Sự thật nhức nhối và con đường giải tỏa
bauxitevn7:14 AM
Có những sự thật khủng khiếp nhưng bình thường ta không nghĩ tới, vì bị giấu giếm đi bằng cách phô ra dưới một hình thức khác làm cho ta nhìn vào đó mà cảm thấy yên lòng. Bỗng nhiên một sớm, cái mặt nạ vẫn ngụy trang cho chúng bị một người xé rách. Và trước mắt ta hiện ra một trạng mạo dễ sợ, không còn là mặt người như ta hằng nghĩ, khiến ta bất chợt rùng mình. Trong giây phút bối rối ta không làm sao tìm cho tâm hồn mình được một sự bình yên như trước, vì sự đảo lộn chóng mặt niềm tin đã vượt khỏi tầm mức mà lương tri con người có thể chịu đựng.
Đó là trường hợp Fidel Castro với giai thoại đẹp đẽ từng hiến máu người Cuba cho cộng sản Việt Nam đánh Mỹ. Nay, với những tư liệu mới do phóng viên Thụy My cất công tìm kiếm trong bài viết dưới đây, hóa ra... Người đọc có tâm trạng gần như chết đứng, không tin không được mà muốn tin cũng chẳng xong bởi những lưỡi dao cứ khía vào gan ruột.
Nghĩ đi nghĩ lại, trong những trường hợp thế này, chỉ có một cách là đọc một chuyện gì đó có sức thanh lọc, để trái tim ta tự gột rửa mọi thù hận và sân si còn vướng lại bên trong. Chúng tôi vô tình bắt gặp bài viết của Tuấn Khanh và đúng là đọc xong thấy mình phần nào được cứu rỗi.
Bởi vậy, xin đặt bài viết của Tuấn Khanh trước bài viết của Thụy My, và kính mời bạn đọc cùng đọc theo trình tự đó.
Bauxite Việt Nam
Thế kỷ ánh sáng
Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Những năm tháng là sinh viên, tôi hay tò mò về việc phân chia đất nước Đại Hàn. Một bên theo Tư bản và một bên theo Cộng sản. Nhất là vào những năm 80 và 90, tôi luôn ấn tượng về phong trào sinh viên Nam Hàn xuống đường biểu tình đòi thống nhất, ủng hộ Bắc Hàn. Truyền hình đưa tin sinh viên đụng độ với cảnh sát, lập chiến lũy, bị truy bắt… là những câu chuyện khiến tôi háo hức tìm đọc rất nhiều thứ về đất nước bị chia cắt đó. Lý do tôi muốn biết, vì Đại Hàn cũng tương tự với một Việt Nam trong lịch sử.
May mắn thay, tôi lại có cơ hội bạn bè với nhiều sinh viên Nam Hàn. Trong đó có một nam sinh viên là Oh và một nữ sinh viên là Kim. Những người này hay ngạc nhiên hỏi tôi là vì sao cứ hỏi những chuyện không ai hỏi, và họ bày tỏ cũng rất chân thành suy nghĩ của mình.
Oh từng xuống đường biểu tình nhiều lần, và bị cảnh sát Nam Hàn đánh tơi tả. Anh nói là anh xuống đường không vì chính trị mà vì bạn bè mình đã đi, mình cũng phải đi. Và bị đánh thì phải đánh trả. Còn Kim thì ngồi suốt với tôi và anh Đỗ Trung Quân ở một quán nhỏ ở Binh Thạnh, nói về lý tưởng. Kim nói cô thần tượng lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật, tức ông nội và cha của Kim Chính Ân, lãnh tụ Bắc Hàn hiện nay. Cô sinh viên Nam Hàn này xuống đường biểu tình, đòi thống nhất với Bắc Hàn, chống chính quyền Nam Hàn đến mức bị truy tìm, phải bỏ trốn ra nước ngoài, rồi cô đến Việt Nam vì cô nghĩ rằng Việt Nam gần và thân thuộc với Bắc Hàn.
Tôi còn nhớ mình và anh Đỗ Trung Quân im lặng nghe cô Kim ngợi ca về chủ nghĩa Cộng sản. Anh Quân cố hỏi vài câu thăm dò rồi sau đó, cả hai thoái thác không gặp lại Kim nữa. Khác với cô sinh viên Nam Hàn ấy, trong muôn vàn ảo tưởng của đời người, tin vào chủ nghĩa Cộng sản như Bắc Hàn là điều chúng tôi đã may mắn, sớm bước qua từ tuổi 20.
Nhiều năm sau, tôi có gặp lại Oh, và cũng nghe nói về cô Kim ấy. Họ vẫn ở Việt Nam vì đã có cơ sở làm ăn và quen cuộc sống ở đây. Nhưng không ai muốn nhắc về những gì của tuổi trẻ của họ khi còn ở trong đất nước. Oh thì cười xòa, nói “thôi thôi”. Còn cô Kim thì không còn nói gì về Bắc Hàn hay thống nhất nữa. Thời đại mới với truyền thông tự do khắp nơi, đủ để lan truyền về một Bắc Hàn thật sự ra sao. Và giờ đây, tôi cũng không còn thấy những cuộc biều tình đòi thống nhất của giới sinh viên cánh tả Hàn Quốc trên truyền hình nữa. Tin tức thì lại hay nói về những phong trào chuyển lương thực, đồ chơi và tin tức bằng bong bóng qua biên giới Bắc Hàn, giúp cho người dân khốn khổ ở sau đường biên của chế độ độc tài.
Tôi nhớ câu nói của Martin Luther King (1929-1968), câu nói hay làm tôi nghĩ ngợi “Chúng ta phải biết sống chung với nhau như là anh em, hoặc tiêu tan cùng nhau như những kẻ ngu muội” (We must learn to live together as brothers or perish together as fools). Chắc là rất nhiều người Nam Hàn đã tìm mọi cách để đem sự thật đến cho thế hệ mình và sau nữa. Họ sống với tinh thần như những người anh em với nhau. Thật kiên nhẫn và đáng quý. Họ đã làm được, để thế hệ Nam Hàn hôm nay đủ nhận biết về các ảo tưởng cách mạng và những kẻ độc tài bên kia Bàn Môn Điếm, để tương lai người Nam Hàn sống với nhau mà không tàn phá nhau, không rữa nát trong ngu muội.
Nhiều thập niên trước, tôi cũng thần tượng Fidel Castro và cách mạng Cuba. Thầy dạy sử của tôi kể say mê rằng Fidel Castro đã thành huyền thoại khi tự mình đứng trước tòa bào chữa cho mình, và chế độ độc tài Batista buộc phải trả tự do cho ông. Nhưng rồi nhiều năm sau, tôi cũng tự hỏi một nền tư pháp của chế độ độc tài ấy, vì sao có thể tuyệt vời đến nhường ấy khi nhìn ra công lý để trả tự do cho Fidel.
Trong khi 47 năm cầm quyền của Fidel Castro, tòa án là vô nghĩa, hàng chục ngàn người phải lưu đày, tù ngục hoặc bỏ trốn khỏi nước. Hàng trăm người hành quyết công khai bởi các nhóm xử bắn lưu động nhưng không có cơ hội nào được tự bào chữa như Fidel Castro đã từng. Huyền thoại về công lý ở Cuba từng cứu sống Fidel, và rồi bị bóp chết bởi chính ông.
Tôi cũng muốn sống với thế hệ mình, và thế hệ mai sau như những người anh em, để chúng ta không rữa nát trong ngu muội. Vì vậy, tôi đã cố viết và nói, như có sự thúc giục không ngừng trong mình, rằng chúng ta phải tồn tại trong lẽ phải và sự thật. Chúng ta không thể rữa nát bằng sự tưởng tượng hay niềm tin bất cần lịch sử của những khổ đau mà con người đã gánh chịu.
Như một con cua phải tự lột vỏ mình, hết sức đau đớn, nhưng để sống còn, tôi đã bước qua những ngày tháng thiếu niên, mệt mỏi tự truy vấn để thôi ôm ấp những giấc mơ về Stalin, Lenin hay Fidel Castro, cũng không khác gì việc tôi đã tự mình chạy ra khỏi những hội hè mang tên Lê Văn Tám, Bảy Lốp… giữa những e dè và tổn thương của người quen, bạn bè trong suốt một giai đoạn dài. Nơi tôi đến, là sự thật. Mà sự thật thì không thể lẫn lộn mơ mộng hay thần tượng những kẻ dựng nên đền đài của mình bằng sinh mạng và máu của người khác.
Nhưng vì tôi tin rằng chúng ta là anh em, là đồng bào. Và chúng ta sẽ tồn tại cùng nhau chứ không thể cùng rữa nát trong sự ngu muội. Và đôi khi, tôi biết, thật đau đớn khi phải lột bỏ những gì đã học, đã biết, đã tin để bước ra cánh cửa, nhận ra sự thật mới mẻ. Nhưng đó là cách cuối cùng để chúng ta hay con cháu chúng ta không rữa nát, không trở thành kẻ đáng thương trong thế kỷ ánh sáng.
T.K.
|
Fidel Castro từng bán máu tù nhân Cuba cho Việt Nam
Thụy My
Fidel Castro và Che Guevara tại trại Cabana. Ảnh panoramio.com
«Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình». Câu nói đầy cảm động của Fidel Castro lâu nay vẫn được lưu truyền, và báo chí Việt Nam thường xuyên nhắc lại.
Sự thật có lẽ phũ phàng hơn nhiều: Cuba đã từng chuyển giao máu cho Việt Nam, nhưng máu không phải được hiến mà được bán!
Pháo đài La Cabana ngày nay.
Tác giả Gilles William Godlnadel trong bài viết mang tựa đề «Cái chết của Fidel Castro: Chống cộng là nhân đạo, ngoại trừ tại Pháp» đăng trên trang web của nhật báo cánh hữu Le Figarongày 28/11/2016, kịch liệt phê phán những tên tuổi Pháp đã khóc thương lãnh tụ Cuba vừa qua đời.
Một người tình nghi là gián điệp bị bắn tại chỗ. Ảnh internet
Luật sư kiêm nhà văn, Chủ tịch Hội Pháp-Israel tố cáo: «Castro không chỉ là một nhà độc tài Nam Mỹ, mà còn là một đao phủ. Không tự hài lòng với việc tra tấn và hành quyết các nhà đối lập, ông ta còn bán máu của họ. Tờ Wall Street Journal trong một bài viết đề ngày 30/12/2005 cho biết: Ngày 27/05/1966, theo lệnh của Fidel Castro, 166 người tù đã bị rút ba lít rưỡi máu mỗi người và bán cho nước Việt Nam cộng sản với giá 100 đô la một lít. Sau khi bị lấy máu, 166 tử tội trong tình trạng thiếu máu não, tê liệt và bất tỉnh, bị đưa đi trên các băng-ca và giết chết».
Linh mục gặp tử tội trước lúc hành quyết. Ảnh tư liệu của cubanet.org
Tác giả bài viết không dẫn link, nhưng một số trang web khác như truthbarrier.com, blog cubaexilequarter có trích nguồn. Bạn đọc nào có đăng ký Wall Street Journal có thể tham khảo bài «Counting Castro’s Victims» tại link sau:
Một cảnh xử bắn trong trại Cabana. Ảnh tư liệu của cubanet.org
Báo cáo bằng tiếng Tây Ban Nha của Ủy ban Nhân quyền Liên Mỹ ngày 07/04/1967, mục E «Extracción de sangre a condenados a muerte» (Lấy máu của tử tù), có ghi rõ sự việc. Nhờ Google dịch giùm từ tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Pháp, thì được biết nội dung đại thể như sau:
1. Chúng tôi nhận được các thông tin từ Cuba cho biết, thân nhân các tù nhân chính trị bị đòi hỏi phải «hiến» máu nếu muốn được đi thăm họ. Những ai từ chối thì không được thăm người thân đang ở tù.
2. Ngày 27/05/1966 từ khoảng sáu giờ sáng đến sáu giờ chiều, đã diễn ra cuộc hành quyết tại trại Cabana ở La Habana. Đội thi hành án gồm ba quân nhân và một sĩ quan, tử tội là các chính trị phạm, quân nhân và thường dân. Vấn đề càng trầm trọng hơn khi biết rằng những người bị xử bắn trước đó đã bị rút lấy máu hàng loạt để cung ứng cho ngân hàng máu.
Số 166 thường dân và quân nhân Cuba đã bị lấy trung bình 7 pint máu mỗi người. Số máu này được đem bán cho nước Việt Nam cộng sản với giá 50 đô la một pint, với hai mục đích cùng lúc là kiếm ngoại tệ đồng thời đóng góp cho cuộc chiến của Việt Cộng.
Một pint tương đương khoảng nửa lít máu. Trích xuất 7 pint, tức ba lít rưỡi máu dẫn nạn nhân đến cái chết – não thiếu máu, bất tỉnh và tê liệt.
Một khi máu đã được rút, người tù bị hai dân quân cùng với đội hành quyết khiêng trên băng-ca đến nơi xử bắn.
Tại trại Cabana có một đơn vị y tế gồm các nhà huyết học Cuba và Liên Xô, phụ trách các thủ tục y khoa, thử nghiệm khoa học với máu và các nhân viên được đào tạo để trợ thủ (…)
Cùng ngày với việc hành quyết 166 người Cuba, khoảng bảy chuyến xe tải đã chở xác đi chôn tại một khu vực ở ngoại ô thành phố Marianao, gần La Habana, trong một hố chôn tập thể. Địa điểm chôn xác người này của chế độ Castro không được người dân biết đến.
Động cơ của vụ xử bắn hàng loạt hôm 27/5, không chỉ nằm trong loạt các hành động tàn bạo, thủ lợi (máu của người Cuba bị xử bắn đã bị bán đi), mà còn nhằm triệt tiêu các đối thủ đáng gờm nhất của chế độ, dù là dân sự hay quân sự, bị cầm tù vì đã tranh đấu chống lại chủ nghĩa Castro cộng sản.
Các cao nhân tiếng Tây Ban Nha nếu có thời gian có thể kiểm tra giúp tiết lộ động trời này tại link sau đây, xin cảm ơn rất nhiều:
T.M.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét