.

Mỹ đánh giá "tầng lớp trung lưu đang tăng lên của Việt Nam như là một thị trường chính cho hàng hoá và dịch vụ của Mỹ", ông Trump nói trong chuyến thăm gần đây của ông, đồng thời nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có "thương mại công bằng và đối đẳng".

Ông Trump đề nghị đàm phán một hiệp định thương mại tự do song phương với Việt Nam, và ông có thể cũng sẽ sớm đề nghị tương tự với Tokyo, mặc dù dường như ông đã không nêu ra vấn đề này trong khi ông ở Nhật Bản từ ngày 5-7/11.

Nhật Bản và Việt Nam dường như có chung những quan ngại về những điều khoản cứng rắn mà Mỹ có thể sẽ nêu yêu sách trong các cuộc đàm phán song phương. - VOA
|
|

21.
Việt Nam kêu gọi đảm bảo tự do trên biển Đông

Phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh hôm 21/11 kêu gọi các lãnh đạo diễn đàn Á-Âu hợp tác để đảm bảo an ninh và tự do hàng hải trên vùng biển Đông đang có tranh chấp.

Phát biểu trong lễ bế mạc hội nghị thượng đỉnh ASEM tại Nay Pyi Taw, thủ đô Myanmar, phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao cho rằng “cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, nguy cơ xung đột do tranh chấp lãnh thổ và biển đảo ngày càng hiện hữu.”

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao sau cuộc họp 2 ngày ở Myanmar được truyền thông trong nước đăng tải, “Việt Nam kêu gọi các nước cần kiên trì thúc đẩy nỗ lực chung, khẳng định cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, kiềm chế các hoạt động có thể làm phức tạp thêm tình hình."

Cũng theo thông cáo này, ông Minh khẳng định Việt Nam đang tiếp tục phối hợp với các thành viên ASEM đóng góp vào nỗ lực duy trì hòa bình, anh ninh và ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Cũng lên tiếng kêu gọi về an ninh trên biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong ngày đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh ASEM, 20/11, thúc giục có các nỗ lực chung để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Ông Vương Nghị được Tân Hoa Xã trích lời nói tại hội nghị rằng bảo vệ hòa bình và ổn địng trong khu vực là điều tiên quyết để đạt được tiến bộ và thịnh vượng cũng như việc chia sẻ trách nhiệm của tất cả các bên ở châu Á và châu Âu.

Vấn đề biển Đông không được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh APEC của khối 21 nền kinh tế khu vực châu Á Thái Bình Dương hồi đầu tháng này nhưng đã là chủ đề thảo luận trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hà Nội sau đó.

Việc Trung Quốc tiếp tục các hoạt động xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo trên vùng biển Đông có tranh chấp làm cộng đồng quốc tế lo ngại và Việt Nam là một trong những nước chịu áp lực nhiều nhất từ Trung Quốc.

Sự căng thẳng trong quan hệ ngoại giao của Việt Nam và Trung Quốc tăng cao vào giữa năm nay khi Hà Nội được cho là phải quyết định ngừng khoan thăm dò dầu khí với đối tác Tây Ban Nha, công ty dầu khí Repsol, dưới sức ép của Bắc Kinh.

Tổng thống Trump trong chuyến thăm tới Hà Nội hôm 11/11 đã đề xuất làm trung gian hòa giải cho tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên Chủ tịch Trần Đại Quang, người tiếp Tổng thống Trump tại Phủ Chủ tịch đã không nói liệu Việt Nam sẽ chấp nhận lời đề xuất này của Tổng thống Mỹ hay không.

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ rời Việt Nam, Chủ tịch Trung Quốc đã tới Hà Nội và trong chuyến thăm này, 2 quốc gia láng giềng đã nhất trí cùng hợp tác giải quyết tranh chấp biển Đông một cách ôn hòa. - VOA
|
|

22.
ĐBQH: ‘Lò chống tham nhũng’ của Việt Nam chưa cháy

Một đại biểu Quốc hội Việt Nam cho rằng vấn đề chống tham nhũng chưa bao giờ “nóng” như giai đoạn hiện nay.

Trong buổi thảo luận về dự luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi hôm 21/11 tại Hà Nội, đại biểu Nguyễn Chiến của Hà Nội được truyền thông trong nước trích lời nói “10 năm qua thi hành luật, giống như xây ‘lò’ nhưng ‘củi to, củi ướt’ chưa cháy được.”

Phát biểu trong buổi thảo luận đóng góp ý kiến, đại biểu này nói “vậy sửa luật lần này phải gia cố để đảm bảo ‘củi to, củi nhỏ, củi ướt, củi khô’ đều phải cháy,” theo trích dẫn của VietNamNet.

Việc ví von chiến dịch xử lý tham nhũng với chiếc lò đốt củi được bắt đầu từ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông phát biểu tại phiên họp thứ 12 Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng hồi cuối tháng 7 vừa qua. Câu nói nổi tiếng của ông “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy” đã được lan truyền trên truyền thông và mạng xã hội như một lời tuyên bố cho một chiến dịch chống tham nhũng do ông phát động.

Nhận định về hiệu quả của ‘lò xử lý tham nhũng’ này, cựu đại tá an ninh Đinh Đình Phú – một người mạnh mẽ lên tiếng chống tham nhũng ở Hải Phòng – nói điều quan trọng là phải xác định “ai là người nhóm lò.”

"Vấn đề ai là người nhóm lò cho lửa hồng lên để củi cháy?", theo ông Phú. "Người nhóm lò là quan trọng. Đối tượng tham nhũng là ai? Đối tượng tham nhũng không phải là dân lành. (Người) đề ra chính sách và pháp luật cũng không phải dân lành. Ai xử được những người có chức có quyền tham nhũng? Phải là Đảng."

Nhưng ông Phú, người từng đứng ra đại diện nhân dân tố cáo các quan chức thị xã Đồ Sơn, Hải Phòng, tự ý chia chác đất đai vô nguyên tắc, cho rằng đối tượng “tham nhũng là những người có chức có quyền chứ không phải dân lành.” Ông nhận định cuộc chiến chống tham nhũng là cuộc chiến trong nội bộ Đảng.

Đặt ra câu hỏi trong buổi hội thảo của Quốc hội hôm 21/11 rằng “phải xác định ai có thể lấy được tiền bạc của Nhà nước?” đại biểu Nguyễn Chiến tự trả lời “Đó là người có chức vụ, quyền hạn, được trực tiếp giao trách nhiệm quản lý tài sản, đó là những chủ thể đặc biệt.”

Để cuộc chiến chống tham nhũng có hiệu quả, theo ông Phú – tác giả hồi ký “Cuộc chiến thầm lặng” – cần phải “kết hợp 3 mũi giác công.” Đó là sự kết hợp của nhân dân, báo chí và đảng viên, theo người từng làm trong ngành an ninh quân đội Việt Nam.

Ông Phú đề xuất luật sửa đổi phải có những điều khoản xử lý những người bao che cho các hành vi tham nhũng đồng thời bảo vệ những người đứng ra chống tham nhũng cũng như khen thưởng cho những người này. "Phải bổ sung vào luật nếu không thì không ổn. Sẽ không ai giám làm, không ai giám chống (tham nhũng) cả."

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, các vụ tham nhũng năm nay gây thiệt hại trên 1.350 tỷ đồng. Số tiền này chưa bằng 1 nửa so với số tiền hơn 3.300 tỷ đồng mà cựu lãnh đạo ngành dầu khí Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc đã làm thất thoát. Vụ ‘bắt cóc’ ông Thanh của mật vụ Việt Nam, theo cáo buộc của chính phủ Đức, được cho là nằm trong chiến dịch chống tham nhũng của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Trước đó ông Trọng từng nói sẽ bằng mọi giá mang ông Thanh về Việt Nam để xử lý.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định rõ 27 biểu hiện tự diễn biến tự chuyển hóa trong tham nhũng và theo ông Phú, “cả xã hội biết đối tượng tham nhũng là ai” cho nên chỉ cần pháp luật có nghiêm không thì sẽ giải quyết được vấn nạn này. - VOA
|
|

23.
Bảy người Việt đi tù ở Campuchia vì buôn lậu gỗ

Bảy nam giới người Việt, bị cáo buộc khai thác và vận chuyển trái phép gỗ quý, nhận án tù một năm và nộp phạt mỗi người 12.500 đô la Mỹ, tờ Khemer Times và Phenompenh Post của Campuchia hôm 23/11 đưa tin.

Bảy người này không được đưa ra khỏi nhà tù ở tỉnh Mondulkiri để tham dự buổi tuyên án của tòa.

Vụ việc xảy ra trong khu bảo tồn động thực vật hoang dã tại quận Keo Seima, tỉnh Mondulkiri vào đầu năm nay.

Vào hồi tháng Một, thẩm phán tòa án tuyên bố những người này vào biên giới Campuchia để cưa trộm cây.

Nhóm người này bị bắt ngày 22/2 sau khi cảnh sát quân đội và Ủy ban Quốc gia về Phòng chống tội phạm rừng tuần tra các khu bảo tồn và phát hiện họ đang vận chuyển gỗ.

Cảnh sát đã tịch thu 145 cây gỗ quý, tổng cộng khoảng 200 mét khối.

Cảnh sát cũng giữ tám xe tải, bốn chiếc xe máy, hai cưa xích và một số vật dụng khác.

Nhưng trong phiên xử tháng trước, nhóm này phủ nhận những cáo buộc. Tất cả đều nói không phải là người khai thác gỗ mà chỉ là thợ cơ khí.

Bảy người này cho hay vào ngày xảy ra cuộc đột kích, họ được một doanh nhân người Campuchia gốc Việt thuê sửa chữa những xe tải bị hỏng đang đậu trong rừng. - BBC
|
|

24.
Việt Nam thúc giục EU không đưa nhân quyền vào hiệp định Thương mại tự do

Việt Nam mới đây đề nghị phía Liên minh Châu Âu (EU) rút lại “thẻ vàng” cho thuỷ hải sản của Việt Nam và không đưa nhân quyền vào hiệp định Thương mại tự do EU Việt Nam.

Đề nghị này được đưa ra trong buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) vào chiều ngày 21 tháng 11 tại Trụ sở Chính phủ Việt Nam.

Tin từ trang báo Chính phủ dẫn lời Đại sứ Bruno Angelet cho biết trong tuần tới sẽ diễn ra một sự kiện quan trọng đối với việc triển khai PCA, đó là Đối thoại nhân quyền Việt Nam – EU. Ông Bruno nhấn mạnh sự kiện này không chỉ có ý nghĩa quan trọng mà còn góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước trong tương lai.

Đại diện lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng không nên đưa nhân quyền vào nội dung chỉnh sửa của EVFTA. Ông nhấn mạnh Việt Nam luôn phối hợp với quốc tế để bảo vệ tốt hơn quyền con người.

Trước đó, vào ngày 16 tháng 11, Công an Hà Nội đã câu lưu 3 nhà hoạt động xã hội sau khi những người này có cuộc gặp và trao đổi với đại diện Liên minh châu Âu về vấn đề nhân quyền Việt Nam. Những người bị câu lưu bao gồm Blogger Phạm Đoan Trang, Tiến sĩ Nguyễn Quang A và cựu tù nhân lương tâm Bùi Thị Minh Hằng.

Cũng tại buổi làm việc với phái đoàn EU, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhắc đến việc EU đã ban hành ‘thẻ vàng’ cảnh báo Việt Nam không tuân thủ luật pháp quốc tế về đánh bắt thuỷ hải sản bất hợp pháp, không quản lý và không khai báo đối với sản phẩm xuất khẩu sang EU.

Ông Vương Đình Huệ cho biết chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn và chấm dứt các hoạt động khai thác thuỷ hải sản trái phép.

Ngược lại, Đại sứ EU ông Bruno Angelet cho biết EU sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để sớm có quyết định rút lại ‘Thẻ Vàng’ cho thuỷ hải sản Việt Nam.

Ủy Ban Châu Âu (EC) hôm 23 tháng 10 quyết định ban hành ‘thẻ vàng’ cảnh cáo đối với hải sản Việt Nam với lý do vì Hà Nội không cải thiện kịp thời và đầy đủ các yêu cầu của EU trong công tác chống hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. - RFA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét