Bàn về chỗ đứng
bauxitevn7:47 AM
Nguyễn Đình Cống
Về việc Tam trụ quốc gia (bà Ngân, ông Quang, ông Phúc) đứng thề trước Quốc kỳ, hai ông bạn già của tôi (ông Cầu và ông Toàn) tranh luận, không thống nhất được, yêu cầu phân xử.
Ông Cầu cho rằng đứng thề trước Quốc kỳ thì mặt phải nhìn vào lá cờ chứ xoay lưng lại là bất kính. Thí dụ thằng con tôi, xin đứng trước bố để trình bày, nó phải quay mặt nhìn vào tôi chứ quay lưng lại, để tôi nhìn vào mông nó thì xem sao được.
Ông Toàn cho rằng các ông bà ấy làm thế cũng được vì bị vướng vào thế kẹt, đứng vào giữa Quốc hội (đang ngồi trong hội trường) và Quốc kỳ phía sau sân khấu, nếu quay mặt nhìn cờ thì phải quay lưng về Quốc hội. Mà dù cho quay lưng lại phía cờ thì vẫn là đứng trước chứ có đứng sau đâu. Hơn nữa thường thấy trên tivi, các ông như Thủ tướng Nhật, tổng thống Mỹ v.v…, khi bước lên diễn đàn, cúi đầu chào Quốc kỳ rồi ngoảnh lưng lại và nhìn xuống hội trường để phát biểu, chẳng thấy có ai nhìn vào lá cờ và quay lưng lại phía hội trường.
Nghe xong tôi mới phân trần: Việc các ông bà đọc lời thề, đối với nhiều nước là bình thường, nhưng đối với ta là rất mới, đáng hoan nghênh. Hơn nữa trong lời thề, tuy có chỗ chưa thật hay, chưa thật chặt chẽ, nhưng không có cụm từ “tuyệt đối trung thành với Đảng CS, kiên trì Chú nghĩa Mác Lê” thì đã là có tiến bộ lớn về phía dân chủ. Trong lời thề của quân đội, cụm từ ‘Trung với nước, hiếu với dân’ do Hồ Chủ tịch nêu ra, sau được sửa thành ‘Trung với Đảng, hiếu với dân’ vẫn bị bắt buộc dùng cho đến bây giờ. Lời thề của 3 vị gần giống nhau hoàn toàn, chứng tỏ không phải do từng vị nghĩ ra mà chép từ một mẫu chung, do ai đó soạn sẵn, đã được thông qua ở cấp cao, và như vậy những người có liên quan đều đã thống nhất được là bỏ cụm từ tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản. Như vậy lời thề tuy có bị sáo vẹt nhưng đã có ý mới.
Điều các ông bàn là đứng trước thế nào cho đúng thì tôi cũng không thật am hiểu, kể ra gặp mà hỏi được ai đó thành thạo về lễ tiết thì hay hơn. Tuy vậy tôi cũng xin nói vài điều thuộc hiểu biết cá nhân để các ông tham khảo chứ không tham gia tranh luận đúng sai, càng không dám xem là giải thích theo sách vở.
Trong tiếng Việt, các từ trước, sau là trạng từ chỉ vị trí tương đối, vừa dùng cho không gian và thời gian. Ở đây chỉ bàn về từ trước liên quan đến 2 đối tượng A, B trong không gian. Khi A, B chuyển động cùng chiều trên cùng quỹ đạo thì trước sau là khá rõ ràng và duy nhất (chuyển động khác chiều hoặc không cùng quỹ đạo thì không có trước sau). Với 2 đối tượng tĩnh thì cần xét xem các đối tượng có phân biệt mặt trước, mặt sau hay không, có quan hệ với đối tượng thứ ba C không và trong một số trường hợp đặc biệt còn phải xét đến ý nghĩa của quan hệ. Tôi chưa đủ trình độ về ngôn ngữ để khái quát hóa, để đưa ra các định nghĩa, chỉ xin nêu vài trường hợp để liên hệ.
Khi A, B ở cạnh nhau, tĩnh tại, thường không phân biệt trước sau, chỉ xét trước sau khi cả hai cùng hướng về một vật thể, một công việc nào đó. Lúc này đối tượng nào ở gần hơn là trước. Tương tự , khi A, B đều đứng yên, liên quan đến đối tượng C đang ở yên hoặc chuyển động về phía A, B thì đối tượng nào gần C hơn là trước. Khi có một số người xếp hàng, đầu hàng có lá cờ (hoặc một biểu tượng gì đó), như vậy lá cờ ở trước, mọi người theo thứ tự ở sau, mặt mỗi người có thể nhìn vào cờ hoặc nhìn chỗ khác. Khi 2 người A, B nhìn vào nhau để nói chuyện thì A ở trước B và B ở trước A, không có ai ở sau cả. Bình thường khi nói “tôi đứng trước ngôi nhà” (hoặc tượng đài…, là vật có mặt trước mặt sau rõ ràng) thì quan trọng là đang đứng tại mặt trước của nó, còn mặt của tôi hướng về đâu không quan trọng. Khi A đứng trước B làm một việc gì đó có liên quan đến nó, để tỏ lòng kính trọng thì mặt A phải hướng về phía B, mắt nên nhìn vào B.
Trong việc cúng bái, tế lễ (thần thánh, tổ tiên) có câu “Tế như tại” (Cúng tế ai thì phải xem rằng vị đó đang tồn tại, đang có mặt, đang chứng giám, nhìn thấy không những bề ngoài mà thấu hiểu cả suy nghĩ thầm kín của thân chủ). Thề là việc làm thiêng liêng, cần có một thế lực có sức mạnh hùng hậu chứng giám, để nếu lời thề bị vi phạm thì sức mạnh đó có đủ điều kiện trừng phạt. Vì vậy trong lời thề thường kèm theo đoạn: “Nếu tôi vi phạm lời thề thì sẽ bị trừng phạt… như thế… như thế…”. Lời thề mà viện dẫn một lực lượng không có đủ sức mạnh cần thiết, không tàng ẩn sự trừng phạt cần thiết thì có giá trị rất thấp (tôi xin thề làm tròn trách nhiệm, nhưng nếu không làm tròn cũng chẳng sao cả). Chính vì ý nghĩa này mà ở nhiều nước, các nguyên thủ khi thề phải đặt tay lên Kinh Thánh và viện dẫn Thượng đế. Viện dẫn những đối tượng dù có thiêng liêng đến đâu mà không có sức mạnh trừng phạt để thề thì nếu không nhằm lừa dối cũng là kém hiểu biết. [Bạn nào đã đọc tiểu thuyết Cristan Ison [Tristan et Iseult – BVN], xin nhớ lại các lời thề của hoàng hậu tóc vàng để chiêm nghiệm ‘lời thề cá trê chui ống’ – một lần dưới đêm trăng, cạnh cây cổ thụ và lâu đài, lần khác trên bờ sông sau khi Ison được cõng từ thuyền xuống bến].
Việc viện dẫn Quốc kỳ để thề, tưởng rằng linh thiêng nhưng vô nghĩa vì Quốc kỳ không có sức mạnh để trừng phạt khi cần thiết. Mà đã viện dẫn Quốc kỳ thì cũng như ông Cầu nói là nên hướng mặt vào chứ không nên quay lưng lại. Các ông Thủ tướng Nhật, Tổng thống Mỹ, cúi đầu chào cờ rồi quay lưng lại là thực hiện nghi lễ khi phát biểu chứ không phải khi thề nhậm chức. Nếu nói rằng các vị bị kẹt giữa chỗ ngồi của Quốc hội và vị trí của cờ thì chỉ cần một việc nhỏ là ra hiệu cho người cầm cờ đi ra phía trước sân khấu là được. Hai ông tên Cầu và Toàn nhưng trong mọi việc ở đời chúng ta không nên cầu toàn, có thế mới sống thoải mái được.
Tôi trình bày đến đây thì ông Toàn rót 3 chén rượu, mời cạn chén và chúng tôi kết thúc buổi trò chuyện trong tiếng cười đùa vui vẻ.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét