Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2016

Phỏng vấn Giáo sư Peter Zinoman về Việt Nam học ở Mỹ

Phỏng vấn Giáo sư Peter Zinoman về Việt Nam học ở Mỹ

bauxitevn5:02 AM


Bùi Văn Phú
image
Giáo sư sử học Peter Zinoman. Ảnh: Bùi Văn Phú.  

Giáo sư Tiến sĩ Peter Zinoman của Khoa Sử Đại học Berkeley mới đây đã được Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh tại Việt Nam trao giải vì những đóng góp của ông vào việc phát triển ngành Việt Nam học tại Hoa Kỳ.
Trong những năm qua, nhiều sinh viên Berkeley gồm Trang Cao, Rebekah Linh Collins, Nu-Anh Trần, Alec Holcombe, Martina Nguyễn, Ben Trần, Marguerite Bích Nguyễn, Kimberly Hoàng, Tường Vũ đã bảo vệ luận án Tiến sĩ với những đề tài liên quan đến Việt Nam, trong số này nhiều người nay đang giảng dạy tại các đại học Mỹ. Kết quả đó cũng là do có sự hướng dẫn và khuyến khích của Giáo sư Zinoman.
Là một học giả về Việt Nam, Giáo sư là tác giả của tác phẩm Vietnamese Colonial Republican: the political vision of Vu Trong Phung [Nxb ĐH California 2013] và Dumb Luck, tức tiểu thuyết Số đỏ cũng của Vũ Trọng Phụng đã được ông và vợ là cô Nguyễn Nguyệt Cầm dịch sang Anh ngữ [NXB ĐH Michigan 2002].
GS P. Zinoman nói chuyện về quan điểm chính trị của nhà văn Vũ Trọng Phụng, Đại học Berkeley tháng 4/2014. Ảnh: Bùi Văn Phú.
Ngoài việc giảng dạy, ông cũng là chủ biên của tập san nghiên cứu Journal of Vietnamese Studies do Đại học Berkeley phát hành.
Từ khuôn viên trường, tuần qua Giáo sư Peter Zinoman đã dành cho tôi một cuộc phỏng vấn về Việt Nam học tại Hoa Kỳ.
*
Bùi Văn Phú: Trước hết, chúc mừng Giáo sư vừa được trao Giải Phan Châu Trinh về những nỗ lực của Giáo sư trong việc phát triển ngành Việt Nam học tại Hoa Kỳ. Thưa Giáo sư, những lãnh vực nào bao gồm trong Việt Nam học?
Giáo sư Peter Zinoman: Cám ơn anh. Việt Nam học là những học trình liên khoa. Hầu hết nghiên cứu về Việt Nam hiện nay là trong Khoa Sử và Khoa Nhân chủng học, một số ít hơn về chính trị học, văn chương, tôn giáo. Quan trọng nhất và có nhiều người nghiên cứu nhất là về lịch sử và nhân chủng học.
Bùi Văn Phú: Sinh viên ban Thạc sĩ và Tiến sĩ ở Berkeley chú trọng vào lãnh vực nào của Việt Nam?
Peter Zinoman: Hầu hết sinh viên tại Đại học Berkeley là trong Khoa Sử và tôi là Giáo sư lịch sử và là học giả duy nhất về Việt Nam ở đây. Như thế các công trình nghiên cứu nguyên thuỷ cũng như hiện tại của tôi là về Việt Nam và các lớp học tôi dạy phần lớn cũng là về Việt Nam. Có những Giáo sư khác đã có bài viết dính dáng đến Việt Nam hay dạy một lớp mà giáo trình có phần nhắc đến cuộc chiến Việt Nam hoặc một chủ đề nào đó liên quan. Đúng nghĩa về một học giả Việt Nam học thì tôi là người duy nhất ở Berkeley. Nhiều lớp sử do tôi phụ trách chú trọng đến Việt Nam hơn là ở những khoa khác.
Bùi Văn Phú: Việt Nam học tại Đại học Berkeley đã được phát triển ra sao? 
Peter Zinoman: Từ ngày bắt đầu dạy ở Berkeley tôi đã trực tiếp hoặc gián tiếp bảo trợ nhiều luận án Thạc sĩ cũng như Tiến sĩ trong các Khoa Chính trị học, Văn chương Đối chiếu, Hùng biện, Khoa Môi trường và Quản lý Chính sách. Vài luận án tôi đã bảo trợ thuộc Khoa Xã hội học, Thần học, Nhân chủng học hay từ Khoa Kế hoạch Đô thị và Khu vực, Khoa Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên. Sinh viên ở rải rác trong nhiều khoa khác nhau, tuy nhiên chủ yếu và đông nhất tại Đại học Berkeley là trong Khoa Sử.
Bùi Văn Phú: Theo sự hiểu biết của Giáo sư, đại học Mỹ nào có chương trình Việt Nam học lớn mạnh nhất?
Peter Zinoman: Đây là một câu hỏi hơi khó trả lời. Nên đánh giá thế nào là lớn mạnh nhất. Một cách để đánh giá là số Giáo sư chuyên ngành. Nếu căn cứ vào tiêu chí đó thì Berkeley không lớn nhất bởi vì chỉ có tôi là học giả duy nhất. Có những đại học với hai Giáo sư, như U.C.L.A. có Nguyễn-Võ Thu Hương và George Dutton. Đại học U.C. Riverside có đến ba học giả về Việt Nam là Giáo sư khoa Sử David Biggs, Giáo sư Văn chương Mariam Lâm và Giáo sư về Phụ nữ học Lan Dương.
Bùi Văn Phú: Thế còn ở Đại học Cornell hay Đại học Wisconsin thì sao?
Peter Zinoman: Đại học Wisconsin không có ai chuyên về Việt Nam. Đại học Cornell có Giáo sư Keith Taylor, là Giáo sư cố vấn của tôi khi tôi còn là sinh viên. Hầu hết các nơi có một hay hai Giáo sư chuyên về Việt Nam. Đại học Washington có một Giáo sư và một quản thủ thư viện rất tốt với học vị Tiến sĩ về sử Việt.
Nhưng không thể đánh giá chương trình qua con số Giáo sư. Thực ra, Đại học Berkeley là nơi có chương trình Việt Nam học đứng đầu về phẩm cũng như về lượng với nhiều nghiên cứu sinh về Việt Nam.
Tập san Journal of Vietnamese Studiesdo Đại học Berkeley phát hành. Ảnh: Bùi Văn Phú.
Bùi Văn Phú: Nguyên do nào mà Đại học Berkeley thu hút sinh viên nghiên cứu về Việt Nam?
Peter Zinoman: Có hai lý do. Trước hết, Đại học Berkeley là trường đứng đầu trong hệ thống Đại học California. Hai là tiểu bang California có nhiều sinh viên gốc Việt, vì thế Berkeley thu hút họ.
Bùi Văn Phú: Trong hai thập niên giảng dạy tại Berkeley, có nhiều sinh viên gốc Việt theo học các lớp của Giáo sư không? 
Peter Zinoman: Về số sinh viên Thạc sĩ hay Tiến sĩ, tôi có thể nói đến hơn một nửa là người Mỹ gốc Việt và con số này ngày một tăng và tỉ lệ cũng tăng. Khi tôi bắt đầu giảng dạy ở đây năm 1995, lúc đó thực ra cũng có một nhóm nghiên cứu sinh về Việt Nam đang đợi tôi, nhưng không có sinh viên Việt hay Mỹ gốc Việt. Bây giờ hầu hết những sinh viên nghiên cứu về Việt Nam là người Mỹ gốc Việt.
Bùi Văn Phú: Vì sao họ lại thích nghiên cứu lịch sử Việt Nam?
Peter Zinoman: Do nhiều nguyên do khác nhau. Một số muốn tìm hiểu về Việt Nam thời Pháp thuộc hay về giai đoạn sau Thế chiến thứ Hai. Nhưng cũng có khá đông muốn nghiên cứu về miền Nam Việt Nam trong giai đoạn từ 1954 đến 1975, là thời gian mà cha mẹ của các em đã sống qua, đã làm việc ở đó.
Khác biệt lớn nữa là sinh viên gốc Việt không chỉ mang đến những đề tài nghiên cứu mà cả quan điểm chính trị. Họ là người Mỹ gốc Việt, đem theo vào đại học những khuynh hướng chính trị của cộng đồng và của các bậc phụ huynh. Nhiều sinh viên nhận thấy miền Nam và dân chúng miền Nam được phản ảnh qua truyền thông và sách vở ở Mỹ là không trung thực, hình ảnh tiêu biểu về cha mẹ của các em được đưa ra là không công bằng. Vì thế các em muốn nghiên cứu và viết lịch sử kể lại một câu chuyện khác hơn.
Bùi Văn Phú: Để tìm hiểu, nghiên cứu về đề tài này làm sao những sinh viên này có thể tìm thấy những gì còn lại của Việt Nam Cộng hòa?
Peter Zinoman: Thực ra không phải là điều khó. Văn khố của Việt Nam Cộng hòa từ năm 1954 đến 1975, của cả nền Đệ Nhất Cộng hòa dưới thời Ngô Đình Diệm và nền Đệ Nhị Cộng hòa vẫn tồn tại ở Thành phố Hồ Chí Minh. Văn khố này không mở ra hết, nhưng phần lớn đã được mở ra cho các nhà nghiên cứu. Tôi có những sinh viên tìm đọc tài liệu ở đó trong một, hai năm cho những đề tài nghiên cứu khác nhau. Dù không được tiếp cận với mọi tài liệu, nhưng cũng tìm được nhiều.
Đó là nguồn tài liệu lớn nhưng không phải là nguồn duy nhất. Ở nhiều tiểu bang như California, Texas, Virginia và bên Úc, bên châu Âu là những nơi có đông người Việt từng sống ở miền Nam trong giai đoạn đó thì đây là nguồn tài liệu tuyệt vời cho những chuyện kể lịch sử (oral history). Những sinh viên của tôi đến từ San Jose, từ Los Angeles dùng những nguồn tài liệu sống đó cho các bài viết. Ngoài ra tại Hoa Kỳ cũng có nhiều thư viện, đặc biệt là thư viện ở Berkeley, Washington, Cornell và Hawaii là kho tài liệu phong phú với những tạp chí, sách báo và ấn phẩm cũ của miền Nam Việt Nam.
GS Olga Dror, bên trái, GS Peter Zinoman và nhà văn Nhã Ca trong buổi giới thiệu bản Anh ngữ tác phẩm Giải khăn sô cho Huế tại Đại học Berkeley tháng 2/2015. Ảnh: Bùi Văn Phú.
Bùi Văn Phú: Theo Giáo sư, nghiên cứu về Việt Nam ngoài khó khăn trong tiếp cận với các văn khố ở Sài Gòn và Hà Nội, thì có sự kiểm duyệt của nhà nước tại Việt Nam hay có trở ngại nào khác?
Peter Zinoman: Tùy vào sinh viên và dự án nghiên cứu. Về văn khố, như tôi đã nói là không hoàn toàn mở đế tiếp cận với mọi thứ, vì thế sinh viên phải chú ý đến điều đó và những thông tin tìm được có thể bị lệch lạc một cách nào đó. Tôi đã đến văn khố ở Việt Nam làm việc trong nhiều năm và theo kinh nghiệm riêng thì căn bản là cần có thời giờ. Nếu chỉ có hai tuần lễ thì sẽ không làm được gì. Nhưng nếu có 2 tháng, 6 tháng hay một đôi năm thì sẽ có nhiều cách để tiếp cận tài liệu. Có khi muốn xem một tài liệu, yêu cầu cách này, họ nói không, nhưng xin cách khác có khi lại được. Đôi khi một nhân viên văn khố làm việc ngày đó không cho tiếp cận, hôm sau một người khác lại cho. Điều quan trọng nhất là thời giờ, cần phải có nhiều thời gian cho những công trình nghiên cứu loại này.
Khó khăn khác là ngôn ngữ. Đây là điểm mà sinh viên gốc Việt tại hải ngoại có lợi thế lớn nếu đã biết tiếng Việt và là một thử thách cho những sinh viên không phải gốc Việt. Biết tiếng Việt là một đòi hỏi rất quan trọng. Hai mươi lăm năm trước thì đó không phải là vấn đề. Ngày nay không những các văn khố đã mở ra mà còn có những nguồn tài liệu khác và sinh viên phải biết khai thác. Tiếng Việt là một ngôn ngữ khó học cho người nước ngoài. Tôi có những sinh viên gốc Việt và sinh viên không phải gốc Việt, tất cả rất cố gắng học tiếng Việt.
Bùi Văn Phú: Có đề tài nào chưa được nghiên cứu nhiều trong lịch sử Việt Nam, về miền Bắc cũng như miền Nam?
Peter Zinoman: Có nhiều đề tài thích thú cho cả hai miền. Lịch sử huyền bí của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với đời sống xã hội, văn hóa, kinh tế. Chúng ta chưa biết được xã hội miền Bắc được tổ chức ra sao để có thể động viên chiến đấu trong một thời gian quá lâu. Chúng ta cũng không biết nhiều về quân sử miền Bắc, như sức mạnh quân sự được xây dựng trên nền tảng kinh tế, xã hội và văn hoá ra sao. Những năm đầu của chế độ miền Bắc là những đề tài cần được nghiên cứu.
Với Việt Nam Cộng hòa, những nghiên cứu trong giai đoạn này luôn chú trọng nhiều đến sự can dự của người Mỹ và đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về đề tài này. Nhưng cũng chưa có nhiều nghiên cứu về lịch sử kinh tế của miền Nam, như về chính trị, văn hóa và xã hội để hiểu vì sao miền Nam Việt Nam đã không thể sống còn. Theo tôi nghiên cứu và tìm hiểu những đề tài đó rất là quan trọng.
Bùi Văn Phú: Giáo sư đã có những nghiên cứu về một vài nhân vật người Việt, chẳng hạn như về Vũ Trọng Phụng. Trong một dịp nói chuyện về tác giả này, Giáo sư có đưa ra nhận định Vũ Trọng Phụng là người cộng hòa đầu tiên. Giáo sư có thể giải thích rõ hơn về nhân vật này trong khung cảnh chính trị Việt Nam của thập niên 1930 và 1940, nhà văn đó có là người cộng hòa như ở Mỹ?
Peter Zinoman: Tôi không nhận định Vũ Trọng Phụng là một người cộng hòa theo nghĩa như là người Mỹ theo Đảng Cộng hòa. Đó là người cộng hòa khác. Cộng hòa ở đây với “chữ c không viết hoa”. Tôi đã mô tả Vũ Trọng Phụng như là một người cộng hòa theo ý nghĩa của chủ thuyết cộng hòa Pháp. Đó là truyền thống chính trị ở thế kỷ 18 đã dẫn đến cuộc cách mạng Pháp. Với niềm tin vào một quốc gia không bị cai trị bởi một thể chế quân chủ, không bởi một giáo hội, nhưng là một đất nước của dân, do dân và vì dân; với tự do, công bình, bác ái là những giá trị tất yếu cho một quốc gia tiên tiến. Truyền thống cộng hòa này đã góp phần cho cuộc Cách mạng Pháp và tạo nên một xã hội dân sự dân chủ, đưa đến những thăng tiến về giáo dục và khoa học.
Trong thời Pháp thuộc, nhiều trí thức Việt cũng bị tác động mạnh bởi truyền thống này và họ nhận ra rằng chính quyền thuộc địa Pháp không muốn thực hiện những lý tưởng cộng hòa. Nhưng họ hy vọng chế độ thuộc địa sẽ bị thay đổi, hay có thể bị lật đổ, và những lý tưởng cộng hòa có thể đạt được ở Việt Nam.
Những trí thức này khác với người cộng sản. Người cộng sản cũng nghĩ rằng chính quyền thuộc địa có thể bị lật đổ và một thể chế khác được thay vào đó. Nhưng chủ nghĩa cộng sản thì khác với lý tưởng cộng hòa. Vì thế qua những tác phẩm của Vũ Trong Phụng tôi xem ông như là một người đã theo đuổi và ủng hộ lý tưởng cộng hòa vào thời điểm đó.
Bùi Văn Phú: Trong lãnh vực văn chương, theo Giáo sư phong trào Nhân Văn Giai phẩm đã được nghiên cứu đầy đủ chưa?
Peter Zinoman: Tôi không nghĩ phong trào này đã được nghiên cứu đầy đủ. Vẫn còn nhiều đề tài liên quan cần được nghiên cứu.
Bùi Văn Phú: Thế còn Tự lực Văn đoàn?
Peter Zinoman: Nhiều đề tài về nhóm này cũng cần được nghiên cứu. Tôi có một cựu sinh viên là Martina Nguyễn, hiện giảng dạy tại Đại học Baruch ở New York, đã bảo vệ luận án Tiến sĩ về Tự lực Văn đoàn (2013), đặc biệt là về khuynh hướng chính trị của nhóm. Một phần của luận án sắp được xuất bản và cô cũng đang viết sách về cùng đề tài.
Bùi Văn Phú: Vì quan điểm chính trị của Hà Nội, trong quá khứ sinh viên và học giả tại Việt Nam đã không được phép nghiên cứu về Tự lực Văn đoàn. Ngày nay có những nghiên cứu nào tại Việt Nam về nhóm này không?
Peter Zinoman: Học giả ở Việt Nam từ cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990 đã được phép nghiên cứu về Tự lực Văn đoàn. Hầu hết những tác phẩm của nhóm cũng đã được tái bản ở Việt Nam. Từ đó đến nay đã có nhiều luận án Thạc sĩ và Tiến sĩ ở Việt Nam về nhóm này, về Nhất Linh, Thạch Lam v.v… Sinh viên và học giả được phép nghiên cứu, nhưng điều tôi không thấy là những suy nghĩ mới về nhóm như về khuynh hướng chính trị. Ở Việt Nam, viết về văn đoàn này thì được phép, cũng như viết về Vũ Trọng Phụng, nhưng không được giải thích khác đi về quan điểm chính trị của nhóm như bạn muốn. Vẫn có kiểm duyệt và có áp lực phải đi theo quan điểm chính thống. Nhìn chung đã có thay đổi, tốt hơn là thời trước đổi mới, nhưng vẫn còn những tiến bộ khác có thể làm được.
Bùi Văn Phú: Về trào lưu văn chương thời đổi mới và cởi trói văn nghệ vào cuối thập niên 1980 với Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Trần Mạnh Hảo mà Giáo sư và cô Nguyễn Nguyệt Cầm đã có dịch nhiều sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp ra tiếng Anh. Giáo sư có nghĩ là sẽ có một trào lưu cởi mở như thế nữa không?
Peter Zinoman: Đây là một câu chuyện phức tạp. Sự cởi mở bùng lên bắt đầu từ năm 1987, 1988 nhưng rồi bị đóng lại vào năm 1990, 1991. Những tác phẩm giá trị thời “Văn chương Đổi mới” của Dương Thu Hương, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp v.v… ra đời vào lúc đó. Nhưng rồi điều gì đã xảy đến với những nhà văn này. Bảo Ninh chẳng viết được thêm tác phẩm nào, Nguyễn Huy Thiệp tiếp tục viết nhưng những sáng tác của ông không chuyên chở nhiều ý nghĩa như trước. Còn Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài thì phải sống lưu vong. Theo tôi thì áp lực chính trị đã tiêu hủy trào lưu đó và đã không có một làn sóng như thế nữa.
Bùi Văn Phú: Giáo sư đã bắt nghiên cứu về Việt Nam từ giữa thập niên 1980 khi là sinh viên ở Đại học Tufts. Nguyên do nào khiến Giáo sư đã chú ý đến Việt Nam?
Peter Zinoman: Tôi đã chú ý đến Việt Nam từ trước đó bởi vì bố tôi là nhà ngoại giao công tác ở Đông Nam Á. Tôi sinh ra ở Thái Lan, học cấp 3 ở Malaysia, vì thế tôi thích Đông Nam Á. Khi tôi tốt nghiệp Đại học Tufts năm 1987 thì chính sách đổi mới cũng vừa được bắt đầu. Ở thời điểm đó Việt Nam đã cấm cửa không cho người Mỹ vào hơn 10 năm, riêng miền Bắc thì đã hơn 30 năm. Vì thế tôi nghĩ đây là cơ hội cho một làn sóng tiên phong những học giả đến Việt Nam để tìm hiểu xem nơi này ra sao.
Bùi Văn Phú: Giáo sư đến Việt Nam lần đầu tiên là khi nào?
Peter Zinoman: Vào năm 1989 khi tôi là một sinh viên ban Tiến sĩ đến học hai tháng ở Đại học Cần Thơ.
Bùi Văn Phú: Chắc khi đó là khoảng thời gian còn có nhiều khó khăn cho một người Mỹ ở Việt Nam?
Peter Zinoman: Năm 1989 là quãng thời gian rất khác. Cứ như là mình đi ngược lại thời gian. Việt Nam khi đó còn rất kém phát triển, Sài Gòn có rất ít xe ô-tô. Ở Cần Thơ khi tôi đi bộ ra đường thì có đám trẻ nhỏ tò mò đi theo vì các em chưa bao giờ thấy người da trắng, và dân chúng gọi tôi là “Liên Xô”. Thời đó điên loạn nhưng đó là thời gian thật tuyệt vời đối với tôi bởi vì nó rất là khác ngày nay. 
Bùi Văn Phú: Có điều gì Giáo sư muốn nói thêm về Việt Nam học tại Hoa Kỳ không?
Peter Zinoman: Mười năm trước chúng tôi cho ra đời tạp chí Journal of Vietnamese Studies, như thế cho thấy Đại học Berkeley đã đưa Việt Nam học lên tầm thật sự quan trọng.
B.V.P.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét