Một nền giáo dục khốn nạn
Tôi phải thốt ra câu đó khi đọc được câu chuyện về bé gái lớp Một bị xâm hại tình dục ở trường tiểu học Lương Thế Vinh, quận Thủ Đức, TPHCM. Trời ơi, một đứa trẻ con mới đang học lớp Một! Nó đã làm gì nên tội, mà từ giờ phải mang cái ký ức bẩn thỉu đó cả đời. Cô giáo không ngượng mồm bảo rằng bé thủ dâm nên chảy máu. Camera nhà trường “mất dữ liệu” đúng trong một giờ đấy – tình cờ chưa! Phòng Giáo dục Quận thì không ngượng mặt báo cáo là bé tự ngã nên mới chảy máu, bảo bé khai là mẹ bắt nói dối. Trong cái cuộc đời này có người mẹ nào xúi con mình bịa chuyện vén váy oang oang với khắp thiên hạ là mình bị hiếp hay không?
Chỉ có đứa nào ngu mới tin cái báo cáo đấy. Chỉ có đứa nào ngu mới tin là cái camera đấy mất dữ liệu. Chỉ có đứa nào ngu mới tin là một đứa trẻ 7 tuổi thủ dâm rồi tự chảy máu đau đớn như thế. Sự thật rõ ràng trắng đen nó đập bốp vào mặt như thế mà mấy người có quyền vẫn chắc mẩm là thiên hạ ngu? Chẳng lẽ vì mình là nhà giáo, ngồi trên cao, mà nghĩ rằng cả xã hội nó không não để mà nói gì tin nấy? Từ giờ hãy đeo cái biển “Khốn nạn” trước ngực cho người đời nó khinh.
Trong xã hội có nhiều đứa khốn nạn, đúng, cái này chẳng tránh được, nhưng người làm giáo dục mà khốn nạn thì là cái thứ khốn nạn nhất. Ai khác mà khốn nạn thì nó làm nó chịu, nhưng những người làm giáo dục mà khốn nạn thì cả một thế hệ phải gánh chịu hậu quả lâu dài. Nền giáo dục Việt Nam hãy căng mắt ra mà nhìn lại thành tích của mình trong suốt 3 tháng vừa rồi đi:
+ Ngày 1/12/2016: Em Trần Chí Kiên, học sinh lớp 2A4 trường Tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội, bị xe ô tô chở cô Hiệu trưởng đâm phải, gây gãy chân, phải vào bệnh viện cấp cứu. Cô Hiệu trưởng sau đó chối đây đẩy, nhất quyết bảo cháu tự ngã, rồi phát phiếu khảo sát cho toàn bộ giáo viên trong trường, 100% trả lời dối trá rằng không thấy chiếc xe ô tô nào vào sân trường ngày hôm ấy. Mãi tới cuối tháng 2, sự việc mới sáng tỏ nhờ sức ép của dư luận và cô Hiệu trưởng này mới bị cách chức.
+ Ngày 5/1/2017: Em Diệp Anh, học sinh lớp 12A2 trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội, bị bỏng nặng cấp độ 3 do bạn cùng lớp nghịch hoá chất trong giờ thí nghiệm Hoá mà giáo viên bỏ dạy. Nhà trường giấu nhẹm sự việc, không thăm hỏi, không xử phạt, không điều tra suốt một tháng trời, và chỉ đến khi nạn nhân lên tiếng, truyền thông can thiệp thì Ban Giám hiệu mới bẽ mặt giải thích và vội vàng “tìm cách xử lý.”
+ Đầu tháng 2/2017, một học sinh trường THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội, bị thầy giáo cầm thẻ học sinh bêu riếu từ lớp này qua lớp nọ và có lời lẽ thoá mạ cộng đồng LGBTQ+ vì thầy nhìn thấy đằng sau tấm thẻ có ảnh hai đứa con gái ôm hôn nhau. Đây là hành vi xúc phạm nhân phẩm của học sinh, và có thể gây ảnh hưởng tâm lý không nhỏ tới sự phát triển sau này.
Hình như bây giờ cứ vài ngày ngành Giáo dục lại có một câu chuyện giật gân, một sự việc kinh hoàng trời ơi đất hỡi từ đâu mọc ra. Đã bao giờ những người làm giáo dục trong các sự việc trên tự hỏi: Cái trường, cái lớp sinh ra để làm gì? Để trồng người! Để giúp một đứa trẻ trưởng thành một cách khoẻ mạnh và trí tuệ. Để giúp đứa trẻ ấy mở rộng hiểu biết về thế giới xung quanh và trở thành một người có ích. Một “nhà trường” sẽ thực hiện tốt những nghĩa vụ ấy thế nào nếu tới việc BẢO VỆ cho học sinh của mình cũng không làm được? Tới việc lắng nghe nó, tin tưởng nó, đấu tranh cho nó bất chấp mọi thứ, cũng không làm được? Nó là nạn nhân, nó yếu đuối, nó suy sụp, nó đau đớn, nó thì có bao nhiêu tiếng nói trong xã hội đâu, mà những người có tiếng nói lại bịt ngay mồm nó lại? Người trồng cây chẳng bao giờ nỡ để kẻ khác nhẫn tâm chặt cây của mình, thì tại sao những vị trồng người lại thản nhiên để học sinh của mình chịu đau một mình, nhìn tương lai mai một?
Dạy học sinh cái gì không dạy, lại dạy nó phải im mồm! Mấu chốt nằm ở đấy. Bao nhiêu năm nay cái lõi của giáo dục Việt Nam là dạy trẻ con phải NGHE LỜI, phải “TUÂN THỦ.” Cô giáo bảo gì phải dạ phải vâng. Nhà trường bắt làm gì phải tuân thủ nghiêm khắc. Thế nên những kẻ có quyền mới lộng hành, còn lũ học sinh – đáng lẽ phải là trọng tâm của giáo dục – lại trở thành những con rối đáng thương. Chẳng ngoa khi nói rằng, học sinh Việt Nam đến trường là để học cách trở thành những nô lệ ngoan ngoãn. Học sinh làm gì có tiếng nói? Khi nó bị hiếp dâm bao nhiêu lần, khi nó bị bỏng nặng không viết nổi chữ, khi nó bị gãy chân phải cấp cứu, các vị nắm quyền vẫn chối đây đẩy được cơ mà. Tiếng nói nằm ở đâu? Công bằng nằm ở đâu? Những người thấp cổ bé họng thì vẫn mãi bị đì xuống đáy.
Giáo dục là dành cho ai? Giáo dục là dành cho học sinh. Giáo dục là cái ngành thiêng liêng mà những người làm nghề giáo truyền dạy kiến thức và lối sống cho thế hệ sau. Giáo dục là môi trường để thế hệ sau phát triển lành mạnh và an toàn. Bây giờ hãy nhìn lại vào bộ mặt giáo dục Việt Nam coi. Chẳng biết tự lúc nào nó đã trở thành trò chơi quyền lực của những người làm nghề giáo. Một trò chơi dơ bẩn, chà đạp lên học sinh thân yếu tay mềm để bám giữ lấy cái địa vị của mình.
Câu chuyện bé gái bị xâm hại ở Thủ Đức là một hồi chuông cảnh tỉnh cho giáo dục Việt Nam. Một sự việc đã bị phơi bày lên báo chí, chắc chắn đã có biết bao sự việc khác bị giấu nhẹm cho qua, để rồi những kẻ có quyền vẫn ngồi rung đùi giữ ghế. Nếu đây còn là một nền giáo dục có tâm, thì phải thay đổi ngay lập tức cách dạy học ở nhà trường. Toán, Lý, Hoá quan trọng gì khi mà chưa dạy nổi học sinh về quyền của mình, về cơ thể của mình, về tầm quan trọng của mình?
ĐỪNG DẠY HỌC SINH CÁCH IM LẶNG VÀ NGHE LỜI HÃY DẠY HỌC SINH BIẾT CẤT TIẾNG NÓI ĐỂ BẢO VỆ MÌNH.
Siêu Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét