“Non nước thề bồi, thôi xí xóa” (Mênh mông thế sự 33)
bauxitevnMon 2:44 AM
Tương Lai
“Xí xóa” cho đỡ nặng nợ chuyện thề bồi trong “Mênh mông thế sự 32” đã nói. Không phải “xí xóa” vì cái lý đã tự trấn an “quỷ thần nào chứng ở hai vai” cho dù chưa đủ sức xua tan nỗi ám ảnh, nhưng cũng tạm nguôi ngoai sự bấn loạn. Kẻ “vô thần” đâu có tin chuyện quỷ thần mà “chứng” lại chả “chứng”. Thôi thì “làm sao cũng chẳng làm sao, dù có thế nào cũng chẳng làm chi”.
Mà “xí xóa” vì làm sao có thể thực hiện được lời thề khi sự lạc điệu đang tiếp tục được khẳng định mà sự lạc hậu ngày càng đẩy tới một cách nguy hiểm? Xin chỉ lẩy ra đây vài dòng tin nóng hổi trên báo chí “nhà nước” để nói tiếp điều đã nói kỳ trước.
Hai tờ báo thông tin lớn nhất (Thanh Niên và Tuổi Trẻ) đông bạn đọc nhất nước này, ít khi chịu đăng tin bài trùng hay na ná nhau, sao hôm nay “chí lớn gặp nhau” vậy?
Ảnh: FB Vũ Kim Hạnh trích ảnh báo Thanh Niên và báo Tuổi Trẻ
Hai từ “kiệt sức” đang đè nặng trên vai người nắm quyền cai trị cũng như mọi tầng lớp thần dân của triều đại Nguyễn Phú Trọng. “Doanh nghiệp đang trong trạng thái kiệt sức và Thủ tướng nêu quyết tâm cứu còn “chúng tôi kiệt sức rồi” là tiếng kêu của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long”. Và “kiệt sức” còn thể hiện ở việc “Chúng ta đứng trước nguy cơ là không còn bất kỳ một đồng nào để đầu tư phát triển nữa. Hiện nay gần 70% ngân sách nhà nước dùng cho chi thường xuyên, còn lại là dịch vụ nợ chiếm hơn 30%. Như vậy là toàn bộ 100% ngân sách nhà nước chỉ để chi cho hai việc ấy thôi”, Tạp chí điện tử viettimes.vndẫn lời của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong phân tích.
Hơn nữa, cũng theo chuyên gia này: “Nợ công tăng nhanh hơn mọi dự báo, kể cả những dự báo bi quan nhất, thậm chí vượt cả dự tính của Bộ Tài chính. Đây là một trong những dấu hiệu nguy hiểm nhất và ngày càng hiện hữu rõ hơn… So với các nước khác, thì nợ công của chúng ta còn nguy hiểm gấp đôi… Có hai tác nhân khiến cho nợ công của Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới là doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công.”
Một khi đã xác định kinh tế nhà nước là chủ đạo thì doanh nghiệp nhà nước là cái thùng không đáy để ngân sách rót vào. Nhưng không thế thì làm sao giữ được “định hướng xã hội chủ nghĩa”? Bởi vậy mới có chuyện “đầu tư công” ở Việt Nam không giống ai, khiến cho “nợ công của chúng ta nguy hiểm hơn nhiều nếu so với các nước khác, …nợ công của chúng ta còn nguy hiểm gấp đôi” như vừa dẫn. Thế nhưng, “đổi mới mô hình, thay vì đầu tư công ta chuyển sang đầu tư ngoài công, thay vì nhà nước làm ta chuyển sang tư nhân làm” như vị chuyên gia nọ khuyến cáo thì cắt mất cái đuôi xã hội chủ nghĩa rồi còn gì? Rồi thì mấy vị giáo sư ở cái học viện nọ mà dân mạng gọi là “ba gã bán tơ” lại đâm đơn tố cáo thì toi!
Đấy là chưa nói đến kết luận động trời của ông Tiến sĩ Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: “Ta đi sau Trung Quốc đã đành nhưng bi kịch ở chỗ ta lại đi theo cách của Trung Quốc, có nghĩa là học theo cả những kinh nghiệm xấu”.
Xấu là xấu thế nào, khéo không sẽ rơi vào luận điệu thù địch đấy TS. Trần Đình Thiên ạ. Dưng mà, theo Le Monde ngày 13.4. 2016 thì “Nợ công của Trung Quốc [cũng] chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm”!
Với bài “Trung Quốc, nỗi sợ lớn lao về nợ nần” thì “trong vòng bảy năm qua, nợ công Trung Quốc đã tăng lên gấp bốn lần, chủ yếu do cơn sốt xây dựng tại nhiều thành phố. Một số nhà kinh tế cho rằng đến năm 2020, tổng nợ công Trung Quốc sẽ lên đến 300% GDP, và như thế đừng mơ đến tăng trưởng”. Đấy là chưa nói “Trung Quốc đã trở thành trung tâm rửa tiền của tội phạm quốc tế. Theo cảnh sát và theo các báo cáo của tòa án châu Âu và Hoa Kỳ, Trung Quốc là nơi an toàn để giữ tiền, làm sạch chúng và bơm ngược trở lại vào hệ thống tài chính toàn cầu” như RFI ngày 12.4.2016 đưa tin.
Thế thoát ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc thì làm sao để giữ được cái ghế quyền lực đây? Chạm đến cái tử huyệt này thì xin hãy bớt mồm bớt miệng cho nhé. Đã bao gương tày liếp kia kìa. Nhưng nếu cứ “kiên định” mãi cái “định hướng” mà Đại hội XII vạch ra, kiên quyết tiếp tục theo cái mô hình đã kéo lùi Việt Nam trong sự lạc điệu để dẫn đến sự lạc hậu thê thảm, đưa tới sự “kiệt sức” như hiện nay thì những điều dẫn ra dưới đây sẽ là vô phương cứu chữa:
Theo viettimes.vn, điều nguy hiểm hiện nay là “Ngân sách nhà nước đang phải “nuôi” quá nhiều người. Ngoài bộ máy Đảng, bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cấp xã, phường ra còn “phải nuôi” các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể, các hội, thậm chí cả các hội nghề nghiệp nữa. Hệ thống Đảng cũng chừng ấy ban bệ; Nhà nước cũng chừng ấy ban bệ. Đoàn thể cũng chừng ấy ban bệ. Vẫn “bộ tứ”: mặt trận, công đoàn, đoàn thanh niên, phụ nữ.
…Nhiều ban bệ thì nhiều cán bộ. Có tổ chức chỉ có chục người mà tới bảy tám cán bộ lãnh đạo. Một vụ trưởng, ba bốn hàm vụ trưởng; rồi vụ phó, thậm chí năm bảy vụ phó. Bao nhiêu lãnh đạo thì chừng ấy xe cộ, chừng ấy lái xe... Điều đáng lo ngại nữa là số lượng công chức, cán bộ hưởng lương, chế độ đãi ngộ cao đang ngày một tăng nhanh. Rồi thì cấp tướng trong quân đội và công an có cần phải bổ nhiệm nhiều đến như vậy không. Ngân sách nào chịu cho nổi.”
Để hoàn chỉnh diện mạo của đối tượng mà ngân sách nhà nước từ tiền thuế của dân phải è cổ gánh chịu, cần phải lưu ý thêm một điều mà bài báo nói trên tô đậm: “Nạn chạy chức, chạy quyền, chạy tội đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn”. Đã thế, “họ chạy xong chức rồi thì phải vơ vét để hoàn lại vốn”, dẫn lời phát biểu của một nghị sĩ trước Diễn đàn Quốc hội, “Viet Times” đặt câu hỏi: “Một nhiệm kỳ bao gồm chạy chức, xong rồi thì phải thuhồi vốn, thu hồi xong phải làm lãi, sau đó mới là phục vụ. Thử hỏi 5 năm một nhiệm kỳ như thế thì họ thực sự làm việc được mấy năm?”.
Chính sự thống trị của tư duy nhiệm kỳvới sự áp đặt của nguyên tắc “tập trung dân chủ” trong “cơ cấu” thành phần lãnh đạo và “quy hoạch cán bộ”, thực chất là sự lũng đoạn của một nhóm lợi ích, tạm câu kết với nhau tuy luôn ẩn chứa những xung đột, gầm ghè thanh toán lẫn nhau nhưng tạm thời thoả hiệp để cùng giữ cái ghế quyền lực đã dẫn tới cái kết cục thảm hại là “trình độ cán bộ cứ “lùn” dần qua các nhiệm kỳ. Đây là nguy cơ hiện hữu không chỉ thiệt hại một vài năm, mà nó còn hệ lụy hàng thế hệ, thậm chí hàng vài thế hệ người Việt Nam” - bài báo chua chát nhận định. Còn tệ hơn, từ những dẫn chứng trên mà hạ bút nặng nề: “Nó không có ngọn hải đăng. Nó mịt mù”.
Chết thật, vậy “ánh sáng của Đảng”, rồi những lời vàng ngọc của cụ Tổng dẫn đường chỉ lối thì đang soi rọi cái lỗ mô? Phải soát xét lại thật kỹ lại xem tay đưa ra kết luận sầu đời này có là “thoái hoá biến chất” bị kẻ xấu mua chuộc dụ dỗ rồi nói bậy, hoặc thuộc loại “tự diễn biến” mà dám đạp đổ “ngọn hải đăng” khiến con tàu mịt mù phương hướng?
Nhưng soát xét kỹ nhân thân lý lịch của người viết những dòng trên thì lại oách ra phết. Thế mới gay chứ. Thì đây: “Tôi đã đã từng được tham dự một số cuộc họp của Hội đồng lý luận Trung ương. Có lần được tham dự cuộc gặp gỡ tại một phòng họp ở Phan Đình Phùng (Hà Nội), nơi được giới thiệu là phòng đối thoại với trí thức. Tham dự có cả ông Lê Hồng Anh, khi ấy đang là Thường trực Ban Bí thư; ông Đinh Thế Huynh và ông Phùng Hữu Phú (khi ấy đều đang là Trưởng và Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương). Đây là cuộc đối thoại với những trí thức có quan điểm khác với chính thống để tạo ra những quan điểm chung thống nhất, nhưng cuối cùng cũng chẳng đi đến đâu”. Không có “phần tử thù địch” nào ở đây cả nhé, quy kết thế nào đây? Chẳng nhẽ “làm chi cũng chẳng làm chi, dù có là gì cũng chẳng làm sao” à?
Phải chăng, để lý giải cái chuyện “mịt mù” này thì chỉ cần dẫn lời của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh “Chúng ta đổi mới kinh tế 30 năm nhưng thể chế chính trị của chúng ta vẫn là thể chế chính trị thời bao cấp”, một tiếng nói hiếm hoi tưởng chừng lạc lõng giữa Đại hội XII nhưng lại có sức cảnh tỉnh! Mà cảnh tỉnh, vì đã dám nói lên điều mà nhiều người ngồi đó cũng phần nào thấy ra nhưng lại cố lảng tránh vì sợ “phạm huý”: phải đổi mới thể chế chính trị đã quá lạc điệu với thời đại, đó là đòi hỏi bức xúc và đã chín muồi của cuộc sống.
Hơn nữa, sự lạc điệu với thời đại của nền văn minh trí tuệ và kinh tế tri thức được bộc lộ rõ hơn khi tác giả bài báo dẫn ra lời răn dạy của ông cha ta cho mọi triều đại “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” để mà nhìn vào “triều đại Trọng” hiện nay: “Đội ngũ trí thức không những không được coi trọng, không được đánh giá đúng mức mà hiện đang có một xu hướng rất nguy hiểm, đó là người ta đang làm hỏng cả một đội ngũ trí thức.
Hay nói đúng hơn là đội ngũ trí thức đang bị hư hỏng bởi một vài người làm chính trị, một vài con buôn; kể cả "con buôn" kinh tế theo đúng nghĩa của từ này. Có những "con buôn" trở thành người đứng đầu một đơn vị khoa học rất lớn. Nó truyền cái tư duy “con buôn” làm hỏng đội ngũ khoa học và chất lượng các công trình khoa học, làm xấu đi hình ảnh trí thức Việt Nam”.
Mấy từ “làm xấu đi” e rằng chưa đủ diễn đạt cái thực trạng mà cần thay bằng hai từ “băng hoại” giới trí thức. Thì chỉ cần dẫn ra một ví dụ nhỏ, rất nhỏ: làm sao mà bịt được chuyện ông tân Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã từng chịu kỷ luật vì tội quay cóp bị bắt quả tang. Cách đây 10 năm, trong số ra ngày 10-7-2006, báo Tuổi Trẻ cho biết, “ông Đào Ngọc Dung - Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn - bị bắt quả tang quay cóp trong kỳ thi tuyển sinh sau đại học tại Học viện Hành chính Quốc gia”. 20 ngày sau, VNExpress (30-7-2006) loan tin: “BCH TƯ Đảng vừa quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách và phân công công tác khác đối với ông Đào Ngọc Dung, Ủy viên TƯ Đảng, bí thư thứ nhất TƯ Đoàn”.
Không cần nhắc lại chuyện xấu hổ này, đúng hơn là chuyện đã “đứt giây thần kinh xấu hổ” như cách nói dân gian thời nay, tác giả bài báo trên đưa ra nhận định còn dữ dằn hơn: “Một khi trí thức mà bị mai một, bị biến dạng, bị méo mó, thậm chí là không còn biết xấu hổ nữa …trí thức thì lại đối xử với nhau theo kiểu dùng thủ thuật chính trị, của con buôn. Ngược lại, một số "con buôn" lại muốn khoác áo trí thức trong lúc nhập nhờ”.
Thế nào là con buôn, đặc biệt là con buôn chính trị thì chắc còn phải bàn dài dài, nhất là khi “đang thiếu thước đo” như bài báo nói trên nhấn mạnh. “Một vài nơi mới có chuyện “ông” nào nói to, “ông” nào nhiều tiền thì “ông” ấy đúng. Thế thì chết rồi. Nó không có ngọn hải đăng. Nó mịt mù, mù mờ, nó nhập nhằng”.
Mà vì mù mờ, nhập nhằng nên có những con buôn chính trị đã công khai cao giọng dạy dỗ tuốt luốt từ Tổng Bí thư cho đến cả Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ. Nói chung là dạy dỗ cả cái thể chế này phải làm như vầy, như vầy… mà chẳng ai dám động chạm đến ngòi bút cũng như những hành động “vượt trội”, ngôn từ giới quảng cáo hay dùng, của anh ta! Nếu diễn đạt sự kiện này theo ngôn từ của Nguyễn Công Trứ thì chính là:
Mặc sức đâm thùng và tháo đáy
Tha hồ tráo đấu lại lừa thưng*
Khẩu khí quả là “vượt trội”, một minh chứng hùng hồn cho lời tuyên bố “dân chủ đến thế là cùng”! Nhưng xem kỹ ra, trong sự vượt trội này thì có dáng dấp khẩu khí của “siêu lừa” Sở Khanh “Ta đây nào phải ai đâu mà rằng! Nàng đà biết đến ta chăng, Bể trầm luân lấp cho bằng mới thôi!” . Và, “ta đây” đang sử dụng chiêu độc:
Đà đao sắp sẵn chước dùng,
Lạ gì một cốt một đồng xưa nay…
Đành rằng “Chính trị tuy phù du nhưng là một phương trình vĩnh cửu” như Einstein đã từng chỉ ra và Mahatma Gandhi thì lưu ý: “Chỉ khi có sự hài hòa giữa tư tưởng, lời nói và hành động luôn nhắm tới sự trong sạch trong tư tưởng thì mọi thứ mới sẽ tốt đẹp”.
Khi không có được sự trong sạch đó thì dù có huênh hoang rằng “không làm chính trị, chỉ làm điều thiện nguyện” e chẳng thể lừa bịp được ai, cho dù có là “siêu lừa”! Nên nhớ cho rằng “Con đường đạo đức vừa nhỏ hẹp vừa nguy hiểm, con đường tội lỗi vừa rộng rãi vừa bằng phẳng. Nhưng điểm cuối của hai con đường khác nhau. Theo cái sau là đến chỗ chết, theo cái trước thì được sống và được sống mãi mãi”. Khuyến cáo ấy của Cervantes, tác giả của Đông Kisốt, vẫn mang ý nghĩa thời sự nóng hổi.
Xin dừng lại đây cho dù có là một Đông Kisốt lạc lõng trong cái buổi nhố nhăng “Nghe như chọc ruột tai làm điếc, giận dẫu căm gan miệng mỉm cười”!**
Ngày 17.4.2016
T. L
______________
* Nguyễn Công Trứ. “Bọn ích kỷ”
** Nguyễn Công Trứ. “Cách ở đời”
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét