Đá tảng cản doanh nghiệp Việt: Chỉ Trung Quốc hiểu?
bauxitevnTue 8:49 PM
PGS. TS Phương Ngọc Thạch - (Chủ tịch Hội HASEM)
(Doanh nghiệp) - ''Doanh nghiệp "bôi trơn" để tìm lợi thế trong kinh doanh, "bôi trơn" để có hợp đồng, hoặc để phòng...'' - PGS. TS Phương Ngọc Thạch.
Doanh nghiệp nội thiệt đơn, thiệt kép
Trong những năm qua, chính quyền địa phương đã tập trung hoàn thiện cải cách thủ tục hành chính; nỗ lực xây dựng hệ thống giải pháp thực hiện cơ chế, chính sách tạo môi trường thông thoáng trong đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp. Trong đó quan tâm tạo điều kiện tốt nhất, phát triển nhanh khu vực kinh tế dân doanh.
Làm gì cũng phải bôi trơn. Ảnh minh họa
Nhiều ý kiến cho rằng, môi trường kinh doanh có sự cải thiện đáng kể, đặc biệt từ khi có các Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh. Song theo kết quả điều tra PCI 2016, VCCI mới đây lại chỉ ra bên cạnh những cải cách mang tính đột phá của chính quyền địa phương, thì vẫn còn nhiều “hòn đá tảng” đáng quan ngại đối với doanh nghiệp như: tính minh bạch về khả năng tiếp cận thông tin, dữ liệu, chi phí không chính thức, tiếp cận với đất đai, thủ tục hành chính và môi trường cạnh tranh không bình đẳng...
Thực tế này đã tồn tại từ lâu và rất nhiều doanh nghiệp cho biết họ không thể tiếp cận được với những chính sách khuyến khích, ưu đãi của Nhà nước, bởi để nhận được chính sách ưu đó thì chi phí họ phải bỏ ra có khi còn lớn hơn những gì được nhận về.
Nhìn nhận vấn đề này cũng cần đặt vấn đề từ cả hai phía, cả phía doanh nghiệp và cả phía cơ quan công quyền nữa. Đồng ý rằng, tình trạng bôi trơn, đưa hối lộ ngày càng phổ biến là do môi trường kinh doanh, do các chính sách thể chế chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, bên cạnh đó thì bản thân doanh nghiệp cũng là nhân tố kích thích, tạo điều kiện để cán bộ công chức, cơ quan công quyền hình thành thói quen nhận “phí bôi trơn”.
Nhiều cán bộ không yêu cầu nhưng doanh nghiệp vẫn tìm cách để thực hiện hành động "bôi trơn” cho bằng được, mục đích là để được việc mình. Nhiều doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ đưa các khoản tiền lót tay, hối lộ cho cán bộ, công chức mỗi khi có việc, lý do chính mà doanh nghiệp đưa hối lộ là vì lo ngại không hối lộ sẽ bị hỏng việc.
Doanh nghiệp, dùng phí "bôi trơn" để tìm lợi thế trong kinh doanh, "bôi trơn" để giành được hợp đồng, hoặc đơn giản "bôi trơn" để phòng ngừa phiền hà, nhũng nhiễu có thể xảy ra nơi cửa công.
Như vậy, ngoài rào cản trong việc tiếp cận thông tin, dữ liệu, tốn kém nhiều khoản chi phí không chính thức, môi trường cạnh tranh không bình đẳng... Doanh nghiệp Việt còn phải chịu nhiều áp lực của thủ tục hành chính phức tạp, tốn kém; chưa bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực để đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh.
Bị kẹp giữa những bất lợi đó, không ai khác chính những doanh nghiệp nhỏ và vừa là những chủ thể dễ bị tổn thương nhất do có thị phần nhỏ, hoạt động quy mô nhỏ, luôn trong tình trạng thiếu vốn, lại bị cạnh tranh khốc liệt từ cả phía doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Đặt trong bối cảnh yêu cầu tham gia hội nhập sâu và rộng càng tạo áp lực khiến doanh nghiệp nội địa phải gánh chịu tác động kép. Áp lực cạnh tranh từ phía doanh nghiệp nước ngoài, và áp lực từ thuế, phí, phí "bôi trơn", như vậy khả năng giữ tồn tại được đã là rất khó chứ chưa nói tới yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh.
Vì vậy, Nhà nước cần đổi mới chính sách đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, cụ thể như đưa ra các gói ưu đãi tốt hơn về nguồn vốn, đất đai, thuế, đào tạo nhân lực, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh; tìm kiếm thị trường để doanh nghiệp trong nước có khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.
Chưa nước nào hiểu rõ văn hóa "bôi trơn" của Việt Nam như FDI Trung Quốc
Trong khi đó, những quan ngại về tình hình tham nhũng không phải là lý do chính khiến FDI ngần ngại đầu tư vào Việt Nam. Ngoài việc đầu tư vào Việt Nam để tận dụng các lợi thế về cơ chế chính sách như: chính sách ưu đãi; khai thác thị trường rộng lớn, tận dụng nguồn lao động giá rẻ… Thì các doanh nghiệp FDI còn đang đi tắt đón đầu, chờ hưởng lợi từ các FTA mà Việt Nam ký kết với các nước. Trong đó có các doanh nghiệp FDI Trung Quốc.
Làn sóng đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam đang gia tăng, đó là phản ứng bình thường khi Trung Quốc cũng đang tìm đến Việt Nam với mục đích đó. Hiện đang có nhiều ý kiến cho rằng FDI Trung Quốc “lượng nhiều, chất thấp, thiếu tin cậy”, điều này ít xảy ra với những dòng vốn của Trung Quốc ở những nước khác. Điều này có nguyên nhân từ cơ chế, chính sách ưu đãi của chính Việt Nam khi kêu gọi, thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài.
Ngoài ra, yếu tố văn hóa, tập tục cũng là vấn đề được các doanh nghiệp FDI Trung Quốc đang tận dụng rất tốt. Có thể nói, chưa có nước nào nắm rõ và hiểu rõ pháp luật cũng như tâm lý, văn hóa "bôi trơn" đối với các nhà quản lý Việt Nam như các nhà đầu tư Trung Quốc.
Chính vì thế mới có câu chuyện gần 90% các dự án trọng điểm đều nằm trong tay các tổng thầu Trung Quốc. Hay các dự án “công nghệ cao” dễ thông qua, dự án có vốn càng lớn càng được cấp phép sớm. Công ty đăng ký quy mô lớn, nhưng rót vốn chậm, chỉ gia công lắp ráp không sản xuất linh kiện, phụ tùng, chi tiết vẫn không quản lý được...
Vì vậy, trong bối cảnh Việt Nam đang quyết liệt chống tham nhũng, thì giải pháp giảm bớt vấn nạn bôi trơn, tạo môi trường kinh doanh công bằng cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh, đứng vững trên thị trường cũng chính là nhân tố tích cực trong công cuộc phòng chống tham nhũng.
P.N.T.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét