Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

Thông báo số 143-TB/TW ngày 20/4/2004 của Ban Bí thư Trung ương đã phá bỏ nền tảng nhà nước pháp trị, đứng trên cả Hiến pháp và pháp luật

Thông báo số 143-TB/TW ngày 20/4/2004 của Ban Bí thư Trung ương đã phá bỏ nền tảng nhà nước pháp trị, đứng trên cả Hiến pháp và pháp luật

bauxitevnSun 9:29 AM


Luật sư Nguyễn Lệnh (Cựu Hướng đạo sinh Hội Hướng đạo Việt Nam)
Ngày 20/4/2004, Ban Bí thư Trung ương đã ra một văn bản gọi là “THÔNG BÁO Ý KIẾN CỦA BAN BÍ THƯ về hoạt động hướng đạo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh” do ông Phan Diễn ký, trong đó có ba nội dung chính, xin trích dẫn:
“Từ sau kháng chiến chống Pháp, ở miền Bắc tổ chức hướng đạo đã ngừng hoạt động và gia nhập Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam”.
“Hiện nay, ở nước ta đã có nhiều hội, đoàn thể với đối tượng bao gồm mọi giới, mọi lứa tuổi đang hoạt động, nếu chính thức cho tái lập thêm tổ chức hướng đạo thì sẽ dẫn đến tranh giành lực lượng, tranh giành quần chúng giữa hướng đạo với các tổ chức đã có và tạo ra tiền lệ đa nguyên trong tổ chức quần chúng”.
“Vì vậy, không đặt vấn đề tái lập tổ chức hướng đạo, cũng như tránh lập thêm các hội, đoàn mới”

Trong một bài viết trước đây (1), tôi đã trình bày các căn cứ và chứng cứ pháp lý hết sức rõ ràng để chứng minh rằng tổ chức xã hội dân sự mang tên là Hội Hướng Đạo Việt Nam thành lập ngày 7/2/1946 vẫn tồn tại và hoạt động hợp pháp, ít nhất là cho đến năm 1965 chớ không phải như lời khẳng định của Ban Bí thư Trung ương trong Thông báo số 143 là “đã ngừng hoạt động” từ sau kháng chiến chống Pháp. Vì vậy, tôi không phân tích thêm nội dung này. Riêng với hai nội dung còn lại, xin được trình bày như sau:
Trước hết, xin trích dẫn các căn cứ pháp lý liên quan đến quyền lập hội được quy định trong Hiến pháp và pháp luật:
- Hiến pháp ngày 15/4/1992 (sửa đổi bổ sung 2001):
Điều 69. “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. 
- Luật quy định quyền lập hội ngày 20/5/1957:
Điều 1. “Quyền lập hội của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm. Lập hội phải có mục đích chính đáng, phù hợp với lợi ích nhân dân, có tác dụng đoàn kết nhân dân, để góp phần xây dựng chế độ dân chủ nhân dân của nước ta”.
Điều 2. “Mọi người đều có quyền lập hội, trừ những người mất quyền công dân hoặc đang bị truy tố trước pháp luật.
Mọi người có quyền tự do vào hội thành lập hợp pháp, và có quyền tự do ra hội.
Không ai được xâm phạm quyền lập hội và quyền tự do vào hội, ra hội của người khác”.
Điều 3. “Để đảm bảo việc lập hội có mục đích chính đáng, bảo vệ và củng cố chế độ dân chủ nhân dân, lập hội phải xin phép.
Thể lệ lập hội sẽ do Chính phủ quy định”
- Bộ luật hình sự 1999:
Điều 129. Tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. 
1. Người nào có hành vi cản trở công dân thực hiện quyền hội họp, quyền lập hội phù hợp với lợi ích của Nhà nước và của nhân dân, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
- Nghị định của Chính phủ số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội: 
Điều 2. Hội
1. Hội được quy định trong Nghị định này được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hổ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Điều 4. Tên, biểu tượng, trụ sở, con dấu và tài khoản của hội
1.Tên của hội được viết bằng tiếng Việt, có thể được phiên âm, dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài; tên, biểu tượng của hội không được trùng lặp, gây nhầm lẫn với tên của hội khác đã được thành lập hợp pháp; không vi phạm đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa dân tộc.
Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày 15/4/1992 (sửa đổi bồ sung 2001) cũng có ghi tại Điều 4 rằng: “Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; và Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chính là một“tổ chức của Đảng” được ghi ở Điều 4 này.
Căn cứ vào các quy định về quyền lập hội trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật đang có hiệu lực thi hành thì có thể nhận thấy ngay không hề có nội dung cấm đoán nào như trong Thông báo số 143 đã nói: “Hiện nay, ở nước ta đã có nhiều hội, đoàn thể với đối tượng bao gồm mọi giới, mọi lứa tuổi đang hoạt động, nếu chính thức cho tái lập thêm tổ chức hướng đạo thì sẽ dẫn đến tranh giành lực lượng, tranh giành quần chúng giữa hướng đạo với các tổ chức đã có và tạo ra tiền lệ đa nguyên trong tổ chức quần chúng”. Hiến pháp và pháp luậtkhông hề quy định dành “độc quyền” cho các tổ chức như Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và Hội Sinh viên Việt Nam như Thông báo số 143 đã tạo ra. Bởi vì, pháp luật về quyền lập hội được làm ra là để áp dụng cho mọi cá nhân, tổ chức như ghi tại Điều 2 của Luật quy định quyền lập hội ngày 20/5/1957: “Mọi người đều có quyền lập hội, trừ những người mất quyền công dân hoặc đang bị truy tố trước pháp luật”. Pháp luật không hề có quy định cái gọi là “tiền lệ đa nguyên” hoặc dành “độc quyền” cho Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam… 
Sự “độc quyền” mà Thông báo số 143 tạo ra là nhằm cấm đoán hoạt động của Hội Hướng đạo Việt Nam hay “không đặt vấn đề tái lập tổ chức hướng đạo”. Lập luận để “độc quyền” này lại càng không có căn cứ nếu xem xét đến thời điểm thành lập Hội Hướng đạo Việt Nam khi được Bộ Nội vụ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phê duyệt Điều lệ hội là ngày 7/2/1946, nhưng phải đến ngày 9/11/1946 – tức là 9 tháng sau, thì Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập mới ra đời. Điều này có nghĩa là Hội Hướng đạo Việt Nam đã hoạt động hợp pháp, có tư cách pháp nhân là một tổ chức xã hội dân sựtrước khi các tổ chức chính trị khác đăng ký hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp (ngày 9/11/1946) và pháp luật như: Đảng Cộng sản Việt Nam – là một tổ chức chính trị, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh – là một tổ chức chính trị xã hội, Hội Sinh viên Việt Nam – là một tổ chức chính trị xã hội và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam – là một tổ chức xã hội. (2) 
Vì vậy, cái cớ “tranh giành lực lượng, tranh giành quần chúng giữa hướng đạo với các tổ chức đã có và tạo ra tiền lệ đa nguyên trong tổ chức quần chúng” trong Thông báo số 143 là hoàn toàn do Ban Bí thư đặt ra để tạo sự “độc quyền” cho các tổ chức do Đảng Cộng sản Việt Nam lập ra và với mục đích cấm đoán, không cho tái lập Hội Hướng đạo Việt Nam chớ Hiến pháp 1992, Luật quy định quyền lập hội ngày 20/5/1957 và Nghị định Chính phủ số 45/2010 không hề quy định nội dung cấm đoán này. Do đó, có thể khẳng định rằng Thông báo số 143 của Ban Bí thư Trung ương đã phá bỏ nền tảng nhà nước pháp trị, tự đặt mình đứng trên cả Hiến pháp và pháp luật, tự đặt ra những cấm đoán không hề có trong Hiến pháp và pháp luật nên đã xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, của tổ chức xã hội dân sự là Hội Hướng đạo Việt Nam.
Có hai cơ quan nhà nước là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh (Sở Nội vụ) đã ra những quyết định hành chính, trong đó chỉ biết đến Thông báo số 143-TB/TW ngày 20/4/2004 của Ban Bí thư Trung ương. Các cơ quan nhà nước này đã viện dẫn nội dung trong Thông báo số 143 của Ban Bí thư làm căn cứ pháp lý để bác đơn xin thành lập Hội Hướng đạo Việt Nam của các công dân Đặng Văn Việt và Phạm Thanh Hiệp mà không cần biết, hay giả vờ không biết đến các quy định về quyền lập hội trong Hiến pháp 1992 và các văn bản pháp luật khác. Xin trích dẫn văn bản của hai cơ quan nhà nước đó là:
1/ Quyết định hành chính số 164/SNV-VP ngày 08/02/2013 của Sở Nội vụ - UBND Tp. Hồ Chí Minh, do ông Lê Văn Làm ký, trả lời bác đơn ông Phạm Thanh Hiệp “Về thành lập Hội Hướng đạo sinh thành phố” với lý do như sau: “Không thành lập Hội Hướng đạo sinh thành phố Hồ Chí Minh vì hiện nay tại thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều tổ chức hoạt động của giới trẻ như Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên, Hội Sinh viên”.
2/ Quyết định hành chính số 1507/BVHTTDL-TCCB ngày 17/5/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, do ông Lê Tiến Thọ ký, đã bác đơn “V/v đề nghị phục hồi chơi hướng đạo” của ông Đặng Văn Việt với lý do như sau: “Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có thông báo về hoạt động hướng đạo hiện nay tại một số tỉnh, thành phố và chỉ rõ: ‘không đặt vấn đề tái lập tổ chức hướng đạo, cũng như thành lập thêm các hội đoàn mới’. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo để ông biết”
Thông báo số 143-TB/TW ngày 20/4/2004 của Ban Bí thư Trung ương – và các quyết định hành chính của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của Sở Nội vụ - UBND Tp. Hồ Chí Minh – đã phá bỏ nền tảng nhà nước pháp trị, đứng trên cả Hiến pháp và pháp luật. Những văn bản vi phạm Hiến pháp và pháp luật này chắc chắn sẽ phải được Tòa án xem xét đến tính hợp pháp và đến trách nhiệm pháp lý của các cá nhân, cơ quan, tổ chức đã làm ra các văn bản xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của những công dân hội viên Hội Hướng đạo Việt Nam xin lập hội hợp pháp.
3/2016
N. L.
Tác giả gửi BVN.
--------------------------------------
(1) “Văn bản của Ban Bí thư Trung ương không có căn cứ pháp lý đã xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của một tổ chức xã hội dân sự” – Ls Nguyễn Lệnh.
(2)
- https://vi.wikipedia.org/wiki/Đoàn_Thanh_niên_Cộng_sản_Hồ_Chí_Minh
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị - xã hội lớn nhất của thanh niên Việt Nam dưới Đảng Cộng sản Việt Nam.
- https://vi.wikipedia.org/wiki/Đội_Thiếu_niên_Tiền_phong_Hồ_Chí_Minh
Đội là nòng cốt trong các phong trào thiếu nhi, là lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường, là lực lượng dự bị của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh"
- https://vi.wikipedia.org/wiki/Hội_Sinh_viên_Việt_Nam
Hội sinh viên Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội, hoạt động song song với Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
- https://vi.wikipedia.org/wiki/Hội_Liên_hiệp_Thanh_niên_Việt_Nam
Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam là một tổ chức xã hội rộng rãi của thanh niên Việt Nam
clip_image002
(4)
clip_image004

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét