“Việt Nam, mãnh hổ hay mèo rừng?”
bauxitevnSat 3:48 AM
Kính Hòa, phóng viên RFA
…Việt Nam không thể trở thành con hổ của châu Á được mà chỉ trở thành con mèo rừng, trong một môi trường hãy còn hoang dại của luật pháp và giáo dục…
Tác phẩm Việt Nam, mãnh hổ hay mèo rừngvà tác giả Phạm Văn Thuyết. RFA photo
Việt Nam, Mãnh hổ hay mèo rừng là tên một quyển sách hiếm hoi tổng kết một cách ngắn gọn sự phát triển của Việt Nam mấy mươi năm qua, hiện nay, và tương lai. Sách do giáo sư Phạm Văn Thuyết biên soạn và được nhà xuất bản Tiếng quê hương xuất bản tại Mỹ.
Ý kiến của một số nhà quan sát, nhà báo về những điều mà giáo sư Phạm Văn Thuyết đề cập trong quyển sách này như thế nào?
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Giáo sư Phạm Văn Thuyết là một chuyên viên của Ngân hàng Thế giới, đã từng làm việc ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, và ông đã tham gia vào các kế hoạch khác nhau để giúp đỡ các quốc gia đang phát triển, hoặc chuyển mô hình phát triển kinh tế ở các quốc gia như các nước Đông Âu và Việt Nam.
Quyển sách Việt Nam mãnh hổ hay mèo rừng chỉ dày hơn 250 trang, gồm 8 chương và 4 phụ lục. Tác giả đã trình bày nhiều kiến thức về kinh tế, và qua đó lịch sử thay đổi kinh tế xã hội ở Việt Nam trong 30 năm qua, bằng một ngôn ngữ phổ cập cho mọi tầng lớp dân chúng.
Trong hai chương đầu tiên tác giả tóm tắt sự thay đổi lớn nhất của Việt Nam trong ba mươi năm nay, đó là chuyển từ mô hình phát triển kinh tế kế hoạch hóa theo kiểu Liên Xô, sang một mô hình tự do hơn với những yếu tố thị trường. Nhưng ông nhấn mạnh rằng tại Việt Nam, đảng cầm quyền chủ trương rằng mô hình của Việt Nam phải là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với vai trò rất áp đảo của lĩnh vực quốc doanh.
Mô hình này được tác giả phân tích kỹ hơn trong chương năm, trong đó bàn luận kỹ về việc giải quyết sự cồng kềnh và không hiệu quả của các công ty quốc doanh. Ông cho rằng do vấn đề ý thức hệ cho nên nhà nước Việt Nam không dám tư nhân hóa các công ty quốc doanh, mà chỉ cổ phần hóa nó, và như vậy các công ty quốc doanh mua chằng chéo qua nhau, giữ thế mạnh của lĩnh vực quốc doanh trong nền kinh tế. Nhận định này của giáo sư Thuyết được Tiến sĩ Nguyễn Quang A ở Hà Nội, một doanh nhân thành công trước khi trở thành một nhà hoạt động dân sự, bình luận:
“Họ ngại cái tư nhân hóa, vì họ muốn không có sự chống đỡ của những người rất là bảo thủ theo chủ nghĩa Mác hay cái gì đấy. Họ bèn vẽ ra cái chữ cổ phần hóa. Họ làm như vậy để qua mặt được các ông kia. Nhưng hệ quả thì không lường được, vì cách làm như thế không triệt để, không giống ai cả. Về cơ bản mình tán thành ý kiến của anh Thuyết, mình muốn đi sâu vào bề sâu của nó, cái đằng sau của nó, là nó không chỉ phản ánh hoàn toàn ý thức hệ còn sót lại, nhưng thực sự đằng sau đó không có ý thức hệ gì cả, mà hoàn toàn là quyền lực”.
Giáo sư Phạm Văn Thuyết cũng đưa vào quyển sách này những kinh nghiệm ông làm việc khắp nơi trong lĩnh vực ngân hàng. Ở chương cuối cùng, tác giả có đưa ra lời khuyên về việc cải tổ ngành ngân hàng tại Việt Nam theo hướng giảm số lượng ngân hàng, tập trung phát triển những ngân hàng lớn. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, người từng nhiều lần làm việc với giáo sư Thuyết nhận định:
“Đấy là một chuyên gia am hiểu về ngân hàng. Theo tôi hiểu thì ý của ông Thuyết là phải có những ngân hàng đủ lớn, có qui mô và chất lượng để nó có thể cạnh tranh trong khu vực. Nếu mà ngân hàng nhỏ quá thì khó mà cạnh tranh được, khó vươn ra được với quốc tế. Hiện nay các ngân hàng của Việt Nam chưa có đủ độ lớn để vươn ra cạnh tranh quốc tế và cũng khó đảm nhận tốt các chức năng mà ngân hàng hiện nay cần phải làm”.
Thực tế là vào năm 2016 người ta chứng kiến sự phá sản của nhiều ngân hàng tại Việt Nam, mà theo Tiến sĩ Nguyễn Quang, người có nhiều kinh nghiệp trong ngành ngân hàng, chính là do sự phát triển số lượng ngân hàng vô tội vạ, đưa đến các ngân hàng nợ chồng chéo lên nhau, và lâm vào khủng hoảng.
Một điều quan trọng có thể gọi là xương sống của việc cải cách kinh tế Việt Nam sang hướng thị trường là giải quyết vấn đề sở hữu đất đai. Giáo sư Thuyết cho rằng đất đai vẫn thuộc sở hữu toàn dân, và điều này khó lòng thay đổi khi đảng cộng sản vẫn còn cầm quyền. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng đó là một điều khó khăn nhất của cải cách kinh tế ở Việt Nam:
“Đó là một trong những điều nan giải nhất. Thực tế Việt Nam hiện nay cho thấy rất rõ. Tức là nếu không giải quyết vấn đề sở hữu toàn dân đối với đất đai thì việc lạm dụng sở hữu toàn dân, cho lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân còn rất lớn”.
Khu rừng giáo dục và luật pháp
Giáo sư Phạm Văn Thuyết dùng khá nhiều thời gian để bàn về vấn đề luật pháp tại Việt Nam. Theo nhận định của giáo sư Thuyết, thì Việt Nam cũng như Trung Quốc - quốc gia láng giềng có hệ thống kinh tế xã hội khá tương đồng - có hai hệ thống luật pháp, một là các văn bản do nhà nước ban hành, còn hai là cách thức hành xử luật trong thực tế, và điều mập mờ này tạo rất nhiều khó khăn cho việc phát triển. Bàn về việc này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói:
“Việc thực thi luật pháp của Việt Nam là rất kém, vì ở Việt Nam không có cái luật về sự lãnh đạo của Đảng, và người ta dựa vào các nghị quyết tập thể, để trên cơ sở đó người ta nói rằng cái việc tôi làm là nghị quyết tập thể, chứ không phải là quyết định của cá nhân tôi. Bởi vậy hiệu lực của luật pháp Việt Nam là rất thấp”.
Giáo sư Thuyết cho rằng vẫn có những vấn đề về luật pháp ở Việt Nam hiện nay vẫn không thể cải cách được do những trở ngại về mặt chính trị.
Một nội dung quan trọng được giáo sư Thuyết nhấn mạnh rất nhiều trong tập sách này là làm sao cải thiện được nền giáo dục Việt Nam để có thể đào tạo được nhân lực cho đất nước. Theo ông thì sự yếu kém của ngành giáo dục ngày càng lộ rõ khi các công ty hàng đầu thế giới không thể tìm được người làm việc trong nước, trong khi đó nhiều người Việt Nam thành đạt ở nước ngoài khó có thể trở về nước làm việc do một sự nghi hoặc về chính trị.
Nhà báo Việt Nguyên, từ Hoa Kỳ nhận xét rằng giáo sư Thuyết nhấn mạnh phần giáo dục vì một đất nước cần có những viễn kiến để phát triển. Ông nói tiếp về phần nói về giáo dục tại Việt Nam trong sách của giáo sư Thuyết:
“Đọc kỹ thì thấy cũng giống như ý nghĩ của những người từ ngoại quốc về, hay những người trong nước ra nước ngoài rồi về, thì phải có một thay đổi về căn bản chính trị”.
Những nghi ngại về chính trị, hay là những cố chấp về chính trị không ngăn cản được những người như giáo sư Phạm Văn Thuyết về nước góp ý. Nhà báo Việt Nguyên, cũng là bác sĩ Nguyễn Đức Tuệ, nhận xét rằng tập sách của giáo sư Thuyết ghi nhận cố gắng của nhiều trí thức người Việt ở hải ngoại mong muốn đất nước phát triển:
“Không cần để ý đến vấn đề chính trị, vì mình chủ trương thay đổi nước nhà. Có nhiều cách thay đổi. Có người chủ trương thảy đổi chế độ chính trị trước, rồi những cái khác sẽ tới. Nhưng cũng có những người chủ trương đóng góp trước, rồi nhà nước, hay những người cộng sản cố chấp nhìn thấy những cái tốt rồi từ từ thay đổi”.
Giáo sư Phạm Văn Thuyết qua đời vào ngày 15 tháng giêng năm 2015. Nhà báo Việt Nguyên nhận xét rằng những điều mà giáo sư Phạm Văn Thuyết đề cập thể hiện ở 90% sự thay đổi của Việt Nam trong mấy mươi năm qua, nhưng những trở ngại về chính trị mà giáo sư Thuyết cũng như các nhà quan sát trong nước nhận xét, đã làm cho Việt Nam không thể trở thành con hổ của châu Á được mà chỉ trở thành con mèo rừng, trong một môi trường hãy còn hoang dại của luật pháp và giáo dục.
K.H.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét