Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

Tạ Chí Đại Trường: miên man chữ nghĩa

Tạ Chí Đại Trường: miên man chữ nghĩa

bauxitevnMon 2:45 AM


Trần Doãn Nho
Trên Diễn đàn thế kỷ hai ngày 9 và 10-4-2016 đã có số đặc san tưởng niệm Tạ Chí Đại Trường (1933-2016), nhà sử học danh tiếng vừa qua đời tại nhà riêng ở Sài Gòn ngày 24-3-2016, sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh ung thư, mà BVN – cũng như vô số báo chí và trang mạng trong ngoài nước – đã bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc trước mất mát không nhỏ này của ngành sử học nói riêng và của văn hóa dân tộc nói chung. Các nhà văn, nghệ sĩ, ký giả, thân hữu như Trúc Chi, Trần Huy Bích, Trịnh Cung... đã cung cấp những trang hồi ký lý thú, những nhận xét mới mẻ về con người và trước tác của Tạ Chí Đại Trường. Đặc biệt BS Ngô Thế Vinh, qua gia đình nhà báo Phùng Nguyễn, lần đầu tiên công bố di cảo còn lại của sử gia họ Tạ. Diễn đàn thế kỷ sau đó cũng đăng tiếp một số bài khác liền mạch với chủ đề này.
Do hạn chế của số trang dành cho các vấn đề văn hóa, nghệ thuật, dưới đây, chúng tôi xin chọn đăng lại bài viết của nhà văn Trần Doãn Nho, phân tích thêm một số khía cạnh trong sự nghiệp cầm bút của Tạ Chí Đại Trường, với sự đồng ý của Diễn đàn thế kỷ.
Bauxite Việt Nam

Thế là người cuối cùng trong ba tài danh hiện nay của vùng đất Bình Định, Tạ Chí Đại Trường (TCĐT), đã ra đi. Hai tài danh kia là nhà văn Nguyễn Mộng Giác (mất tháng 7/2012) và nhà văn Võ Phiến (mất tháng 9/2015).
Trước hết, xin thắp một nén hương lòng tiễn chân anh về cõi thường hằng.
Lần đầu tôi “quen” anh là qua một bài viết mà anh gửi cho tờ Nghiên cứu Lịch sử ở Hà Nội, do thầy P, bạn cùng ngành Sử với TCĐT, cho tôi xem vào khoảng năm 1982, 1983. Đó là một bài phản biện về sử học khoảng 9, 10 trang đánh máy, qua đó, TCĐT phản bác cách lập luận cũng như những lời kết án nặng nề tác phẩm “Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802”của anh do Nguyễn Phan Quang và Nguyễn Đức Nghinh viết. Hai nhà nghiên cứu này, trong hai số liền của tạp chí Nghiên cứu Lịch sử (Hà Nội) năm 1976, vạch ra những “nọc độc” chứa đựng trong cuốn sách với mục đích hạ bệ người anh hùng Quang Trung nhằm phục vụ cho ý đồ xâm lược của Mỹ Ngụy. Cuối bài viết, TCĐT khẳng định “Vấn đề không thể giải quyết bằng những lời gầm gừ thô bạo, kêu gọi đến quyền lực”. và thách thức “Và nhất là đừng đe dọa chúng tôi” (…) “Thân xác có sự run sợ chính đáng của nó, nhưng chân lí lại ở bên ngoài sự hèn nhát đáng thông cảm ấy: xin hiểu cho”. Trong thời điểm đó, lúc mà sự sợ hãi ngự trị trên toàn miền Nam dưới sự kiểm soát chặt chẽ của nhà cầm quyền Cộng sản, nhất là đối với những người đi ở tù về như TCĐT (TCĐT được thả năm 1981, cùng một năm với tôi), bài viết là một thái độ cam đảm hiếm thấy. Sau này, tôi mới biết là bài này đã được TCĐT bí mật viết trong trại tù (từ tháng 1-7/1978), rồi “nhờ người giấu trong chỗ kín mang đi và để trong túi hai đáy gửi người nhà” (…) “tôi không lưu tâm đến nó mấy cho đến khi anh bạn ở Huế mượn xem, biệt tăm rồi gửi trả lại với bản đánh máy trên giấy rơm đen điu”.(1) Tôi chưa có dịp hỏi TCĐT, nhưng có lẽ “anh bạn ở Huế” không ai khác hơn là thầy P. Với địa chỉ thầy P cho (nằm ở một con hẻm phía sau rạp hát Quốc Thanh), thỉnh thoảng khi vào Sài Gòn, tôi cố tìm thăm anh mấy lần mà không được gặp.
Mãi đến khi ra hải ngoại, tôi mới có dịp quen anh thực sự, qua nhà văn Nguyễn Mộng Giác, chủ biên Tạp chíVăn Học và là người cùng quê với anh. Cũng như tôi, TCĐT định cư ở Hoa Kỳ theo diện tù nhân chính trị. Anh sống độc thân, ngụ tại nhà một người cháu. Lúc đó, TCĐT và tôi đều là những người cộng tác đều đặn cho Văn Học. Những năm cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, lúc Văn Học đang ở giai đoạn thịnh thời, tôi lại phụ trách thêm một mục thường xuyên là “Tin Văn”, nên gần như năm nào tôi cũng ghé qua quận Cam một đôi lần. Nhà NMG là một nơi tụ hội bạn văn tứ phương. Hồi đó, NMG cũng như TCĐT đều khỏe mạnh. Biết tôi thích TCĐT nên lúc nào tôi ghé là NMG nhắn TCĐT qua chơi. Chúng tôi - thường là bốn người: NMG, TCĐT, Lữ Quỳnh và tôi - hay đi ăn sáng, uống cà phê, trò chuyện linh tinh. Chưa hết thì kéo nhau về nhà NMG trò chuyện tiếp. Sau này, khi NMG bệnh không đi ra ngoài được cũng như sau khi NMG mất, lần nào qua, tôi cũng ghé nhà chở TCĐT đi vòng vòng, nói chuyện. Tháng 6/2014, trong chuyến đi Cali thăm anh Nguyễn Xuân Hoàng lần cuối thì nghe tin TCĐT cũng bị ung thư, đang nằm bệnh viện. Tôi rủ Trịnh Cung cùng đi, ghé thăm anh. Bệnh viện này cũng là chỗ Nguyễn Mộng Giác nằm, nơi tôi đã từng đến thăm lần cuối. Với tâm trạng bồn chồn, tôi không ngờ lại gặp một TCĐT còn tỉnh táo, vui vẻ và sắp xuất viện. Thấy vậy, tôi gợi ý anh làm một cuộc phỏng vấn hay trò chuyện về các tác phẩm của anh. Anh từ chối. Tôi xin phép anh để cho Trịnh Cung quay một đoạn video làm kỷ niệm, anh đồng ý. Trong video, anh nói chuyện về bệnh tình của anh một cách lạc quan. Vài tháng sau, 12/2014, qua tham dự hội thảo về Văn học Miền Nam, tôi lại cùng Phùng Nguyễn ghé thăm anh. Lần này, anh vẫn ăn nói hồn nhiên, vui vẻ nhưng đi đứng không được thoải mái. Ba chúng tôi cùng chụp mấy tấm hình bằng iPhone của Phùng Nguyễn; Phùng Nguyễn cất giữ vừa để kỷ niệm vừa để làm tài liệu sau này. Bây giờ Phùng Nguyễn mất rồi, hình cũng mất luôn, thật tiếc! Đó là lần cuối cùng tôi gặp TCĐT.
TCĐT là một người đầy “sử tính”. Nhìn đâu hay nói chuyện gì, anh cũng tìm ra một cái gì đó mang tính cách sử liệu, cần được lý giải. Và chúng tôi, những người “ngoại đạo”, khoái cách lý giải khác lạ của anh, nên hễ gặp nhau là nói chuyện sử, không mấy khi đề cập đến văn chương. Lúc nào cũng như lúc nào, câu chuyện rốt cuộc lại tập trung vào những phát kiến hay nhận định mới mẻ của anh về lịch sử. Là một người bình dị, dễ tính, nhưng “bướng bỉnh”, trước sau như một, không bao giờ chịu thay đổi quan điểm của mình. Chẳng thế mà, trong lúc hầu hết những anh em đi ở tù về, thường tránh chuyện viết lách, anh vẫn tiếp tục nghiên cứu, vẫn viết và gửi ra hải ngoại để xuất bản, nhất quyết bênh vực quan điểm của mình. Anh chỉ muốn đi tìm sự thật, những sự thật bị chôn vùi trong quá khứ mù tăm mà nếu không được tìm hiểu và lý giải cẩn thận, sẽ đưa sử gia đến chỗ chủ quan, sai lạc.
clip_image002
Đặng Thơ Thơ, Tạ Chí Đại Trường, Bùi Vĩnh Phúc, Trần Doãn Nho, Phùng Nguyễn (2013)
Về viết lách, TCĐT có một giọng văn riêng, phải nói là rất riêng, khó lẫn với những nhà viết sử khác. Dùng lại một chữ của anh, văn sử. Viết sử như văn. Đúng hơn, phải nói là anh viết sử trong tâm thế của một nhà văn; và viết văn trong tinh thần của một người nghiên cứu sử. Cũng vì thế mà anh có tập “Những bài văn sử”, gom góp một số bài văn-văn-sử-sử của anh. Hãy nghe lời biện giải của TCĐT: “Nổi bật trong văn chương là tính chất nghệ thuật, còn ở sử học là tính chất hệ thống hóa của nó. Tuy nhiên có một điểm khó tách rời văn chương và sử học: Cả hai đều phải xuất hiện qua hình thức chữ nghĩa, và nói lên điều thiết thân của con người, một nói về quá khứ và một cứ tưởng của muôn đời mà thật ra cũng chỉ là giai đoạn (…) Như vậy văn chương không chỉ nối dài lịch sử bằng hình thức của mình mà còn có tác động đẩy đưa lịch sử theo hướng mình mở ra nữa. Có vẻ như sử học bị bó trong khuôn khổ đã không làm hết nhiệm vụ”. (TCĐT nhấn mạnh)(2) Như thế, có thể nói, TCĐT xem văn chương không chỉ là phương tiện mà còn góp phần làm sáng tỏ những sự kiện và nhân vật lịch sử. Nói cách khác, theo anh, văn chương là một yếu tố cần thiết trong phương pháp sử. “An Thái – Quê Hương - Niềm Hoang Tưởng” hay “Từ Nơi Sóng Vỗ Bồng Bềnh…”(3) là hai bài bút ký chứa đựng khá nhiều “chất” sử. Sử trong văn, văn trong sử, một vận dụng đặc thù của TCĐT.
Không biết có phải do vậy không mà nói chung, đọc TCĐT tưởng dễ, nhưng lại không dễ. Sách và các bài viết của anh không thể đọc ngay, đọc hết một lần. Thích lắm mới đọc được. Mà có đọc thì đọc nhẩn nha, không thể vội. Với tôi, vì thích, tôi ráng đọc, nhưng phần nào chuyên môn quá, tôi đành bỏ qua. Đọc TCĐT vừa như đọc một câu chuyện kể, lại vừa như đọc một bài nghiên cứu. Phải đọc thật kỹ, theo dõi thật kỹ mới có thể hiểu rõ ràng cách diễn đạt và qua đó, cách lý giải của anh. Vì thế, dù nhiều lần muốn viết một bài giới thiệu các tác phẩm của anh, nhưng tôi cứ ngần ngại. Trước hết, tôi vốn không phải là dân sử, sợ khen chê lạng quạng, người ta cười; thứ đến, sự kiện anh nêu ra quá nhiều, cách lý giải của anh lại mới mẻ, khó nắm vững hết, nên đành chịu thua.
Chả là vì lối viết sử của anh – văn sử - là một tổng hợp giữa các sự kiện, lập luận chen lẫn trong những diễn đạt đầy hình tượng, nhiều khi rất bóng bẩy, trau chuốt. Về sử, các sự kiện được mô tả rất chi tiết; chi tiết này kéo theo chi tiết kia, bề bộn, có đoạn, đọc thấy ngợp. Về văn, anh viết phóng túng, ý tưởng chen chúc nhau, đa dạng. Có câu rất dài, dài một cách bất thường. Nhiều cách dùng chữ khá mới:
“…rồi lấy quyền lực thênh thênh vùng vẫy trong một khuôn khổ văn hóa…”(4)
“Hơn nửa thế kỉ qua, dân tộc Việt Nam xuất hiện trên thế giới đã gây nhiều xôn xao, trong đó có những ca tụng ngút người. (…) Giống như ta đang chứng kiến một thứ lên đồng tập thể mãi đến cơn hồi tỉnh vẫn còn choáng váng miên man”.(5)
Nhưng mặt khác, để làm sống lại những điều đã “chết”, anh sử dụng lối tả chân, cụ thể:
“Lê Lợi mới về Thăng Long, nhăn nhó với các nhà cao cửa rộng”.(6)
“Lê Hoàn là một người xấu xí, mắt lé. Tính tình thấp kém, kiêu ngạo, khinh bạc, tàn bạo” (…) “Vua và sứ đi dạo trên bờ một con sông nhiều nhánh rẽ. Vua đi chân đất, lội xuống nước, câu cá. Mỗi lần cá cắn câu, vua giật được thì quần thần vỗ tay reo mừng!”(7)
Để biết qua cách viết văn sử của TCĐT, hãy thử đọc nguyên một đoạn:
“Chúng ta không rõ những người dân Đò Mè / “thành phố Domea” trồng rau cải cho người Hà Lan trú ngụ ở đấy, có truyền đạt gì cho vùng trung châu hay không. Chỉ biết cây thuốc lá, mà Lê Quý Đôn biết gốc gác từ Philipin: “tạm-ba-cô,” thấy ở nam Trung Hoa, đến Đàng Ngoài qua ngả Lào (1660) được “quan, dân, đàn bà con gái đua nhau hút,” khiến cho hai lần lệnh cấm 1665 không mang lại hiệu quả. Sự mê đắm đó tập trung vào một dạng đặc biệt của cây mê thảo này với tên riêng: “thuốc lào,” thực sự thêm một lối giải trí ngoài rượu chè, cờ bạc bị cấm đoán, đã đem lại cho đám dân cực nhọc những giây phút quên lãng cuộc đời khốn khổ. Và cho cả những người của tầng lớp quan quyền một chút ảo vọng về con đường công danh gập ghềnh, có khi đầy cay đắng với những rủi ro bất thường từ sấm sét trên cao, cùng lúc với những xung đột kèn cựa từ các đồng liêu của nhiều nguồn gốc đào tạo, thăng tiến… Các chúa Đàng Trong có vẻ cũng không từ bỏ lạc thú này vì cuối thế kỷ sau, chàng thanh niên Nguyễn Ánh, sau hồi vong gia thất thổ trở về dựng nghiệp ở Gia Định, đã có riêng một toán người đặc trách “hầu điếu”.(8)
Càng phóng túng hơn:
“Tiếng khóc của người thanh niên 22 tuổi từ giã vợ con đi bắt thăm, mưu tính âm thầm trốn lính, trong đó có cả việc ăn hột bã đậu cho đi tả để qua mắt quan thầy thuốc. Cái khung cảnh bi hài nơi điền lính có người thân chen chúc ngóng cổ chầu chực bên ngoài khi bên trong trai tráng ở trần mang con số bắt thăm vẽ to tướng trên lưng…, tất cả được diễn tả hóm hỉnh trong một câu ca dao ngắn, khích động:
Vàng ròng khó thể đem cân/Quan tha điền lính, xách quần chạy ra.
“Chia vui với người may mắn, người ta cũng thông cảm nỗi lòng người trong quân ngũ với cuộc sống còn thua cả con chim trong lồng:
Mười giờ kèn thổi tò te/Mắt anh lính tập đỏ hoe nhớ nhà”.
“Ám ảnh dục tình là kích động mạnh mẽ nhất của người trai đang tuổi mới lớn…”(9)
Đoạn này trích ở trong “Người lính thuộc địa Nam Kỳ 1861-1945”, phần mô tả cách tuyển quân của người Pháp thời thuộc địa. Sử hay ký hay tùy bút hay truyện? Không biết những nhà sử học khác nghĩ sao, riêng tôi, thêm vào một chút văn chương, những sự kiện và con số khô khan bỗng trở nên sinh động hơn, mà vẫn không làm sứt mẻ sự thật.
Cũng chuyện chữ, có lần, Công Ty Nhã Nam phỏng vấn anh. Khi người phỏng vấn nêu ý kiến cho rằng cách dùng chữ của anh “quê”, không “kêu”, anh trả lời: “Bá nhơn bá bao tử,” tôi phải trọng ý kiến của người khác nhưng vẫn giữ ý kiến của mình”.(10) Thực ra, chê đây là chê cách đặt tựa đề sách: Những bài dã sử Việt, Bài sử khác cho Việt NamSử Việt đọc vài quyển. Nghe trúc trúc trắc trắc, chẳng mềm mại và hấp dẫn chút nào! Tuy vậy, tôi cảm thấy lý thú khi đọc mấy cái tiểu tựa trong sách của anh: Chập chồng thế kỷ; Cơn mộng du ba mươi năm; Thân phận chìm nổi theo đế quốc Tùy Đường; Triều mới, đô mới và thời mới, vân vân. Hơi “màu mè” và lạ. Tiểu tựa này còn lạ hơn: Sự phồn tạp của các dâm từ chịu ẩn nhẫn. Đọc qua, đố ai hiểu TCĐT muốn nói gì?(11) Một số tiểu tựa khác lại khá dài, nghe vui vui và khêu gợi trí tò mò: Sự khủng hoảng danh vị gốc rễ của bản thân Lê tộc trong tình hình phát triển của Đại Việt hay Một triều đại vươn lên trong vướng mắc mang tính hệ thống văn hóa. Loại tiểu tựa như thế khá nhiều trong các trang sách. Âu cũng là một nét rất riêng của TCĐT.
Trên đây là chuyện chữ. Bây giờ nói đến chuyện nghĩa, chuyện nội dung.
Về mặt nội dung, các nghiên cứu của TCĐT đa dạng, phải nói là quá sức đa dạng và phong phú. Phong phú về sử liệu, đã đành. Lại còn phong phú về các chi tiết sinh hoạt đời thường. Và phong phú trong cách đánh giá, cách suy tưởng và cách lý giải. Đúng hay sai tùy thuộc vào sự thẩm định của các nhà viết sử, nhưng những điểm đó làm cho sử TCĐT trở nên một cái gì mới lạ.
Lịch sử nội chiến ở Việt Nam” tác phẩm đầu tiên vốn là một tiểu luận cao học, đã cho ta một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ về phong trào Tây Sơn. Khác với hình ảnh hào hùng, vĩ đại của một cuộc “cách mạng nông dân’, của những người “áo vải cờ đào” vùng lên quét sạch cường hào như ta thường nghe, ở đây, TCĐT đưa ra một cái nhìn khác với một số hình ảnh tiêu cực. Thủ lĩnh Nguyễn Nhạc là một người buôn trầu giàu có, không những thế, “dường như là một “đầu nậu”. Đội quân khởi nghĩa của ông là một lực lượng phối hợp lớn lao, có cả người Thượng, những di dân Trung Hoa và những người Việt đủ thành phần, phần lớn nằm ngoài sự kiểm soát của triều đình, kể cả những kẻ trốn xâu lậu thuế. Thành thử dưới quyền ông, “có bọn cướp Nhưng Huy, Tứ Linh ở nguồn An tượng” (…) “đám quân của Tập Đình, Lý Tài người cao lớn, gọt đầu kết tóc, giả làm người Thanh, khi đánh giặc, uống rượu say, ở trần, đeo giấy vàng bạc xung trận liều mình”. Những khối người sẵn sàng bạo động được Nguyễn Nhạc “nối kết thành một lực lượng vững chắc”. Lúc bắt đầu khởi sự, “Tây Sơn kéo từng toán ban ngày, lấy của người giàu chia cho người nghèo, đe dọa đốt nhà cửa để bắt người dân theo”. Sau này, khi kéo quân ra Bắc, họ cần đánh mau, đánh mạnh, đánh bất thần nên “luật lệ giết chóc được thi hành triệt để”. Đã thế, “Họ phá nhà thờ, chùa chiền, một phần để bắt người, một phần để lấy tượng, chuông về đúc súng”.(12) Ngoài ra, TCĐT dành một phần, “Nồi da xáo thịt”,(13) để nói về việc tranh giành quyền lợi hết sức đáng buồn giữa anh em trong gia đình Tây Sơn, điều vốn bị các nhà viết sử khác tránh né.
Hồi đó, trước 1975, tập sách ra đời gây một chấn động lớn trong dư luận, nhất là đối với sinh viên học sinh. Thú thật, lúc đầu mới đọc, tôi thật sự bị “sốc”. Và có cảm giác thần tượng của mình được hình thành qua sách vở nhà trường, bị bôi đen. Nhưng rồi đọc đi đọc lại, tôi nhận ra rằng sự thật, dù cay đắng, vẫn là sự thật. Sự thật sẽ cung cấp cho ta một cái nhìn đúng đắn về những gì mình ngưỡng mộ cũng như những gì mình ghét bỏ. Nhất là khi so sánh với những biến cố mình đang trực tiếp tham dự hay chứng kiến trong đời mình như những cuộc xuống đường tranh đấu, đảo chánh, lật đổ, cuộc chiến Mậu Thân… (đã trở thành “lịch sử”), ta mới thấy là sự thật quý giá biết dường nào khi tìm về quá khứ của dân tộc. Đánh giá kiểu nào thì tùy, nhưng trước hết, phải đánh giá trên sự thật, chứ không phải trên những điều bày vẽ, hư cấu. Nhưng rồi, hình ảnh hào hùng của phong trào Tây Sơn cũng như Quang Trung Nguyễn Huệ không biến mất trong tôi; ngược lại, hình ảnh đó trở nên gần gũi hơn, “người” hơn và đáng tin hơn! Vì cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, trong bản chất, vẫn là cuộc khởi nghĩa đầy chính nghĩa. Đội quân Tây Sơn chứng tỏ có một “tinh thần chịu đựng kỷ luật rất cao được nâng đỡ bằng một lý tưởng và họ đã giữ được tinh thần này trong gần suốt thời gian theo chân anh em Nguyễn Nhạc”.(14)
Sau này, trong bài ký “An Thái – Quê Hương - Niềm Hoang Tưởng”, TCĐT cho biết An Thái, nơi anh em Tây Sơn trưởng thành, cũng là quê dòng trưởng của anh. “Gia phả không nói, nhưng tôi cứ mong rằng mình có một ông tổ nào đấy đã từng đi chăn trâu chăn bò với Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ…” Anh cho biết, chính tinh thần địa phương là lý do thúc đẩy anh nghiên cứu về Tây Sơn. “Tôi hãnh diện vì Tây Sơn. (…) Ấy vậy mà các sử gia ưu việt của phe chiến thắng bây giờ cứ nằng nặc cho là tôi miệt thị cả một thế hệ - thế hệ Quang Trung. Trong thâm tâm, tôi muốn “yêu nhau yêu cả đường đi” nhưng mớ học vấn ít ỏi bảo tôi chớ mù quáng nhảy vào đánh hôi kẻ bại trận 200 năm trước hay hèn nhát xu phụ kẻ chiến thắng 200 năm sau. Tôi đâu có đủ khả năng làm chuyện đó?”(15)
Trong những tác phẩm về sau, TCĐT mở rộng sự nghiên cứu về nhiều hướng khác nhau. Vẫn là lịch sử Việt Nam, nhưng anh tìm hiểu sâu hơn về nhiều hoàn cảnh, nhiều tình huống, nhiều sự kiện vốn trước đây ít ai hay chưa ai tìm hiểu: người lính thuộc địa Nam Kỳ, tiền đúc, tiền kẽm, ông Thổ Địa, người và thần Chiêm Thành trên đất Đại Việt, những thần linh nấp bóng Phật giáo, công trình thủy lợi của Nguyễn Hoàng, truy tìm thần tích Phù Đổng, vân vân và vân vân. Theo dõi những sự kiện (với những chi tiết khá cụ thể) anh tìm thấy, thú đã rồi, mà theo dõi cách lý giải của anh còn thú hơn.
Chẳng hạn như đề cập đến vua Lý Nhân Tông mà TCĐT gọi là “điền chủ hoàng đế”. Có năm, ông điền chủ già này (gần 60 tuổi) đi từ sở ruộng này đến sở ruộng khác không nghỉ, chỉ biết “loay hoay với mùa màng mà thôi”. Ông đích thân giải quyết việc thiếu hụt sức kéo vì trâu bị trộm giết thịt, vì cúng tế. Rốt cuộc, ông vua này bị chết vì ruộng. Tháng Tư năm 1127, ông vua già đi xem gặt bị cảm, bệnh rồi chết. Quần thần ca ngợi công đức vua, nhưng thật ra, theo TCĐT, ông vua này rõ ràng là “tham công tiếc việc, hà tiện chi li, tính toán của anh chàng nông dân một nắng hai sương mới được hột lúa dành cho con cháu”.(16)
Hay như đề cập đến chế độ nội hôn và chuyện “loạn luân” triều Trần. Trần Thủ Độ lấy Huệ Hậu (tức Trần Thị), vợ của ông vua bị phế truất là Lý Huệ Tông, bị lên án là “loạn dâm”, vì Huệ Hậu và Trần Thủ Độ “có lẽ” là anh em chú bác ruột. TCĐT cho rằng đó không phải là sự việc đột khởi, một “sáng kiến” riêng của Trần Thủ Độ mà “chỉ là sự tiếp nối và nhờ tình thế đặc biệt đã được công khai hóa ở mức độ rộng lớn hơn (ở tầm mức quốc gia) của một sinh hoạt đã từng tiến hành riêng biệt trong một gia đình, một khu vực”.(17)
Trong số các sách của anh, công phu nhất và cũng khó đọc nhất là “Thần, Người và Đất Việt”. Qua tác phẩm này, TCĐT nghiên cứu vai trò của thần linh trong việc tổ chức, cũng như trong cấu trúc xã hội và cả trong tâm lý cá nhân của dân tộc Việt Nam theo chiều dài lịch sử. Xưa, các ông vua thì “lưu tâm đến các thần linh được thờ phụng” còn các nho sĩ thì “thu nhặt các chuyện truyền kì để chép thành sách”. Đọc những tác phẩm rất hiếm hoi trước đây ghi chép những sự kiện trong lịch sử Việt Nam như “Việt điện u linh tập” hay “Lĩnh Nam chích quái”, TCĐT bắt gặp được trên các trang sách “những biến đổi trong cách nhìn về cõi thiêng qua thời gian” và do đó, “những người-thần, những chuyện của thần linh sống, dàn trải trong một thế giới phi hiện thực, phi lịch sử lại trở nên có sử tính đáng lưu ý”. Vì thế, nếu soi rõ hơn sự kiện, ta sẽ chỉ thấy “lờ mờ dáng” người anh hùng, dáng bầy tôi trung tín, dáng ông vua uy vũ… mà nổi bật lên lại là một thần đá, một thần sông biển”.(18) Tóm lại, thần lẫn với người. Ảo pha trộn trong thực.
Từ tiền đề đó, ông vận dụng cả tài liệu lịch sử, chuyện cổ dân gian, khảo cổ, lý thuyết tôn giáo, tục thờ cúng, ngôn ngữ… để tìm hiểu quá trình dựng nước và giữ nước cũng như các sinh hoạt tinh thần của nhân dân Việt. Ông tìm cách giải mã những thần tượng, những giai thoại cũng như những yếu tố tâm lý và động cơ quyền lực nằm đàng sau các biến cố hay nhân vật lịch sử và từ đó, đưa ra những cách lý giải mới. Nói tóm, TCĐT áp dụng biện chứng thần-người vừa để soi sáng những chỗ mù mờ trong lịch sử vừa để tìm hiểu nếp sống tinh thần và tình cảm của người Việt, vua, quan cũng như dân dã. Xin nêu vài thí dụ:
Chuyện thờ Hai Bà Trưng. TCĐT không phủ nhận tính cách lịch sử của Hai Bà, tuy nhiên sự tôn thờ Hai Bà, theo anh, “do sự xác nhận thực tế bi đát và ghê rợn của cái chết mà ta nhận ra rằng lúc đầu, đây chỉ là một sự thờ cúng linh hồn” (TCĐT nhấn mạnh). Chính do điều này mà các quan cai trị mới chấp nhận đền thờ vì thấy không có gì khác với tin tưởng của chính họ. “Bởi vì khó tưởng tượng một cách ngây thơ rằng các đền thờ anh hùng dân tộc được thờ cúng có ý thức lại ngang nhiên tồn tại trước mũi nhà cầm quyền ngoại bang cả hàng chín thế kỷ”.(19)
Sự tôn sùng Phật Giáo của hai triều Lý, Trần. Trong một tiểu mục có tựa đề khá lạ, “Sự phồn tạp của các dâm từ chịu ẩn nhẫn”, TCĐT tìm hiểu nguyên nhân sâu xa nằm đàng sau sự tôn sùng này. Theo anh, khi chính quyền trung ương mở rộng thế lực, thì các thần địa phương và sự hỗn tạp của chúng gây lo ngại cho họ về phương diện an ninh cũng như lý tưởng. Phật giáo, tuy có triết lý cao siêu, nhưng đối với dân bình thường, họ cần những vị thần bình dân có sẵn theo tập tục. Do đó, Phật giáo bị trộn lẫn với chúng, tạo nên những điều không hay. Vì thế, những nhà cai trị tìm cách đàn áp hay “cải tạo” chúng để mang lại an ninh. Cải tạo cái gì? Lý Thường Kiệt khi lập chùa, “ra tay biến cải “dâm từ”, “trừng phạt sa thải những người ham chuộng ma quỷ, các đồng bóng huyễn hoặc dân chúng, để trừ khử những phong tục xấu xa”. Một vị quốc sư của Trần Anh Tông đi vân du khắp nơi, “hễ nơi nào có dâm từ, tà thần” là đuổi đi hết, chặt phá cả miếu đền”. Còn Trần Thừa thì bắt các đình trạm phải thờ Phật để tránh cho các ông thần “ngoại đạo” nhảy vào, khiến cho đình trạm khỏi có “khuynh hướng biến thành những dâm từ mới”.(20) Như thế, giữ gìn Phật Giáo cũng là một cách giữ gìn triều đại, một biện pháp tạo sự ổn định xã hội.
Tóm lại, TCĐT, qua tác phẩm này, tìm cách chứng minh luận điểm: trong sự phát triển của dân tộc trên chiều dài lịch sử, luôn luôn có bóng dáng của thần linh, dưới hình thức này hoặc hình thức khác. Hoặc để tin, để thờ, hoặc để lợi dụng, hoặc để giữ gìn một giềng mối hoặc duy trì một truyền thống. Theo thời gian, đất nước thay đổi, thần linh cũng thay đổi. Có thần bị đào thải và cũng có thần mới xuất hiện.
TCĐT dành phần kết, chương 11, “Sức nặng của thần linh hết được phong cấp”,(21) đề cập đến tình hình đất nước hiện nay dưới chế độ Cộng sản, cũng qua tương quan biện chứng thần-người. Theo anh, từ năm 1945, khi nhà Nguyễn chấm dứt thì “các thần lâu nay ngự trị trên đất Việt không còn danh nghĩa gì để tồn tại nữa”. Nhưng đó chỉ là sự tàn tạ không thể tránh khỏi của hệ thống thần linh cũ, chứ không phải là sự biến mất hoàn toàn của thần linh. TCĐT nhận định: “Những người đạt đến thành công hôm nay nhìn lại thời kì “hội kín” xưa thường hay nhấn mạnh đến tính chất tổ chức chính trị hoặc bạo động lật đổ của tập họp mà lãng quên – có khi cố tình quên – khía cạnh tôn giáo ma thuật đã từng làm chỗ bấu víu tin tưởng cho các hội viên xưa kia”. Trong thực tế là bóng dáng những “thần thánh cũ đường hoàng đi vào hệ thống mới với nhiệm vụ mới. Ông thần Phù Đổng lớn vụt lên trên tivi, trong trang sách dành cho nhi đồng rồi cả trong giáo trình đại học với những xuê xoa dáng vẻ khoa học cần phải có, lấy hình ảnh một bậc vượt-thường che lấp nguồn gốc khiêm nhường xưa kia, và ngăn trở lí trí rụt rè đi vào tìm hiểu khu vực đã trở thành cấm kị ấy”. Nói khác đi, người ta “không thể hủy thần linh mà chỉ thay đổi thần linh”, hiện đại hóa thần linh cho phù hợp với thời đại mới, nhu cầu mới. TCĐT cho rằng những người Cộng sản muốn tìm một nhân dáng mới cho thần linh cũ, nhưng “Ước mơ đổi-mới thần linh kia trở thành vô vọng khi thành trì của chủ nghĩa xã hội sụp đổ và mọi thay đổi ngày nay lại phải tùy thuộc vào sự “sáng tạo” của người dân trong đó có mùi đôla nồng nặc”.
Chả là vì, “Câu chuyện thần linh căn bản là câu chuyện văn hóa, của cuộc sống cụ thể, nghĩa là mang tính chất và sự phát triển phức tạp, nhiều hơn là của kinh sách từ chương…,” theo TCĐT.
*
Trước đây, khi TCĐT còn sống, nhiều lần tự nhủ là sẽ viết một cái gì về các tác phẩm của anh. Không phải là phê bình hay nhận định hay điểm sách, nhưng chỉ là ghi lại những ý nghĩ tản mạn nảy sinh ra khi đọc anh.
Không thực hiện được.
Bây giờ, TCĐT đã ra đi. Lục tìm sách, đọc lại. Ở cuốn này, vài chương. Ở cuốn kia, vài đoạn. Ở cuốn nọ, chục trang. Cố tìm đọc một số chương trước đây đã từng bỏ qua (vì khó quá!). Tùy hứng. Toát lên từ các trang sách TCĐT là nỗi đam mê. Đam mê tìm tòi, đam mê suy tưởng, đam mê viết. Trong trại tù, viết. Ra khỏi trại tù, viết. Ra hải ngoại, tiếp tục viết. Viết khi lành, viết khi đau, viết cả khi thiếu thốn, đói nghèo. TCĐTquả là chữ nghĩa miên man! Anh không viết chỉ để trình bày các sự kiện và lý giải chúng một cách vô hồn mà còn viết như để diễn tả, để bộc lộ và gửi gắm tâm tình. Đọc anh là đọc những sử liệu mà cũng là đọc một tấm lòng. Đọc sử và đọc văn. Văn sử.
Đọc và gõ những dòng chữ nhớ anh.
Tưởng như đang ngồi trong một góc quán cà phê nào đó ở Westminster hay Garden Grove trò truyện với nhau. Tưởng như còn Tạ Chí Đại Trường. Tưởng như còn Nguyễn Mộng Giác. Tưởng như còn Nguyễn Xuân Hoàng. Tưởng như còn Võ Phiến. Tưởng như còn Phùng Nguyễn. Tường như còn Cao Xuân Huy. Tưởng như còn cả cái không khí văn học Little Sài Gòn ngày nào.
Đâu đó.
Ra đi bình an nhé, anh Trường!
04/2016
T.D.N.
________________
(1) Xem ở “Trả lời hai ông Nguyễn Phan Quang và Nguyễn Đức Nghinh”, Những bài dã sử Việt, Thanh Văn, Hoa Kỳ, 1996, tr. 407-430. Xin lưu ý: TCĐT dùng chữ i (ngắn) thay cho y (dài) trong những từ như chân lí, thời kì, cấm kị, triều Lí, Lí Huệ Tông v.v. Trong các trích dẫn, tôi vẫn để nguyên cách viết của TCĐT. Các chỗ khác, tôi sử dụng y (dài).
(2) Những bài văn sử, Nhà xuất bản Văn Học, Hoa Kỳ, 1999, tr. 11-12.
(3) Sđd các trang 15-22 và 33-43
(4) Những bài dã sử Việt, tr.77.
(5) Thần, Người và Đất Việt, Văn Học, Hoa Kỳ, 2000, trang bìa sau.
(6) Bài sử khác cho Việt Nam, Văn Mới, Hoa Kỳ, 2009, tr. 280.
(7) Những bài dã sử Việt, tr. 148.
(8) Bài sử khác cho Việt Nam, tr.407.
(9) Người lính thuộc địa Nam Kỳ 1861-1945, Nhà xuất bản Tri Thức, Hà Nội, Việt Nam, tr. 341.
(10) Trả lời phỏng vấn của Công Ty Nhã Nam, Talawas 27/10/2010, Xem ở: http://www.talawas.org/?p=26278.
(11) Muốn hiểu ý nghĩa của tiểu tựa này, xin đọc Thần, Người và Đất Việt, tr. 129-136 hoặc ở bài này, đoạn sau.
(12) Lịch sử nội chiến ở Việt Nam, Văn Sử Học Sài Gòn 1971, rải rác ở các trang 5, 54, 55, 135, 138, 142.
(13) Lịch sử nội chiến ở Việt Nam, tiết 8, chương 3, tr. 144-153.
(14) Lịch sử nội chiến ở Việt Nam, tr. 57.
(15) Những bài văn sử, tr. 19.
(16) Những bài dã sử Việt, tr. 188, 189.
(17) Những bài dã sử Việt, tr. 253.
(18) Thần, Người và Đất Việt, các trang 26, 27, 28.
(19) Thần, Người và Đất Việt, tr. 72. Xem thêm ở Những bài dã sử Việt, tr. 71.
(20) Thần, Người và Đất Việt, tr. 130, 131.
(21) Thần, Người và Đất Việt, tr. 337-349.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét