Hội An ngập lụt, nhà cổ thêm già
bauxitevnFri 11:58 AM
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
Bùn non ngập khắp phố cổ Hội An sau lũ. RFA photo
Thành phố cổ Hội An, Quảng Nam, điểm du lịch nổi tiếng khu vực, là nơi được UNESSCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, cũng là nơi bị nước lũ nhấn chìm không thương tiếc trong đợt lũ từ ngày 14 tháng 12 đến ngày 17 tháng 12 năm 2016. Nghĩa là ba tháng sau trận lụt lịch sử tại Hà Tĩnh, Quảng Bình thì đến thành phố Hội An, nơi có nhiều đoàn cứu trợ nhất trên cả nước đã mang cứu trợ ra Bắc miền Trung. Hiện tại, nước lụt đã rút, nhưng những gì còn lại trên thành phố cổ này là bùn non, dơ dáy, nhà ẩm ướt có nguy cơ mục nát và người dân phải lận đận với những gì lũ lụt để lại.
Lụt ngập hư hại nặng
Một cư dân Hội An, Quảng Nam tên Việt, chia sẻ: “Nước vào thì nó ngập, nhà cổ lâu năm, có nước ngập thì tường vôi bị ảnh hưởng thôi. Năm nào cũng bị ngập. Nhưng ngập xả đập thì năm nay bị nặng. Riêng Cẩm Kim thì ngập nặng nhất, tôm cua bị đi hết. Cẩm Kim bị nặng nhất, thường thì đến mùa lụt, người ta lường được. Nhưng lụt muộn do xả đập thì không tài nào mà tính toán được nên thiệt hại nặng”.
Theo ông Việt, nếu như tại thành phố Hội An, ngành du lịch và dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng do lụt ngâm quá lâu, con nước sâu khiến cho nhiều vật dụng bị hư hại và không thể kinh doanh, làm ăn, thậm chí thiệt hại cũng không nhỏ do lượng khách quen chuyển đến điểm khác… Thì ở các phường, xã vùng ngoại vi Hội An bị tổn thất cũng không nhỏ.
Các làng rau, làng trồng hoa màu và làng chài ở Hội An gần như mất trắng. Riêng làng chài Hội An, kể từ tháng Năm đến nay hầu như thất thu hoàn toàn bởi biển chứa độc tố, không thể đánh bắt, thu nhập của ngư dân bị tuột xuống còn chưa tới 20% thu nhập trước đây. Đa số các thuyền phải xếp lưới, kéo theo dịch vụ hải sản dọc bờ biển Cửa Đại cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Một phần khác, bờ biển Cửa Đại bị xói lở trầm trọng, trong vòng ba mùa mưa, biển đã lấn sâu vào đất liền hơn 500m và các dịch vụ trên bờ biển lùi dần vào trong đất liền cho đến khi không thể lùi được nước. Những dịch vụ bán hàng lưu niệm hầu như thu được 0 đồng trên mỗi tháng.
Một người bán hàng lưu niệm đã tình nguyện đi mua giúp chúng tôi một gói thuốc lá với điều kiện tặng thêm cho chị 2 ngàn đồng vì cả tuần nay chị không có thu nhập.
Chúng tôi tặng chị 50 ngàn đồng và chị tỏ ra mừng khôn xiết, chị nói rằng trước đây ba năm, mỗi ngày chị bán hàng, thu vào hàng trăm tờ như vậy, còn hiện tại, có khi cả ngày không thấy tờ 50 ngàn đồng. Nhưng phải cố gắn bám trụ bởi hàng đã sắm ra rồi, nếu không bán thì mất vốn. Hơn nữa, trong vài ngày lũ lụt, lượng khách du lịch đổ bộ về phía bờ biển để tránh lũ bởi nơi đây địa hình cao ráo, chủ yếu là bờ cát, không bị sình lầy. Tuy nhiên, mọi dịch vụ chỉ dậm chân tại chỗ.
Trong lúc đó, hầu hết các ngư dân Hội An đều tranh thủ những ngày nước lụt để bơi đò chở khách du lịch kiếm thêm chút tiền nhưng nhà cầm quyền thành phố không cho phép họ làm điều này bởi thiếu an toàn và có thể nguy hiểm đến tính mạng của khách cũng như người chèo đò. Khi trời mưa lũ, cả thành phố co cụm về khu vực đường Trần Hưng Đạo, Nhị Trưng và một số tuyến đường phía Tây thành phố, riêng trung tâm phố cổ chìm trong nước và hầu như mọi hoạt động nơi đây ngưng trệ.
Một cái Tết đang đến gần
Một cán bộ về hưu ở Hội An, Quảng Nam chia sẻ: “Nếu nó lụt trong tháng 10 âm lịch thì không có vấn đề gì để bàn. Vì ba năm nay không có lụt, thiếu phù sa. Nhưng lụt ở đây đã qua tháng 11 âm lịch, đây là một chuyện lạ. Đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng vì hoa màu, cây cảnh, hoa Tết, các loại nông sản, giống đều bị thiệt hại nặng, bị mất sạch. Như vậy, Tết này của người nông dân sẽ không vui, thu nhập bị thiếu hụt là chắc chắn là chuyện phải xảy ra. Người nông dân bị thiệt hại nặng…”.
Vườn rau ngập trong nước. RFA photo
Ông này chia sẻ thêm là hiện tại, mức độ thiệt hại của thành phố Hội An nói riêng chưa thể nào thống kê đầy đủ. Và theo cảm nhận của một người Hội An, sống, làm việc và đã cống hiến hết mình cho thành phố này, nặng lòng với từng con phố, từng mảng tường rêu, từng vệt nắng chiều… Ông cho rằng lũ lụt ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của thành phố Hội An, tuy rằng các gia đình làm dịch vụ không bị ảnh hưởng đáng kể như nguy cơ nước ngấm vào các dãy nhà cổ sẽ ảnh hưởng đết kết cấu và sức chịu lực của các nhà cổ. Bởi tuổi thọ của nhà cổ cũng đã lâu năm, mọi tác động đều dẫn đến những hệ lụy khó hình dung trước.
Nói về Tết, ông này nhận định chắc chắn Tết này sẽ không vui như những Tết trước đây vì hầu hết các gia đình nông dân làm vụ rau, hoa màu, trồng hoa đón Tết đều bị thiệt hại nặng nề. Điều này sẽ dẫn đến thu nhập cận Tết bị hụt hẫng, chi phí trang trải cho ba ngày Tết sẽ thiếu trước hụt sau. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với một cái Tết ảm đạm, bởi sau cơn mưa rồi trời sẽ tạnh, sau những ngày Đông giá rét, cây lại cựa mình nảy mầm và sự sống lại hồi sinh, lại đâm chồi nảy lộc khi mùa Xuân về.
Vấn đề then chốt mà ông lấy làm lạ là suốt nhiều năm nay, ông chưa bao giờ thấy một trận lụt xảy ra vào trung tuần, thượng tuần tháng 11 âm lịch. Bởi đây là thời điểm mà cây cối đã bắt đầu lấy lại dương khí, mặt đất ấm dần lên và sự sống đâm chồi nảy lộc. Không phải tự dưng mà thời gian này người nông dân gieo trồng, thực tế, đó là kinh nghiệm hàng ngàn năm nay, thời gian qua 23 tháng 10 âm lịch là thời gian khí vận bắt đầu chuyển biến từ thái âm sang thái dương, vạn vật cựa mình hồi sinh sau mùa Đông giá rét.
Trận lụt muộn ở Hội An cuốn đi nhiều thứ, trong đó mùa màng, mùa hoa đón Tết, niềm hi vọng của người nông dân cũng như sự tự tin của những gia đình kinh doanh trong các ngôi nhà cổ đã gia cố, phục chế nhiều lần.
Và để khắc phục mọi thứ sau lụt, cần phải tốn nhiều thời gian, tiền bạc và nhiều thứ khác. Một trận lũ vài ngày kéo qua có thể đánh đổi bằng cả nhiều năm cui cút làm ăn của người nông dân, đó là một thứ qui luật khắc nghiệt nhất!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét